Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh

Quan điểm áp dụng tình tiết “Phạm tội có tính chất côn đồ” đối với tội “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” quy định tại Điều 178 Bộ luật Hình sự

Thứ năm - 13/10/2022 20:25 2.757 0
Bộ luật Hình sự (BLHS) Việt Nam quy định hành vi phạm tội “Có tính chất côn đồ” vừa là một tình tiết tăng nặng định khung tại một số tội phạm cụ thể, vừa là một tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự được quy định tại điểm d khoản 1 Điều 52 BLHS 2015. Tuy nhiên, trong thực tiễn Điều tra, truy tố, xét xử còn nhiều nhận thức, cách hiểu và áp dụng tình tiết này khác nhau.
Thực tế, trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng thường quan tâm đánh giá, xem xét và áp dụng tiết phạm tội “Có tính chất côn đồ” đối với tội Giết người” hay tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà ít quan tâm xem xét áp dụng tình tiết này đối với nhóm tội xâm phạm sở hữu, nhất là đối với tội Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sảnquy định tại  Điều 178 Bộ luật Hình sự.
Việc xác định một hành vi có tính côn đồ hay không phải có sự kết hợp của nhiều yếu tố khác nhau nhưng trên thực tế, một số vụ án chỉ dựa vào một yếu tố như vì mâu thuẫn nhỏ nhặt mà đánh người vô cớ, hay vì nhân thân xấu…để đánh giá hành vi phạm tội đó có tính côn đồ. Do chưa có văn bản pháp luật nào quy định và hướng dẫn cụ thể thế nào được coi là hành vi “Có tính chất côn đồ” cũng như những tiêu chí đánh giá của hành vi này. Mặt khác, đây là một khái niệm hoàn toàn mang yếu tố định tính và việc xác định một hành vi phạm tội có tính côn đồ hay không chủ yếu dựa vào cảm quan của người đánh giá. Vì vậy, việc nhận định có áp dụng hay không và áp dụng như thế nào, trong quá trình giải quyết từng vụ án cụ thể và tại từng cơ quan, đơn vị hiện nay cũng có sự khác nhau.
“Côn đồ” theo Từ điển tiếng Việt được hiểu là kẻ chuyên gây sự, hành hung, có những hành động ngang ngược, thô bạo. “Côn đồ” là đánh giá về bản tính con người còn hành vi “Có tính chất côn đồ” cần đánh giá và bám vào hành vi phạm tội cụ thể. Một người côn đồ nhưng lúc họ thực hiện hành vi phạm tội chưa chắc hành vi đó đã “Có tính chất côn đồ” vì vậy khi đánh giá cần tránh trường hợp đồng nhất hai khái niệm này. Việc đánh giá một hành vi phạm tội có tính côn đồ hay không đòi hỏi phải có sự kết hợp của nhiều yếu tố và cần đánh giá một cách toàn diện mới xác định chính xác, khách quan.
Tại Công văn số 38/NCPL ngày 06 tháng 01 năm 1976 của Tòa án nhân dân tối cao và Kết luận tại Hội nghị tổng kết công tác năm 1995 được giải thích như sau: “Khái niệm côn đồ được hiểu là hành động của những tên coi thường pháp luật, luôn phá rối trật tự trị an, sẵn sàng dùng vũ lực và thích (hay) dùng vũ lực để uy hiếp người khác phải khuất phục mình, vô cớ hoặc chỉ vì một duyên cớ nhỏ nhặt là đâm chém, thậm chí giết người. Hành động của chúng thường là xâm phạm sức khỏe, tính mạng, danh dự người khác, gây gổ hành hung người khác một cách rất vô cớ hoặc vì một duyên cớ nhỏ nhặt, ví dụ như đi xe đạp, xe máy va quyệt vào người khác, có khi chính mình có lỗi nhưng đã kiếm cớ để đánh hoặc giết người ta, mặc dù có thể người kia cũng có lỗi nhỏ. Đó là hành vi có tính chất côn đồ. Những kẻ đâm thuê chém mướn phải coi là biểu hiện tính côn đồ”.
Do căn cứ vào nội dung của Công văn số 38/NCPL để đánh giá và nhận định đối với những người thực hiện hành vi và hành động sẵn sàng dùng vũ lực và thích (hay) dùng vũ lực để uy hiếp người khác phải khuất phục mình, vô cớ hoặc chỉ vì một duyên cớ nhỏ nhặt là đâm chém, thậm chí giết người. Hành động của chúng thường là xâm phạm sức khỏe, tính mạng, danh dự người khác, gây gổ hành hung người khác…” nên trong quá trình giải quyết các vụ án hiện nay hầu như chỉ mới xem xét áp dụng tình tiết “Có tính chất côn đồ” đối với nhóm tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ mà thôi.
Tuy nhiên, trên thực tế trong quá trình giải quyết một số vụ án về tội Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sảnquy định tại  Điều 178 Bộ luật Hình sự, tác giả nhận thấy có nhiều vụ án cần thiết phải áp dụng tình tiết “Có tính chất côn đồ” là tình tiết tặng nặng trách nhiệm hình sự đối với bị can, bị cáo mới đảm bảo tính khách quan, toàn diện và đánh giá đúng tích chất, mức độ hành vi phạm tội. Đơn cử như nội dung của vụ án sau:
         
Vụ án thứ nhất: Nguyễn Văn A trong quá trình đi ăn nhậu với bạn bè có nghe mọi người nói về việc xăm hình lên cơ thể để thể hiện bản lĩnh và khẳng định vị trí trong nhóm (thể hiện số má). Sau khi đi nhậu về nhà, A thấy mẹ mình là bà H đang làm vườn nên A nói bà H cho 5.000.000 đồng để đi xăm hình nhưng bà H không cho. A doạ bà H nếu không cho tiền thì A sẽ đốt xe mô tô nhưng bà H vẫn không đồng ý đưa tiền nên A đã dắt chiếc xe mô tô nhãn hiệu Air Blade của bà H ra trước sân nhà, đổ xăng lên xe và châm lửa đốt rồi bỏ vào trong phòng của mình nằm xem điện thoại. Bà H thấy xe bị đốt cháy nên hô hào hàng xóm đến cùng dập lửa thì A từ trong phòng đi ra lấy con dao của gia đình đuổi đánh bà H nhưng được mọi người can ngăn. Kết quả định giá kết luận thiệt hại của chiếc xe Air Blade do bị A đốt cháy là 19.000.000 đồng.

         
Vụ án thứ hai: Trần Văn C đang ngồi uống rượu cùng một vài người bạn trong nhà mình thì nghe thấy tiếng Pô xe máy rất to phía trước nên cho rằng bị một số thanh thiếu niên nơi khác đến quậy phá. Sau khi tàn cuộc nhậu, C đi ra phía trước nhà với mục đích nếu thấy các thanh thiếu niên chạy xe máy gây ồn ào sẽ chặn đánh. Khi C đang đứng ngay cổng nhà thì có hai em là Đinh Y và Đinh T chở nhau bằng xe máy đi ngang qua. Cho rằng chính Y và T là người đã cố tình chạy xe máy gây ồn ào trước đó nên C đi ra đứng giữa đường chặn lại. Khi Y và T vừa dừng xe thì C liền nhặt 01 đoạn cây và 01 cục đá dưới đường đi đến nên cả Y và T đã bỏ xe máy lại để chạy thoát thân. C đuổi theo một đoạn nhưng không kịp nên quay lại dùng đá, cây đập phá chiếc xe máy của Y và T. Kết quả định giá kết luận thiệt hại của chiếc xe máy do bị C đập phá là 7.000.000 đồng.


Ở hai vụ án nêu trên ta có thể thấy chỉ vì những lí do rất nhỏ nhặt hoặc vô cớ nhưng cả A và C đều rất manh động thực hiện hành vi đập phá tài sản của người khác. Bên cạnh đó, cả A và C đều có mục đích hành hung người bị hại nhưng do người bị hại bỏ chạy thoát nên đã đập phá, đốt tai sản. Hành vi này của A và C phải được xem là hành động của những tên coi thường pháp luật, luôn phá rối trật tự trị an, sẵn sàng dùng vũ lực và thích (hay) dùng vũ lực để uy hiếp người khác phải khuất phục mình, vô cớ hoặc chỉ vì một duyên cớ nhỏ nhặt…”. Do đó, khi xét xử đối với A và C cần thiết phải áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “Có tính chất côn đồ” mới đánh giá hết tính chất, mức độ hành vi phạm tội mà các bị cáo đã thực hiện.
Hiện nay, có hai quan điểm trái ngược nhau về việc áp dụng tình tiết “Có tính chất côn đồ” trong giải quyết vụ án hình sự. Quan điểm thứ nhất cho rằng chỉ xem xét áp dụng tình tiết “Có tính chất côn đồ” đối với nhóm tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ vì chỉ có những hành vi phạm tội thuộc nhóm này mới thể hiện tính côn đồ của hành vi (nếu có). Quan điểm thứ hai cho rằng vẫn có thể áp dụng tình tiết “Có tính chất côn đồ” đối với tội Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản khi đối tượng phạm tội thực hiện hành vi có đầy đủ yếu tố để đánh giá tính côn đồ. Khi giải quyết vụ án về tội Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, tình tiết “Có tính côn đồ” chỉ được áp dụng là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự nhưng trong nhiều vụ án cụ thể, việc có áp dụng tình tiết này hay không sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc quyết định loại hình phạt và mức hình phạt đối với bị cáo. Nhất là việc đánh giá có đủ điều kiện để cho bị cáo được hưởng án treo hay không hoặc có đủ điều kiện để xét xử bị cáo mức án dưới khung hình phạt hay không.
Đối với những vụ án cụ thể về tội Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản như hai ví dụ đã dẫn chứng nêu trên, tác giả hoàn toàn đồng tình với quan điểm cần thiết phải áp dụng tình tiết “Có tính côn đồ” là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự khi quyết định hình phạt đối với bị cáo mới đảm bảo tính chính xác, khách quan và toàn diện./.

Tác giả bài viết: Nguyễn Xuân Kỳ

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyển đổi số
Hưởng ứng giải  Búa Liềm Vàng
Giải báo chí phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Công khai ngân sách
Mail công vụ
Thống Kê Truy Cập
  • Đang truy cập55
  • Hôm nay12,398
  • Tháng hiện tại234,651
  • Tổng lượt truy cập18,506,559
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây