Chào mừng Đại hội Công đoàn tỉnh Gia Lai lần thứ XI
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh

Nhận diện vi phạm qua một số vụ án có liên quan đến quyền sử dụng đất bị hủy án để giải quyết lại – Kinh nghiệm đối với Kiểm sát viên

Thứ năm - 08/12/2022 22:04 1.197 0
Tóm tắt: Bài viết chỉ ra một số kinh nghiệm cho Kiểm sát viên trong việc nhận diện vi phạm, sai sót của Tòa án thông qua việc nghiên cứu một số bản án liên quan đến quyền sử dụng đất bị tuyên hủy để giải quyết lại.     
Trong thời gian qua, việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất vẫn còn nhiều sai sót có nguyên nhân chủ yếu từ việc áp dụng không đúng quy định của pháp luật, thu thập chứng cứ không đầy đủ, việc xem xét, đánh giá chứng cứ không toàn diện và không chính xác… dẫn đến nhiều bản án sơ thẩm giải quyết các vụ án có liên quan đến quyền sử dụng đất bị hủy án để giải quyết lại. Qua thực tiễn công tác và nghiên cứu một số bản án phúc thẩm của Tòa án trong thời gian gần đây, chúng tôi xin nêu lên một số kinh nghiệm nhận diện vi phạm, sai sót thường gặp của Tòa án trong giải quyết một số vụ án có liên quan đến quyền sử dụng đất; đồng thời chỉ ra một số kinh nghiệm, kỹ năng giúp cho Kiểm sát viên thực hiện tốt công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án này, góp phần nâng cao chất lượng công tác kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự.
          Từ khóa: tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất; nhận diện vi phạm của Tòa án; kinh nghiệm, kỹ năng kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự.
          1. Diện tích và hiện trạng đất, tài sản trên đất mà các bên giao dịch chưa được làm rõ và chưa có đủ căn cứ xác định ai là người giao dịch mua đất
          - Vụ án thứ nhất: Vụ án “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất” giữa nguyên đơn ông Hoàng Văn N với bị đơn bà Nguyễn Thị L.
Tại đơn khởi kiện, nguyên đơn ông Hoàng Văn N trình bày đã mua “11.259 m2 đất và các tài sản gắn liền với đất” của bị đơn. Nguyên đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc bị đơn trả lại đất và tài sản trên đất, đồng thời cung cấp bản sao “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất” số BA 447020 do Ủy ban nhân dân (viết tắt là UBND) huyện C cấp ngày 25/01/2011 thể hiện bà Nguyễn Thị L được công nhận quyền sử dụng 11.259 m2 đất và cây hồ tiêu (trên giấy chứng nhận này không thể hiện bà Nguyễn Thị L được quyền sở hữu nhà ở); bản sao của “Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” thể hiện nguyên đơn mua của bà Nguyễn Thị L 11.259 m2 đất.
Tại “Biên bản cưỡng chế kê biên tài sản” do Chi cục Thi hành án huyện C lập ngày 30/3/2017 thể hiện thửa đất theo “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BA 447020 do UBND huyện C cấp ngày 25/01/2011 có diện tích 11.259 m2 nhưng qua đo đạc thực tế có 8.482 m2…”. Tại “Biên bản xem xét, thẩm định tại chỗ” do Tòa án cấp sơ thẩm lập ngày 20/9/2018 thể hiện thửa đất có diện tích 8.838 m2.
Bị đơn bà Nguyễn Thị L cho rằng, bà chỉ bán cho nguyên đơn 8.000 m2 đất “từ đất nhà ông Hoàng Văn N vợ là Trần Thị M chiều dọc hết đất, chiều ngang theo mặt đường khi nào đủ diện tích 8.000 m2 như hai bên đã thoản thuận”.
Nội dung “Biên bản làm việc” do Công an huyện C lập ngày 20/3/2018 lại thể hiện “Lời trình bày của ông N, bà M: Vợ chồng tôi đã nghe rõ toàn bộ nội dung mà bà Nguyễn Thị L và ông Huỳnh Thanh M (chồng bà L) trình bày: Vợ chồng tôi đồng ý, thống nhất sẽ đo đủ 8 (tám) sào đất (8.000 m2). Cách thức đo đất là đo từ hàng rào của gia đình tôi đo qua (trái qua phải), chiều rộng phía trước bằng phía sau, đo đủ 8.000 m2 rồi sẽ giao số đất còn lại cho gia đình ông M, bà L…”. Tài liệu là “Giấy xác nhận” đề ngày 01/9/2017 (bản photocopy) có nội dung thể hiện ông K xác nhận rằng “…giấy mua bán đất của bà Nguyễn Thị L cho vợ chồng ông Hoàng Văn N và bà Trần Thị M khoảng vào ngày 10 tháng 7 năm 2017, giấy mua bán do bà M viết tay để thỏa thuận, DT là 1H 129m, bán 8 sào với giá là 320.000.000 đồng”.
Nhận xét: Với những mâu thuẫn chưa được làm rõ nêu trên về diện tích đất chuyển nhượng và hiện trạng thửa đất chuyển nhượng, đồng thời tại hồ sơ vụ án, không có tài liệu, chứng cứ nào thể hiện nguyên đơn có giao dịch mua tài sản trên đất của bị đơn nhưng Tòa án cấp sơ thẩm đã quyết định: “…Buộc bà Nguyễn Thị L có nghĩa vụ giao cho ông Hoàng Văn N bà Trần Thị M 8.838 m2; cùng với 1 căn nhà xây cấp 4 diện tích 64,6 m2, 1 cái giếng khoan, 1 máy bơm nước, đường điện 3 pha và 1 giếng đào cho ông Hoàng Văn N và bà Trần Thị M” là không đủ cơ sở.
- Vụ án thứ hai: Vụ án “Tranh chấp về đòi lại tài sản là quyền sử dụng đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất” giữa nguyên đơn anh Huỳnh Thái Chí T với bị đơn bà Thái Thị N.
Nguyên đơn anh T khai, mẹ của anh (bà Thái Thị H) là người mua đất; sau đó, bà H giao lại cho anh toàn bộ 1400 m² đất, bao gồm phần đất mà bà H mua của ông S trước đó và phần đất mà bà H mua của anh P, chị N để anh làm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số BU 632346 do UBND huyện C cấp ngày 19/9/2014 mang tên anh. Bà Thái Thị N khai, bà là người mua đất của anh P, chị N và nhờ bà H đặt cọc; bà xuất trình tài liệu đọc được có nội dung anh P bán nhà đất cho bà Thái Thị N.
Bị đơn bà Thái Thị H khai, bà là người mua đất của anh P, chị N; bà nhờ bà N giao 140.000.000 đồng tiền mua đất còn lại và xuất xuất trình tài liệu đọc được là “Giấy sang nhượng” có nội dung anh P, chị N bán cho bà H “nhà + đất tại xã C” với giá 170.000.000 đồng và nhận đặt cọc 30.000.000 đồng của bà H, hẹn đến ngày 16/01/2010 bà H sẽ giao 140.000.000 đồng còn lại.
Anh P khai, anh bán đất cho cả 2 người là bà N và bà H. Chị N khai, tại thời điểm bán nhà, đất là bán cho bà N, lúc thỏa thuận bà H đặt cọc, chị nghĩ ai đặt cọc không quan trọng, quan trọng lúc giao tiền và làm giấy tờ thôi; bà N là người trực tiếp giao số tiền 140.000.000 đồng, anh P là người nhận tiền từ bà N và giao giấy tờ bán nhà, đất cho bà N.
Tại Biên bản xem xét, thẩm định tại chỗ lập ngày 24/10/2019, Tòa án cấp sơ thẩm xác định thửa đất tranh chấp là thửa số 150, tờ bản đồ số 17 nhưng lại có “diện tích 559 m2” là không đúng thửa đất có đất và nhà tranh chấp (vì thửa số 150, tờ bản đồ số 17 có diện tích 1.400 m2).
Nhận xét: Các tài tài liệu, chứng cứ nêu trên có nhiều mâu thuẫn nên chưa đủ căn cứ để xác định bà Thái Thị H hay bà Thái Thị N là người mua nhà, đất của anh P và chị N. Đồng thời căn cứ biên bản xem xét thẩm định tại chỗ cho thấy Tòa án cấp sơ thẩm chưa xác định được chính xác hiện trạng tài sản có tranh chấp.
Bản án sơ thẩm số 01/2020/DS-ST ngày 08/01/2020 của Tòa án nhân dân huyện C đã quyết định chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc bà Thái Thị N phải trả lại cho nguyên đơn toàn bộ diện tích đất 233 m2 và tài sản khác gắn liền với đất (nhà ở cấp 4, công trình phụ…).
- Nhận diện vi phạm của Tòa án: Trong cả hai vụ án cụ thể nêu trên, Tòa án không tiến hành các biện pháp thu thập chứng cứ như: lấy lời khai của người làm chứng, tiến hành đối chất giữa các đương sự với nhau, giữa các đương sự với người làm chứng để làm rõ các nội dung còn mâu thuẫn về việc ai là người mua đất, diện tích đất, hiện trạng thửa đất, các tài sản có trên đất là những tài sản nào mà các bên đã giao dịch chuyển nhượng, thể hiện việc thu thập, đánh giá chứng cứ của Tòa án không đầy đủ, toàn diện và không chính xác như quy định tại Điều 99, Điều 100 và Điều 108 của Bộ luật Tố tụng dân sự (sau đây viết tắt là BLTTDS).
- Quy định của pháp luật và đường lối giải quyết:
Khoản 1 Điều 99 của BLTTDS quy định: “Theo yêu cầu của đương sự hoặc khi xét thấy cần thiết, Thẩm phán tiến hành lấy lời khai của người làm chứng tại trụ sở Tòa án hoặc ngoài trụ sở Tòa án”.
Khoản 1 Điều 100 của BLTTDS quy định: “Theo yêu cầu của đương sự hoặc khi xét thấy có mâu thuẫn trong lời khai của các đương sự, người làm chứng, Thẩm phán tiến hành đối chất giữa các đương sự với nhau, giữa đương sự với người làm chứng hoặc giữa những người làm chứng với nhau”.
Điều 108 của BLTTDS về đánh giá chứng cứ: 1. Việc đánh giá chứng cứ phải khách quan, toàn diện, đầy đủ và chính xác. 2. Tòa án phải đánh giá từng chứng cứ, sự liên quan giữa các chứng cứ và khẳng định tính hợp pháp, tính liên quan, giá trị chứng minh của từng chứng cứ”.
Trong hai vụ án nêu trên, Tòa án phải xác định việc lấy lời khai của người làm chứng và đối chất giữa các đương sự với nhau, giữa các đương sự với người làm chứng là biện pháp thu thập chứng cứ cần thiết và phải được Tòa án thực hiện để làm rõ mâu thuẫn, xác định chính xác từng vấn đề cần phải giải quyết trong vụ án về diện tích đất, hiện trạng đất, các tài sản trên đất, người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất thì mới có đủ cơ sở, căn cứ để kết luận, quyết định giải quyết vụ án một cách khách quan, chính xác.
          - Kinh nghiệm, kỹ năng kiểm sát việc thu thập, đánh giá chứng cứ: Kiểm sát viên cần lưu ý ngoài việc Tòa án thu thập chứng cứ theo yêu cầu của đương sự thì BLTTDS còn quy định Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ khi “xét thấy cần thiết” hoặc “khi xét thấy có mâu thuẫn”. Như vậy, trong quá trình kiểm sát, nghiên cứu hồ sơ để tham gia phiên tòa các vụ án có đối tượng tranh chấp là quyền sử dụng đất, tài sản trên đất, Kiểm sát viên cần xem xét các chứng cứ dùng để chứng minh người đã giao dịch mua đất, diện tích đất, hiện trạng đất chuyển nhượng hoặc có tranh chấp đã được thu thập hay chưa, nếu đã thu thập đầy đủ thì có mâu thuẫn với nhau ở điểm nào hay không và nếu có mâu thuẫn thì đã được làm rõ hay chưa, để từ đó có phương án yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 58 của BLTTDS hoặc tiến hành thu thập tài liệu, chứng cứ để bảo đảm thực hiện quyền kháng nghị theo quy định tại khoản 6 Điều 97 của BLTTDS.
          2. Xác định không đúng di sản thừa kế khi tài sản thừa kế là quyền sử dụng đất thuộc quyền sử dụng của hộ gia đình, có nhiều thành viên cùng tạo lập nên
- Vụ án cụ thể: Vụ án “Tranh chấp về thừa kế tài sản” giữa nguyên đơn ông Nguyễn Công Tr với bị đơn ông Nguyễn Công S.
Cụ Nguyễn Công H (sinh năm 1921, chết năm 1961) và cụ Bùi Thị Th (sinh năm 1923, chết năm 2011) có 4 người con đẻ (không có con riêng, không có con nuôi) là ông Nguyễn Công Đ (sinh năm 1943, chết năm 1972), ông Nguyễn Công H (sinh năm 1945, chết năm 1968), ông Nguyễn Công S và ông Nguyễn Công Tr. Năm 1963, gia đình cụ Th cùng các con đã khai phá, tạo dựng được rất nhiều đất tại xã Cửu An, huyện A để trồng trọt và dựng nhà ở. Đến năm 1972, cụ Th đổi lô đất này lấy lô đất của ông ngoại, sau đó ông Tr và ông S cùng cụ Th tiếp tục tạo dựng, khai phá, mở rộng đất, chính là các thửa đất số 200, 201 tờ bản đồ số 21 tại xã Cửu An, đã được cấp 02 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 1999 thuộc quyền sử dụng của hộ cụ Bùi Thị Th” nhưng chỉ ghi tên một mình cụ Th.
Năm 2011, cụ Th chết, không để lại di chúc. Di sản do cụ Th để lại là 02 thửa đất số 200, 201 tờ bản đồ số 21 tại thôn An Điền Nam 1, xã Cửu An, có diện tích 2.634,7 m2; trị giá đất theo như kết quả Hội đồng định giá đã xác định tại cấp sơ thẩm là 81.115.394 đồng. Ông Tr yêu cầu chia di sản của cụ Th bằng hiện vật theo quy định của pháp luật. Bị đơn là ông S không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn vì khi cụ Th còn sống có nói để lại cho ông toàn bộ phần đất nêu trên nhưng chưa làm thủ tục tặng cho và đăng ký đất đai theo quy định.
Nhận xét: Di sản thừa kế mà các bên tranh chấp là quyền sử dụng đất được UBND cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình và chủ hộ là người đứng tên. Quá trình sử dụng đất, các thành viên khác của hộ gia đình cùng tham gia khai phá, mở rộng đất.
- Nhận diện vi phạm của Tòa án: Các tài liệu, chứng cứ do hai bên đượng sự xuất trình và trình bày đều thể hiện, thửa đất tại thôn An Điền Nam I, xã Cửu An, huyện A do cụ Th, nguyên đơn và bị đơn “cùng tạo dựng” và “được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Th đứng tên ”. Như vậy, tài sản này không phải của riêng một mình cụ Th. Ngoài ra, tại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số O 989319 do UBND huyện A cấp ngày 22/9/1999 đã chứng nhận 1.790 m2 đất thuộc thửa số 201 tờ bản đồ 21 và tại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số O 989320 do UBND huyện A cấp ngày 22/9/1999 đã chứng nhận 867 m2 đất thuộc thửa số 200 tờ bản đồ 21 đều tại xã Cửu An, huyện A thuộc quyền sử dụng của “hộ cụ Bùi Thị Th”. Ngoài ra, Tại “Giấy chứng nhận hộ khẩu thường trú” do Công an huyện A cấp ngày 20/2/1990 cho hộ cụ Bùi Thị Th đã ghi các thành viên của hộ này là cụ Bùi Thị Th, ông Nguyễn Công S, bà Trương Thị Th, chị Nguyễn Thị S, anh Nguyễn Công Q, anh Nguyễn T (đây là các thành viên gia đình ông S cùng sống chung với cụ Th).
Mặc dù chưa xác minh để làm rõ tại thời điểm ngày 22/9/1999, hộ gia đình cụ Th có bao nhiêu thành viên có quyền sử dụng đất, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm đã xác định toàn bộ thửa đất tại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số O 989319 và tại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số O 989320 đều do Ủy ban nhân dân huyện A cấp ngày 22/9/1999 là di sản của cụ Bùi Thị Th, là chưa đảm bảo căn cứ vững chắc.
- Quy định của pháp luật và đường lối giải quyết:
Khoản 29 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013 quy định: “Hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất.
Khoản 1 Điều 102 của Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Việc xác định tài sản chung của các thành viên hộ gia đình, quyền, nghĩa vụ đối với tài sản này được xác định theo quy định tại Điều 212 của Bộ luật này” (Điều 212 quy định về sở hữu chung của các thành viên gia đình)
Điều 612 của Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác”.
Trong vụ án này, Tòa án phải làm rõ nguồn gốc quyền sử dụng đất cấp cho “hộ gia đình” như nêu trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; tại thời điểm hộ gia đình được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì hộ gia đình đó có bao nhiêu thành viên có quyền sử dụng đất; quyền và nghĩa vụ của từng thành viên đối với tài sản này. Từ đó mới có đầy đủ căn cứ xác định chính xác di sản thừa kế là tài sản nào.
- Kinh nghiệm, kỹ năng kiểm sát: khi kiểm sát việc giải quyết vụ án về thừa kế có liên quan đến quyền sử dụng đất là tài sản chung của hộ gia đình, Kiểm sát viên cần lưu ý về nguồn gốc, quá trình hình thành và tạo lập tài sản quyền sử dụng đất là di sản thừa kế; các chính sách, quy định của pháp luật về đất đai, về quyền sở hữu tại thời điểm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; đối tượng được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhất là các trường hợp cấp đất cho hộ gia đình để phân định rõ tài sản nào là tài sản riêng của người chết và tài sản nào là tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác.
          3. Về định giá tài sản
- Vụ án cụ thể: Vụ án “Tranh chấp về thừa kế tài sản” giữa nguyên đơn ông Nguyễn Công Tr với bị đơn ông Nguyễn Công S (nội dung như đã nêu ở mục 2).
Để giải quyết vụ án chia tài sản thừa kế là quyền sử dụng đất, Tòa án cấp sơ thẩm đã tiến hành định giá tài sản 02 lần.
- Nhận diện vi phạm của Tòa án: Lần 01, Tòa án ban hành Quyết định thành lập Hội đồng định giá tài sản (ghi rõ Hội đồng này tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ định giá và đưa ra kết quả định giá) và đã đưa ra kết quả định giá. Lần 02, Tòa án tiến hành định giá lại tài sản, nhưng không ra quyết định định giá lại tài sản và không có quyết định thành lập Hội đồng định giá là không đúng quy định tại Điều 104 của BLTTDS.
Biên bản định giá tài sản (lần 02) không thể hiện có sự tham dự của các đương sự và cũng không ghi ý kiến của đương sự về việc định giá. Điều này thể hiện Tòa án cấp sơ thẩm không thông báo để các đương sự tham dự việc định giá tài sản, vi phạm quyền được tham dự và phát biểu ý kiến về việc định giá của đương sự quy định tại điểm a khoản 4 Điều 105 của BLTTDS.
- Kinh nghiệm, kỹ năng kiểm sát việc định giá tài sản: Trong trường hợp này, khi kiểm sát việc thu thập chứng cứ của Tòa án bằng biện pháp định giá tài sản, Kiểm sát viên cần lưu ý: Một là, việc tiến hành định giá lại tài sản (lần 02) Tòa án phải tiếp tục ban hành Quyết định định giá tài sản và thành lập Hội đồng định giá theo quy định tại khoản 3 và khoản 5 Điều 104 của BLTTDS. Hai là, trình tự, thủ tục thành lập Hội đồng định giá, định giá tài sản phải đảm bảo tuân thủ đúng quy định tại khoản 4 Điều 104 của BLTTDS; trong đó phải kiểm sát chặt chẽ Biên bản định giá về các vấn đề như: Hội đồng định giá chỉ tiến hành định giá khi có mặt đầy đủ các thành viên của Hội đồng; các đương sự được thông báo trước về thời gian, địa điểm tiến hành định giá, có quyền tham dự và phát biểu ý kiến về việc định giá; quyền quyết định về giá đối với tài sản định giá thuộc Hội đồng định giá; việc định giá phải được lập biên bản, trong đó ghi rõ ý kiến của từng thành viên, đương sự nếu họ tham dự; quyết định của Hội đồng định giá phải được quá nửa tổng số thành viên biểu quyết tán thành; các thành viên Hội đồng định giá, đương sự, người chứng kiến ký tên hoặc điểm chỉ vào biên bản.
4. Về xem xét, thẩm định tại chỗ để xác định có hay không có việc lấn chiếm đất
- Vụ án cụ thể: Vụ án “Tranh chấp quyền sử dụng đất” giữa nguyên đơn bà Lê Thị L với bị đơn bà Huỳnh Thị H.
Các thửa đất của nguyên đơn đều có nguồn gốc là từ thửa đất có diện tích 547 m2 (gồm 400 m2 đất ở và 157 m2 đất vườn), thuộc tờ bản đồ số 19, thửa đất số 107k (có kích thước 7m x 78,2 m) theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số E 745905 do UBND thị xã P (nay là thành phố P) cấp ngày 25/4/1995 cho ông Tân Xuân Hậu. Trước khi bán đất cho ông Hiến, ông Hậu cùng với một số người dân trong khu vực hiến phần đất phía sau của thửa đất để mở con đường rộng 8 m, con đường này chia thửa đất diện tích 547 m2 nêu trên thành hai phần; một phần là 400 m2 đất ở và một phần là 90 m2 đất vườn, diện tích đất của ông Hậu đã giảm do mở đường là 57 m2. Năm 2006, ông Hậu bán đất này cho ông Tân Xuân Hiến. Ngày 30/3/2006, ông Tân Xuân Hiến được cấp 02 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gồm số AĐ 528932 đối với 400 m2 đất ở (kích thước 7m x 57,2m) và số AĐ 528937 đối với 90 m2 vườn (kích thước 7m x 12,8m). Năm 2008, ông Hiến bán hai thửa đất trên cho vợ chồng nguyên đơn. Ngày 18/4/2008, vợ chồng nguyên đơn được UBND thành phố P cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AL 832450 (thửa đất 01) và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AL 832448 (thửa đất 02).
Nguyên đơn khởi kiện yêu cầu bị đơn phải trả lại phần đất 41,65 m2 mà bị đơn đã lấn chiếm, là một phần của thửa đất 02 có diện tích 90 m2 thuộc Giấy chứng nhận số AL 832448.
Hồ sơ vụ án còn có 02 tài liệu tiêu đề “BẢNG KÊ TỌA ĐỘ THỬA ĐẤT” ngày 16/1/2019 của Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thành phố P thể hiện thửa đất số 65 và 68 (tờ bản đồ địa chính số 6 tại tổ 1, phường C ghi tên chủ sử dụng đất là “Lê Thị L”) có chiều dài cạnh phía Bắc là 79,68 m (66,88 + 12,8) và chiều dài cạnh phía Nam là 79,61 m (66,81 + 12,8). Trường hợp cộng với chiều rộng 8 m của con đường giữa hai thửa đất thì các cạnh này lần lượt là 87,68 m và 87,61 m. Đối chiếu các kích thước trên với kích thước của thửa đất mà ông Hậu bán cho ông Hiến, sau đó ông Hiến bán lại cho vợ chồng nguyên đơn có chiều dài là 78,2 m, thì chênh lệch 9,48 m ở phía Bắc và 9,41 m ở phía Nam.
Từ các tài liệu, chứng cứ và tình tiết nêu trên cho thấy, để xác định chính xác diện tích, hiện trạng phần đất tranh chấp thì không thể tách rời với việc xem xét, thẩm định tại chỗ để xác định rõ diện tích thửa đất 01, diện tích đất đã hiến làm đường và cả diện tích đất dùng làm hành lang an toàn lưới điện. 
Tòa án cấp sơ thẩm nhận định: “Tòa án đã tiến hành xem xét thẩm định tại chỗ đối với diện tích đất ở thửa đất 01 nhưng Hội đồng kết luận không tiến hành đo đạc được vì cây cỏ quá rậm rạp, đo bằng biện pháp thủ công sẽ ảnh hưởng đến tính chính xác của kết quả đo đạc. Bà Huỳnh Thị H không yêu cầu xem xét, thẩm định tại chỗ đối với diện tích đất thửa đất 01 nên không có cơ sở xác định diện tích của lô đất này nhiều hơn diện tích đất đã được cấp dẫn đến diện tích đất thửa đất 02 đang tranh chấp bị thu hẹp lại như bà Huỳnh Thị H đã nêu” và chấp nhận đơn khởi kiện của bà Lê Thị L
Nhận xét: Tòa án cấp sơ thẩm đã chấp nhận đơn khởi kiện của bà Lê Thị L, buộc bà Huỳnh Thị H phải trả cho bà Lê Thị L diện tích đất 41,65 m2 tại tổ 1, phường C, thành phố P, là không đủ cơ sở vững chắc, thể hiện việc thu thập, đánh giá chứng cứ không đầy đủ và không chính xác.
- Nhận diện vi phạm của Tòa án: Nguyên đơn có 02 thửa đất đã được cấp 02 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (02 thửa đều có nguồn gốc từ 01 thửa đất, được tách ra do tự hiến đất làm 01 con đường rộng 08 m giữa hai thửa đất này). Thửa đất 01 là đất ở (mặt tiền tiếp giáp đường lớn, chạy dài về phía sau, có một phần được sử dụng làm hành lang an toàn của lưới điện 35 kv và 110 kv), cuối đất (mặt sau) tiếp giáp đường 08 m; qua đường 08 m đến thửa đất thứ 2 là đất vườn. Nguyên đơn yêu cầu bị đơn phải trả lại phần đất đã lấn chiếm 41,65 m2 (là đất vườn) ở cuối thửa đất thứ 2. Tòa án cấp sơ thẩm cho rằng nguyên đơn không yêu cầu xem xét, thẩm định tại chỗ đối với thửa đất 01, đồng thời trên thửa đất 01 cây cỏ rậm rạp, không đo đạc được nên chỉ xem xét, thẩm định tại chỗ đối với thửa đất thứ 2 (đo đạc, xác định tứ cận, ranh giới, diện tích, tài sản trên đất…) để đối chiếu với diện tích đất mà nguyên đơn đã được cấp trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thửa thứ 2, từ đó kết luận bị đơn lấn chiếm đất của nguyên đơn là không có cơ sở vững chắc, thu thập chứng cứ không đầy đủ, đánh giá chứng cứ không chính xác.
          - Quy định của pháp luật và đường lối giải quyết:
Khoản 1 Điều 101 của BLTTDS quy định: “Theo yêu cầu của đương sự hoặc khi xét thấy cần thiết, Thẩm phán tiến hành việc xem xét, thẩm định tại chỗ…”.
Khoản 2 Điều 156 của BLTTDS quy định: “Trường hợp Tòa án xét thấy cần thiết và quyết định xem xét, thẩm định tại chỗ thì nguyên đơn, người yêu cầu giải quyết việc dân sự, người kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm phải nộp tiền tạm ứng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ”.
Điểm đ khoản 1 Điều 217 của BLTTDS quy định Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự trong trường hợp “nguyên đơn không nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản và chi phí tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này”.
Trong vụ án này, Tòa án phải xem xét vấn đề từ nguồn gốc hai thửa đất nêu trên. Theo đó, cả hai thửa đất đều có nguồn gốc được tách ra từ 01 thửa đất với lý do làm thêm 01 con đường rộng 08 m cắt ngang qua. Các tình tiết này cho thấy, việc giải quyết yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đối với phần đất tranh chấp (hay nói cách khác để có đầy đủ căn cứ xác định có hay không có việc bị đơn lấn chiếm đất của nguyên đơn) là không thể tách rời với việc xác định diện tích và kích thước của thửa đất 01 và phần đất đã hiến để làm con đường rộng 08 m. Để có căn cứ  giải quyết vụ án khách quan, toàn diện, Tòa án phải đo đạc, xem xét, thẩm định đối với cả thửa đất 01, phần đất hiến làm đường 08 m, thửa đất 02 và cả phần đất thuộc thửa 01 đã được sử dụng làm hành lang an toàn của lưới điện 35 KV và 110 KV để xem xét xác định toàn bộ diện tích đất mà nguyên đơn đang thực tế sử dụng, so sánh với diện tích đất đã được cấp theo 02 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đồng thời so sánh với tổng thể lô đất là nguồn gốc ban đầu. Từ đó, mới có đủ cơ sở để kết luận có hay không có việc bị đơn lấn chiếm đất của nguyên đơn.
- Kinh nghiệm, kỹ năng kiểm sát việc giải quyết vụ án:
Về mặt nội dung, để làm rõ có hay không có việc lấn chiếm đất thì cần xem xét khởi nguồn từ việc xác định nguồn gốc đất ban đầu; tiếp đến là những tình tiết về quá trình biến động, dịch chuyển quyền sử dụng đất, ranh giới, tứ cận và những vấn đề khác có liên quan.
Về thủ tục tố tụng, Kiểm sát viên phải kiểm sát chặt chẽ việc thu thập chứng cứ và chứng minh của Tòa án cấp sơ thẩm đã đúng và đầy đủ hay chưa và việc thu thập, đánh giá chứng cứ có toàn diện, khách quan và có bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự hay không. Cụ thể trong tình huống trên là việc Tòa án không xem xét, thẩm định tại chỗ đối với tất cả các thửa đất của nguyên đơn và phần đất đã hiến làm đường 08 m, mặc dù việc thu thập chứng cứ bằng biện pháp này là rất cần thiết và quan trọng để xác định yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn có căn cứ hay không.
5. Về yêu cầu khởi kiện của đương sự trong vụ án tranh chấp về đất đai
Trong một số vụ án tranh chấp về quyền sử dụng đất, nội dung trong đơn khởi kiện của nguyên đơn chỉ yêu cầu chung chung, không rõ ràng và chưa cụ thể; quá trình giải quyết vụ án nguyên đơn không thay đổi, bổ sung gì thêm đối với yêu cầu khởi kiện. Ví dụ như: “yêu cầu Tòa án buộc bị đơn phải giao trả đất và tài sản trên đất” hoặc “yêu cầu Tòa án buộc bị đơn phải trả lại quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được cấp”.
- Quy định của pháp luật: tại điểm g khoản 4 Điều 189 của BLTTDS quy định về đơn khởi kiện của nguyên đơn phải ghi rõ nội dung: “những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết đối với người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”.
- Nhận diện vi phạm của Tòa án: Đơn khởi kiện của nguyên đơn không nêu rõ “những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết” theo đúng quy định tại điểm g khoản 4 Điều 189 của BLTTDS. Trường hợp này, Tòa án phải căn cứ vào khoản 1 Điều 193 của BLTTDS yêu cầu nguyên đơn sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện; nếu nguyên đơn không sửa đổi, bổ sung theo yêu cầu của Tòa án thì Tòa án căn cứ vào khoản 2 Điều 193 của BLTTDS, trả lại đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo cho nguyên đơn. Tòa án cấp sơ thẩm thụ lý và xét xử vụ án khi chưa thực hiện các quy định nêu trên là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
- Ví dụ cụ thể: Vụ án tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất giữa nguyên đơn ông Hoàng Văn N với bị đơn bà Nguyễn Thị L. Tại đơn khởi kiện, nguyên đơn trình bày đã mua 11.259 m2 đất và các tài sản gắn liền với đất của bà Nguyễn Thị L. Nguyên đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc bà Nguyễn Thị L “giao trả đất và các tài sản trên đất”. Yêu cầu này trong đơn khởi kiện của nguyên đơn là không cụ thể vì không nêu rõ yêu cầu bị đơn giao trả thửa đất có diện tích và hiện trạng như thế nào, các tài sản gắn liền với đất là tài sản nào và hiện trạng các tài sản đó như thế nào. Do vậy, yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn thuộc trường hợp không phù hợp với quy định tại điểm g khoản 4 Điều 189 của BLTTDS như đã phân tích nêu trên.
- Kinh nghiệm, kỹ năng kiểm sát: khi xem xét đơn khởi kiện, yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, Kiểm sát viên phải xác định rõ yêu cầu của nguyên đơn đối với bị đơn là yêu cầu gì, đã “cụ thể” về tên tài sản, vị trí, số lượng, chất lượng, diện tích, hiện trạng… hay chưa. Nếu nội dung đơn khởi kiện chưa rõ thì Tòa án đã thực hiện các thủ tục yêu cầu nguyên đơn sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện theo đúng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 193 của BLTTDS hay chưa.
6. Về việc kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng và việc xác định đương sự là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án và việc giải quyết quyền và nghĩa vụ của họ
Tình huống 1: Trong quá trình giải quyết vụ án “Tranh chấp về đòi lại tài sản là quyền sử dụng đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất”, nguyên đơn chết, phát sinh việc thừa kế quyền, nghĩa vụ tố tụng. Tòa án xác định ngay mẹ của nguyên đơn và vợ của nguyên đơn là người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của nguyên đơn.
Tình huống 2: Trong vụ án “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất”, Tòa án xác định chồng của nguyên đơn là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Tình huống 3: Trong vụ án “Tranh chấp về thừa kế tài sản” (quyền sử dụng đất), Tòa án xác định cháu nội (thuộc hàng thừa kế thứ 2, người có công sức chăm sóc người để lại di sản thừa kế và có công sức quản lý, tôn tạo di sản thừa kế) của người để lại di sản thừa kế là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Tình huống 4: Trong vụ án “Tranh chấp quyền sử dụng đất”, tài sản quyền sử dụng đất chỉ thuộc quyền sử dụng của một mình nguyên đơn, trong khi nguyên đơn có 03 người con. Tòa án xác định cả 03 người con của nguyên đơn là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
- Quy định của pháp luật:
Khoản 1 Điều 74 của BLTTDS quy định: Trường hợp đương sự là cá nhân đang tham gia tố tụng chết mà quyền, nghĩa vụ về tài sản của họ được thừa kế thì người thừa kế tham gia tố tụng”.
Khoản 4 Điều 68 của BLTTDS quy định: Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự là người tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình đề nghị hoặc các đương sự khác đề nghị và được Tòa án chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Trường hợp việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của một người nào đó mà không có ai đề nghị đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì Tòa án phải đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”.
- Nhận diện vi phạm của Tòa án:
Trong tình huống 1, lẽ ra Tòa án phải thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ để xác định những người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của nguyên đơn (ví dụ: phải thu thập tài liệu chứng cứ để xác định đầy đủ những người được thừa kế tài sản của nguyên đơn trong hàng thừa kế thứ nhất bao gồm vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết) nhưng Tòa án không thực hiện các hoạt động này mà mặc nhiên xác định mẹ đẻ và vợ của nguyên đơn là người thừa kế quyền, nghĩa vụ tố tụng của nguyên đơn, sẽ dẫn tới xác định thiếu người tham gia tố tụng, không đúng quy định tại khoản 1 Điều 74 của BLTTDS; đồng thời dẫn tới khả năng xác định thiếu người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, vi phạm quy định tại khoản 4 Điều 68 của BLTTDS.
Trong các tình huống 2, 3 và 4, Tòa án xác định người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và đưa họ vào tham gia tố tụng nhưng không nhận định gì về bất kỳ vấn đề nào liên quan đến quyền, nghĩa vụ của những người này, đồng thời tại phần quyết định, Tòa án cũng không quyết định những người này được hưởng quyền lợi hay phải thực hiện nghĩa vụ gì là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Trong tình huống 4, tài sản thuộc quyền sử dụng của một mình nguyên đơn, 03 người con của nguyên đơn không có đóng góp gì vào tài sản này. Việc Tòa án chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu khởi kiện tranh chấp quyền sử dụng đất của nguyên đơn không làm phát sinh bất cứ quyền lợi hay nghĩa vụ gì đối với 03 người con của nguyên đơn. Tuy nhiên, khi giải quyết vụ án, Tòa án lại đưa 03 người con này vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là không đúng quy định tại khoản 4 Điều 68 của BLTTDS.
- Kinh nghiệm, kỹ năng kiểm sát: để xác định đúng, đủ, chính xác những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án tranh chấp có liên quan đến đất đai, Kiểm sát viên phải nghiên cứu kỹ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn (yêu cầu phản tố của bị đơn, nếu có), từ đó làm rõ việc giải quyết vụ án có liên quan đến quyền lợi gì và nghĩa vụ gì của họ và trong trường hợp họ đã được Tòa án xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì Tòa án phải nhận định và quyết định cho họ được hưởng quyền dân sự hoặc phải thực hiện nghĩa vụ dân sự cụ thể nào đó./.
Tạp chí Kiểm sát số 13 ngày 05/7/2022

Đồng tác giả:
- Tiến sĩ Đàm Thị Diễm Hạnh, Trưởng khoa Pháp luật dân sự và Kiểm sát dân sự, Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội, Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
- Nguyễn Thành Duy, Phó Chánh Văn phòng, Kiểm sát viên trung cấp, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai.

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

TRUYỀN HÌNH KIỂM SÁT
Hưởng ứng giải  Búa Liềm Vàng
Giải báo chí phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Công khai ngân sách
Mail công vụ
Thống Kê Truy Cập
  • Đang truy cập20
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm18
  • Hôm nay7,487
  • Tháng hiện tại23,695
  • Tổng lượt truy cập12,777,660
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây