Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh

Nhận diện một số dạng vi phạm, thiếu sót trong giải quyết các tranh chấp chia tài sản khi ly hôn

Thứ năm - 08/12/2022 22:16 4.314 0
Tóm tắt: Bài viết chỉ ra một số kinh nghiệm cho Thẩm phán, Kiểm sát viên trong việc nhận diện vi phạm, thiếu sót trong giải quyết tranh chấp chia tài sản khi ly hôn.
Trong thời gian qua, việc giải quyết các vụ án về hôn nhân và gia đình có tranh chấp về chia tài sản khi ly hôn, nhất là đối với tài sản chung là quyền sử dụng đất vẫn còn nhiều sai sót có nguyên nhân chủ yếu từ việc áp dụng không đúng quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, có vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng… dẫn đến một số bản án sơ thẩm bị hủy án về phần chia tài sản chung của vợ chồng để giải quyết lại. Qua thực tiễn công tác và nghiên cứu một số bản án của Tòa án trong thời gian gần đây, chúng tôi xin nêu lên một số kinh nghiệm nhận diện vi phạm, thiếu sót trong giải quyết vụ án về hôn nhân và gia đình có liên quan đến tranh chấp về tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn; đồng thời chỉ ra một số kinh nghiệm giúp cho Thâm phán, Kiểm sát viên thực hiện tốt công tác giải quyết và kiểm sát việc giải quyết các vụ án này.
         
Từ khóa: tranh chấp về chia tài sản khi ly hôn; nhận diện vi phạm của Tòa án; kinh nghiệm giải quyết và kiểm sát việc giải quyết tranh chấp chia tài sản khi ly hôn.


1. Giải quyết không đúng quy định về quyền và nghĩa vụ về tài sản của vợ chồng đối với người thứ ba khi ly hôn
- Tình huống: Vụ án “ly hôn, tranh chấp về chia tài sản và nợ chung của vợ chồng khi ly hôn” giữa nguyên đơn bà Vũ Thị Đ với bị đơn ông Nguyễn Xuân P.
Nguyên đơn khai, vợ chồng có 11 khoản nợ chung chưa giải quyết và yêu cầu Tòa án giải quyết nghĩa vụ trả nợ của vợ, chồng đối với tất cả 11 khoản nợ chung này, trong đó mỗi người chịu một nửa số nợ. Bị đơn không đồng ý với 02 khoản nợ chung gồm: nợ ông Vũ Văn X 400 triệu đồng, nợ bà Lê Thị V 30 triệu đồng. Ngoài ra, trong 11 khoản nợ chưa giải quyết, nguyên đơn bà Vũ Thị Đ cho rằng, bà đã dùng tài sản riêng để trả số tiền 600 triệu đồng nợ Ngân hàng S và trả 400 triệu đồng nợ của ông Vũ Văn X. Phía bị đơn ông Nguyễn Xuân P cũng khai nhận đã dùng tài sản của riêng mình để trả rất nhiều khoản nợ chung của vợ chồng trong đó có khoản trả Ngân hàng C 03 tỷ đồng.
Trong vụ án này có 06 chủ nợ có văn bản yêu cầu Tòa án xác định bà Đ hay ông P là người có trách nhiệm trả nợ cho họ khi ly hôn.
Tòa án cấp sơ thẩm cho rằng các chủ nợ không làm đơn khởi kiện thể hiện yêu cầu độc lập nên không giải quyết yêu cầu của nguyên đơn về tranh chấp nghĩa vụ trả nợ, đồng thời không giải quyết yêu cầu của 06 chủ nợ (những người vợ chồng bà Đ, ông P còn nợ tiền).
- Vi phạm, thiếu sót cần rút kinh nghiệm: Căn cứ vào yêu cầu khởi kiện, lời khai của nguyên đơn và bị đơn, thấy rằng: giữa nguyên đơn và bị đơn có sự tranh chấp về nghĩa vụ tài sản của vợ chồng với nhau và có sự tranh chấp giữa vợ chồng bà Đ, ông P với người thứ ba về quyền và nghĩa vụ về tài sản của vợ chồng đối với người thứ ba. Mặc dù đã có 06 chủ nợ của vợ chồng bà Đ, ông P yêu cầu Tòa án xác định bà Đ hay ông P là người có trách nhiệm trả nợ cho họ sau khi đã ly hôn nhưng Tòa án cấp sơ thẩm lại cho rằng họ không làm đơn khởi kiện thể hiện yêu cầu độc lập để không giải quyết về nghĩa vụ trả nợ của vợ chồng bà Đ, ông P với các chủ nợ. Việc này, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp các chủ nợ, vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng quy định tại Điều 68 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (viết tắt là BLTTDS). Việc Tòa án không xem xét giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ tài sản của vợ chồng trong khi các đương sự đều có yêu cầu giải quyết và còn có mâu thuẫn, tranh chấp về một số khoản nợ, là chưa giải quyết hết yêu cầu của đương sự, không đúng quy định tại khoản 2 Điều 60 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng quy định tại Điều 5 của BLTTDS.
- Quy định của pháp luật và đường lối giải quyết:
Điều 60 của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định về giải quyết quyền, nghĩa vụ tài sản của vợ chồng đối với người thứ ba khi ly hôn:
“1. Quyền, nghĩa vụ tài sản của vợ chồng đối với người thứ ba vẫn có hiệu lực sau khi ly hôn, trừ trường hợp vợ chồng và người thứ ba có thỏa thuận khác.
2. Trong trường hợp có tranh chấp về quyền, nghĩa vụ tài sản thì áp dụng quy định tại các điều 27, 37 và 45 của Luật này và quy định của Bộ luật dân sự để giải quyết”.
Điều 5 của BLTTDS quy định về quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự:
1. Đương sự có quyền quyết định việc khởi kiện, yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự. Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó.
2. Trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, đương sự có quyền chấm dứt, thay đổi yêu cầu của mình hoặc thoả thuận với nhau một cách tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội”.
Khoản 4 Điều 68 của BLTTDS quy định: Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự là người tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình đề nghị hoặc các đương sự khác đề nghị và được Tòa án chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Trường hợp việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của một người nào đó mà không có ai đề nghị đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì Tòa án phải đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”.
Trường hợp đã có yêu cầu của vợ hoặc chồng (nguyên đơn hoặc bị đơn) yêu cầu Tòa án giải quyết về khoản tiền nợ, tức là đã có yêu cầu giải quyết về hợp đồng vay tài sản thì Tòa án phải đưa các chủ nợ (chưa được giải quyết bằng bản án hoặc quyết định của Tòa án) vào tham gia tố tụng trong vụ án với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hay nói cách khác, các chủ nợ phải được đưa vào tham gia tố tụng với tư cách là một bên trong quan hệ vay tiền để làm rõ đây là nợ chung hay nợ riêng của vợ chồng, đồng thời xác định phần nghĩa vụ của vợ chồng đối với chủ nợ.
Tòa án phải thông báo cho các chủ nợ biết tư cách tố tụng của họ trong vụ án, các quyền và nghĩa vụ tố tụng của họ theo luật định, đồng thời việc tống đạt các quyết định, văn bản tố tụng cho các chủ nợ được thực hiện theo quy định chung. Khi giải quyết vụ án, có thể phát sinh trương hợp có chủ nợ không đến Tòa án, không tham gia hòa giải, có thể bị xét xử vắng mặt nhưng Tòa án vẫn phải xác định họ là đương sự trong vụ án (người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan).
2. Không xem xét giải quyết quyền lợi của người thứ ba trong khối tài sản chung của vợ chồng
- Tình huống: Vụ án “Ly hôn, tranh chấp về tài sản khi ly hôn” giữa nguyên đơn chị Nguyễn Thị H với bị đơn anh Trịnh Văn C; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là anh Trịnh Văn T (con ruột đã thành niên).
Quá trình tham gia tố tụng, anh Trịnh Văn T khai nhận, trong 01 ha diện tích đất rẫy khai hoang mà vợ chồng chị H, anh C xác định là tài sản chung của vợ chồng, đồng thời yêu cầu Tòa án chia tài sản chung khi ly hôn, là có phần công sức của anh Trịnh Văn T tham gia khai hoang cùng với cha mẹ. Anh T yêu cầu Tòa án chia cho anh một phần trong diện tích đất rẫy đã khai hoang này.
Tòa án cấp sơ thẩm không hướng dẫn, yêu cầu anh T thực hiện các thủ tục khởi kiện yêu cầu độc lập và quyết định của bản án sơ thẩm không đề cập giải quyết bất cứ nội dung gì về quyền và lợi ích của anh Trịnh Văn T.
- Vi phạm, thiếu sót cần rút kinh nghiệm: Yêu cầu của anh Trịnh Văn T (đề nghị Tòa án chia một phần diện tích đất rẫy khai hoang phù hợp với công sức đóng góp của anh T) là yêu cầu độc lập. Tuy nhiên, Tòa án không hướng dẫn hay yêu cầu anh T nộp tiền tạm ứng án phí, thực hiện các thủ tục tố tụng đối với yêu cầu độc lập để giải quyết trong cùng vụ án, bảo đảm cho việc giải quyết vụ án được toàn diện, triệt để, là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng quy định tại Điều 201 và Điều 202 của BLTTDS.
- Quy định của pháp luật và đường lối giải quyết:
Điều 201 của BLTTDS quy định về quyền yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
“1. Trường hợp người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không tham gia tố tụng với bên nguyên đơn hoặc với bên bị đơn thì họ có quyền yêu cầu độc lập khi có các điều kiện sau đây:
a) Việc giải quyết vụ án có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ;
b) Yêu cầu độc lập của họ có liên quan đến vụ án đang được giải quyết;
c) Yêu cầu độc lập của họ được giải quyết trong cùng một vụ án làm cho việc giải quyết vụ án được chính xác và nhanh hơn.
2. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền đưa ra yêu cầu độc lập trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải”.
Điều 202 của BLTTDS quy định về thủ tục yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập: Thủ tục yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập được thực hiện theo quy định của Bộ luật này về thủ tục khởi kiện của nguyên đơn”.
Khi giải quyết tranh chấp về chia tài sản chung của vợ chồng, Tòa án phải làm rõ có hay không có quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba trong khối tài sản chung của vợ chồng; điển hình như việc có hay không có công sức đóng góp, tạo lập của các con hoặc của cha, mẹ cùng sống chung trong hộ gia đình vào khối tài sản chung của vợ chồng (cùng tham gia lao động, sản xuất chung để tạo lập tài sản) để xem xét đưa những người này vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhằm giải quyết vụ án khách quan, toàn diện và triệt để. Trường hợp người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập (ví dụ như yêu cầu vợ chồng khi ly hôn phải thanh toán công sức đóng góp của họ vào việc hình thành tài sản chung của vợ chồng hoặc yêu cầu được chia, được hưởng một phần tài sản) thì Tòa án phải hướng dẫn, yêu cầu họ thực hiện các thủ tục tố tụng đối với yêu cầu độc lập để xem xét giải quyết trong cùng vụ án.

3. Tòa án công nhận thỏa thuận của vợ chồng về việc xác lập giao dịch tặng cho tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn là quyền sử dụng đất cho các con đã thành niên, là không đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật
- Tình huống: Vụ án “ly hôn, tranh chấp về chia tài sản chung khi ly hôn” giữa nguyên đơn ông Huỳnh Văn P với bị đơn bà Phạm Thị L.
Khi ly hôn, vợ chồng ông P, bà L có một mảnh đất có diện tích 600 m2, chiều rộng 20 m ngang mặt đường, chiều dài 30 m, đã được Ủy ban nhân dân cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên ông Huỳnh Văn P và bà Phạm Thị L. ông P, bà L không tranh chấp với nhau về quyền sử dụng đất đối với mảnh đất này và cũng không yêu cầu Tòa án phân chia tài sản là quyền sử dụng đất đối với mảnh đất này cho vợ chồng. Ông P và bà L cùng thống nhất yêu cầu Tòa án công nhận việc ông bà tặng cho diện tích đất này cho 03 con đã thành niên, trong đó cho 02 con gái ruột, mỗi người một phần đất có chiều dài 05 m x 30 m và cho 01 người con trai phần đất có diện tích 10 m x 30 m.
Quá trình giải quyết vụ án, 03 người con đã thành niên của ông P, bà L không tham gia tố tụng, không được Tòa án xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Tại phần quyết định của bản án sơ thẩm, Tòa án đã quyết định giao cho mỗi người con của ông P, bà L một phần quyền sử dụng đất mà cha mẹ đã cho tương ứng như đã nêu ở trên, trong đó có xác định giá trị, vị trí, tứ cận của mỗi phần đất từng người con được hưởng.
- Vi phạm, thiếu sót cần rút kinh nghiệm:
Trong vụ án này, ông P, bà L cùng thống nhất tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng mảnh đất có diện tích 600 m2, hai vợ chồng không tranh chấp với nhau và không yêu cầu Tòa án phân chia tài sản quyền sử dụng mảnh đất này. Việc ông P, bà L cùng thống nhất thỏa thuận tặng cho 03 người con ruột của mình các phần đất trong diện tích đất 600 m2 thuộc tài sản chung của ông bà là ý chí tự nguyện của ông P, bà L. Đây là giao dịch dân sự tặng cho tài sản hay nói cụ thể hơn là tặng cho quyền sử dụng đất được quy định tại Điều 457, Điều 459 và Điều 500 của Bộ luật Dân sự. Về hình thức, trình tự, thủ tục, thẩm quyền giải quyết phải tuân theo quy định tại Điều 501, Điều 502 và Điều 503 của Bộ luật Dân sự; Điều 167, Điều 168, Điều 170, Điều 188 và Điều 195 của Luật Đất đai năm 2013. Việc ông P, bà L yêu cầu Tòa án công nhận giao dịch tặng cho quyền sử dụng đất giữa ông bà với 03 người con chưa thành niên không phải là vụ, việc dân sự, hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân theo quy định tại Điều 26, Điều 27, Điều 28 và Điều 29 của BLTTDS. Thủ tục thực hiện việc tặng cho quyền sử dụng đất là một trong các thủ tục hành chính về đất đai được quy định tại Điều 195 Luật Đất đai năm 2013. Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm đã quyết định công nhận 03 giao dịch tặng cho quyền sử dụng đất giữa vợ chồng ông P, bà L với 03 người con chung, đồng thời giao quyền sử dụng đất cho từng người con chung của ông P, bà L mỗi người một phần đất có diện tích, chiều dài, chiều rộng, vị trí, tứ cận đầy đủ, cụ thể, trong khi cả 03 người con này đều không phải là đương sự trong vụ án, là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, giải quyết cả loại việc không thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân, áp dụng không đúng nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn được quy định tại Điều 59 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014.
- Quy định của pháp luật và đường lối giải quyết:
Khoản 1 Điều 59 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định về nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn:
“Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng, Tòa án giải quyết theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này.
Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì việc giải quyết tài sản khi ly hôn được áp dụng theo thỏa thuận đó; nếu thỏa thuận không đầy đủ, rõ ràng thì áp dụng quy định tương ứng tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này để giải quyết”.

Điều 502 của Bộ luật Dân sự quy định về hình thức, thủ tục thực hiện hợp đồng về quyền sử dụng đất:

“1. Hợp đồng về quyền sử dụng đất phải được lập thành văn bản theo hình thức phù hợp với quy định của Bộ luật này, pháp luật về đất đai và quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Việc thực hiện hợp đồng về quyền sử dụng đất phải đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật về đất đai và quy định khác của pháp luật có liên quan”.

Điều 503 của Bộ luật Dân sự quy định về hiệu lực của việc chuyển quyền sử dụng đất: “Việc chuyển quyền sử dụng đất có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký theo quy định của Luật đất đai”.

Khoản 1 Điều 195 Luật Đất đai năm 2013 quy định về các thủ tục hành chính về đất đai: “1. Các thủ tục hành chính về đất đai bao gồm: …. d) Thủ tục thực hiện các quyền của người sử dụng đất; …”.
Đối với trường hợp khi ly hôn, vợ chồng không có tranh chấp với nhau về tài sản chung là quyền sử dụng đất và không yêu cầu Tòa án phân chia tài sản này mà cùng thỏa thuận đề nghị Tòa án công nhận giao dịch tặng cho quyền sử dụng đất cho người thứ ba (không phải là đương sự trong vụ án) thì cần xác định đây không phải loại vụ, việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân mà thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan khác theo trình tự, thủ tục hành chính về đất đai. Khi đương sự có yêu cầu này, Tòa án phải giải thích cho đương sự biết đây là loại vụ, việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân, đồng thời hướng dẫn cho họ thực hiện các thủ tục giao dịch tặng cho quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

4. Áp dụng không đúng nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn
- Tình huống: Vụ án “Yêu cầu chia tài sản sau khi ly hôn và cấp dưỡng nuôi con” giữa nguyên đơn chị Phạm Thị H với bị đơn anh Nguyễn Văn B. Về tài sản chung, chị H và anh B đều thống nhất vợ chồng có quyền sử dụng và sở hữu đối với 01 thửa đất số 4, diện tích 3021 m2, 01 ngôi nhà cấp 4 diện tích 86 m2, kèm các công trình phụ, 70 trụ tiêu, 20 cây điều, 01 căn nhà gỗ 14 m2 và nhiều tài sản, vật dụng sinh hoạt trong gia đình. Nguyên đơn chị H yêu cầu Tòa án giao toàn bộ tài sản cho bị đơn anh B và buộc anh B thanh toán tiền chênh lệch. Bị đơn anh B không đồng ý, yêu cầu Tòa án chia đôi tài sản chung của vợ chồng bằng hiện vật vì anh B không có tiền thanh toán chênh lệch cho chị H.
Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu của chị H, giao toàn bộ tài sản chung của vợ chồng cho anh B được quyền sở hữu và sử dụng, buộc anh B phải thanh toán giá trị chênh lệch bằng tiền cho chị H.
- Vi phạm, thiếu sót cần rút kinh nghiệm:
Trong vụ án này, ngay từ đầu, anh B đã có yêu cầu chia đôi tài sản chung của vợ chồng bằng hiện vật, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm chưa xác định rõ những tài sản nào có thể chia bằng hiện vật để tiến hành thẩm định, làm căn cứ phân chia khi các bên không thỏa thuận được việc phân chia tài sản chung của vợ chồng, là không đúng quy định về nguyên tắc chia tài sản chung của vợ chồng quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 95 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014.
- Quy định của pháp luật và đường lối giải quyết:
Khoản 2 và khoản 3 Điều 95 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định:
“2. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:
a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;
b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;
c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;
d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.
3. Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch”.
Đối với việc giải quyết phân chia tài sản chung của vợ chồng, trường hợp các bên có yêu cầu chia đôi tài sản chung bằng hiện vật thì Tòa án phải thẩm định về hiện trạng của từng tài sản, nhất là quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất để xem xét các tài sản chung của vợ chồng có thể chia đôi bằng hiện vật được hay không. Từ đó, phân tích, nhận định trong bản án về hiện trạng tài sản, việc chia đôi tài sản bằng hiện vật có được hay không được để quyết định chia tài sản chung của vợ chồng bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của cả hai bên và đúng nguyên tắc phân chia tài sản chung của vợ chồng theo quy định tại Điều 95 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014.

5. Một số dạng vi phạm, thiếu sót khác
- Không đưa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vào tham gia tố tụng. Ví dụ: Vợ chồng yêu cầu chia tài sản chung khi ly hôn là quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất nhưng giấy tờ lại đứng tên cha mẹ, đương sự không cung cấp được tài liệu, chứng cứ để chứng minh đây là tài sản chung của vợ chồng, đồng thời không có tài liệu chứng minh việc cha mẹ đã chuyển quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất cho vợ chồng. Trong trường hợp này, cần đưa cha mẹ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan để yêu cầu các bên cung cấp tài liệu, chứng cứ chứng minh nhà và đất đó là tài sản chung của vợ chồng hay vẫn là tài sản của cha mẹ cho vợ chồng ở nhờ để bảo đảm quyền lợi đầy đủ cho các bên đương sự và việc giải quyết vụ án được toàn diện, triệt để.
- Một số trường hợp Tòa án không tuyên trách nhiệm do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền theo quy định tại Điều 357 của Bộ luật Dân sự năm 2015.
- Có bản án, khi giải quyết chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất, Tòa án có thiếu sót, nhầm lẫn trong việc tuyên cho đương sự được “sở hữu” đối với đất đai hoặc ngược lại tuyên cho đương sự chỉ được “quyền sử dụng” nhà ở; hoặc có trường hợp chia cho một bên vợ hoặc chồng cả nhà và đất nhưng chỉ tuyên cho đương sự được sở hữu ngôi nhà gắn liền với đất mà không tuyên rõ được quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất gắn liền với nhà ở. Hoặc có trường hợp Tòa án quyết định giao quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất đang đứng tên cả hai vợ chồng cho một bên nguyên đơn hoặc bị đơn nhưng không tuyên kiến nghị Ủy ban nhân dân điều chỉnh giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nguyên đơn hoặc bị đơn.
- Một số trường hợp khi quyết định chia cho người vợ hoặc người chồng được quyền sử dụng một phần diện tích đất cụ thể nhưng Tòa án không tuyên rõ về số thửa đất, số tờ bản đồ, ranh giới, tứ cận thửa đất hoặc không có sơ đồ thửa đất đính kèm theo bản án./.
Tạp chí Khoa học Kiểm sát số 04 năm 2022

Đồng tác giả:
- Tiến sĩ Đàm Thị Diễm Hạnh, Trưởng khoa Pháp luật dân sự và Kiểm sát dân sự, Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội, Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
- Nguyễn Thành Duy, Phó Chánh Văn phòng, Kiểm sát viên trung cấp, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai.

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 1.3 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyển đổi số
Hưởng ứng giải  Búa Liềm Vàng
Giải báo chí phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Công khai ngân sách
Mail công vụ
Thống Kê Truy Cập
  • Đang truy cập55
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm52
  • Hôm nay41,091
  • Tháng hiện tại178,392
  • Tổng lượt truy cập17,062,182
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây