Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh

Cảnh giác hình thức cho vay lãi nặng và giải pháp phòng ngừa

Thứ hai - 22/08/2022 04:43 5.199 0
Trong thời điểm dịch bệnh Covid – 19 diễn biến phức tạp, làm ảnh hưởng đến thu nhập thì các hoạt động của loại hình hoạt động cho vay dưới dạng dịch vụ cầm đồ, cho thuê tài chính, cho vay tiền nhanh,…đang diễn ra rất phức tạp và đã để lại nhiều hậu quả đau lòng.
Khoản 1 Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (sau đây gọi tắt là BLHS năm 2015) quy định về Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, theo đó người phạm tội này khi “cho vay với mức lãi suất cao gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm”. Theo quy định của khoản 1 Điều 468 Bộ luật dân sự (BLDS) năm 2015 quy định các bên có thỏa thuận về lãi không được vượt quá 20%/năm của khoản vay. Như vậy, việc cho vay với mức lãi suất các dấu hiệu sau đây: (i) Thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên; (ii) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này; (iii) Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì sẽ cấu thành tội phạm này.
Để phát hiện được các giao dịch dân sự cho vay lãi nặng phải có sự hợp tác của công dân thông qua nguồn tin báo, tố giác. Tuy nhiên, việc thu thập chứng cứ không hề dễ dàng bởi lẽ chứng cứ, tài liệu thường có là: Giấy vay tiền, sổ theo dõi khách hàng, giấy biên nhận tiền,.. có chứa nội dung vay, đòi nợ; nhưng việc cho vay diễn ra bằng hợp đồng miệng hoặc có giấy vay tiền nhưng các giấy này là hợp đồng giả cách, không thể hiện lãi suất thực tế…
Đối với các trường hợp cho vay thỏa thuận bằng miệng, không ghi giấy tờ vay, không ghi lãi suất và thời hạn, ghi nội dung vay bằng những ký hiệu riêng; người cho vay thường liên quan đến hoạt động của băng nhóm nên ảnh hưởng đến tố giác của công dân, một số người vay chịu mất tiền để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của bản thân và gia đình nên không dám tố cáo và tham gia hỗ trợ hoạt động điều tra; hoạt động này thường được bảo kê nên khi có động sẽ nhanh chóng tiêu hủy, cất giấu các sổ sách, tài liệu liên quan đến cho vay.
Cũng có trường hợp một số chứng cứ được người cho vay và người vay thể hiện qua các tin nhắn ứng dụng mạng xã hội thường bị xóa tin nhắn; hoặc chỉ có bên cho vay giữ giấy vay tiền…
Về hình thức vay, quy luật cho vay, thu tiền và cách tính lãi của các đối tượng: Hiện nay, hình thức vay, trả lãi tiền vay đa dạng, không chỉ đơn thuần là viết giấy vay nợ thông thường. Ví dụ, thực tế có hình thức cho vay được gọi là “vay tín chấp tính lãi ngày” (hay gọi là “lãi nằm”). Đây là hình thức cho vay mà người vay không cần thế chấp, không cần cầm cố đặt cược bất cứ tài sản hay giấy tờ có giá trị gì, chỉ cần viết giấy vay tiền, để lại chứng minh thư nhân dân hoặc phô tô sổ hộ khẩu; tại thời điểm vay, người vay tiền được nhận toàn bộ số tiền vay, lãi suất tính theo ngày và thỏa thuận 10 ngày thu lãi 1 lần, thông thường thời hạn vay trong 01 tháng, các đối tượng cho vay với mức lãi suất từ 3.000 đồng đến 7.000 đồng/ 1.000.000 đ/ 1 ngày tương ứng từ 109,5% đến 255,5%/ năm.
Trường hợp các khoản vay gối đầu, nghĩa là: Trường hợp khoản vay lần một chưa trả hết, đã tiếp tục vay khoản thứ hai, thứ ba… và khi trả gốc và lãi không rõ ràng; hoặc khoản vay đến hạn không trả được lãi (hoặc trả được một phần), thì người vay tiếp tục tính riêng số tiền chưa trả được đó là một lần vay khác.;
Tín dụng đen tồn tại ẩn nấp trong các tờ rơi quảng cáo kiểu “alô là có tiền, lãi suất thấp không cần thế chấp”.
Hậu quả của hoạt động “tín dụng đen" là hết sức nặng nề:
Vay tiền với lãi suất cao để làm ăn, nhưng bị thua lỗ, thâm hụt vốn, không có khả năng trả nợ cho nên đã bỏ trốn. “Tín dụng đen” len lỏi đã gây ra những rủi ro và hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đối với cả người cho vay và người đi vay, ảnh h­ưởng trật tự an toàn xã hội, gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của công dân...
Xuất hiện các trường hợp án tranh chấp hợp đồng vay tài sản có thế chấp bằng giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất (nợ đen), ở các dạng như sau: 
Các đối tượng hứa hẹn cho người vay tiền để giải quyết khó khăn trước mắt, với điều kiện là họ phải giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu... để các đối tượng này giúp vay vốn Ngân hàng lấy tiền trả nợ. Khi giao tiền vay họ bị khấu trừ toàn bộ tiền lãi, tiền phí dịch vụ, tiền môi giới, nên người vay chỉ nhận được khoản tiền thấp hơn nhiều so với số tiền vay, sau đó trách nhiệm của người vay là phải trả tiền vay cho Ngân hàng theo quy định.
Các đối tượng cho vay với lãi suất cao và yêu cầu người vay bảo đảm bằng biện pháp lập hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại phòng Công chứng với giá thấp hơn thực tế. Khi người vay không có khả năng thanh toán thì đối tượng buộc người vay tiền phải thực hiện hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất... Hoặc việc thế chấp quyền sử dụng đất chỉ thực hiện qua giao dịch bằng miệng, hoặc giấy tờ viết tay đảm bảo tín chấp với nhau...
Trường hợp người cho vay hứa hẹn cho người vay tiền giải quyết khó khăn trước mắt, người cho vay tiền dùng giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất của chính họ làm tài sản thế chấp cho người cần vay vốn. Khi giao tiền vay, người vay vốn bị khấu trừ toàn bộ tiền lãi, tiền phí dịch vụ, tiền môi giới nên người vay chỉ nhận được khoản tiền thấp hơn nhiều so với vốn vay, sau đó trách nhiệm của người vay phải trả tiền cho ngân hàng theo quy định.
Bên cho vay tiền không lập hợp đồng vay tài sản hoặc không giao giấy tờ vay nợ, mà yêu cầu bên vay nợ phải thực hiện các hợp đồng mang tính bảo đảm tại phòng Công chứng. Vì vậy khi xảy ra tranh chấp bên vay không có tài liệu chứng minh việc vay nợ, số tiền vay và lãi suất, cũng không chứng minh được hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất chỉ là hợp đồng mang tính bảo đảm, do đó sẽ chịu sự bất lợi khi Tòa phán quyết.
Các đối tượng cho vay nặng lãi không ép người vay phải thực hiện hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại văn phòng Công chứng để đảm bảo khoản vay, mà hợp đồng chuyển nhượng chỉ xuất hiện khi người vay tiền không có khả năng thanh toán, do đó buộc họ phải chuyển nhượng nhà đất với giá rẻ để trả nợ.
Các đương sự cho nhau vay tài sản (tiền) có thế chấp bằng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thông dụng nhưng không có chứng thực của cấp có thẩm quyền, không đăng ký thế chấp bằng giao dịch bảo đảm theo quy định của pháp luật, hoặc có nhưng chỉ là số rất ít. Mục đích vay để làm ăn hoặc để đáo hạn ngân hàng. Khi xảy ra tranh chấp, một trong hai bên không thừa nhận, không chứng minh được vay để đáo hạn ngân hàng hoặc vay nóng, vay lãi suất cao, vì người cho vay đã nhập lãi vào gốc và buộc người vay phải viết giấy biên nhận nợ mới, mà không huỷ giấy vay cũ, giấy vay không thể hiện lãi suất. Bên cho vay dùng nhiều giấy gộp lại để đi kiện, do đó người vay tiền phải trả lãi mẹ đẻ lãi con, hoặc buộc phải giao nhà đất... Quá trình giải quyết các vụ tranh chấp này thấy rằng, bên cho vay tài sản là những người nắm toàn bộ chứng cứ có lợi (giấy biên nhận nợ, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà có công chứng, hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do bên vay thế chấp); người vay do nhu cầu cần tiền, nhưng thiếu hiểu biết, dễ bị lợi dụng, khi xảy ra tranh chấp, người cho vay tài sản khởi kiện ra Toà với đầy đủ chứng cứ thuyết phục; còn người vay do bất lợi về chứng cứ, nên kết quả xét xử hầu hết phần thắng thuộc về nguyên đơn.
Quy định của pháp luật về xử lý hành chính đối với hành vi cho vay lãi nặng: Việc xem xét xử lý hành chính đối với hành vi cho vay lãi nặng được quy định duy nhất tại điểm d khoản 3 Điều 11 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình, cụ thể: “Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi: Cho vay tiền có cầm cố tài sản, nhưng lãi suất cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hang Nhà nước công bố tại thời điểm cho vay”. Tức, chỉ quy định xử phạt đối với hành vi cho vay tiền có cầm cố tài sản mà không có quy định về xử phạt đối hành vi cho vay lãi nặng không có cầm cố tài sản. Điều này dẫn đến việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cho vay lãi nặng không cầm cố tài sản (hình thức phổ biến hiện nay) rất khó thực hiện.
Đề xuất giải pháp:
Với những hạn chế trong quản lý Nhà nước trong hoạt động tín dụng phi chính thức này, để phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh, vô hiệu hóa và xử lý triệt để các băng nhóm, đối tượng cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê thì:
 Người dân cần hiểu rõ những phương thức, thủ đoạn của tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen" và hậu quả của nó gây ra cho bản thân, gia đình nhằm nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động phòng ngừa đối với tội phạm cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê, không tiếp tay hoặc để các đối tượng lợi dụng hoạt động; người dân tích cực tham gia tố giác, hỗ trợ lực lượng chức năng đấu tranh, xử lý các vi phạm liên quan đến “tín dụng đen".
Kiên quyết xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm pháp luật trong hoạt động “tín dụng đen" đòi nợ, siết nợ thuê.
Người dân tích cực tham gia lên án, tố giác tội phạm liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi, siết nợ, đòi nợ thuê “tín dụng đen".
Đối với những người đang tham gia vào hoạt động “tín dụng đen" bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc bị đe dọa, hành hung, cưỡng đoạt tài sản cần đến ngay Cơ quan Công an nơi gần nhất để trình báo hoặc gọi điện theo đường dây nóng của lực lượng Công an nơi gần nhất để được hướng dẫn biện pháp xử lý.
Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về cho vay dân sự, về phương thức, thủ đoạn hoạt động và hậu quả tác hại, mức độ nguy hiểm của “tín dụng đen” cần được tiến hành thường xuyên, liên tục; đồng thời cần xây dựng mô hình phối hợp giữa Công an, Chính quyền địa phương và Ngân hàng chỉ dẫn người dân các tiếp cận được nguồn vốn tốt nhất, giúp họ có cái nhìn đầy đủ về nguồn vốn hỗ trợ, từ đó phần nào cắt đứt tiền đề cho “tín dụng đen” tồn tại và phát triển./.

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Tường Vi

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyển đổi số
Hưởng ứng giải  Búa Liềm Vàng
Giải báo chí phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Công khai ngân sách
Mail công vụ
Thống Kê Truy Cập
  • Đang truy cập48
  • Hôm nay12,398
  • Tháng hiện tại234,495
  • Tổng lượt truy cập18,506,403
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây