Chào mừng 30/4
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh

Cảnh giác trước “đại dịch” tín dụng đen

Thứ hai - 24/10/2022 23:00 1.132 0
Những năm gần đây, “tín dụng đen” lây lan không khác gì một đại dịch, gây mất an ninh trật tự ở nhiều địa bàn trên cả nước. “Tín dụng đen” với vỏ bọc là các cơ sở cầm đồ, cơ sở kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê, các công ty tài chính, tội phạm “tín dụng đen” hoạt động biến tướng dưới mọi hình thức, chiêu trò.
Trong 3 năm vừa qua, Bộ Công an đã đấu tranh phát hiện, xử lý 2.740 vụ việc, gần 5.000 đối tượng, đã khởi tố gần 2.000 vụ, với gần 4.000 bị can. Trong đó có hơn 1.000 vụ cho vay nặng lãi có người bị hại là công nhân[1]. Từ tháng 4/2019, thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, lực lượng chức năng đã có nhiều giải pháp và liên tục mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp loại tội phạm này.
Tuy nhiên, với thủ đoạn tinh vi, lợi dụng núp bóng dưới những vỏ bọc hoàn hảo của các công ty có chức năng cho vay tài chính, tội phạm này vẫn có đất sống, thậm chí còn sinh sôi nảy nở ở nhiều địa phương ngay trong thời điểm đất nước phải đối mặt với đại dich COVID-19.
Nguyên nhân nào tìm đến “tín dụng đen”
Sau đại dịch Covid 19 do nhu cầu tín dụng trong nhân dân rất lớn và việc tiếp cận các khoản tín dụng ngân hàng khó khăn, nên một số người dân, doanh nghiệp dù biết việc vay tiền của các tổ chức “tín dụng đen” chứa đựng nhiều rủi ro, nhưng hiện vẫn có không ít người dân tìm đến loại hình cho vay lãi nặng này, có những trường hợp vay với lãi suất 90 – 100%/tháng, thậm chí lên tới 700 – 1000%/tháng. Nhiều trường hợp khác lãi “nhẹ nhàng” hơn thì cũng lên đến vài trăm %/năm.
“Chiêu trò” của “tín dụng đen”
Sau khi hoàn tất các điều kiện (qua app), tiền vay sẽ được chuyển vào tài khoản người vay, với mức lãi suất cho vay cao hơn nhiều so với thông báo khi làm hồ sơ vay, vì vậy, rất dễ dẫn tới việc người vay mất khả năng trả nợ. Mặc khác các giao dịch hầu hết thông qua không gian mạng, rất khó truy dấu vết, chứng cứ. Chính việc vay mượn thủ tục đơn giản, gọn nhẹ không có giấy tờ, không có chữ ký của người vay, hoặc nếu có thì việc xử lý tội phạm này gặp khó khăn vì việc cho vay qua “app tín dụng đen” không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Luật Các tổ chức tín dụng, bởi hình thức vay này không được thực hiện từ các tổ chức tín dụng mà là giao dịch giữa các tổ chức, cá nhân tự phát thông qua việc sử dụng kết nối dựa trên ứng dụng công nghệ. Đồng thời các đối tượng sử dụng các thủ đoạn lách luật như tại hồ sơ của khách hàng vay qua “app tín dụng đen”, có những điều khoản như: thu phí tư vấn hỗ trợ vay vốn… đồng/ngày, thu phí quản lý khoản vay... đồng/ngày và lãi suất thể hiện 19,9%/năm (dưới 20%) nhằm “né” quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015; Các “app tín dụng đen" đa số không có hợp đồng vay thực tế, không có tài khoản trên website để khách hàng đăng nhập theo dõi hợp đồng của mình. Hoặc trường hợp nếu có hợp đồng chỉ có bên cho vay giữ hợp đồng này, khách hàng không được giữ và cũng không biết rõ tất cả những điều kiện, điều khoản vay trong hợp đồng đó. Khi giải ngân các “app tín dụng đen" sẽ không giải ngân 100% số tiền khách hàng đề nghị vay mà thay vào đó khách hàng sẽ trả trước phần phí và phần lãi ngay khi giải ngân. Khi đến hạn trả nợ nếu người vay không trả đúng hạn thì các đối tượng sẽ liên hệ giới thiệu một số “app tín dụng đen” khác trong hệ thống của chúng để từ đó dẫn dụ và biến người vay thành con nợ với số tiền lớn “lãi mẹ đẻ lãi con”. sau đó chúng sẽ gây sức ép đối với người vay tiền và những người có tên trong danh bạ của người vay (do những ứng dụng “tín dụng đen” này lại thu thập) bằng các thủ đoạn như: gọi điện thoại, nhắn tin quấy rối, đe dọa, cắt ghép hình ảnh để xúc phạm, bôi nhọ, đăng lên mạng xã hội nhằm gây sức ép trả tiền vay.
Bên cạnh đó, một số đối tượng sử dụng thủ đoạn dán tờ quảng cáo, rải tờ rơi, đăng số điện thoại tại khu vực gần trường học, khu công nghiệp, khu dân cư, nơi có nhiều nhà trọ của công nhân để quảng cáo cho vay tiền mà không cần tài sản thế chấp, thủ tục cho vay nhanh gọn; phương thức thanh toán đơn giản như trả góp hàng ngày hoặc trả theo kỳ hạn. Tuy nhiên, khi giao tiền, chúng đều cắt lại trước nhưng vẫn bắt người vay ký giấy biên nhận đủ số tiền vay. Khi người vay không trả nợ đúng hạn thì sẽ góp tiền lãi vào tiến gốc, bắt người vay ký giấy xác nhận nợ, do lãi phát sinh quá lớn dẫn đến người vay mất khả năng thanh toán. Với lãi suất được cho là “cắt cổ”, nhiều trường hợp nạn nhân dù bị đe doạ, sợ hãi cũng không dám tố cáo cơ quan chức năng vì nếu tố cáo sẽ bị chính các đối tượng đe dạo, "khủng bố", bằng nhiều hình thức bôi nhọ danh dự, kể cả đánh đập đe dọa đến tính mạng.
Giải pháp ngăn chặn “tín dụng đen”
Với những chiêu trò trên nên khi xử lý loại tội phạm này rất khó xác định giữa phạm vi dân sự với hình sự, khó kết luận bên cho vay có hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, theo quy định của Bộ luật Hình sự. Việc để loại tội phạm này hoạt động sẽ tiềm ẩn vấn đề mất an ninh trật tự xã hội, đẩy nhiều gia đình vào hoàn cảnh đã khó khăn lại càng khó khăn hơn, thậm chí “tan nhà nát cửa”. Vì vậy, ngăn chặn tội phạm “tín dụng đen” là vấn đề hết sức cấp bách hiện nay, ngoài việc chính quyền cơ sở cần tăng cường tuyên truyền pháp luật cho nhân dân, nhất là tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn, hậu quả của hành vi cho vay lãi nặng; khi phát hiện các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật cần tố giác đến cơ quan có thẩm quyền thì lực lượng Công an các cấp cần tăng cường kiểm tra các tổ chức cho vay tài chính, dịch vụ đòi nợ, dịch vụ kinh doanh cầm đồ và cho vay lãi nặng để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý theo quy định pháp luật.
Để loại tội phạm “tín dụng đen” không còn đất sống. Thiết nghĩ Ngân hàng nhà nước và các ngân hàng khác nên khẩn trương cho phép người dân sử dụng căn cước công dân để thực hiện các gói vay nhỏ, giải quyết những vấn đề phục vụ các nhu cầu cấp bách, chính đáng của người dân tại các tổ chức tín dụng, ngân hàng với mức lãi suất theo quy định.
Ngoài ra, các cơ quan có thẩm quyền cần thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”; đề xuất hướng dẫn, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác điều tra, xử lý các hành vi liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” theo hướng tăng hình phạt với tội Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự trong Bộ luật Hình sự để đủ sức răn đe.
 

[1] https://webgioitre.com/thu-truong-bo-cong-an-noi-ve-tin-dung-den-lai-cat-co-len-den-1-000-thang/

Tác giả bài viết: Lê Xuân Quang

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyển đổi số
Hưởng ứng giải  Búa Liềm Vàng
Giải báo chí phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Công khai ngân sách
Mail công vụ
Thống Kê Truy Cập
  • Đang truy cập255
  • Hôm nay11,561
  • Tháng hiện tại310,183
  • Tổng lượt truy cập16,839,105
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây