Chào mừng 30/4
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh

Những sáng kiến nâng cao hiệu quả công tác tại Viện kiểm sát nhân dân huyện Kông Chro

Thứ tư - 22/03/2023 21:27 839 0
Chỉ thị số 03/CT-VKSTC ngày 17/5/2021 của Viện trưởng Viện KSND tối cao về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong ngành Kiểm sát nhân dân nêu rõ: “Trong thời gian qua, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân được Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và lãnh đạo VKSND các cấp quan tâm, chỉ đạo, bước đầu đạt một số kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành và công tác nghiệp vụ của Ngành”.
 Phát huy tinh thần đó, Viện trưởng Viện KSND huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai đã và đang đề ra nhiều giải pháp trọng tâm, chuẩn bị các nguồn lực cả về cơ sở vật chất và nhân lực để triển khai thực hiện tốt các Chỉ thị, Kế hoạch, Đề án của Viện KSND tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác chuyên môn nghiệp vụ, điển hình như đơn vị đã xây dựng và tổ chức thực hiện Quy trình "số hóa hồ sơ, tiến hành công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa xét xử vụ án hình sự" và mở rộng số hóa hồ sơ dân sự, phối hợp với Tòa án tiến hành công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại các phiên tòa xét xử vụ án dân sự. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số được Viện trưởng Viện KSND huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai thực hiện đồng bộ gần như hầu hết các khâu công tác nghiệp vụ, bước đầu đạt một số kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành.

“Tăng cường công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp thông qua số hóa hồ sơ vụ án hình sự”.
Sáng kiến “Tăng cường công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp thông qua số hóa hồ sơ vụ án hình sự” được Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai công nhận xếp loại xuất sắc, đồng thời cũng được Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao công nhận là sáng kiến cấp Ngành kiểm sát nhân dân năm 2021.
Sáng kiến này giúp các đồng chí lãnh đạo Viện thuận lợi khi nghe báo cáo án, kịp thời có chủ trương, chỉ đạo với Kiểm sát viên. Đồng thời, dễ dàng quản lý về chất lượng, hiệu quả thực hành quyền công tố trong giải quyết các vụ án hình sự, nâng cao chất lượng công tác quản lý điều hành; xây dựng lề lối làm việc khoa học; tăng cường vai trò của cấp phó, gắn trách nhiệm của cấp phó với hiệu quả công tác thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách.
Giúp Kiểm sát viên nâng cao trách nhiệm, chủ động hơn, sâu sát hơn, toàn diện hơn khi thực hành quyền công tố trong quá trình giải quyết vụ án, từ giai đoạn xác minh tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố, đến giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự, ví dụ như: kiểm sát viên có thể trích cứu vụ án nhanh chóng, xây dựng đề cương xét hỏi một cách logic nâng cao kỹ năng, chất lượng các hoạt động xét hỏi, tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa hình sự bảo đảm khách quan, chính xác và thuyết phục cao hoàn toàn tự chủ mà không dựa vào hồ sơ giấy.
Hồ sơ số hóa phản ánh đầy đủ diễn biến sự việc, động cơ, mục đích phạm tội, tính chất, mức độ nguy hiểm mà bị can gây ra, giúp kiểm sát viên chủ động trong quá trình xây dựng sơ đồ tư duy trong báo cáo án, kiểm sát Kết luận điều tra, ban hành Cáo trạng, Luận tội, ra Bản án của tòa án.
Kiểm sát chặt chẽ những yêu cầu của viện kiểm sát khi thực hành quyền công tố trong quá trình giải quyết vụ án, từ giai đoạn xác minh tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố, đến giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự để đôn đốc giải quyết kịp thời.
Khi thực hiện số hóa hồ sơ sẽ không phải in ấn nhiều tài liệu của Cơ quan điều tra để kiểm sát, dễ dàng sao lưu, sử dụng các chứng cứ điện tử (như sao chép các file ghi âm, file video, hình ảnh… theo quy định tại Quyết định số 264/QĐ-VKSTC ngày 21/7/2020 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao). Đối với công tác lưu trữ, khai thác hồ sơ số hóa có thể thay thế hoàn toàn phương pháp lưu trữ, khai thác truyền thống do không gian lưu trữ được phân loại, sắp xếp một cách có khoa học, thuận tiện cho việc tìm kiếm, tra cứu, theo dõi, tính toán và truy xuất dữ liệu của bảng tính một cách nhanh chóng khi cần thiết, thời gian tồn tại lâu dài.

Bảng quản lý Thực hành quyền công tố, kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố

Cách thức để “Tăng cường công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp thông qua số hóa hồ sơ vụ án hình sự” gồm có 04 phần: Phần I: Số hóa hồ sơ trong giai đoạn xác minh tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố; Phần II: Số hóa hồ sơ trong giai đoạn khởi tố, điều tra vụ án; Phần III: Kỹ năng thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tuân theo pháp luật thông qua số hóa hồ sơ trong giai đoạn truy tố và Phần IV: Kỹ năng xây dựng, sử dụng số hóa hồ sơ trong giai đoạn thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm.

Bảng quản lý việc thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố các vụ án hình sự.

Quy trình số hóa hồ sơ vụ án dân sự”.
Quy trình số hoá hồ sơ vụ án dân sự của VKSND huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai là sáng kiến kinh nghiệm được xếp loại xuất sắc theo kết quả công nhận của Hội đồng sáng kiến VKSND tỉnh Gia Lai năm 2021 và là sáng kiến cấp Ngành kiểm sát năm 2022.
Quy trình số hoá hồ sơ vụ án dân sự giúp Viện Kiểm sát kiểm sát bản án, quyết định giải quyết các vụ, việc dân sự, hôn nhân và gia đình của Tòa án một cách chặt chẽ, giúp phát hiện vi phạm trong các bản án, quyết định của Tòa án là cơ sở để VKS ban hành yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị yêu cầu Tòa án khắc phục vi phạm, nhằm bảo đảm các bản án, quyết định có căn cứ, đúng pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức, bảo đảm pháp luật được thực hiện thống nhất. Đồng thời có thể hỗ trợ Hội đồng xét xử công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa để làm rõ quá trình hỏi của Hội đồng xét xử, làm rõ nội dung vụ án, Hỗ trợ việc công bố lời khai của đương sự và người tham gia tố tụng khi vắng mặt tại phiên tòa kết hợp với trình chiếu tài liệu, chứng cứ băng hình ảnh giúp cho các đương sự tại phiên tòa nắm được nội dung, ý kiến của những người vắng mặt, trên cơ sở đó thực hiện quyền tranh luận, đối đáp phù hợp, đúng trọng tâm; Viện kiểm sát cũng có thể trình chiếu hình ảnh phục vụ cho quá trình hỏi của Viện kiểm sát (trình chiếu hình ảnh mà không phải công bố tài liệu, chứng cứ). Việc kết hợp cách trình bày thông thường và trình chiếu hình ảnh (thông qua slide) sẽ giúp Hội đồng xét xử và những người tham gia tố tụng nắm bắt nhanh chóng, kịp thời và đầy đủ các vấn đề mà đại diện Viện kiểm sát trình bày như việc đánh giá, phân tích, lập luận, viện dẫn căn cứ, Kiểm sát viên dễ dàng tạo ra những điểm nhấn trong bài phát biểu, mang lại hiệu ứng và tính thuyết phục cao. Qua đó, giúp cho công tác xét xử vụ án dân sự của Tòa án bảo đảm sự công khai, minh bạch, công bằng, chính xác.
Nội dung quy trình gồm 7 bước:
Bước 1: Kiểm sát chặt chẽ về thời hạn gửi các thông báo thụ lý, thời hạn khởi kiện vụ án, thời hạn chuẩn bị xét xử, thời hạn mở phiên tòa, bản án, quyết định thông qua số điện tử được thiết lập trên nền tảng Microsoft Excel.
Bước 2: Trích cứu hồ sơ điện tử, dự thảo những văn bản cần thiết.
Bước 3: Số hóa hồ sơ tài liệu, chứng cứ cần thiết để xây dựng hồ sơ kiểm sát điện tử.
Bước 4: Xây dựng báo cáo điện tử báo cáo kết quả nghiên cứu hồ sơ và đề xuất giải quyết vụ việc dân sự
Bước 5: Soạn thảo bài phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa xét xử vụ án dân sự “thông qua hình ảnh".
Bước 6: Bố cục, thứ tự sắp xếp hồ sơ kiểm sát điện tử.
Trên cơ sở những tài liệu, chứng cứ được scan hoặc được cung cấp, Kiểm sát viên phải sắp xếp tài liệu, chứng cứ đã số hóa theo từng thư mục để phục vụ tốt việc tham gia phiên tòa, theo từng đương sự, Tòa án, cá nhân, cơ quan, tổ chức liên quan (như Ủy ban nhân dân, cơ quan giám định...), khi sắp xếp cần phải tạo mục lục, dẫn, liên kết đến tài liệu, chứng cứ đã sao chụp – Hyperlink
Bước 7: Các thao tác nghiệp vụ tại phiên tòa xét xử vụ án dân sự có ứng dụng công nghệ thông tin.

Quan cảnh tại một phiên tòa số hóa hồ sơ vụ án dân sự

“Một số giải pháp và kiến nghị hoàn thiện pháp luật để nâng cao tính thực chất và hiệu quả thực hiện quyền yêu cầu của Viện kiểm sát trong thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Đây là sáng kiến kinh nghiệm được Hội đồng sáng kiến VKSND tỉnh Gia Lai công nhận và là sáng kiến cấp Ngành kiểm sát năm 2022.
Sáng kiến giúp tăng cường trách nhiệm công tố trong tố tụng hình sự, bảo đảm việc truy cứu trách nhiệm hình sự đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; không để xảy ra oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm, bảo vệ tốt quyền con người trong tố tụng hình sự. Phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu đề ra đối với Ngành kiểm sát theo Nghị quyết số 96/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội; Đề ra các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của Viện kiểm sát  khi thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giai đoạn khởi tố, điều tra vụ án hình sự, góp phần đảm bảo cho việc điều tra đúng quy định của pháp luật, chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm. Đặt biệt trong sáng kiến đơn vị đã ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng trong việc thực hiện quyền yêu cầu của Viện kiểm sát, khắc phục những hạn chế, thiếu sót đã được VKSND tối cao tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự, như trong một số trường hợp, Kiểm sát viên chưa kịp thời yêu cầu Cơ quan điều tra phải tiến hành một số hoạt động điều tra; nội dung yêu cầu điều tra không đầy đủ, có nội dung chung chung, không cụ thể. Đồng thời, nhằm phát hiện vi phạm trong công tác Thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong giải quyết các vụ án hình sự, là cơ sở để ban hành yêu cầu, kiến nghị, yêu cầu Điều tra viên, Cơ quan điều tra khắc phục vi phạm, nhằm tăng cường trách nhiệm công tố trong giải quyết vụ án hình sự được tổ chức thực hiện nghiêm túc, chất lượng, hiệu quả, không hình thức. Góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành Kiểm sát nhân dân theo Chỉ thị số 03/CT-VKSTC ngày 17/5/2021 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Trong sáng kiến đơn vị đã xây dựng phần mền “Sổ điện tử kiểm sát quyền yêu cầu của Viện kiểm sát” thực tiễn áp dụng đã mang lại hiệu quả rất cao, phần mền được xây dựng trên nền tảng Excel, định dạng sẵn các hàm tính toán như hàm “COUNTIF” để đếm và lấy dữ liệu cần thiết trong vùng dữ liệu, trích lọc dữ liệu kiểm sát các yêu cầu, nội dung công việc trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, giúp Kiểm sát viên nhận biết các yêu cầu, nội dung công việc đã quá hạn hay không…)

Giao diện “Sổ điện tử kiểm sát quyền yêu cầu của Viện kiểm sát”

Các quy trình nêu trên đã đi vào hoạt động và mang lại những lợi ích thiết thực trong hoạt động nghiệp vụ cũng như phục vụ tốt công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành; tuy nhiên, bên cạnh vẫn tồn tại những khó khăn nhất định, như: Trình độ, nhận thức, năng lực, kỹ năng công nghệ thông tin của đội ngũ Kiểm sát viên, Kiểm tra viên còn chưa đồng đều; hoặc một số chưa có thói quen, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin vào công việc, chưa hình thành văn hóa nghiên cứu, báo cáo vụ án hình sự thông qua sổ điện tử. Ngoài ra, điều kiện về trang thiết bị đôi lúc còn chưa đảm bảo vận hành tốt các ứng dụng đã xây dựng.

Kiến nghị, đề xuất
Qua chặng đường gần hai năm triển khai và thực hiện, có thể khẳng định ứng dụng công nghệ thông tin, tư duy đổi mới trong vận hành công việc, có thể giúp thực hiện tốt hơn chức năng nhiệm vụ của Ngành kiểm sát nhân dân. Để công tác số hóa hồ sơ vụ án hình sự, dân sự nói chung và công tác báo cáo án thông qua sơ đồ tư duy nói riêng, được thực hiện hiệu quả, thống nhất, từ thực tiễn công tác, chúng tôi có một số đề xuất như sau:
Một là, VKSND tối cao cần xây dựng nền tảng số, quy trình số hóa hồ sơ, quy trình sử dụng công nghệ thông tin trong báo cáo án thống nhất trong toàn Ngành; phát triển thêm các phần mền ứng dụng công tác số hóa hồ sơ, công tác báo cáo án, lưu trữ tài liệu số nhằm truy xuất dữ liệu nhanh chóng. Đồng thời đầu tư các phần mềm, chương trình bảo mật để đảm bảo an toàn thông tin.
Hai là, VKSND tối cao phối hợp với liên ngành Trung ương thống nhất xây dựng văn bản phối hợp về công tác số hóa hồ sơ vụ án, bảo mật, chia sẻ, sử dụng tài liệu số hóa đặt biệt là việc sử dụng tài liệu số hóa vào trong các cuộc họp liên ngành.
Ba là, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu để thực hiện hiệu quả công tác số hóa hồ sơ, công tác báo cáo án thông qua hồ sơ đã số hóa; nâng cao năng lực cán bộ, kiểm sát viên về trình độ tin học, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa hồ sơ, lưu trữ tài liệu số; báo cáo án thông qua sơ đồ tư duy.
Bốn là, lãnh đạo các đơn vị quan tâm, phối hợp với Trường Đại học Kiểm sát, Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ Kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh đưa các lớp bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ, Kiểm sát viên nhằm nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin. Chương trình bồi dưỡng, tập huấn trước hết cần bám sát các nội dung, yêu cầu của công tác số hóa hồ sơ, báo cáo án thông qua sơ đồ tư duy, trình chiếu tài liệu bằng hình ảnh…
Năm là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong báo cáo án, xây dựng bài phát biểu thông qua sơ đồ tư duy các vụ án dân sự, hôn nhân gia đình, lao động, hành chính, sau đó tiến tới thực hiện việc báo cáo công tác kiểm sát ở các khâu công tác khác như thi hành án dân sự, thi hành án hình sự.
Sáu là, tiếp tục đầu tư về cơ sở vật chất như máy tính, ổ cứng di động có cấu hình cao cho mỗi kiểm sát viên để có thể tiện lưu trữ toàn bộ hồ sơ số hóa, báo cáo án trong từng hồ sơ của mình, đầu tư thêm máy scan để phục vụ số hóa.
Bảy là, định kỳ tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm về công tác này nhằm tổng hợp các kinh nghiệm, cách làm hay và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc./.

Tác giả bài viết: Lê Xuân Quang - Nguyễn Thị Tường Vy

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyển đổi số
Hưởng ứng giải  Búa Liềm Vàng
Giải báo chí phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Công khai ngân sách
Mail công vụ
Thống Kê Truy Cập
  • Đang truy cập31
  • Hôm nay9,215
  • Tháng hiện tại132,692
  • Tổng lượt truy cập16,661,614
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây