Xác định tình tiết “đã bị xử phạt hành chính” và “hoặc đã bị kết án” trong cấu thành tội phạm cơ bản – những bất cập cần bổ sung

Thứ ba - 18/10/2022 08:22
Trong Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), tình tiết “đã bị xử phạt hành chính” được quy định trong cấu thành tội phạm cơ bản của một số tội phạm cụ thể.
Tình tiết này là căn cứ để định tội khi hành vi của đối tượng vi phạm chưa thỏa mãn những yếu tố cơ bản cần và đủ để cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, tại nhiều điều luật cụ thể trong BLHS lại chỉ đề cập đến tình tiết này để làm căn cứ định tội mà không đề cập đến tình tiết hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm”.
         
Cấu thành tội phạm là những dấu hiệu pháp lý làm căn cứ để xác định hành vi phạm tội cụ thể, đồng thời cũng là căn cứ để phân biệt các hành vi phạm tội khác nhau. Trong quá trình xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự đối với một hành vi phạm tội cụ thể, cơ quan và người có thẩm quyền phải xác định các cấu thành tội phạm của hành vi phạm tội, từ đó ra các quyết định truy cứu hay không truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong cấu thành tội phạm cơ bản, căn cứ vào cấu trúc của cấu thành tội phạm, ta có thể chia thành ba dạng gồm: Cấu thành tội phạm hình thức; Cấu thành tội phạm vật chất và cấu thành tội phạm hỗn hợp. Trong BLHS hiện hành, rất nhiều tội danh ở nhiều chương tội phạm khác nhau có cấu thành tội phạm cơ bản dưới dạng cấu thành tội phạm hỗn hợp. Đây là loại cấu thành tội phạm mà các dấu hiệu thuộc mặt khách quan vừa có yếu tố của cấu thành tội phạm hình thức, vừa có yếu tố của cấu thành tội phạm vật chất. Căn cứ vào tính chất nhân thân của chủ thể thực hiện hành vi vi phạm, có thể chia các cấu thành tội phạm hỗn hợp thành hai loại là cấu thành tội phạm hỗn hợp có yếu tố đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm và cấu thành tội phạm hỗn hợp có yếu tố đã bị kết án mà còn vi phạm.

         
Tuy nhiên, trong BLHS có những điều luật chỉ sử dụng tình tiết “đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm” mà không lấy tình tiết “đã bị kết án, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm” để làm căn cứ xác định cấu thành cơ bản của tội phạm đó. Cụ thể như:

          Điều 167 BLHS về tội Xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dânquy định:
          “1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác cản trở công dân thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm…”.
          Điều 185 BLHS về tội Ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình quy định:
          “1. Người nào đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
          a) Thường xuyên làm cho nạn nhân bị đau đớn về thể xác, tinh thần;
          b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
          2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm…”.
          Đặc điểm cấu thành tội phạm của các điều luật trên đều lấy căn cứ xác định hành vi vi phạm chỉ bị coi là phạm tội khi người thực hiện hành vi đó “đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm”, nghĩa là chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn vi phạm (còn Tiền sự). Nhưng nếu người thực hiện những hành vi này mà trước đó “đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm” (còn Tiền án) thì lại không bị xem là hành vi phạm tội. Đồng nghĩa với việc đối với một số tội phạm cụ thể như trên, chúng ta phải đánh giá còn tiến sự thì phạm tội nhưng nếu còn tiền án thì thoát tội; hay nói cách khác là “Tiền sự” nặng hơn “Tiền án”. Đây là một sự bất hợp lý mà trên thực tế trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự, các cơ quan tiến hành tố tụng có thể gặp nhưng đành chấp nhận vì luật đã quy định. Ví dụ trường hợp một người vừa chấp hành xong hình phạt tù về tội “Hành hạ vợ” quy định tại Điều 185 BLHS, chưa được xoá án tích của Bản án này lại tiếp tục có hành vi bạo lực, tồi tệ đối với con ruột của mình (không để lại thương tích hoặc tổn hại sức khoẻ). Trường hợp này nếu muốn tiếp tục xử lý đối tượng này thì các cơ quan chức năng buộc phải lập hồ sơ và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính để làm căn cứ xử lý sau này (nếu có) mặc dù mới được tha tù về chính tội này. Trong khi một người khác cũng thực hiện hành vi tương tự nhưng trước đó đã bị cơ quan chức năng địa phương quyết định xử phạt hành chính về hành vi này thì lại đủ yếu tố để khởi tố, xử lý hình sự.
         
Với tốc độ phát triển của xã hội và cuộc sống mở hiện nay, những tội phạm về quyền tự do, dân chủ; về chế độ hôn nhân và gia đình ngày càng gia tăng thì những quy định của pháp luật cũng cần phải được điều chỉnh để đạt hiệu quả cao nhất trong việc răn đe, giáo dục người vi phạm và tội phạm. Những bất cập nêu trên chỉ rơi vào một số ít điều luật trong BLHS, nhưng diễn biến của tội phạm xảy ra trong thực tế sẽ không tránh khỏi. Vì vậy, thiết nghĩ đối với những điều luật đã áp dụng yếu tố “đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm” thì cần bổ sung yếu tố “hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm” để làm căn cứ định tội giống như quy định của nhiều điều luật trong BLHS hiện hành./.

Tác giả bài viết: Nguyễn Xuân Kỳ


 

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn