Thông qua vụ án cụ thể bản thân tôi đã được phân công thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử, còn có những quan điểm khác nhau, tôi xin được trao đổi ý kiến cá nhân về việc áp dụng tình tiết trên; rất mong nhận được sự tham gia, đóng góp của đồng nghiệp và bạn đọc.
Nội dung vụ án:
Vào ngày 31/5/2022, Nguyễn Văn A và Trần Thị B, sau khi nhân được điện thoại của Lê Đình S về việc S có chó để bán, thì đã điều khiển xe ô tô tải BKS: 49C–005.28 đi đến địa bàn huyện T, tỉnh G để mua chó. Trong quá trình thỏa thuận mua bán thì A và B thấy chó bị kích điện, một số con chó bị chết nên biết đây là chó do S trộm cắp mà có nhưng do ham lợi nên cả hai đã mua tổng cộng 23 con chó với số tiền 10.000.000đ (mười triệu đồng). Trong lúc đang mua chó của S (chưa cân xong và chưa tính tiền), thì có Phan Hồ N cũng mang 04 con chó trộm cắp; Nguyễn Văn V mang 05 con chó trộm cắp đến bán cho vợ chồng A và B. A và B cũng biết đây là chó trộm cắp mà có nhưng cũng đồng ý mua. Sau khi mua xong thì A và B điều khiển xe ô tô về, trên đường về đến huyện D, tỉnh G thì bị phát hiện bắt giữ.
Căn cứ kết quả định giá xác định:
+ 23 con chó mà Lê Đình S trộm cắp và bán cho vợ chồng Nguyễn Văn A và Trần Thị B giá trị là: 16.140.000 đồng (mười sáu triệu một trăm bốn mươi ngàn đồng).
+ 04 con chó mà Phan Hồ N trộm cắp và bán cho vợ chồng Nguyễn Văn A và Trần Thị B giá trị là: 2.940.000 đồng (hai triệu chín trăm bốn mươi ngàn đồng).
+ 05 con chó mà Nguyễn Văn V trộm cắp và bán cho vợ chồng Nguyễn Văn A và Trần Thị B trị giá là 3.360.000 đồng (Ba triệu ba trăm sáu mươi nghìn đồng).
Quá trình giải quyết vụ án, có nhiều quan điểm về việc áp dụng tình tiết “phạm tội 02 lần trở lên” hay xác định chỉ là hành vi “phạm tội liên tục” đối với Nguyễn Văn A và Trần Thị B, còn có ý kiến khác nhau và có hai luồng quan điểm như sau:
Quan điểm thứ nhất:
Hành vi của Nguyễn Văn A và Trần Thị B phạm tội và bị áp dụng tình tiết tăng nặng là “phạm tội 02 lần trở lên”, vì:
Nguyễn Văn A và Trần Thị B có hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, mặc dù khi thực hiện hành vi phạm tội thì cả A và B đều mua 01 lần, cùng lúc và tại một vị trí đối với Lê Đình S, Nguyễn Văn B và Phan Hồ N. Tuy nhiên, vợ chồng A và B tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có của 03 người phạm tội khác nhau và tài sản của mỗi người đến bán cho A và B đều đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Do đó, hành vi của A và B phải bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là “phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự.
Quan điểm thứ hai:
Hành vi phạm tội của A và B chỉ là phạm tội liên tục, cần cộng tổng định lượng để truy cứu trách nhiệm hình sự với A và B chứ không áp dụng tình tiết tăng nặng “phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự. Vì Nguyễn Văn A và Trần Thị B khi tiêu thụ tài sản do 03 đối tượng trộm cắp mang đến bán thì mua cùng thời điểm (cân kí và tính tiền cùng lúc), tại 01 vị trí, trong 01 khoảng thời gian nhất định, không ngắt quản. Ý thức chủ quan của A và B là tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có trong 01 lần đó, sau khi mua xong tất cả sẽ ra về. Vì vậy, không áp dụng tình tiết tăng nặng “phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự đối với A và B.
Tác giả đồng ý với quan điểm thứ hai, bởi các lẽ sau:
Mặc dù Bộ luật hình sự chưa quy định như thế nào là phạm tội 02 lần trở lên nhưng có thể áp dụng quy định tại Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT- BCA-VKSNDTC- TANDTC- BTP đều quy định như sau: Tình tiết “phạm tội nhiều lần” được hiểu là:
- Đã có từ 02 lần phạm tội trở lên (chẳng hạn, 02 lần sản xuất trái phép chất ma túy trở lên, hai lần tàng trữ trái phép chất ma túy trở lên, hai lần bán trái phép chất ma túy trở lên…);
- Mỗi lần phạm tội có đủ yếu tố cấu thành tội phạm quy định tại khoản 1 điều luật tương ứng;
- Trong số các lần phạm tội đó chưa có lần nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
- Việc phạm tội chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.
Từ hướng dẫn trên ta có thể hiểu: Phạm tội 02 lần trở lên là thực hiện một tội phạm mà trước đó chủ thể đã phạm tội đó ít nhất là một lần và chưa bị xét xử. Đây là trường hợp một người đã phạm ít nhất hai lần về cùng một tội phạm (cùng một tội danh) và cả hai lần đó đều chưa bị xét xử. Các lần phạm tội đó có thể có cùng đối tượng hoặc khác đối tượng, có thể thuộc cùng khung hình phạt hoặc thuộc các khung hình phạt khác nhau, các hành vi phạm tội và hậu quả của các hành vi đó có tính độc lập với nhau.
Đối chiếu với vụ án nêu trên có thể thấy Nguyễn Văn A và Trần Thị B mặc dù tiêu thụ tài sản do 03 người phạm tội mà có khác nhau nhưng khi tiêu thụ thì được thực hiện 01 lần, trong một khoản thời gian. Khi thực hiên mua bán thì các thao tác và hành vi được thực hiện liên tục hết người này đến người khác (thể hiện bằng các hành vi cân trọng lượng chó và tính tiền là liên tục). Từ lúc bắt đầu là mua chó của Lê Đình S và khi đang thực hiện việc mua chó của S thì có Phan Hồ N rồi Nguyễn Văn V đến bán và vợ chồng Nguyễn Văn A và Trần Thị B tiếp tục cân cho đến hết và tính tiền xong thì đi về. Hành vi của Nguyễn Văn A và Trần Thị B là thực hiện hành vi một cách liên tục. Vì vậy, không áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội 02 lần trở lên” đối với A và B là có căn cứ.
Trên đây, là quan điểm cá nhân của tác giả trong quá trình nghiên cứu và áp dụng, mong nhận được ý kiến của quý đồng nghiệp và bạn đọc.