Ngày Pháp luật Việt Nam
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh

Một số nội dung Kiểm sát viên cần lưu ý khi đề ra yêu cầu điều tra trong THQCT, KSĐT vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Thứ năm - 08/12/2022 22:03 4.976 0
Tóm tắt: Bài viết chỉ ra một số kinh nghiệm cho Kiểm sát viên khi đề ra yêu cầu điều tra trong các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản; chủ động thực hiện quyền yêu cầu thông qua yêu cầu điều tra nhằm tăng cường trách nhiệm công tố; giải pháp và hướng hoàn thiện pháp luật về bản yêu cầu điều tra trong các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Từ khóa: đề ra yêu cầu điều tra; vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
1. Đặt vấn đề
Bản yêu cầu điều tra của Kiểm sát viên trong các vụ án hình sự nói chung và trong các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói riêng sẽ giúp định hướng cho hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra kịp thời thu thập đầy đủ các chứng cứ, tài liệu của vụ án, làm rõ bản chất vụ án, chứng minh tội phạm; làm rõ vai trò, trách nhiệm đồng phạm; giúp cho hoạt động thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh tội phạm được toàn diện, đầy đủ, đúng quy định của pháp luật; hạn chế việc trả hồ sơ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng để điều tra bổ sung do không đảm bảo chứng cứ chứng minh, do vi phạm tố tụng, do khởi tố, điều tra không đúng tội danh, do bỏ lọt một tội phạm khác, do không xử lý đồng phạm....
Theo quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) năm 2014, việc đề ra yêu cầu điều tra và yêu cầu Cơ quan điều tra thực hiện là trách nhiệm, quyền hạn của VKSND khi thực hiện chức năng thực hành quyền công tố trong quá trình điều tra vụ án hình sự (các Điều 41, 42, 85, 132, 165, 167 và 441 BLTTHS năm 2015; Điều 3 và Điều 14 Luật tổ chức VKSND năm 2014). Ngoài ra còn được hướng dẫn, quy định tại Điều 11 Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 19/10/2018 của Viện KSND tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng quy định về phối hợp giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự; Điều 47 Quy chế công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố ban hành kèm theo Quyết định số 111/QĐ-VKSTC ngày 17/4/2020 của Viện trưởng VKSND tối cao (gọi tắt là Quy chế số 111); Mẫu số 83/HS ban hành kèm theo Quyết định số 15/QĐ-VKSTC ngày 09/01/2018 của Viện trưởng VKSND tối cao.
Cơ quan điều tra có trách nhiệm thực hiện yêu cầu của Viện kiểm sát; trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan mà không thực hiện được thì phải nêu rõ lý do bằng văn bản. Thông qua yêu cầu điều tra, Kiểm sát viên thể hiện quan điểm của mình trong việc thu thập chứng cứ. Kiểm sát viên phải lựa chọn những vấn đề cơ bản cần yêu cầu, định hướng đúng cho hoạt động điều tra để khởi tố vụ án, khởi tố bị can; tránh hình sự hóa quan hệ dân sự; bám sát tội danh cần khởi tố (Điều 165 BLTTHS năm 2015) để yêu cầu Cơ quan điều tra chứng minh đầy đủ những yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 và áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội theo Điều 13 BLTTHS năm 2015, nhất là trong việc giải quyết những vụ án khó, phức tạp, án trọng điểm để điều tra, truy tố, xét xử bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật. Mọi hoạt động điều tra thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh tội phạm, được thực hiện đúng quy định của BLTTHS, BLHS cũng như các quy định pháp luật khác liên quan trong quá trình điều tra, xử lý vụ án.
Trong phạm vi bài viết này, tác giả nêu ra một số nội dung Kiểm sát viên cần lưu ý khi đề ra yêu cầu điều tra để làm rõ tội phạm, người phạm tội trong các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản; đồng thời đề xuất một số giải pháp và hướng hoàn thiện pháp luật.
2. Một số nội dung Kiểm sát viên cần lưu ý khi đề ra yêu cầu điều tra để làm rõ tội phạm, người phạm tội và những vấn đề khác có liên quan trong các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản
2.1. Đề ra yêu cầu điều tra để xác định đúng tội danh
Thứ nhất, cần chứng minh có hành vi chiếm đoạt hay không, hay chỉ là quan hệ dân sự.
Hành vi này thông thường liên quan đến giao kết hay thực hiện các nghĩa vụ hợp đồng, cần xem xét đầy đủ, toàn diện những nội dung sau: Phương thức, thời hạn phải hoàn trả tài sản theo hợp đồng; Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng, bên vi phạm hợp đồng có cố ý không thực hiện nghĩa vụ hoàn trả tài sản hay không? có ý thức chiếm đoạt tài sản hay không? Người có tài sản (chủ sở hữu hoặc người đang quản lý hợp pháp) đã thực sự mất quyền sở hữu hợp pháp của mình đối với tài sản chưa? Việc thực hiện hợp đồng như mục đích vay, mượn tài sản ghi trong hợp đồng và thực tế đã sử dụng tài sản theo nghĩa vụ hợp đồng hay không?
Ví dụ cụ thể: Từ khoảng tháng 02 năm 2018 đến tháng 8 năm 2019, Nguyễn Thị Kim Anh là giáo viên tiểu học đã thực hiện 44 lần hành vi lừa đảo, chiếm đoạt của 15 người bị hại với tổng số tiền 3.313.000.000 đồng. Hành vi này, cấp sơ thẩm điều tra, truy tố, xét xử bị cáo Nguyễn Thị Kim Anh về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Ngoài ra, bị cáo còn có thủ đoạn nhận tiền của nhiều người và hứa xin việc cho con, em, người thân của họ vào làm việc trong các cơ quan Nhà nước, các doanh nghiệp, các tổ chức nhưng thực chất bị cáo không xin việc như đã hứa, cũng không trả lại tiền cho các bị hại. Hành vi này, cấp sơ thẩm cho rằng cơ quan điều tra đã áp dụng các biện pháp điều tra nhưng không đủ căn cứ kết luận bị cáo dùng thủ đoạn gian dối dễ chiếm đoạt tài sản của những người này, vì vậy xác định các hành vi trên là quan hệ dân sự do các bên tự giải quyết.
Việc cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm xác định bà Kim Anh nhận tiền xin việc là quan hệ dân sự, không giải quyết trong vụ án này là trái với quy định của pháp luật, bỏ lọt hành vi phạm tội. Chưa làm rõ hết tất cả những vấn đề đã nêu ở trên trong yêu cầu điều tra để xác định đó là quan hệ dân sự hay hình sự? Vì thực tế bị cáo Nguyễn Thị Kim Anh là giáo viên tiểu học, không có chức năng tuyển dụng việc làm, bị cáo biết rõ mình không xin được việc nhưng vẫn nhận tiền và hứa xin việc cho những người khác, làm cho những người này tin tưởng giao tiền cho bị cáo, sau đó chiếm đoạt, sử dụng vào mục đích khác dẫn đến mất khả năng thanh toán… Hành vi này của bị cáo đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Thứ hai, cần chứng minh hành vi gian dối có trước hành vi chiếm đoạt tài sản hay không?
Nếu hành vi diễn ra sau thì phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 175 BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. Đối với những vụ án cụ thể hành vi gian dối được thể hiện qua nhiều thông tin không đúng sự thật bằng những thủ đoạn rất đa dạng như qua lời nói, hành động; sử dụng giấy tờ giả để tạo niềm tin; sử dụng các phần mềm trực tuyến, mạng xã hội như: facebook, zalo, phương tiện, thiết bị điện tử... để đưa ra thông tin nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản; vay tiền trả với lãi suất cao; giả danh người khác hoặc giả danh các cơ quan, tổ chức người có chức vụ, quyền hạn (thông thường hiện nay bằng hình thức gọi điện thoại)... Người phạm tội có thể lựa chọn một cách thức hoặc kết hợp nhiều cách thức khác nhau nhằm mục đích để người có tài sản tin là thật, sau đó tự nguyện giao tài sản. Tuy nhiên cũng cần lưu ý khi đề ra yêu cầu điều tra chứng minh hành vi gian dối để lừa đảo cần làm rõ có hay không hành vi làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan, tổ chức để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nếu có thì Kiểm sát viên phải yêu cầu Cơ quan điều tra làm rõ hành vi đó đã xâm phạm vào các khách thể khác nhau được Bộ luật hình sự bảo vệ hay không? Nếu có thì khi thực hiện 01 hành vi hoặc nhiều hành vi (chuỗi hành vi) có liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian hay không? các hành vi trước có là tiền đề, điều kiện để thực hiện hành vi sau hay không? đã thỏa mãn dấu hiệu cấu thành của những loại tội phạm nào? Trên thực tế trong các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản việc xử lý hành vi thuê người làm giả giấy tờ để thực hiện lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong yêu cầu điều tra cần phải làm rõ thêm một số vấn đề sau: Người phạm tội có hành vi làm giả giấy tờ đã sử dụng giấy tờ đó hay chưa? Nếu chưa sử dụng thì bị xử lý về tội “Làm giả con đấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, trong vụ án có xác định được nguời trực tiếp làm giả hay không? nếu không xác định được người trực tiếp làm giả mà chỉ sử dụng thì xử lý về tội “Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Nếu chứng minh được một người trực tiếp làm giả sau đó sử dụng giấy tờ giả đó để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì bị xử lý về hai tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức và tội Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức và áp dụng nguyên tắc tội ghép. Đồng thời, trong quá trình điều tra, Kiểm sát viên cần nghiêm cứu kỹ các hướng dẫn tại Mục 10, Phần 1 Công văn số 212/TANDTC-PC ngày 13/9/2019 về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử; Công văn số 233/TANDTC-PC ngày 01/10/2019 về việc trao đổi nghiệp vụ và Công văn số 50/TANDTC-PC ngày 07/4/2020 của Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn xử lý hình sự đối với trường hợp người có hành vi sử dụng giấy tờ, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức để lừa đảo chiếm đoạt tài sản để tránh trường hợp vụ án bị hủy do bỏ lọt tội phạm.
Ví dụ cụ thể: Trong khoảng thời gian từ năm 2013 đến tháng 10 năm 2016, bị cáo Lê Thị Hòa đưa ra thông tin gian dối là mình có nhiều mối quan hệ xã hội có thể tác động để xin được việc làm, xin chuyển công tác và xin đi học tại các trường Công an nhân dân nên làm cho nhiều người trên địa bàn các tỉnh tin tưởng giao tiền cho bị cáo. Ngoài ra, quá trình lừa đảo bị cáo Hòa đã làm và sử dụng các loại giấy tờ giả, gồm: 08 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả để chuyển nhượng, thế chấp vay tiền; sử dụng 02 giấy chứng minh công an nhân dân giả mang tên Hồ Văn Tri (chồng bị cáo Hòa) để cầm cố vay tiền của 08 cá nhân và 02 Ngân hàng trên địa bàn tỉnh K. chiếm đoạt số tiền 1.865.000.000 đồng. Tổng cộng bị cáo Hòa đã chiếm đoạt tiền của 37 cá nhân và 02 tổ chức ngân hàng với số tiền là: 6.470.000.000 đồng. Tại bản án hình sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh K, xét xử bị cáo Lê Thị Hòa về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 139 BLHS 1999 (nay là Điều 174 BLHS năm 2015).
Thông qua việc xét xử của Tòa án nhân dân tỉnh K có thể thấy bản án sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Lê Thị Hòa về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 139 BLHS năm 1999 (nay là Điều 174 BLHS năm 2015), là có căn cứ. Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm đã không xem xét về hành vi mà bị cáo Lê Thị Hòa “Làm giả con dấu tài liệu của cơ quan, tổ chức” là bỏ lọt tội phạm, bởi lẽ: Hành vi của bị cáo đã xâm phạm đến trật tự quản lý hành chính, tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 267 BLHS năm 1999 (nay là Điều 341 BLHS năm 2015). Do đó, hành vi của bị cáo vừa là phương tiện, thủ đoạn phạm tội nhưng còn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm độc lập, nên lẽ ra phải truy cứu thêm tội “Làm giả con dấu tài liệu của cơ quan, tổ chức” đối với bị cáo nhưng cấp sơ thẩm chưa xem xét là bỏ lọt tội phạm và người phạm tội dẫn tới bản án sơ thẩm bị hủy để điều tra lại.
Thứ ba, cần chứng minh có hay không hành vi chiếm đoạt tài sản thông qua thủ đoạn gian dối.
Khi chứng minh hành vi khách quan này cần phải làm rõ nguyên nhân trực tiếp khiến cho bị hại tin tưởng, giao tài sản cho người phạm tội. Cần xem xét kỹ các chứng cứ, tài liệu như: Lời khai của bị hại về phương thức, thủ đoạn của người chiếm đoạt tài sản (người bị tố cáo); lời khai của người bị tố cáo về ý định chiếm đoạt tài sản; những hành vi biểu hiện ra bên ngoài của người bị tố cáo ở các giai đoạn (thông qua lời nói, hành động nhằm tạo niềm tin, tình trạng tài sản hoặc vị trí công tác ảo không đúng thực tế...) và chính điều này đã làm cho người có tài sản tin và giao tài sản cho người phạm tội.
Thứ tư, làm rõ động cơ, mục đích phạm tội, xác định nơi cất giấu tài sản người phạm tội, xác định tài sản, số lượng, giá trị, đặc điểm của tài sản bị chiếm đoạt, những thiệt hại khác do hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản gây ra. Nếu như không làm rõ được vấn đề này sẽ dẫn đến không áp dụng đúng khung hình phạt đối với bị cáo dẫn đến vụ án có thể bị hủy, sửa.
Ví dụ cụ thể: Bùi Thị Thùy Dung không có chức năng tuyển dụng nhưng khi biết được ông Đỗ Tiến Khoa có mong muốn xin cho con trai vào Kho bạc nhà nước huyện Tân Lạc và con dâu vào làm giảng viên trường Cao đẳng kinh tế kĩ thuật, Bùi Thị Thùy Dung đã trao đổi với Hoàng Thị Hương về việc chạy việc cho con trai và con dâu ông Khoa. Qua trao đổi, Hương bảo chi phí khoảng 200-250 triệu đồng để xin vào Kho bạc nhà nước và chi phí khoảng 150-180 triệu đồng để xin vào ngành giáo dục. Sau khi Hương và Dung thống nhất số tiền để chạy việc. Dung trực tiếp gặp ông Khoa và trao đổi với ông Khoa chi phí để xin vào kho bạc là 300 triệu đồng và 270 triệu đồng để xin vào ngành giáo dục. Ông Khoa đồng ý và đưa cho Dung tổng số tiền là 570 triệu đồng. Ông Khoa và Dung thống nhất viết hai giấy biên nhận tiền, một giấy ghi Dung nhận 300 triệu đồng và một giấy ghi Dung nhận 270 triệu đồng lý do vay tiền của ông Khoa để giải quyết việc cá nhân. Sau khi nhận tiền từ ông Khoa, Dung đã chuyển tổng số tiền cho Hương là 417 triệu đồng qua nhiều lần và nhiều hình thức khác nhau. Còn lại 153 triệu đồng Dung giữ lại chỉ tiêu cá nhân và không nói cho Hương biết cụ thể. Sau gần 01 năm, con trai và con dâu ông Khoa không được trúng tuyển để đi làm, ông Khoa đã làm đơn tố cáo Bùi Thị Thuỳ Dung đến cơ quan điều tra để xử lý theo pháp luật.
Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 40/2019/HS-ST ngày 03/12/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh B căn cứ điểm a khoản 4 Điều 174; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 54, Điều 38 Bộ luật Hình sự năm 2015 xử phạt bị cáo Hoàng Thị Hương 9 năm tù; xử phạt bị cáo Bùi Thị Thùy Dung 7 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Trong vụ án này, có thể thấy bị cáo Dung là người trực tiếp liên hệ và nhận tiền từ ông Khoa để hứa hẹn xin việc cho con ông Khoa với tổng số tiền là 570 triệu đồng. Tuy nhiên, khi Dung trao đổi với Hương về xin việc, chỉ trao đổi về trường hợp xin vào Kho bạc thì chi phí từ 200-250 triệu đồng/suất và chi phí khoảng 150-180 triệu đồng/suất để xin vào ngành giáo dục, Hương không biết Dung nhận từ ông Khoa bao nhiêu tiền và thực tế Hương chỉ nhận 417 triệu đồng từ Dung, nên Hương chỉ phạm tội theo khoản 3 Điều 174 BLHS 2015, nhưng Cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm áp dụng điểm a khoản 4 Điều 174 BLHS để truy tố, xét xử đối với bị cáo Hoàng Thị Hương là không đúng qui định pháp luật, gây bất lợi cho bị cáo. Vì vậy để tránh oan sai và bỏ lọt tội phạm trong quá trình điều tra Kiểm sát viên khi đề ra yêu cầu điều tra phải chú ý yêu cầu Cơ quan điều tra làm rõ những vấn đề trên.
Thứ năm, làm rõ phương thức, thủ đoạn, diễn biến, tính chất, thời gian địa điểm xảy ra hành vi gian dối, hành vi chiếm đoạt, công cụ, phương tiện phạm tội, các hành vi che giấu tội phạm, các tình tiết khác của hành vi phạm tội làm cơ sở định khung đã được xác định tại Điều 174 BLHS năm 2015.
Thứ sáu, xác định thời điểm tội phạm hoàn thành khi người phạm tội đã chiếm đoạt được tài sản. Đối với loại tội này, người phạm tội có ý thức chiếm đoạt tài sản ngay từ đầu và để đạt được mục đích, họ chủ động thực hiện hành vi gian dối để nhận tài sản, sau đó chiếm đoạt. Do vậy, thời điểm hoàn thành tội phạm này được xác định từ lúc người phạm tội đã chiếm giữ được tài sản sau khi dùng thủ đoạn gian dối để làm cho chủ sở hữu tài sản hoặc người quản lý tài sản tin tưởng, giao tài sản, tuy nhiên cũng có trường hợp người phạm tội tuy đã thực hiện hành vi gian dối nhưng không thực hiện được hành vi đến cùng, chưa chiếm đoạt được tiền nhưng bị phát hiện (ngoài ý muốn của người phạm tội) thì người phạm tội vẫn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự đối với lần phạm tội này. Lưu ý trong các vụ án quan hệ hợp đồng dân sự, kinh tế, vay mượn tài sản thì khi chứng minh đối tượng phạm tội có thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản và đã nhận được tài sản là tội phạm hoàn thành, không cần phải đến thời điểm phát sinh nghĩa vụ thanh toán.
Ví dụ cụ thể: Trần Tấn Tú có ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức bán hàng qua mạng xã hội Facebook, nên đã sử dụng khoản Facebook có tên “Phước Tuấn Trương” đăng tin bán điện thoại di động Iphone liên kết đến trang Facebook của Hội mua bán đồ cũ. Ngày 29/6/2018, anh Nguyễn Chí Đạt nhắn tin hỏi mua điện thoại thì Tú thỏa thuận bán cho Nguyễn Chí Đạt 01 chiếc Iphone 6s với giá mỗi chiếc là 3.000.000 đồng. Sau đó Tú đi mua một hộp khẩu trang y tế nhãn hiệu TN Medicare, 01 cái kéo và 02 cuộn băng keo màu vàng với giá 75.000 đồng. Tú lấy băng keo quấn quanh hộp khẩu trang y tế giả làm thành gói hàng đựng điện thoại. Ngày 03/7/2018 khi tới địa điểm giao hàng đã giao cho Đạt gói hàng, Đạt tin thưởng nhận gói hàng giao cho Tú 3.000.000 đồng nhưng không kiểm tra bên trong. Sau khi biết mình bị lừa, Đạt sử dụng tài khoản facebook có tên “Sương Dương” nhắn tin vào tài khoản facebook “Phước Tuấn Trương” đặt mua của Trần Tấn Tú một điện thoại di động Iphone 6s nhằm mục đích khi gặp lại đối tượng này sẽ báo công an. Do không biết người đặt mua điện thoại là Đạt nên Tú đồng ý bán điện thoại 01 Iphone 6s với giá 2.900.000 đồng. Đến ngày 07/7/2018, khi Tú đi giao hàng đến thôn 3, xã Tiên Thọ, huyện T thì anh Đạt cùng người nhà bắt giữ Tú cùng gói hàng giả rồi báo cho Công an huyện T xử lý.
Ngày 30/11/2018 Tòa án nhân dân huyện T, tỉnh Q xử bị cáo Tú phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Căn cứ khoản 1 Điều 174; các điểm b, h, i, s khoản 1, 2 Điều 51; điểm o Khoản 1 Điều 52 BLHS năm 2015 xử phạt Trần Tấn Tú 15 tháng tù.
Trong vụ việc này, thấy rằng trong hai ngày 03/7/2018 và 07/7/2018 bị cáo đã 02 lần thực hiện hành vi gian dối để chiếm đoạt tiền của người khác thông qua hình thức lừa bán điện thoại. Lần thứ hai bị cáo không thực hiện được hành vi đến cùng, chưa chiếm đoạt được tiền là do bị anh Đạt phát hiện bắt giữ và báo công an huyện xử lý (ngoài ý muốn của bị cáo). Do đó, bị cáo vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự đối với lần phạm tội này. Việc Tòa án cấp sơ thẩm không áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “Phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 BLHS đối với bị cáo là thiếu sót.
2.2. Đề ra yêu cầu điều tra để xác định người phạm tội
Cần xác minh căn cước, lại lịch, tiền án, tiền sự, đặc điểm nhận dạng của từng đối tượng, xác định năng lực trách nhiệm hình sự của những người phạm tội lỗi của người phạm tội; thái độ trước, trong và sau khi phạm tội cũng như hành vi cố ý gian dối để lấy lòng tin nhằm chiếm đoạt tài sản; xác định những tài sản thuộc sở hữu của người phạm tội phục vụ việc kê biên, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt. Trong vụ án có đồng phạm, phải làm rõ vị trí, vai trò của từng đối tượng. Lưu ý trường hợp người có hành vi phạm tội xâm phạm sở hữu với lỗi cố ý gián tiếp thì để xác định hành vi có cấu thành tội phạm hay không phải căn cứ vào tình tiết cụ thể của vụ án. Nếu người đó biết rõ mục đích của người chủ mưu dùng các thủ đoạn để lừa dối như dùng giấy tờ để lừa dối người cho vay thì là đồng phạm, nếu người đó không biết rõ mục đích, thủ đoạn lừa dối của người chủ mưu ví dụ chỉ nghe nói là dùng giấy tờ này để vay tiền, không biết cụ thể vay ai và cách thức vay thế nào thì không đủ cơ sở xử lý.
2.3. Đề ra yêu cầu điều tra để làm rõ những vấn đề khác
- Yêu cầu xác định rõ bị hại là ai? Nếu xác định sai sẽ ảnh hưởng đến cả việc giải quyết vụ án, việc định tội danh. Ví dụ trong các vụ án thuê xe tự lái rồi chiếm đoạt cần phải yêu cầu điều tra làm rõ nếu ngay từ ban đầu người thực hiện hành vi phạm tội đã có ý định thuê xe rồi đem bán, cầm cố thì phải xử lý về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và người bị hại là chủ xe; nếu người thực hiện hành vi phạm tội thuê xe tự lái sau đó mới nảy sinh ý định chiếm đoạt đem bán, cầm cố lấy tiền tiêu xài thì cần làm rõ trường hợp làm giả giấy tờ làm cho người nhận cầm cố tin tưởng giao tài sản thì người thực hiện hành vi phạm tội bị xử lý về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và người bị hại là người nhận cầm cố, trường hợp người mua xe, người nhận cầm cố biết là xe gian nhưng mua hoặc nhận cầm cố thì người thực hiện hành vi phạm tội bị xử lý về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và người bị hại là chủ xe, người mua xe hoặc người nhận cầm cố bị xử lý về tội Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.
Sau khi xác định được bị hại thì phải yêu cầu cơ quan điều tra thu thập các tài liệu, chứng cứ liên quan đến bị hại như: căn cước, lại lịch người bị hại, mối quan hệ với người phạm tội; nguyên nhân, mục đích, lý do giao tài sản cho người phạm tội; các giấy tờ, tài liệu người bị hại đang giữ có ý nghĩa xác định việc chuyển giao tài sản từ người bị hại sang người phạm tội và chứng minh các tình tiết khác của vụ án như hóa đơn, chứng từ, hợp đồng. xác định thiệt hại, những tài sản đã giao cho người phạm tội; (số lượng, đặc điểm, giá trị của tài sản); những yêu cầu của bị hại đối với người phạm tội.
- Yêu cầu định giá tài sản bị chiếm đoạt; trưng cầu giám định chữ viết, chữ ký trong các hợp đồng, giấy biên nhận vay mượn tiến; việc tạm giữ, kê biên tài sản để đảm bảo bồi thưởng, bồi hoàn cho người bị hại.
- Làm rõ nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm; phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong cơ chế quản lý kinh tế, tài chính để tổng hợp kiến nghị phòng ngừa tội phạm.
Đối với vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản phức tạp; vụ án dư luận xã hội đặc biệt quan tâm; vụ án có bị can là nhân sỹ, trí thức, chức sắc trong tôn giáo, người có uy tín thuộc dân tộc thiểu số và trường hợp xét thấy có thể phải thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can thì trước khi ký văn bản đề ra yêu cầu điều tra, Kiểm sát viên báo cáo, xin ý kiến lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện.
Đối với những vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản được cấp ủy chính quyền địa phương quan tâm, án trọng điểm khi đề ra yêu cầu điều tra phải lưu ý làm rõ những vấn đề mà cấp ủy chính quyền địa phương chỉ đạo, làm rõ.
Không được đề ra yêu cầu chung chung, tránh việc copy yêu cầu điều tra của vụ án này đối với vụ án khác; mỗi lần đề ra yêu cầu điều tra phải gắn với những vấn đề mới chưa được làm rõ, có mâu thuẫn,…
2.4. Chủ động thực hiện quyền yêu cầu thông qua yêu cầu điều tra nhằm tăng cường trách nhiệm công tố trong các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Quyền yêu cầu là một trong những quyền năng rất quan trọng của Viện kiểm sát để thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Từ thực tiễn công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói riêng, có thể nhận thấy trong quá trình kiểm sát điều tra vụ án, Kiểm sát viên có thể đề ra yêu cầu điều tra 01 lần hoặc nhiều lần, hình thức đề ra yêu cầu: Yêu cầu điều tra có thể được thực hiện bằng lời nói (thường sử dụng trong trường hợp trực tiếp tham gia các hoạt động điều tra như khám xét hoặc trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng) hoặc bằng văn bản.
Nội dung yêu cầu điều tra phải cụ thể, rõ ràng, sát với nội dung vụ án,
định hướng thu thập chứng cứ để làm rõ cấu thành tội phạm, những vấn đề phải
chứng minh trong vụ án theo quy định tại Điều 85 và Điều 441 BLTTHS năm 2015. Đặt biệt cần phải chủ động thực hiện quyền yêu cầu thông qua yêu cầu điều tra trong việc xét, phê chuẩn các lệnh, quyết định tố tụng; trong việc làm rõ đối tượng chứng minh trong vụ án hình sự;
trong bổ sung, làm rõ chứng cứ, tài liệu trong hồ sơ vụ án; trong việc yêu cầu bổ sung, hoàn thiện thủ tục tố tụng hình sự. Văn bản yêu cầu điều tra phải được đưa vào hồ sơ vụ án, lưu hồ sơ kiểm sát. Hình thức đề ra yêu cầu điều tra theo mẫu số 83/HS Quyết định số 15/QĐ-VKSTC.

3. Giải pháp và hướng hoàn thiện pháp luật về bản yêu cầu điều tra
Mặc dù BLTTHS năm 2015, Luật tổ chức VKSND năm 2014 và các văn bản pháp luật khác liên quan đã có những quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát trong việc đề ra yêu cầu điều tra và trách nhiệm thực hiện của Cơ quan điều tra khi thực hiện các yêu cầu điều tra; nhưng không phải mọi yêu cầu điều tra đều được Cơ quan điều tra nghiêm túc thực hiện triệt để, có kết quả, đúng thời hạn. Bởi lẽ, do chất lượng bản yêu cầu điều tra; do công tác phối hợp chưa tốt, do bản lĩnh của Kiểm sát viên, thái độ tận tụy với công việc trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát. Để đảm bảo việc thực hiện các yêu cầu điều tra có kết quả tốt tác giả xin đưa ra một số giải pháp sau sau:
Một là, cần ký kết các quy chế phối hợp để tăng cường công tác phối hợp chỉ đạo giải quyết các vụ án hình sự giữa lãnh đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra với lãnh đạo Viện kiểm sát. Đối với một số vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản có tính chất phức tạp về hành vi phạm tội, về các vấn đề cần chứng minh, có quan điểm, đường lối xử lý vụ án giữa các cơ quan tiến hành tố tụng khác nhau, cần sự tham gia phối hợp của liên ngành các cơ quan từ pháp ngay từ khi khởi tố vụ án, để đảm bảo các yêu cầu điều tra của Viện kiểm sát được thực hiện triệt để. Cần coi việc phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng là hết sức cần thiết và là một trong những biện pháp bảo đảm việc thực hiện quyền yêu cầu của Viện kiểm sát nhằm tăng cường trách nhiệm công tố, tránh oan sai và bỏ lọt tội phạm.
Hai là, cần tăng cường công tác phối hợp giữa Kiểm sát viên và Điều tra viên trong hoạt động thực hiện yêu cầu điều tra. Đối với Kiểm sát viên phải có kế hoạch, phương pháp thực hiện cụ thể (Điều 48 Quy chế số 111). Đặc biệt, đối với việc thực hiện các yêu cầu điều tra có ý nghĩa quan trọng đối với việc giải quyết vụ án, Kiểm sát viên cần phối hợp tham gia cùng Điều tra viên. Khi Cơ quan điều tra tiến hành hỏi cung, lấy lời khai các bị can hoặc đối tượng theo yêu cầu điều tra của Viện kiểm sát thì Kiểm sát viên phải tham gia để làm rõ các yêu cầu đó.
Ba là, cần coi việc nâng cao chất lượng bản yêu cầu điều tra là một trong những biện pháp đảm bảo để Cơ quan điều tra thực hiện. Đối với các cấp lãnh đạo cần nâng cao vai trò tổ chức, bố trí, sắp xếp, phân công cán bộ, Kiểm sát viên có trình độ, chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, có kinh nghiệm, bản lĩnh trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra để phát huy thế mạnh trong việc đề ra yêu cầu điều tra, bảo đảm yêu cầu điều tra có chất lượng, góp phần giải quyết vụ án nhanh chóng, chính xác, đúng quy định của pháp luật. Chú trọng việc hướng dẫn, chỉ đạo Kiểm sát viên đề ra yêu cầu điều tra và cần thiết phải duyệt văn bản này trước khi ban hành; thường xuyên tiến hành rút kinh nghiệm trong đơn vị; tăng cường công tác bồi dưỡng tại chỗ cho Kiểm sát viên về kỹ năng xây dựng bản yêu cầu điều tra thông qua các cuộc thi viết yêu cầu điều tra. Tập hợp những bản yêu cầu điều tra có chất lượng nhất là những vụ án trọng điểm, dư luận quan tâm để nhân rộng cho các Kiểm sát viên trong đơn vị nghiên cứu, học tập. Đối với Kiểm sát viên cần phải thường xuyên trau dồi kiến thức nghiệp vụ chuyên môn, bản lĩnh nghề nghiệp, thường xuyên tổng hợp, tích lũy kinh nghiệm từ những thông báo rút kinh nghiệm của Viện kiểm sát cấp trên, từ việc xử lý các vụ án cụ thể, các loại tội phạm cụ thể, các tình huống pháp luật cụ thể phát sinh khi giải quyết các vụ án để nâng cao chất lượng bản yêu cầu điều tra.
Bốn là, mặc dù yêu cầu điều tra đã được thực hiện nhiều năm nay, đã có biểu mẫu do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành nhằm tăng cường trách nhiệm công tố tuy nhiên cần tổng kết, rút kinh nghiệm về công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra trong đó có việc đề ra yêu cầu điều tra, đặc biệt là kỹ năng ban hành, trình tự và các bước tiến hành xây dựng một bản yêu cầu điều tra, kịp thời cập nhật kiến thức, phương pháp điều tra đối với các loại tội phạm mới hoặc thủ đoạn phạm tội mới... để tạo điều kiện cho cán bộ, Kiểm sát viên chủ động trong việc nghiên cứu đề ra yêu cầu điều tra. Ngoài ra, đề nghị VKSND tối cao nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định trong Quy chế công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố theo hướng bổ sung rõ hơn, đầy đủ hơn các quy trình, thao tác của Kiểm sát viên khi ban hành yêu cầu điều tra để áp dụng thống nhất trong toàn Ngành./.
Tạp chí Kiểm sát số 21 ngày 05/11/2022

Đồng tác giả:
- Nguyễn Thành Duy, Phó Chánh Văn phòng, Kiểm sát viên trung cấp, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai. 
- Lê Xuân Quang, Kiểm tra viên , Viện kiểm sát nhân dân huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai.

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyển đổi số
Hưởng ứng giải  Búa Liềm Vàng
Giải báo chí phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Công khai ngân sách
Mail công vụ
Thống Kê Truy Cập
  • Đang truy cập73
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm72
  • Hôm nay2,676
  • Tháng hiện tại153,015
  • Tổng lượt truy cập19,025,262
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây