1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.
Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.
2. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.
Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này.
Tuy nhiên, cho đến nay chưa có văn bản nào hướng dẫn cụ thể thế nào là phòng vệ chính đáng ngoài Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 05/01/1986 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự 1985, trong đó tại mục II của Nghị quyết này có đề cập đến chế định phòng vệ chính đáng. Hành vi xâm phạm tính mạng hoặc sức khỏe của người khác được coi là phòng vệ chính đáng khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Hành vi xâm hại những lợi ích cần phải bảo vệ là hành vi phạm tội hoặc rõ ràng là có tính chất nguy hiểm cho xã hội.
b) Hành vi nguy hiểm cho xã hội đang gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại thực sự và ngay tức khắc cho những lợi ích cần phải bảo vệ.
c) Phòng vệ chính đáng không chỉ gạt bỏ sự đe dọa, đẩy lùi sự tấn công, mà còn có thể tích cực chống lại sự xâm hại, gây thiệt hại cho chính người xâm hại.
d) Hành vi phòng vệ phải tương xứng với hành vi xâm hại, tức là không có sự chênh lệch quá đáng giữa hành vi phòng vệ với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi xâm hại.
Tương xứng không có nghĩa là thiệt hại do người phòng vệ gây ra cho người xâm hại phải ngang bằng hoặc nhỏ hơn thiệt hại do người xâm hại đe dọa gây ra hoặc đã gây ra cho người phòng vệ.
Để xem xét hành vi chống trả có tương xứng hay không, có rõ ràng là quá đáng hay không, thì phải xem xét toàn diện những tình tiết có liên quan đến hành vi xâm hại và hành vi phòng vệ như: khách thể cần bảo vệ (ví dụ: bảo vệ địa điểm thuộc bí mật quốc gia, bảo vệ tính mạng); mức độ thiệt hại do hành vi xâm hại có thể gây ra hoặc đã gây ra và do hành vi phòng vệ gây ra; vũ khí, phương tiện, phương pháp mà hai bên đã sử dụng; nhân thân của người xâm hại (nam, nữ; tuổi; người xâm hại là côn đồ, lưu manh…); cường độ của sự tấn công và của sự phòng vệ; hoàn cảnh và nơi xảy ra sự việc (nơi vắng người, nơi đông người, đêm khuya) v.v… Đồng thời cũng cần phải chú ý đến yếu tố tâm lý của người phải phòng vệ có khi không thể có điều kiện để bình tĩnh lựa chọn được chính xác phương pháp, phương tiện chống trả thích hợp, nhất là trong trường hợp họ bị tấn công bất ngờ.
Sau khi đã xem xét một cách đầy đủ, khách quan tất cả các mặt nói trên mà nhận thấy rõ ràng là trong hoàn cảnh sự việc xảy ra, người phòng vệ đã sử dụng những phương tiện, phương pháp rõ ràng quá đáng và gây thiệt hại rõ ràng quá mức (như: gây thương tích nặng, làm chết người) đối với người có hành vi xâm hại thì coi hành vi chống trả là không tương xứng và là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Ngược lại, nếu hành vi chống trả là tương xứng thì đó là phòng vệ chính đáng.
Theo tinh thần của Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 05/01/1986 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao chúng ta có thể hiểu để làm rõ có hay không “phòng vệ chính đáng” khi nghiên cứu vào một vụ án cụ thể chúng ta phải làm rõ được những vấn đề sau:
Thứ nhất, về phía nạn nhân: Phải là người đang có hành vi xâm phạm đến các lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, của cá nhân, của người phòng vệ hoặc của người khác. Hành vi xâm phạm này phải là hành vi có tính chất nguy hiểm đáng kể. Mức độ đáng kể là tuỳ thuộc vào tính chất quan trọng của quan hệ xã hội bị xâm phạm, tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi tấn công nạn nhân (người có hành vi xâm phạm).
Thứ hai, về phía người phòng vệ: Nếu thiệt hại do người có hành vi xâm phạm gây ra có thể là thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, về tài sản, nhân phẩm, danh dự hoặc các lợi ích xã hội khác.., thì người có hành vi phòng vệ gây ra chỉ có thể tác động đến thiệt hại tính mạng hoặc sức khoẻ cho người có hành vi xâm phạm để bảo vệ lợi ích về tài sản, tính mạng, sức khỏe… (tức là không có sự chênh lệch quá đáng giữa hành vi phòng vệ với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi xâm hại).
Thứ ba: Hành vi chống trả là cần thiết, nghĩa là sự thể hiện tính không thể không chống trả, không thể bỏ qua trước một hành vi xâm phạm đến các lợi ích của các nhân, tổ chức, và của xã hội. Khi đã xác định hành vi chống trả là cần thiết thì thiệt hại gây ra cho người có hành vi xâm phạm dù có lớn hơn thiệt hại mà người có hành vi xâm phạm gây ra cho người phòng vệ vẫn được coi là phòng vệ chính đáng. Mặc dù mức thương tích người phòng vệ gây ra cho nạn nhân lớn hơn mức thương tích người phòng vệ phải chịu nhưng điều này là cần thiết để bảo vệ sức khỏe đang bị đe dọa của người phòng vệ, tuy nhiên “Hành vi phòng vệ phải tương xứng với hành vi xâm hại, tức là không có sự chênh lệch quá đáng giữa hành vi phòng vệ với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi xâm hại“
Mặc dù hành vi phòng vệ chính đáng có thể gây thiệt hại cho người có hành vi tấn công, nhưng từ góc độ lợi ích cộng đồng thì đó là hành vi có lợi, tức không nguy hiểm cho xã hội, nên phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.
Ví dụ:
Do có mâu thuẫn từ trước nên vào lúc 23 giờ ngày 07/6/2014, khi Nguyễn Tấn B đang ngủ trong chòi ở sân Trường tiểu học Nguyễn Viết Xuân tại xã Đ, huyện C, tỉnh N thì Phạm Văn D đến gây sự và đánh B. Sau đó, D bỏ đi về nhà. Sau khi bị đánh, do sợ D quay lại đánh tiếp nên B chạy vào kho để vật tư kêu Nguyễn Thanh H là bạn làm thợ hồ thức dậy để đi về nhà tại thị xã T. Khi H vừa thức dậy đứng ở cửa thì D cầm dao từ ngoài chạy vào, tưởng H là B nên D cầm dao đâm thẳng vào người H, ngay lập tức H chụp lấy cây sắt dài 50 cm, đường kính 0,8 cm đâm vào hông trái D 01 cái làm thủng phổi dẫn đến tử vong. Qua kết quả khám nghiệm hiện trường xác định được tại nhà kho vật tư nơi H đứng có ánh sáng mờ, không nhìn thấy rõ. Thu giữ được con dao D sử dụng có kích thước dài 30 cm, mũi nhọn, bề rộng dao 3 cm. Ngày 10/6/2014, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh N ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Nguyễn Thanh H về tội “Giết người” quy định tại Điều 93 Bộ luật hình sự và chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát cùng cấp đề nghị phê chuẩn.
Đối với vụ việc trên để xác định hành vi phòng vệ là “cần thiết” hay “không cần thiết” thì cần phải xem xét một cách toàn diện về điều kiện, thời gian, địa điểm và hoàn cảnh cụ thể xảy ra sự việc, tính chất và mức độ nguy hiểm của công cụ, phương tiện phạm tội, cường độ của sự tấn công cũng như những yếu tố khác, để quyết định biện pháp chống trả cũng như mức độ chống trả là “cần thiết hay không” nhằm ngăn chặn hành vi xâm hại đến các quyền, lợi ích hợp pháp được luật hình sự bảo vệ. Cụ thể trong tình huống trên, mặc dù H sử dụng thanh sắt dài hơn con dao mà Danh đã sử dụng làm hung khí, nhưng trong vụ án này D là người cầm dao đâm thẳng vào người H trước, trong lúc H vừa ngủ dậy, mặc dù chưa gây ra hậu quả nguy hiểm đến tính mạng của H, nhưng đã trực tiếp đe dọa đến tính mạng. Mặt khác, tại thời điểm xảy ra vụ án là ban đêm, ánh sáng đèn điện ở ngoài đường và sân xung quanh hiện trường không đủ sáng để H có thể nhận biết được hung khí mà D đang sử dụng là loại hung khí gì, mức độ nguy hiểm ra sao, nên không thể nói H sử dụng hung khí không tương xứng với hung khí mà D sử dụng, việc H dùng thanh sắt chống trả lại D là chỉ nhằm mục đích ngăn chặn hành vi tấn công của D đang trực tiếp gây nguy hiểm đến tính mạng của H, nên hành vi đó được xem là hành vi phòng vệ chính đáng. Căn cứ khoản 1 Điều 22 Bộ luật hình sự, hành vi của H không phải là tội phạm. Do đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh N ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Nguyễn Thanh H về tội “Giết người” quy định tại Điều 93 Bộ luật hình sự là không có căn cứ và không đúng pháp luật.
Kiến nghị, đề xuất:
Đây là vấn đề hiện đang còn có nhiều tồn tại, thiếu sót trong cách hiểu và vận dụng chế định “phòng vệ chính đáng” xảy ra tại nhiều địa phương, tuy nhiên hiện chưa có văn bản nào của đơn ngành hoặc liên ngành hướng dẫn cụ thể về “phòng vệ chính đáng” và “vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” để tránh gây khó khăn cho các cơ quan chức năng và các đối tượng tham gia trong công tác phòng chống tội phạm. Đặc biệt, trong văn bản ban hành cần phải giải quyết chi tiết, mang tính định lượng, dễ xác định các điều kiện của “phòng vệ chính đáng” đặc biệt là điều kiện về xác định mức độ “tương xứng”. Vì hiện nay quy định về tính “tương xứng” lại mang tính định tính và rất khó xác định được ranh giới chính xác. Điều này gây rất nhiều khó khăn cho công tác thực tiễn, thiết nghĩ liên ngành tố tụng và các ngành có liên quan cần sớm thống nhất và có văn bản hướng dẫn chung để các địa phương áp dụng, hạn chế, khắc phục những tồn tại vướng mắc hiện nay, góp phần tránh bỏ lọt tội phạm, gây oan sai cho người vô tội./.