Chào mừng 30/4
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh

Bàn về tội “Xâm phạm chỗ ở của người khác” quy định trong BLHS năm 2015

Thứ tư - 01/02/2023 03:25 25.105 0
Tóm tắt: So với Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), nhóm các tội xâm phạm quyền tự do của con người, quyền tự do, dân chủ của công dân (bao gồm từ Điều 157 đến Điều 167) được quy định tại Chương XV Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã có sự thay đổi đáng kể để phù hợp với các đạo luật khác có liên quan, tạo điều kiện cho các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng một cách thống nhất các quy định của Bộ luật.
Trong phạm vi bài viết này, tác giả tập trung phân tích những điểm mới trong các quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về Tội xâm phạm chỗ ở của người khác, đồng thời, làm rõ những hạn chế, tồn tại trong công tác xử lý, định tội nhằm đề xuất một số kiến nghị, đề xuất nhằm hoàn thiện tội danh này trong thời gian tới.
Từ khóa: Tội “Xâm phạm chỗ ở của người khác”; Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Theo quy định của Hiến pháp năm 2013: "Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý. Việc khám xét chỗ ở do luật định"[1]. Quyền bất khả xâm phạm chỗ ở của người khác còn được cụ thể hóa bởi những quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Để bảo vệ quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã quy định Tội xâm phạm chỗ ở của người khác.
Có thể định nghĩa, Tội xâm phạm chỗ ở của người khác là hành vi khám xét trái phép pháp luật chỗ ở, đuổi trái pháp luật người khác ra khỏi chỗ ở của họ; chiếm giữ chỗ ở hoặc cản trở trái pháp luật người đang ở hoặc người đang quản lý hợp pháp vào chỗ ở của họ hoặc có hành vi xâm nhập trái pháp luật chỗ ở của họ, do người có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý, xâm phạm đến quyền bất khả chỗ ở của người khác được Hiến pháp ghi nhận và pháp luật Hình sự bảo vệ.
1. Quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 về Tội xâm phạm chỗ ở của người khác
Tội xâm phạm chỗ ở của người khác được quy định tại Điều 158 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) gồm 03 khoản, cụ thể như sau:
Điều 158. Tội xâm phạm chỗ ở của người khác
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây xâm phạm chỗ ở của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác;
b) Đuổi trái pháp luật người khác ra khỏi chỗ ở của họ;
c) Chiếm giữ chỗ ở hoặc cản trở trái pháp luật người đang ở hoặc người đang quản lý hợp pháp vào chỗ ở của họ;
d) Xâm nhập trái pháp luật chỗ ở của người khác.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Phạm tội 02 lần trở lên;
d) Làm người bị xâm phạm chỗ ở tự sát;
đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Như vậy, so với Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) thì Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có những điểm mới cơ bản về Tội xâm phạm chỗ ở của người khác được quy định tại Điều 158 như sau:
Thứ nhất, tên của Điều luật đã được sửa đổi thành “Tội xâm phạm chỗ ở của người khác” (Điều 158) thay vì quy định “Tội xâm phạm chỗ ở của công dân” (Điều 124). Sự thay đổi này là phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở” (Điều 22) nhằm xác định rõ khách thể được bảo vệ là quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của mọi cá nhân. Đồng thời, cụm từ “công dân” là quá hẹp, chưa thể hiện hết nội hàm các quy định trong điều luật này, bởi lẽ, quyền tự do, dân chủ mà tội phạm này xâm hại là các quyền con người được Hiến pháp bảo vệ, không kể là công dân Việt Nam hay người nước ngoài hay người không quốc tịch sinh sống tại Việt Nam, việc thay bằng cụm từ “người khác” tại khoản 1 để thể hiện hướng mở rộng đối tượng, phạm vi bảo vệ quyền con người mà nội dung điều luật đã xác định.
Thứ hai, tại khoản 1 của Điều luật này đã sửa đổi, bổ sung quy định về hành vi “hoặc có những hành vi khác trái pháp luật khác xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân” thành các trường hợp phạm tội cụ thể:
Một là, chiếm giữ chỗ ở hoặc cản trở trái pháp luật người đang ở hoặc người đang quản lý hợp pháp vào chỗ ở của họ: Người phạm tội dùng mọi thủ đoạn trái pháp luật nhằm chiếm giữ chỗ ở hoặc cản trở trái phép, không cho người đang ở hoặc quản lý hợp pháp chỗ ở được vào chỗ ở của họ. Loại hành vi tội phạm này được bổ sung trên cơ sở tổng kết thực tiễn xét xử về tội này trong những năm qua.
Hai là, xâm nhập trái pháp luật chỗ ở của người khác: Người phạm tội tự ý xâm nhập chỗ ở của người khác mà không được sự đồng ý của chủ nhà hoặc người quản lý hợp pháp, tức là tự ý vào chỗ ở của người khác mà không được người đó đồng ý. Đây là hành vi mới được bổ sung quy định là tội phạm thể hiện đúng tinh thần và cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 nhằm bảo vệ quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, là quyền dân sự cơ bản của con người, của công dân. Nếu người phạm tội thực hiện hành vi tự ý xâm nhập chỗ ở của người khác để thực hiện tội phạm như giết người hoặc trộm cắp tài sản. Trong trường hợp này người phạm tội có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội xâm phạm chỗ ở của người khác và Tội giết người hoặc Tội trộm cắp tài sản theo nguyên tắc phạm nhiều tội.
Việc thay đổi, bổ sung nói trên góp phần nâng cao tính minh bạch, rõ ràng, tạo điều kiện cho các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng một cách thống nhất, tránh bỏ lọt tội phạm.
Ngoài ra, khoản 1 Điều luật này còn có sự điều chỉnh về mức hình phạt theo hướng tăng nặng trách nhiệm hình sự: loại bỏ hình phạt cảnh cáo, tăng thời hạn cải tạo không giam giữ đến 02 năm (Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định đến 01 năm), nâng mức hình phạt tù lên thành từ 03 tháng đến 02 năm (Bộ luật Hình sự 1999 là từ 03 tháng đến 01 năm).
Thứ ba, tại khoản 2 Điều luật này bổ sung tình tiết định khung tăng nặng “Phạm tội 02 lần trở lên”; đồng thời, cụ thể hóa tình tiết “Gây hậu quả nghiêm trọng” bằng các tình tiết “Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội”; “Làm người bị xâm phạm chỗ ở tự sát” phù hợp với thực tiễn đấu tranh, phòng chống tội phạm này và giải quyết khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi trong thực tiễn áp dụng.
So với khoản 2 Điều 124 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) thì khoản 2 Điều 158 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) nâng mức hình phạt tù lên thành từ 01 năm đến 05 năm (Bộ luật Hình sự năm 1999 là từ 01 năm đến 03 năm), quy định này nhằm thể hiện thái độ nghiêm khắc hơn đối với các trường hợp phạm tội quy định tại khỏan này cũng như tăng cường tính răn đe và phòng ngừa chung đối với tội phạm này.
2. Những hạn chế, bất cập trong quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 về Tội xâm phạm chỗ ở của người khác
Qua nghiên cứu các quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về Tội xâm phạm chỗ ở của người khác, gắn với thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm phạm quyền tự do, dân chủ của công dân cho thấy những hạn chế, bất cập sau đây:
Thứ nhất, vướng mắc trong việc xác định xử lý vi phạm hành chính hay hình sự đối với một số hành vi xâm phạm chỗ ở của người khác.
Nghiên cứu các văn bản quy phạm pháp luật liên quan thì thấy, hiện nay chưa có quy định cụ thể hành vi xâm phạm chỗ ở của người khác thì bị xử phạt vi phạm hành chính mà chỉ quy định một số hành vi được mô tả trong Điều 158 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Theo đó, tại khoản 4 Điều 13 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình (viết tắt Nghị định 167) về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi Vi phạm các quy định về quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ.
“Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

h) Thuê dịch vụ bảo vệ nhưng yêu cầu nhân viên dịch vụ bảo vệ sử dụng vũ lực hoặc thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức;
…”
Ngoài ra, trường hợp chiếm giữ trái phép tài sản (nhà ở) của người khác thì có thể bị xử phạt theo Điều 15 Nghị định 167. Theo đó, Điều 15 Nghị định 167 quy định:
“…
2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

e) Chiếm giữ trái phép tài sản của người khác.
   Như vậy, theo các điều luật trên của Nghị định 167 thì hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực xâm phạm chỗ ở của người khác hoặc chiếm giữ trái phép tài sản (nhà ở) của người khác thì có thể bị xử phạt hành chính với mức phạt 2-10 triệu đồng. Có thể thấy, một số hành vi được mô trong cấu thành tội xâm phạm chỗ ở của người khác có thể bị xử lý hành chính hoặc bị xử lý Hình sự. Nhưng, chưa quy định rõ ràng, cụ thể trường hợp vi phạm đến mức độ nào thì bị xử lý hình sự, mức độ nào thì bị xử lý hành chính, có thể gây bất cập, không thống nhất trong thực tiễn áp dụng.
Thứ hai, vướng mắc trong việc áp dụng tình tiết “gây ảnh hướng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội”
Việc xác định thế nào là “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” trên thực tế không hề đơn giản bởi  đây là một tình tiết định khung tăng nặng mang tính định tính, chung chung, chưa có văn bản cụ thể nào hướng dẫn áp dụng. Do đó, việc xác định, đánh giá phụ thuộc phần lớn vào nhận thức chủ quan của các chủ thể, chưa cơ sở nào để đánh giá và cơ quan có thẩm quyền nào xác nhận, đánh giá hậu quả của hành vi xâm phạm chỗ ở của người khác gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Bên cạnh đó, mức độ ảnh hưởng xấu cũng chưa có sự phân biệt (chỉ quy định ảnh hưởng xấu….mà chưa quy định gây ảnh hưởng rất xấu, đặc biệt xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội).
Thứ ba, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) chưa có cơ sở pháp lý để xử lý trong một số trường hợp người phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng khác.
Điều 158 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định một cách không bao quát hết được các trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng khác do hành vi xâm phạm chỗ ở của người khác gây ra. Bởi lẽ, có nhiều trường hợp người phạm tội thực hiện hành vi xâm phạm chỗ ở của người khác có thể cố ý hoặc vô ý gây ra những thiệt hại về thể chất, vật chất hoặc tinh thần cho người khác. Tuy nhiên, những hậu quả do hành vi xâm phạm chỗ ở của người khác trên lại chưa được Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định thành các tình tiết định khung tăng nặng nên chưa có chế tài thích đáng xử lý đối với các trường hợp này.
Thứ tư, vướng mắc trong việc thống nhất khái niệm “chỗ ở”
Bộ luật Hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa có hướng dẫn cụ thể thế nào là “chỗ ở”, dẫn đến nhiều quan điểm không thống nhất, khó khăn trong việc xác định trách nhiệm hình sự của các cơ quan tiến hành tố tụng. Vụ việc điển hình: Tháng 5/2018, Đinh Văn Hữu (ngụ tỉnh Tiền Giang) mua căn nhà số 111 Bà Hom (phường 13, Quận 6, TP.HCM). Nhà này nguyên thuộc sở hữu của lăm đồng thừa kế. Tháng 6/2018, ông Hữu làm xong thủ tục đăng ký sang tên nhà, đất trên. Đúng ngày 12/6/2018, bên bán nhà, đất đã giao nhà, đất cho ông Hữu và bên ông Hữu đã đến nhận nhà, đất. Bất ngờ, vừa khi bên ông Hữu nhận xong thì có một nhóm người, trong đó có người là họ hàng của bên bán nhà đã đến gây rối, đồng thời bẻ khóa cửa, cổng rào, chiếm giữ luôn nhà, đất đó cho đến nay. Ông Hữu đã nhiều lần vào nhà để yêu cầu được nhận lại bất động sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của mình nhưng nhóm người trên đã ngăn cản, không cho ông vào. Ông Hữu gửi đơn tố giác đến Công an Quận 6. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Quận 6 đã ra quyết định khởi tố vụ án xâm phạm chỗ ở của người khác tại nhà, đất số 111 Bà Hom. Tuy nhiên, Viện kiểm sát nhân dân Quận 6 cho rằng hành vi nêu trên của những người trong gia đình của người họ hàng chủ nhà cũ chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm; ông Hữu là chủ sở hữu, sử dụng hợp pháp nhà, đất ở số 111 Bà Hom, (phường 13, Quận 6, TP.HCM) nhưng thực tế chưa ở ngày nào nên những người đang chiếm hữu nhà, đất không hợp pháp không phạm tội này. Do vậy, Viện kiểm sát nhân dân quận 6 đã ra văn bản yêu cầu Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Quận 6 huỷ quyết định khởi tố đó và Cảnh sát điều tra Công an Quận 6 đã ra quyết định huỷ bỏ quyết định khởi tố vụ án xâm phạm chỗ ở của người khác[2].
Nghiên cứu các văn bản quy phạm pháp luật liên quan thì thấy theo quy định tại Khoản 9 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 thì chỗ ở được định nghĩa như sau: “Chỗ ở là nhà ở, phương tiện hoặc nhà khác mà công dân sử dụng để cư trú. Chỗ ở thuộc quyền sở hữu của công dân hoặc được cơ quan, tổ chức, cá nhân cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ theo quy định của pháp luật”.
Pháp luật hiện tại chỉ định nghĩa “chỗ ở” nhưng chưa có quy định hướng dẫn cụ thể xác định khi nào một địa điểm được coi là chỗ ở của một người dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau trong thực tiễn áp dụng. Theo quan điểm của chúng tôi, để đảm bảo phù hợp với thực tiễn thì một địa điểm được coi là chỗ ở của một người khi người đó bắt đầu sử dụng nhà ở, phương tiện hoặc nhà khác để cư trú, sinh sống.
Mặt khác, một số quan điểm cho rằng “chỗ ở” theo nội dung Điều 158 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) phải là chỗ ở hợp pháp. Vì theo quy định của Hiến pháp năm 2013 tại Điều 22 đã hiến định: "Công dân có quyền có nơi ở hợp pháp" và theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Luật cư trú năm 2006 (được sửa đổi, bổ sung năm 2013) thì "Chỗ ở hợp pháp là nhà ở, phương tiện hoặc nhà khác mà công dân sử dụng để cư trú. Chỗ ở hợp pháp có thể thuộc quyền sở hữu của công dân hoặc được cơ quan, tổ chức, cá nhân cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ theo quy định của pháp luật". Với các quy định như trên có thể hiểu, đối tượng xâm phạm của tội xâm phạm chỗ ở của người khác phải là chỗ ở hợp pháp.
Theo quan điểm của chúng tôi, có thể hiểu nội hàm “chỗ ở” theo tinh thần điều luật là chỗ ở hợp pháp hoặc chỗ ở bất hợp pháp, bởi lẽ việc xác định chỗ ở hợp pháp hay chỗ ở bất hợp pháp thuộc về các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Hơn nữa, việc không phân biệt chỗ ở hợp pháp hay không hợp pháp còn nhằm giữ gìn trật tự xã hội ổn định, góp phần bảo vệ công dân tốt hơn, tránh trường hợp lợi dụng chỗ ở không hợp pháp để xâm phạm quyền cư trú của người khác gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội.
3. Một số kiến nghị, đề xuất
Những khó khăn, vướng mắc nêu trên ít nhiều dẫn đến công tác xét xử và đấu tranh phòng và chống tội phạm này chưa thật sự triệt để và chưa đồng bộ, hiệu quả. Do đó, việc đưa ra một số giải pháp hoàn thiện pháp luật, đặc biệt là các quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về Tội xâm phạm chỗ ở của người khác không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với việc xây dựng các giải pháp hữu hiệu để phòng ngừa tội phạm này một cách có hiệu quả, mà còn bảo đảm quyền tự do, dân chủ của công dân, quyền con người một cách thiết thực nhất.
Thứ nhất, đối với một số hành vi xâm phạm chỗ ở của người khác được mô tả theo Điều 158 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), vì chưa có quy định tiêu chí đánh giá cụ thể rõ ràng trong việc xử lý hành chính hay xử lý hình sự dẫn đến tồn tại trong thực tiễn để đảm bảo “an toàn” các cơ quan tiến hành tố tụng thường chọn phương án xử lý hành chính đối với người có hành vi xâm phạm chỗ ở của người khác hoặc quá đề cao vai trò của pháp luật Hình sự mà không quan tâm đến tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi xâm phạm chỗ ở của người khác ảnh hưởng đến tính đúng đắn, chính xác của trách nhiệm hình sự có thể dẫn đến oan sai. Do đó, để áp dụng các quy định về Tội xâm phạm chỗ ở của người khác, tác giả kiến nghị Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao cần sớm ban hành hướng dẫn cụ thể việc áp dụng tội phạm này với những tiêu chí đánh giá cụ thể để phân định giữa trách nhiệm Hình sự và chế tài hành chính.
Thứ hai, cần có những quy định cụ thể hướng dẫn chi tiết việc áp dụng tình tiết “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội”.
Để đảm bảo pháp luật Hình sự được áp dụng thống nhất, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần sớm văn bản hướng dẫn chi tiết áp dụng tình tiết định khung tăng nặng “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” theo hướng: đưa ra các quy định trong từng trường hợp cụ thể, mức độ, phạm vi ảnh hưởng đối với tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội. Đồng thời, cần có quy định chặt chẽ trình tự thu thập, tiếp nhận đối với tình hình, phản ánh của nhân dân về các hành vi xâm phạm chỗ ở của người khác “gây ảnh hướng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội”, cơ sở đánh giá (bao nhiêu hành vi, trong khoảng thời gian bao nhiêu, số lượng người tham gia, ảnh hưởng như thế nào, hậu quả …) và các cơ quan có thẩm quyền đánh giá (có thể là Công an xã phường, thị trấn hoặc Uỷ ban nhân dân các cấp) về các hành vi “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” để làm căm cứ xử lý.
Thứ ba, cần bổ sung thêm tình tiết “Gây hậu quả nghiêm trọng khác” vào khoản 2 Điều 158 Bộ luật Hình sự, đồng thời có những quy định cụ thể hướng dẫn chi tiết về các trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng khác do hành vi xâm phạm chỗ ở của người khác gây ra. Một số trường hợp có thể thuộc tình tiết “Gây hậu quả nghiêm trọng khác” cần được quy định và hướng dẫn như: Gây chết người ngoài những trường hợp dùng vũ lực; Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác ngoài trường hợp dùng vũ lực; Gây thiệt hại về tài sản; Làm cho người bị đuổi ra khỏi nhà đi lang thang, phải bỏ học,…
Thứ tư, Liên ngành các cơ quan tư pháp trung ương trên cơ sở tổng kết thực tiễn, đánh giá việc đấu tranh phòng chống tội phạm này trong thời gian vừa qua, cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về việc hiểu thống nhất như thế nào là “chỗ ở”, theo đó nội dung hướng dẫn cần theo hướng chỉ cần có các hành vi như quy định tại khoản 1 Điều 158 Bộ luật Hình sự năm 2015 là có dấu hiệu cấu thành tội phạm mà không quy định đó là chỗ ở hợp pháp hay bất hợp pháp; đồng thời xác định thời điểm một địa điểm khi nào được coi là chỗ ở của một cá nhân và đưa ra các ví dụ để dễ dàng định tội trong thực tế.
Tác giả: Trần Xuân Thao – Nguyễn Quang Đạt [1]

Tạp chí Khoa học kiểm sát số 05/2022
 
[1] * Trần Xuân Thao – Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương;
* * Nguyễn Quang Đạt – Viện kiểm sát nhân dân huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai.
 

[1] Khoản 2, khoản 3 Điều 22 Hiến pháp năm 2013.

[2] Xem bài viết “Nghịch lý xâm phạm chỗ ở người khác nhưng không bị xử lý”, https://plo.vn/phap-luat/nghich-ly-xam-pham-cho-o-nguoi-khac-nhung-khong-bi-xu-ly-919842.html truy cập 08 giờ 45 phút ngày 30/5/2022.

Tổng số điểm của bài viết là: 7 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 2.3 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyển đổi số
Hưởng ứng giải  Búa Liềm Vàng
Giải báo chí phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Công khai ngân sách
Mail công vụ
Thống Kê Truy Cập
  • Đang truy cập79
  • Hôm nay19,656
  • Tháng hiện tại320,473
  • Tổng lượt truy cập16,849,395
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây