Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh

Một số vấn đề cần lưu ý khi đề ra yêu cầu kiểm tra, xác minh trong việc giải quyết nguồn tin về tội phạm

Thứ năm - 02/02/2023 03:03 5.427 0
Công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố là công tác rất quan trọng, là hoạt động mở đầu của quá trình giải quyết vụ án hình sự, là căn cứ để kịp thời phát hiện hành vi phạm tội xảy ra, xác định có hay không có dấu hiệu tội phạm để xem xét, quyết định việc khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự do Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thực hiện, đảm bảo mọi hành vi vi phạm pháp luật phải được xử lý kịp thời, tránh oan sai và bỏ lọt tội phạm.
Đề ra yêu cầu kiểm tra, xác minh là một quyền năng pháp lý quan trọng và cơ bản của Viện kiểm sát khi thực hành quyền công tố trong việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm được quy định tại Khoản 2 Điều 159 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; Khoản 1 Điều 10 Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 29/12/2017, Quy định việc phối hợp giữa các có thẩm quyền trong việc thực hiện một số quy định của Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2015 về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố (Gọi tắt là TTLT số 01/2017); Điều 11 Quyết định 169/QĐ-VKSTC năm 2018 về Quy chế tạm thời Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành.
thể định nghĩa, Đề ra yêu cầu kiểm tra, xác minh của Viện kiểm sát là một quyền năng cơ bản, quan trọng và bắt buộc được thực hiện đối với Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra khi thực hành quyền công tố trong việc giải quyết nguồn tin về tội phạm do Kiểm sát viên được phân công thụ lý, giải quyết ban hành, nhằm mục đích làm rõ những vấn đề cần kiểm tra, xác minh để thu thập chứng cứ, hoàn thiện các thủ tục tố tụng; bảo đảm cho việc giải quyết nguồn tin về tội phạm được khách quan, toàn diện theo đúng quy định của pháp luật.

1. Thời điểm ban hành yêu cầu kiểm tra, xác minh
Đối với thời điểm đề ra yêu cầu kiểm tra, xác minh có rất nhiều quan điểm tranh luận được đưa ra, chẳng hạn: Khi nào thì cần phải đề ra yêu cầu kiểm tra, xác minh trong quá trình xác minh nguồn tin về tội phạm? Có nhất thiết tất cả các tin báo, tố giác về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố đều phải đề ra yêu cầu kiểm tra, xác minh không?
Xuất phát từ mục đích của đề ra yêu cầu kiểm tra, xác minh của Viện kiểm sát là nhằm bảo đảm Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Điều tra viên, Cán bộ điều tra kịp thời thu thập đầy đủ chứng cứ, tài liệu, làm sáng tỏ nguồn tin về tội phạm theo đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và xuất phát từ thực tiễn giải quyết các tin báo, tố giác hoặc kiến nghị khởi tố về tội phạm cho thấy sự cần thiết phải ban hành bản yêu cầu kiểm tra, xác minh đối với nguồn tin về tội phạm.
Điều này đồng nghĩa với việc trong giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm Kiểm sát viên căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 159 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 để đề ra yêu cầu kiểm tra, xác minh“Khi cần thiết, đề ra yêu cầu kiểm tra, xác minh và yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết nguồn tin về tội phạm thực hiện”. Mặt khác, đây là nhiệm vụ đã được Viện trưởng VKSND tối cao giao tại Chỉ thị công tác năm 2020 về vấn đề tăng cường yêu cầu kiểm tra, xác minh, yêu cầu điều tra.
Từ những phân tích nêu trên, có thể thấy, trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, nếu có vấn đề xét thấy cần thiết, Kiểm sát viên chủ động đề ra yêu cầu kiểm tra, xác minh để kiểm tra tính xác thực của tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; thu thập, củng cố chứng cứ, tài liệu, đồ vật để làm rõ những tình tiết liên quan đến những vấn đề phải chứng minhtrong vụ án hình sự được quy định tại Điều 85, Điều 441 Bộ luật Tố tụng hình sự.
Ngay từ khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, Kiểm sát viên phải chủ động nghiên cứu nội dung tố giác, tin báo về tội phạm, trường hợp cần thiết phải đề ra yêu cầu xác minh, tham gia xác minh và phát hiện kịp thời những thiếu sót trong quá trình xác minh, thu thập chứng cứ buộc tội, chứng cứ gỡ tội để đánh giá vụ việc khách quan, có căn cứ, đúng pháp luật trước khi CQĐT ra quyết định khởi tố vụ án, không khởi tố vụ án hoặc tạm đình chỉ giải quyết. Như vậy, không bắt buộc phải đề ra yêu cầu kiểm tra, xác minh đối với việc giải quyết tất cả các nguồn tin về tội phạm, mà chỉ khi nào xét thấy cần thiết, đối với những vụ việc chưa rõ ràng, còn nhiều vấn đề thắc mắc. Việc đề ra yêu cầu kiểm tra, xác minh trong quá trình xác minh nguồn tin về tội phạm được tiến hành trước thời điểm khởi tố vụ án, không khởi tố vụ án hoặc tạm định gỉ giải quyết nguồn tin về tội phạm.

2.   Về hình thức của yêu cầu kiểm tra, xác minh  
Thứ nhất, bằng lời nói: Kiểm sát viên có thể đề ra yêu cầu kiểm tra, xác minh bằng lời nói trong quá trình trực tiếp kiểm sát các hoạt động điều tra được tiến hành trong giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm. Yêu cầu bằng lời nói thường được thực hiện ngay để đảm bảo tính kịp thời.
Thứ hai, bằng văn bản: Bản yêu cầu kiểm tra, xác minhcủa Viện kiểm sát là văn bản pháp lý trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi thực hành quyền công tố trong việc giải quyết nguồn tin về tội phạm được quy định trong các văn bản pháp luật, nhằm bảm đảm những nguyên tắc cơ bản của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, nhất là nguyên tắc “Suy đoán vô tội” được quy định tại Điều 13 của Bộ luật này.
Văn bản yêu cầu kiểm tra, xác minh phải thực hiện đúng quy định theo Mẫu số 04/HS ban hành kèm theo Quyết định số 15/QĐ-VKSTC ngày 09/01/2018 của Viện trưởng VKSND tối cao về Mẫu văn bản tố tụng, văn bản nghiệp vụ thực hiện trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố; Thông tư số 01/2011/TT-BNV ngày 19/01/2011 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản hành chính; Quyết định số 393/QĐ-VKSTC ngày 01/7/2016 của Viện trưởng VKSND tối cao về việc ban hành Quy định về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản hành chính trong ngành Kiểm sát nhân dân và mới nhất là Nghị định 30/2020/NĐ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2020 của Chính phủ về công tác văn thư.
Việc đề ra yêu cầu kiểm tra, xác minh có thể thực hiện bằng lời nói hoặc bằng văn bản, trong đó, việc đề ra yêu cầu kiểm tra, xác minh bằng văn bản là phương án được lựa chọn chủ yếu, đây là thủ tục tố tụng thể hiện được tính pháp lý vững chắc về quan điểm của Viện kiểm sát, Kiểm sát viên trong quá trình giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố, góp phần làm rõ bản chất, sự thật khách quan của vụ án.

3. Về nội dung của yêu cầu kiểm tra, xác minh  
Về nội dung, yêu cầu kiểm tra, xác minh phải được diễn đạt mạch lạc, nêu rõ ràng, cụ thể những vấn đề cần kiểm tra, xác minh, chứng cứ, tài liệu cần thu thập; có phương pháp trình bày bảo đảm thứ tự vấn đề và logic về nội dung. Nội dung yêu cầu kiểm tra, xác minh phải toàn diện, đầy đủ, triệt để, giúp cho việc kiểm tra, xác minh đi đúng hướng, phục vụ tốt hoạt động giải quyết nguồn tin về tội phạm, có thể dẫn đến kết quả khởi tố vụ án hoặc không khởi tố vụ án hình sự. Để thực hiện được nhiệm vụ này, Kiểm sát viên phải có kiến thức chuyên môn tốt, am hiểu một số quy định về các loại tội phạm; nắm chắc cấu thành tội phạm, đặc trưng của từng tội phạm cụ thể; bám sát hoạt động xác minh, điều tra của Điều tra viên; nắm chắc hồ sơ thông qua nghiên cứu đầy đủ toàn bộ tài liệu, chứng cứ đã được Cơ quan điều tra thu thập và các tài liệu khác do Kiểm sát viên chủ động thu thập, tổng hợp được có liên quan đến xác minh, giải quyết nguồn tin; nghiên cứu kỹ tài liệu, chứng cứ, kịp thời phát hiện hành vi phạm tội, đối tượng phạm tội chưa được Cơ quan điều tra xác minh, làm rõ hoặc những tình tiết còn mâu thuẫn cần được làm sáng tỏ; những tình tiết mới phát sinh trong vụ án; những vấn đề về dân sự trong vụ án hình sự; về áp dụng một số biện pháp điều tra; những vấn đề về hoàn thiện thủ tục tố tụng hình sự theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự
Do vậy, yêu cầu kiểm tra, xác minh là một trong những quyền công tố của VKS định hướng cho CQĐT trong suốt quá trình xác minh giải quyết tố giác, tin báo; đồng thời yêu cầu xác minh cũng thể hiện phản ánh trình độ, năng lực của KSV. Kiểm sát viên phải đánh giá được việc thu thập chứng cứ dựa trên các nguồn là vật chứng, lời khai, lời trình bày, dữ liệu điện tử, kết luận giám định, định giá tài sản, biên bản hoạt động điều tra, các tài liệu đồ vật khác; khi thu thập đánh chứng cứ phải đảm bảo ba nguyên tắc là tính hợp pháp, tính xác thực và liên quan đến vụ án.
- Yêu cầu kiểm tra, xác minh phải lựa chọn những điểm cơ bản, then chốt, có tính đột phá định hướng đúng cho hoạt động giải quyết nguồn tin về tội phạm để làm rõ dấu hiệu tội phạm; tránh hình sự hóa quan hệ dân sự; bám sát tội danh cần khởi tố để yêu cầu Cơ quan điều tra chứng minh đầy đủ những yếu tố cấu thành tội phạm cụ thể theo quy định của Bộ luật Hình sự và áp dụng nghiêm nguyên tắc suy đoán vô tội theo quy định tại Điều 13 Bộ luật Tố tụng hình sự, nhất là trong việc giải quyết những tin báo, tố giác khó, phức tạp, án trọng điểm để điều tra, truy tố, xét xử bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật. Khắc phục những hạn chế, thiếu sót đã được VKSND tối cao tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố, như trong một số trường hợp, Kiểm sát viên chưa kịp thời đề ra bản yêu cầu kiểm tra, xác minh; kiểm tra, xác minh không đầy đủ, có nội dung chung chung, không cụ thể, mang tính hình thức; yêu cầu những vấn đề đương nhiên phải thực hiện, không cần phải yêu cầu xác minh hoặc vấn đề đã được Cơ quan điều tra thực hiện, những vấn đề không liên quan đến nguồn tin; hoặc những vấn đề về vi phạm thủ tục tố tụng hình sự.
- Trong quá trình giải quyết nguồn tin về tội phạm, bản yêu cầu kiểm tra, xác minh của Viện kiểm sát là một biện pháp tích cực xác định ngay từ đầu những đối tượng chính liên quan đến vụ án, nhằm yêu cầu Cơ quan điều tra kịp thời áp dụng các biện pháp ngăn chặn, như tạm giữ, bắt tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm hoãn xuất cảnh,… tránh việc đối tượng bỏ trốn; đặc biệt, cần phải chú ý yêu cầu Cơ quan điều tra áp dụng các biện pháp cưỡng chế như kê biên tài sản, phong tỏa tài sản,… Bảo đảm việc bảo vệ quyền lợi của bị hại, của người thứ ba ngay tình, giải quyết các vấn đề trách nhiệm dân sự trong vụ án hình sự theo quy định tại Điều 30 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
- Những vấn đề quan trọng trong việc chứng minh và thu thập chứng cứ trong quá trình giải quyết nguồn tin về tội phạm, như thu thập chứng cứ, vật chứng, dữ liệu điện tử qua khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, khám xét chỗ ở, phương tiện, yêu cầu định giá tài sản, trưng cầu giám định,… là những vấn đề phải đặc biệt quan tâm, ở nội dung này, Kiểm sát viên đề ra bản yêu cầu kiểm tra, xác minh phải định hướng nội dung cho đúng, sát với vấn đề cần kết luận; phối hợp, trao đổi, yêu cầu Điều tra viên cung cấp đầy đủ tài liệu phục vụ công tác kiểm tra, xác minh; cùng với Điều tra viên nghiên cứu, đánh giá tài liệu, lựa chọn những tài liệu cần thiết, (chẳng hạn trong vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản thường có rất nhiều tài liệu, chứng cứ liên quan; việc sử dụng tài liệu, chứng cứ như thế nào phải có căn cứ thuyết phục, khách quan, toàn diện, thực chất; nhiều trường hợp, việc giám định chữ ký chính là mấu chốt để giải quyết được nguồn tin, giải quyết vụ án hình sự) nhằm bảo đảm các hoạt động giải quyết nguồn tin về tội phạm được thực hiện một cách chính xác, khách quan, đầy đủ, kịp thời, phục vụ hiệu quả việc giải quyết vụ án.
- Trong quá trình kiểm sát hoạt động giải quyết nguồn tin về tội phạm, trường hợp Cơ quan điều tra, Điều tra viên chưa thực hiện được những vấn đề mà Viện kiểm sát đã yêu cầu thẳng trong bản yêu cầu kiểm tra, xác minh thì Kiểm sát viên phải chủ động phối hợp, suy luận để yêu cầu kiểm tra, xác minh những vấn đề liên quan có thể chứng minh bản chất của việc giải quyết nguồn tin, đưa đến kết luận có hay không có dấu hiệu tội phạm, đủ căn cứ khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự; trong nội dung của bản yêu cầu kiểm tra, xác minh, có thể Kiểm sát viên phải nêu hoặc trích dẫn tài liệu, chứng cứ hoặc vấn đề được phát hiện cần thiết phải thu thập, nguồn thu thập, những vấn đề cần xác minh, kiểm tra, kết luận,…; từ đó, quay trở lại vấn đề chính để chứng minh dấu hiệu tội phạm. Như vậy, trong giải quyêt nguồn tin về tội, nếu nguồn tin có khó khăn, phức tạp, Kiểm sát viên có thể ban hành nhiều bản yêu cầu kiểm tra, xác minh. Trường hợp Cơ quan điều tra không thực hiện yêu cầu kiểm tra, xác minh, Kiểm sát viên phải xác định nguyên nhân, cần thiết thì Kiểm sát viên phải trao đổi về tiến độ, kết quả thực hiện từng nội dung đã được đề ra trong Bản yêu cầu kiểm tra, xác minh của Viện kiểm sát để đưa ra giải pháp khắc phục.
- Đối với nguồn tin về tội phạm có yếu tố nước ngoài, Kiểm sát viên cần tích cực nghiên cứu, chủ động yêu cầu Điều tra viên xác minh, phối hợp thực hiện những nội dung liên quan, đề xuất lãnh đạo liên ngành ban hành công văn phối hợp tương trợ tư pháp về hình sự; tập trung vào các vụ án về tội phạm mới, tội phạm sử dụng công nghệ cao. Viện kiểm sát chủ động xây dựng mối quan hệ tốt, hiệu quả giữa Viện kiếm sát và Cơ quan điều tra, giữa Kiểm sát viên và Điều tra viên trong thực hiện bản yêu cầu kiểm tra, xác minh của Viện kiểm sát. Khi có khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện, Kiểm sát viên phải phối hợp với Điều tra viên về từng nội dung, phân hóa tài liệu để có nhận thức chung về cách thức, phương pháp giải quyết, thực hiện yêu cầu kiểm tra, xác minh theo quy định của pháp luật.
Việc đề ra yêu cầu kiểm tra, xác minh của Viện kiểm sát có ý nghĩa rất quan trọng đối với kết quả xác minh, điều tra của Cơ quan điều tra, bảo đảm cho hoạt động điều tra đúng hướng, đầy đủ, kịp thời, thực chất, hiệu quả; nâng cao vị thế của công tác thực hành quyền công tố trong việc giải quyết nguồn tin về tội phạm xâm phạm. Thông qua đó, khắc phục tình trạng khởi tố oan sai giữa các cơ quan tiến hành tố tụng; bảo đảm chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm ngay từ giai đoạn đầu của tố tụng hình sự.

4. Trách nhiệm thực hiện yêu cầu kiểm tra, xác minh
Theo quy định tại khoản 1 Điều 13 TTLT số 01/2017 về trách nhiệm của Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong việc thực hiện yêu cầu, quyết định của Viện kiểm sát về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố: “Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải thực hiện yêu cầu, quyết định của Viện kiểm sát trong việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
Tại Điều 11 Quyết định 169/QĐ-VKSTC năm 2018 về Quy chế tạm thời Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành quy định như sau:
- Kiểm sát viên phải kiểm sát chặt chẽ hoạt động giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố của Điều tra viên, Cán bộ điều tra, bảo đảm kết quả giải quyết và các yêu cầu kiểm tra, xác minh được thực hiện đầy đủ, khách quan, đúng pháp luật. Khi thấy có vấn đề cần phải kiểm tra, xác minh thêm, Kiểm sát viên kịp thời bổ sung yêu cầu kiểm tra, xác minh; nếu Điều tra viên, Cán bộ điều tra đề nghị, Kiểm sát viên có trách nhiệm giải thích rõ nội dung những yêu cầu kiểm tra, xác minh. Trường hợp Điều tra viên, Cán bộ điều tra không nhất trí thì Kiểm sát viên yêu cầu Điều tra viên, Cán bộ điều tra nêu rõ lý do và báo cáo lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện xem xét, kiến nghị với Thủ trưởng, Cấp trưởng Cơ quan có thẩm quyền điều tra; trường hợp Cơ quan có thẩm quyền điều tra không thực hiện được đầy đủ các yêu cầu kiểm tra, xác minh vì lý do khách quan thì Kiểm sát viên báo cáo lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện yêu cầu Cơ quan có thẩm quyền điều tra nêu rõ lý do trong văn bản thông báo kết quả giải quyết nguồn tin về tội phạm.
 - Đề ra yêu cầu xác minh bằng văn bản về những vấn đề cần xác minh ngay từ đầu và trong quá trình giải quyết để cơ quan điều tra thực hiện. Có thể ban hành nhiều bản yêu cầu xác minh khi có vấn đề cần xác minh thêm. Bản yêu cầu xác minh phải nêu rõ những nội dung cần xác minh để kiểm tra tính xác thực của nguồn tin, thu thập, củng cố chứng cứ để làm rõ tình tiết liên quan đến những vấn đề phải chứng minh có hay không dấu hiệu của tội phạm. Kiểm sát viên có trách nhiệm giải thích nội dung những yêu cầu xác minh cho Cơ quan điều tra để thực hiện.

Tác giả bài viết: Nguyễn Quang Đạt

Tổng số điểm của bài viết là: 7 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 2.3 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyển đổi số
Hưởng ứng giải  Búa Liềm Vàng
Giải báo chí phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Công khai ngân sách
Mail công vụ
Thống Kê Truy Cập
  • Đang truy cập51
  • Hôm nay12,426
  • Tháng hiện tại802,234
  • Tổng lượt truy cập16,497,000
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây