Chào mừng 30/4
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh

Một số kỹ năng nâng cao chất lượng kiểm sát yêu cầu và định giá tài sản trong tố tụng hình sự

Thứ hai - 24/10/2022 23:01 1.439 0
  1. TẦM QUAN TRỌNG CỦA ĐỊNH GIÁ TÀI SẢN
Từ ngày 01/01/2018, Bộ luật Tố tụng hình sự có hiệu lực thi hành thì tính chất pháp lý của hoạt động định giá tài sản đã có những thay đổi quan trọng. Nếu Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định nguồn chứng cứ chỉ bao gồm: Vật chứng; lời khai của người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; kết luận giám định; biên bản về hoạt động điều tra, xét xử và các tài liệu, đồ vật khác thì Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định rõ ràng nguồn chứng cứ bao gồm: Vật chứng; lời khai, lời trình bày; dữ liệu điện tử; kết luận giám định, định giá tài sản; biên bản trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác; các tài liệu, đồ vật khác.
Như vậy, Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành đã bổ sung nguồn chứng cứ là “Kết luận định giá tài sản”; đồng thời, quy định đầy đủ, chi tiết chế định định giá tài sản trong 08 điều (từ Điều 215 đến Điều 222, bao gồm các nội dung về việc thành lập và hoạt động của Hội đồng định giá tài sản; trình tự, thủ tục định giá trong tố tụng hình sự theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự, từ đó tạo hành lang pháp lý thống nhất giúp các cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Trên thực tế, hiện nay các vụ án hình sự mà bắt buộc phải tiến hành định giá tài sản để làm căn cứ xác định trách nhiệm hình sự, trách nhiệm dân sự…vv… xảy ra rất nhiều và thuộc nhiều nhóm tội phạm khác nhau, như: nhóm chiếm đoạt tài sản, hủy hoại, hư hỏng; các tội về xâm phạm trật tự công cộng, an toàn giao thông…vv… Trong các vụ án trên thì kết quả định giá tài sản có ý nghĩa quyết định đối với việc khởi tố hay không khởi tố, truy tố, xét xử đối với bị can, bị cáo và là căn cứ pháp lý để xác định trách nhiệm dân sự giữa các bên có liên quan trong vụ án.
Trong thời gian qua, mặc dù việc ban hành văn bản yêu cầu định giá của các Cơ quan tiến hành tố tụng; việc định giá của Hội đồng định giá (HĐĐG) tài sản trong Tố tụng hình sự cũng như công tác kiểm sát các hoạt động nói trên của Viện kiểm sát nhân dân đã được quan tâm chú trọng, đảm bảo các vụ án được chính xác, đúng quy định của pháp luật; các quyền, lợi ích chính đáng của bị can, bị cáo và những người tham gia tố tụng trong vụ án được bảo vệ. Tuy nhiên, ở một số vụ án, công tác kiểm sát đối với việc ban hành văn bản yêu cầu định giá tài sản của Cơ quan điều tra (CQĐT) và việc định giá của HĐĐG tài sản trong tố tụng hình sự chưa được quan tâm đúng mức không đảm bảo đúng các quy định của pháp luật. Các dạng vi phạm chủ yếu như:
  • Vi phạm của CQĐT khi yêu cầu định giá tài sản:
+ Nêu thông tin về tài sản định giá còn sơ sài, không rõ đặc điểm, chủng loại; hiện tài sản còn hay không còn; đã qua sử dụng hay chưa; các tài liệu liên quan gửi HĐĐG thường không ghi hoặc ghi không đầy đủ theo quy định tại các điểm c, d khoản 2 Điều 215 Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS);
+ Không nêu thời hạn định giá theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 215 BLTTHS;
+ Không xác định hoặc xác định thời điểm để tính giá trị thiệt hại của tài sản không chính xác (phải là thời điểm và nơi tài sản được yêu cầu định giá).
  • Vi phạm của HĐĐG tài sản:
+ Biên bản phiên họp định giá lập không đầy đủ theo quy định; đặc biệt là các mục: Kết quả khảo sát, thu thập thông tin liên quan đến tài sản định giá; ý kiến của các thành viên Hội đồng và những người tham dự phiên họp định giá tài sản; kết quả biểu quyết của HĐĐG về giá tài sản, theo quy định tại các điểm d, đ, e khoản 2 Điều 19 Nghị định 30/2018/NĐ-CP ngày 07/3/2018 của Chính phủ;
+ Biên bản phiên họp định giá không ghi rõ, chi tiết từng bộ phận tài sản bị hủy hoại hoặc hư hỏng và xác định cụ thể giá trị của từng bộ phận bị hủy hoại hoặc hư hỏng, mà chỉ xác định tổng giá trị thiệt hại của các bộ phận…
+ Định giá thấp hơn hoặc cao hơn so với giá trị tài sản do hành vi vi phạm gây ra.
Những vi phạm trên phần nào gây khó khăn cho các Cơ quan tiến hành tố tụng, dẫn đến vụ án phải kéo dài thời hạn giải quyết một cách không cần thiết, do phải yêu cầu định giá bổ sung hoặc yêu cầu giải thích kết luận định giá, định giá lại.
Vì vậy, để nâng cao hơn nữa chất lượng giải quyết các vụ án hình sự có liên quan đến tài sản thiệt hại phải định giá, đồng thời nâng cao trách nhiệm của Viện kiểm sát trong công tác kiểm sát việc yêu cầu định giá tài sản của các Cơ quan tiến hành tố tụng hình sự; việc định giá của HĐĐG tài sản trong tố tụng hình sự cũng như việc đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của bị can, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác trong vụ án; qua kết quả nghiên cứu, tôi xin đề xuất một số kỹ năng, biện pháp nghiệp vụ nhằm kiểm sát chặt chẽ hoạt động nêu trên.
  1. QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ ĐỊNH GIÁ TÀI SẢN TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ VÀ NHỮNG ĐIỂM MỚI ĐÁNG LƯU Ý
Định giá tài sản là quy định mới và là hoạt động thu thập chứng cứ của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để giải quyết vụ án hình sự. BLTTHS năm 2015 là chính thức thừa nhận Kết luận định giá là một trong các nguồn chứng cứ. Điều này được cụ thể hóa tại các quy định điểm d khoản 1 Điều 87, Điều 101 và Điều 221 Bộ luật tố tụng hình sự và Nghị định 30/2018/NĐ-CP ngày 07/3/2018 của Chính phủ (gọi tắt là Nghị định 30/NĐ-CP) thay thế Nghị định 26/2005 ngày 02/3/2005.
Các hoạt động định giá cũng giống như hoạt động giám định về: yêu cầu định giá, thời hạn định giá, định giá lại, kết luận định giá, quyền của người tham gia tố tụng về kết luận định giá. Tuy nhiên có một số nội dung cần lưu ý là:
  • Về thời hạn định giá (Điều 216): BLTTHS không quy định cụ thể thời hạn định giá tài sản, thời hạn này do cơ quan yêu cầu định giá ấn định và phải nêu rõ trong văn bản yêu cầu định giá tài sản; trường hợp không thể tiến hành trong thời hạn yêu cầu thì HĐĐG tài sản phải thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do cho cơ quan, người yêu cầu biết;
  • Về định giá lại (Điều 218): Việc định giá lại do HĐĐG tài sản cấp trên trực tiếp thực hiện; trường hợp có mâu thuẫn giữa kết luận định giá lần đầu và kết luận định giá lại về tài sản thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng ra văn bản yêu cầu định giá lại lần hai. Việc định giá lại lần hai do HĐĐG có thẩm quyền thực hiện và kết luận định giá lần này dùng để giải quyết vụ án;
  • Về định giá tài sản trong trường hợp tài sản bị thất lạc hoặc không còn (Điều 219): Đây là cơ sở pháp luật để giải quyết các trường hợp vì lý do khách quan mà đối tượng cần xác định giá không hiện hữu. Trong trường hợp này, việc định giá được thực hiện theo hồ sơ của tài sản trên cơ sở các thông tin, tài liệu thu thập được về tài sản cần định giá.
Nghị định 30/2018/NĐ-CP ra đời đã quy định chi tiết hơn về định giá tài sản trong tố tụng hình sự, quy định cụ thể đối tượng áp dụng của Nghị đinh này là: “Các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có yêu cầu thành lập Hội đồng định giá; cơ quan có thẩm quyền thành lập Hội đồng định giá; cơ quan, tổ chức cử người và cá nhân được cử tham gia Hội đồng định giá; cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.” (Điều 2).
Mở rộng nguyên tắc định giá tài sản
Điều 4 Nghị định 30/NĐ-CP đã quy định theo hướng mở rộng hơn đối với nguyên tắc định giá tài sản: Hội đồng định giá có thể định giá tài sản tương tự với tài sản cần định giá. (Tài sản tương tự là tài sản cùng loại, tương đồng với tài sản cần định giá về một số đặc trưng cơ bản như mục đích sử dụng, công dụng, đặc điểm pháp lý và một số đặc điểm về kinh tế – kỹ thuật chủ yếu, bao gồm nguyên lý cấu tạo, tính năng kỹ thuật và tính năng sử dụng – Điều 3.3). Quy định này đã tháo gỡ vướng mắc trong việc giải quyết các vụ án trong trường hợp không thu được tài sản hoặc tài sản thu giữ đã bị thay đổi so với ban đầu. Bên cạnh đó, giá trị tài sản định giá cũng được thay đổi từ “thời điểm và nơi tài sản bị xâm phạm” thành “tại thời điểm và nơi tài sản được yêu cầu định giá”.
Phương pháp định giá
Về căn cứ định giá, Nghị định 30/NĐ-CP chia tài sản thành 02 loại là tài sản không phải hàng cấm và tài sản là hàng cấm và quy đinh cụ thể căn cứ định giá đối với từng loại. Trường hợp thu thập nguồn thông tin về mức giá tài sản tại thời điểm khác hoặc ở địa phương khác thì mức giá đó cần được điều chỉnh phù hợp về thời điểm và nơi tài sản được yêu cầu định giá.
Căn cứ vào loại tài sản; thông tin và đặc điểm của tài sản; tình hình khảo sát giá, thu thập thông tin liên quan đến tài sản định giá; HĐĐG thực hiện định giá tài sản theo tiêu chuẩn về thẩm quyền giá, phương pháp định giá chung đối với hàng hóa, dịch vụ và các tiêu chuẩn, phương pháp định giá quy định tại pháp luật chuyên ngành liên quan đến tài sản cần định giá.
Nghị định 30/NĐ-CP cũng quy định cụ thể hơn về phương pháp định giá (Điều 17) đối với một số trường hợp như:
+ Tài sản chưa qua sử dụng: HĐĐG xác định giá của tài sản theo giá của tài sản giống hệt còn mới hoặc tài sản tương tự còn mới (nếu không có tài sản giống hệt);
+ Tài sản đã qua sử dụng: HĐĐG xác định giá của tài sản trên cơ sở xác định giá trị thực tế của tài sản;
+ Tài sản bị hủy hoại, hư hỏng một phần; tài sản bị hủy hoại, hư hỏng toàn bộ những vẫn có khả năng khôi phục lại tình trạng của tài sản trước khi bị hủy hoại, hư hỏng: Trường hợp cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng yêu cầu xác định giá trị thiệt hại của tài sản bị hủy hoại, hư hỏng một phần hoặc toàn bộ, HĐĐG xác định giá trên cơ sở chi phí khôi phục lại tình trạng ban đầu của tài sản trước bị hủy hoại, hư hỏng một phần hoặc toàn bộ;
+ Tài sản bị mất, thất lạc; tài sản bị hủy hoại, hư hỏng toàn bộ và không có khả năng khôi phục lại tình trạng của tài sản trước khi bị hủy hoại, hư hỏng; HĐĐG xác định giá của tài sản theo hồ sơ của tài sản trên cơ sở các thông tin, tài liệu thu thập được về tài sản cần định giá;
+ Tài sản là hàng giả: HĐĐG xác định giá tài sản theo giá của hàng thật hoặc giá của tài sản tương tự theo quy định của Bộ luật hình sự;
+ Tài sản không mua bán phổ biến trên thị trường; tài sản là kim khí quý, đá quý, di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị văn hóa, tôn giáo, khảo cổ, kiến trúc, lịch sử: HĐĐG xác định giá tài sản dựa trên kết quả giám định, ý kiến đánh giá của cơ quan có thẩm quyền và chuyên gia về lĩnh vực này hoặc giá trị ghi trong hồ sơ, tài liệu của tài sản.
Việc định giá tài sản phải dựa trên ít nhất một trong các căn cứ định giá quy định tại Điều 15 Nghị định 30/2018/NĐ-CP. Đối với căn cứ định giá tài sản quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định 30/2018/NĐ-CP, trường hợp có từ hai căn cứ trở lên, Hội đồng định giá tài sản tùy theo tính chất, đặc điểm tài sản cần định giá và tình hình thông tin thu thập được liên quan đến tài sản để xác định thứ tự ưu tiên của các căn cứ định giá tài sản.
Cụ thể, căn cứ định giá quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định số 30/2018 bao gồm giá thị trường của tài sản; giá do các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định; giá do doanh nghiệp thẩm định giá cung cấp; giá trong tài liệu, hồ sơ hợp pháp về loại tài sản; các căn cứ khác về giá hoặc giá trị của tài sản cần định giá.
Trường hợp căn cứ định giá tài sản là hàng cấm, thực hiện theo các quy định tại Khoản 2 Điều 15 Nghị định 30/2018/NĐ-CP. Trong đó, đối với giá do doanh nghiệp thẩm định cung cấp, thực hiện theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 15.
Đối với giá thị trường trong khu vực hoặc thế giới của hàng cấm do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thông báo hoặc cung cấp thông tin thì cơ quan, tổ chức có thẩm quyền bao gồm các cơ quan, tổ chức được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật nước sở tại và được phép thông báo hoặc cung cấp thông tin theo quy định của pháp luật nước này.
Các mức giá từ các nguồn thông tin, theo quy định, được xác định tại thời điểm và tại nơi tài sản được yêu cầu định giá theo yêu cầu định giá của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Trường hợp tại thời điểm được yêu cầu định giá không thu thập được các mức giá của tài sản cần định giá hoặc tài sản tương tự, thì áp dụng tại thời điểm định giá hoặc gần thời điểm định giá nhưng không quá 02 năm tính đến thời điểm được yêu cầu định giá. Cơ quan có thẩm quyền tố tụng có trách nhiệm ghi rõ thời điểm yêu cầu định giá tại văn bản yêu cầu định giá.
Khi không thu thập được các mức giá của tài sản cần định giá hoặc tài sản tương tự trong lãnh thổ Việt Nam, thì mở rộng việc thu thập giá tại khu vực và thế giới trên các trang thông tin điện tử chính thức của các cơ quan, tổ chức sản xuất, kinh doanh tại khu vực và thế giới.
Đồng thời, khi thu thập các mức giá trong các trường hợp, theo quy định, cần được điều chỉnh về thời điểm và địa điểm được yêu cầu định giá căn cứ theo phương pháp định giá tài sản do Hội đồng định giá quyết định. (thực hiện theo quy định tại Điều 8 Thông tư 30/2020/TT-BTC ngày 29/12/2019)
Kết luận định giá tài sản
So với quy định tại Nghị định 26, phiên họp của Hội đồng định giá chỉ thực hiện khi có đầy đủ các thành viên thì tại Nghị định 30 quy định: trừ trường hợp Hội đồng định giá có 03 thành viên phải có đầy đủ 03 thành viên, thì phiên họp định giá có thể tiến hành khi có mặt ít nhất 2/3 số lượng thành viên tham dự. Những thành viên vắng mặt phải có văn bản gửi tới Chủ tịch Hội đồng nêu rõ lý do vắng mặt và có ý kiến độc lập của mình về giá của tài sản cần định giá. (Điều 18)
Đối với định giá tài sản là hàng cấm, biên bản họp định giá tài sản ngoài những nội dung chính, biên bản họp còn phải nêu rõ những hạn chế về việc áp dụng các căn cứ định giá tài sản đối với hàng cấm; về quá trình thực hiện khảo sát giá; thu thập thông tin liên quan đến tài sản định giá là hàng cấm; về phương pháp định giá tài sản và các hạn chế khác (nếu có) khi định giá tài sản là hàng cấm. (Điều 19)
Hồ sơ định giá
Nghị định 30/2018/NĐ-CP quy định chặt chẽ hơn về hồ sơ định giá tài sản bao gồm cả “Văn bản yêu cầu định giá tài sản” và “Quyết định thành lập Hội đồng định giá”; bên cạnh đó, Nghị định 30 đã bổ sung thêm danh mục “Tài liệu do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cung cấp”. (Điều 23).
Điều 4 Thông tư 30/2020/TT-BTC quy định cụ thể về trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng về việc cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến yêu cầu định giá tài sản theo từng phân loại; đồng thời, quy định rõ: “Tất cả hồ sơ, tài liệu do cơ quan có thẩm quyền cung cấp cho Hội đồng định giá là bản chính hoặc bản sao có đóng dấu giáp lai của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng”.
Khoản 3 Điều 4 Thông tư 30/2020/TT-BTC ghi rõ: “Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm phối hợp cung cấp bổ sung hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc định giá tài sản khi nhận được yêu cầu của Hội đồng định giá trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu. Trường hợp không đáp ứng được yêu cầu cung cấp hồ sơ, tài liệu trong thời hạn trên, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có văn bản nêu rõ lý do gửi Hội đồng định giá biết, đồng thời thống nhất điều chỉnh thời gian định giá tài sản cho phù hợp”.
  1. HOẠT ĐỘNG KIỂM SÁT
  1.  Kiểm sát hoạt động yêu cầu định giá tài sản của Cơ quan điều tra
Khi tiếp nhận tin báo, tố giác hoặc thông tin về vụ việc mà phải định giá để làm căn cứ xác định trách nhiệm hình sự, trách nhiệm dân sự… do Cơ quan điều tra chuyển đến, thì Kiểm sát viên được phân công phải chủ động đưa ra yêu cầu xác minh, yêu cầu điều tra, trong đó đặc biệt chú ý:
+ Yêu cầu Cơ quan điều tra thu giữ đầy đủ và bảo quản các tang vật là tài sản cần định giá theo đúng quy định của pháp luật; thu thập đầy đủ các tài liệu liên quan đến tài sản cần định giá như: Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu, giấy tờ mua bán tài sản, kiểm định, thế chấp, biên bản khám nghiệm tài sản, phương tiện…
+ Yêu cầu cơ quan điều tra nhanh chóng tiến hành ban hành văn bản yêu cầu định giá để làm căn cứ xử lý vụ việc.
Văn bản yêu cầu định giá tài sản phải đảm bảo đầy đủ các nội dung được quy định tại khoản 2 Điều 215 BLTTHS; trong đó đặc biệt lưu ý các nội dung yêu cầu phải cụ thể, rõ ràng, chi tiết đối với từng loại tài sản, từng bộ phận của tài sản bị hư, hỏng, mất mát… trên cơ sở đó mới yêu cầu xác định tổng giá trị của tài sản cần định giá, tránh nêu chung chung. Đồng thời, phải đảm bảo nội dung yêu cầu định giá phù hợp với khả năng chuyên môn của hội đồng định giá ở địa phương.
Kiểm sát chặt chẽ việc cơ quan điều tra xác định thời điểm cần định giá của tài sản, theo đúng nguyên tắc: Giá trị tài sản định giá là giá trị tại thời điểm và nơi tài sản được yêu cầu định giá.
Kiểm sát chặt chẽ việc giao, nhận tài sản cần định giá và các tài liệu liên quan kèm theo giữa cơ quan điều tra và Hội đồng định giá, đảm bảo giao đúng quy định và đầy đủ theo yêu cầu của Hội đồng định giá. (Điều 4 Thông tư 30/2020/TT-BTC)
Trong trường hợp cần thiết (ví dụ: tài sản định giá có giá trị lớn; có nhiều loại tài sản cần định giá; tài sản là hàng cấm; hàng hóa không phổ biến trên thị trường, không quy định trong bảng giá của Nhà nước; việc xác định chất lượng còn lại của tài sản gặp khó khăn; tài sản định giá không còn hoặc bị thất lạc…) thì tùy từng trường hợp Kiểm sát viên cần phối hợp với Điều tra viên để cùng tham dự phiên họp định giá tài sản của HĐĐG tài sản và đưa ra ý kiến, theo đúng trình tự, thủ tục quy định tại khoản 1 Điều 217 BLTTHS.
  1. Đối với hoạt động định giá tài sản của Hội đồng định giá tài sản
  • Kiểm sát chặt chẽ thành phần HĐĐG tài sản, đảm bảo tất cả các thành viên của HĐĐG phải không thuộc trường hợp không được tham gia định giá theo quy định tại khoản 5 Điều 69 BLTTHS và Điều 13 Nghị định số 30/2018/NĐ-CP.
Để thực hiện yêu cầu này, yêu cầu Kiểm sát viên phải nắm đầy đủ danh sách các thành viên của Hội đồng định giá thường xuyên do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp hoặc cơ quan có thẩm quyền thành lập Hội đồng định giá theo vụ việc, đối chiếu với thực tế giải quyết vụ việc để xác định họ có thuộc trường hợp phải từ chối tham gia định giá hay không. Nếu họ thuộc trường hợp không được tham gia định giá nhưng không từ chối tham gia, thì phải cương quyết yêu cầu thay đổi thành phần Hội đồng định giá.
Khi kiểm sát cần lưu ý quy định tại khoản 6 Điều 7 Nghị định số 30/2018/NĐ-CP, đó là: “Đối với cùng một tài sản được cơ quan có thẩm quyền trưng cầu định giá, trường hợp Hội đồng định giá thường xuyên đã được thành lập để tiến hành định giá đối với tài sản này thì không thành lập Hội đồng định giá theo vụ việc theo quy định tại Điều 6 Nghị định này”. Tức là, đối với tài sản cần định giá thuộc phạm vi và khả năng chuyên môn của HĐĐG thường xuyên đã được thành lập rồi, thì sẽ do HĐĐG thường xuyên thực hiện và không được thành lập HĐĐG theo vụ việc để định giá đối với loại tài sản đó.
Trong trường hợp HĐĐG từ chối định giá, thì phải kiểm tra kỹ các lý do từ chối của HĐĐG có đúng theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 69 BLTTHS và điểm c khoản 1 Điều 10 Nghị định 30/2018 hay không? (nếu đúng thì yêu cầu Cơ quan điều tra thay đổi thời gian, bổ sung tài liệu hoặc trưng cầu HĐĐG khác; nếu không đúng thì yêu cầu CQĐT ban hành văn bản đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp hoặc cơ quan có thẩm quyền thành lập HĐĐG theo vụ việc, để yêu cầu HĐĐG thực hiện việc định giá tài sản theo quy định của pháp luật).
Nếu thành viên HĐĐG từ chối định giá mà không thuộc trường hợp từ chối định giá theo quy định tại khoản 5 Điều 69 và Điều 13 Nghị định 30/2018/NĐ-CP hoặc không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan, thì đề nghị xử lý theo quy định của pháp luật (khoản 4 Điều 69 BLTTHS).
  • Khi cần tham dự phiên họp định giá tài sản, thì Kiểm sát viên, Điều tra viên phải thông báo trước cho HĐĐG tài sản biết. Khi tham dự có quyền đưa ra ý kiến, nhưng phải được sự đồng ý của HĐĐG tài sản và không được quyền biểu quyết về giá của tài sản (khoản 1 Điều 217 BLTTHS; khoản 5 Điều 18 Nghị định 30/2018/NĐ-CP).
  • Kiểm sát Biên bản phiên họp của Hội đồng định giá tài sản:
Do biên bản phiên họp định giá tài sản là căn cứ duy nhất để HĐĐG kết luận định giá. Đồng thời, là cơ sở để Cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu HĐĐG giải thích kết luận định giá; xác định kết luận định giá có đúng, đầy đủ hay không để yêu cầu bổ sung, định giá lại. Do vậy, cần phải được kiểm sát thật chặt chẽ. Theo đó:
+ Khi kiểm sát Biên bản phiên họp định giá tài sản cần lưu ý điều kiện để tiến hành phiên họp, theo đúng quy định tại khoản 1 Điều 18 Nghị định số 30/2018/NĐ-CP, đó là: “Phiên họp định giá tài sản chỉ định tiến hành khi có mặt ít nhất 2/3 số lượng thành viên của Hội đồng định giá tham dự. Trường hợp Hội đồng định giá chỉ có 03 thành viên thì phiên họp phải có mặt đủ 03 thành viên”. Trong mọi trường hợp không đủ điều kiện trên, kết quả phiên họp không có giá trị pháp lý;
+ Biên bản phiên họp động định giá phải được lập đúng và đầy đủ theo quy định tại Điều 19 Nghị định số 30/2018/NĐ-CP. Trong đó đặc biệt lưu ý các nội dung:
Căn cứ xác định giá; kết quả khảo sát giá, thu thập thông tin liên quan đến tài sản cần định giá đảm bảo đúng quy định tại các Điều 15 và Điều 16 Nghị định số 30/2018/NĐ-CP; các Điều 8, Điều 10 Thông tư 30/2020/TT-BTC ngày 17/4/2020 (đặc biệt chú ý nội dung này đối với các trường hợp tài sản định giá không còn hoặc bị thất lạc).
Thời điểm xác định giá trị của tài sản cần định giá phải phù hợp với thời điểm do cơ quan điều tra xác định trong văn bản yêu cầu định giá tài sản.
Ý kiến của thành viên Hội đồng và những người tham dự phiên họp định giá tài sản; ý kiến bằng văn bản của thành viên vắng mặt.
Kết quả biểu quyết của Hội đồng định giá về giá của tài sản.
Lưu ý: Đối với định giá tài sản là hàng cấm, ngoài các nội dung chính quy định tại khoản 2 Điều 19, Biên bản phiên họp định giá phải bao gồm những hạn chế về việc áp dụng các căn cứ định giá tài sản đối với hàng cấm; về quá trình thực hiện khảo sát giá; thu thập thông tin liên quan đến tài sản cần định giá là hàng cấm; về phương pháp định giá tài sản và các hạn chế khác (nếu có) khi định giá tài sản là hàng cấm (khoản 3 Điều 19 Nghị định số 30/2018/NĐ-CP).
  • Kiểm sát kết luận định giá tài sản của Hội đồng định giá:
Tại khoản 4 Điều 101 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định: “Kết luận định giá của Hội đồng định giá tài sản vi phạm quy định của Bộ luật này, quy định khác của pháp luật về định giá thì không có giá trị pháp lý và không được làm căn cứ để giải quyết vụ án”. Vì vậy, khi kiểm sát Kết luận định giá tài sản cần lưu ý:
+ Việc kết luận định giá tài sản phải được thực hiện theo các quy định tại Điều 101 và Điều 221 BLTTHS. Căn cứ kết quả biểu quyết theo đa số về giá của tài sản cần định giá tại Biên bản phiên họp định giá tài sản quy định tại Điều 19 Nghị định số 30/2018/NĐ-CP, HĐĐG lập Kết luận định giá tài sản bằng văn bản. Kết luận về giá tài sản được tính bằng đồng Việt Nam.
Kết luận định giá được gửi cơ quan yêu cầu định giá tài sản trong thời hạn 24 giờ kể từ khi HĐĐG tài sản lập kết luận định giá tài sản (Điều 20 Nghị định 30/2018/NĐ-CP)
+ Kết luận định giá phải đảm bảo đầy đủ các nội dung theo quy định tại khoản 2 Điều 30/2018/NĐ-CP.
Kiểm sát viên phải đối chiếu nội dung Kết luận định giá với nội dung các yêu cầu định giá của cơ quan điều tra trong bản yêu cầu định giá. Nếu kết luận định giá chưa đầy đủ, thì yêu cầu bổ sung; nếu kết luận chưa rõ ràng thì yêu cầu HĐĐG giải thích kết luận định giá, trường hợp qua giải thích mà vẫn không đáp ứng được yêu cầu thì ban hành yêu cầu định giá lại theo quy định tại Điều 218 BLTTHS. Mọi trường hợp không đồng ý với kết luận định giá tài sản thì phải nêu rõ lý do bằng văn bản.
  1.  Quyền tiếp cận Kết luận định giá tài sản
Đảm bảo kiểm sát tiếp nhận và đánh giá chứng cứ quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (Điều 88 BLTTHS):
Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định rõ về tiếp cận, đánh giá chứng cứ của Kiểm sát viên trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, tại khoản 5 Điều 88 BLTTHS quy định: “.. Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày lập biên bản về hoạt động điều tra, thu thập, nhận được tài liệu liên quan đến vụ án mà Kiểm sát viên không trực tiếp kiểm sát theo quy định của Bộ luật này thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có trách nhiệm chuyển biên bản, tài liệu này cho Viện kiểm sát để kiểm sát việc lập hồ sơ vụ án. Trường hợp do trở ngại khách quan thì thời hạn này có thể kéo dai nhưng không quá 15 ngày. Trong thời hạn 03 ngày, Viện kiểm sát đóng dấu bút lục và sao lưu biên bản, tài liệu lưu hồ sơ kiểm sát và  bàn giao nguyên trạng tài liệu, biên bản đó cho Cơ quan điều tra”
Như vậy, việc tiếp nhận các tài liệu, biên bản về hoạt động điều tra là những chứng cứ do Điều tra viên chuyển đến Kiểm sát viên phải đảm bảo trình tự: Là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do BLTTHS quy định, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án theo quy định tại Điều 86 BLTTHS.
Đảm bảo quyền của bị can, bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng khác đối với Kết luận định giá tài sản (Điều 222 BLTTHS)
Các cơ quan tiến hành tố tụng phải đảm bảo quyền của bị can, bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng khác có liên quan về đề nghị định giá, được thông báo và trình bày ý kiến về kết luận định giá, theo đó:
  • Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị định giá tài sản của bị can,bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng khác, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải xem xét, ra văn bản yêu cầu định giá tài sản.
  • Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được kết luận định giá tài sản thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải thông báo kết luận định giá tài sản cho bị can, bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng khác có liên quan.
  • Bị can, bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng khác có quyền trình bày ý kiến của mình về kết luận định giá tài sản; đề nghị định giá lại. Trường hợp họ trình bày trực tiếp thì cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải lập biên bản.
  • Trường hợp Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án không chấp nhận đề nghị của bị can, bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng khác thì phải thông báo cho người đề nghị bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Mọi trường hợp không thực hiện đúng các quy định nêu trên, mà xâm phạm nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng khác có liên quan trong vụ án thì đều bị coi là vi phạm nghiêm trọng thủ tụng tố tụng. Vì vậy, Kiểm sát viên phải hết sức lưu ý kiểm sát chặt chẽ các hoạt động nêu trên của các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn.
Với những kinh nghiệm của bản thân và kiến thức tổng hợp từ quá trình tìm hiểu, những vấn đề mà tác giả trình bày hi vọng có thể giúp chuyên viên, Kiểm tra viên, Kiểm sát viên xây dựng khung cơ bản trong nhận thức các quy định của pháp luật tố tụng hình sự về định giá tài sản, góp phần nâng cao kỹ năng hoạt động kiểm sát định giá tài sản trong thời gian tới, đảm bảo sự tuân thủ pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án.

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Tường Vi

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyển đổi số
Hưởng ứng giải  Búa Liềm Vàng
Giải báo chí phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Công khai ngân sách
Mail công vụ
Thống Kê Truy Cập
  • Đang truy cập66
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm65
  • Hôm nay4,616
  • Tháng hiện tại322,894
  • Tổng lượt truy cập16,851,816
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây