Phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong tình hình mới: Tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác

Thứ năm - 18/08/2022 22:57
Kết luận tại phiên họp thứ 15 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid – 19; Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, dịch Covid-19 trên thế giới vẫn đang diễn biến khó lường với sự xuất hiện biến thể phụ BA.5 của Omicron tại nhiều nước trên thế giới và trong khu vực.
Trong nước, sau khi tình hình dịch được kiểm soát tốt trên phạm vi cả nước đã có tâm lý lơ là, chủ quan, nhất là việc tiêm vắc xin; việc kiểm tra, đôn đốc thiếu quyết liệt. Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, không để dịch tái bùng phát trở lại; phải coi trọng tính mạng, sức khỏe người dân là trên hết, trước hết; người dân là chủ thể, là trung tâm, chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân; phòng dịch vẫn là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, phòng dịch tốt thì không phải chống dịch, chống dịch là thường xuyên, quan trọng, đột phá; phòng chống dịch từ sớm, từ xa, mỗi người được tiếp cận y tế sớm nhất, nhanh nhất có thể, ngay từ cơ sở.
Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong công tác phòng, chống đại dịch COVID-19
Thủ tướng nhấn mạnh: “Phòng, chống dịch là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự tham gia của nhân dân. Tiêm vắc xin là quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân với chính mình, gia đình và cộng đồng, xã hội”.
Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ chính là một cơ chế thống nhất, đồng bộ, hòa quyện bền chặt, tác động, hỗ trợ, bảo vệ lẫn nhau để giữ vững và phát triển. Thực tiễn công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đã thể hiện ngày càng rõ hơn và chứng minh sự đúng đắn về sức mạnh của thế “chân kiềng” như là một chân lý không thể khác.
Về vai trò Đảng lãnh đạo: mọi quyết sách của Đảng đều xuất phát từ thực trạng tình hình đất nước và ý nguyện của nhân dân. Khi dịch bệnh phát sinh và diễn biến phức tạp, gắn với đòi hỏi chính đáng và nguyện vọng của nhân dân, Đảng ta đã có những quyết sách đúng đắn nhằm hạn chế tối đa những thiệt hại, tổn thật; đặt tính mạng, sức khỏe người dân là trên hết, trước hết. Tại phiên khai mạc Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa; sự lãnh đạo nhạy bén, đúng đắn của Đảng; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời của Chính phủ; sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của cả hệ thống chính trị; sự đồng tình, hưởng ứng, ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài, chúng ta đã kịp thời khống chế, cơ bản kiểm soát, ngăn chặn được sự lây lan của đại dịch COVID-19 trong cộng đồng; hạn chế tối đa những thiệt hại, tổn thất do dịch bệnh gây ra, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội cho nhân dân; từng bước khôi phục sản xuất kinh doanh, nỗ lực hoàn thành ở mức cao nhất các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của năm 2020 và cả giai đoạn 2016 - 2020. Việt Nam được thế giới ghi nhận, coi là điểm sáng trong việc thực hiện thắng lợi "mục tiêu kép" vừa khống chế, ngăn chặn đại dịch COVID-19 thành công; vừa phục hồi, phát triển kinh tế, bảo đảm đời sống và an toàn cho người dân”.
Về vai trò nhà nước quản lý: Trong công cuộc phòng, chống đại dịch COVID-19 vừa qua, nước ta đã chứng minh được với thế giới về tính ưu việt của chế độ XHCN, sự chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của Đảng và khả năng quản trị tốt của nhà nước ta. Thành công đó xuất phát từ đường lối, chủ trương, chính sách và khả năng ứng phó thách thức của Đảng, Nhà nước ta, cùng những đặc điểm riêng có về truyền thống đoàn kết sức mạnh dân tộc, trong đó MTTQ Việt Nam đã trở thành ngôi nhà chung thu hút, tập hợp, quy tụ mọi thành phần, mọi giai tầng trong xã hội để cùng chung tay phòng, chống dịch bệnh.
Trong khi dịch bệnh đã và đang tiếp diễn, nhân dân ta cũng đã thể hiện ngày càng rõ hơn vai trò làm chủ của mình trong quá trình tham gia phòng chống dịch. Hầu hết người dân đã tuân thủ các quy định của nhà nước về yêu cầu cần phải thực hiện nghiêm túc khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, các quy định cụ thể của mỗi địa phương, nhất là những nơi nằm trong vùng có dịch, thực hiện việc tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19. Bên cạnh đó, nhiều người đã tích cực đóng góp tiền của để chung sức cùng nhà nước sớm đẩy lùi dịch bệnh, đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới. Quyền làm chủ của nhân dân luôn được các tổ chức Đảng và chính quyền các cấp tôn trọng, lắng nghe và nghiên cứu để xây dựng, điều chỉnh các quyết sách, kế hoạch, chương trình hành động nhằm phù hợp với thực tiễn khách quan.
Như vậy, trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, căn cứ thực tiễn của đất nước, Chính phủ đã vận dụng nhuần nhuyễn mô hình quản trị nhà nước tốt trong công tác phòng, chống đại dịch COVID-19; tạo được đồng thuận và tín nhiệm của toàn thể nhân dân; tình hình dịch bệnh về cơ bản được kiểm soát.
Tuy vậy, nguy cơ dịch bệnh vẫn thường trực, đặc biệt trong bối cảnh thời gian tới chúng ta sẽ tiếp tục mở cửa. Cho nên, chúng ta phải tiếp tục thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới, đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, huy động sự tham gia tích cực, quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương và toàn thể Nhân dân. “Người dân là chiến sĩ, là trung tâm, chủ thể trong phòng, chống dịch” nhằm nhấn mạnh vị trí, vai trò có ý nghĩa quyết định của mọi người dân trong cuộc chiến chống “giặc COVID-19”. Thực hiện tốt vấn đề này chính là quán triệt, cụ thể hóa cơ chế vận hành “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Đây cũng chính là khẳng định nỗ lực của Đảng, Nhà nước và nhân dân trong phòng chống dịch COVID-19. Khẳng định nhiệm vụ coi công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân là yếu tố hàng đầu của Đảng và Nhà nước.
Theo đó, chúng ta cần thực hiện nghiêm yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả, nhất là đối tượng tuyến đầu và quản lý rủi ro.
Chủ động, sẵn sàng đáp ứng với các tình huống dịch
Ngày 20/7/2022 UBND tỉnh Gia Lai ban hành công văn số 1581/UBND-KGVX về việc thực hiện Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Phiên họp thứ 15 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu cầu các sở, ban, ngành của tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tổ chức triển khai hiệu quả Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 17/3/2022 của Chính phủ về Chương trình phòng, chống dịch Covid-19; chủ động, sẵn sàng đáp ứng với các tình huống dịch có thể xảy ra, kể cả khi dịch bùng phát trở lại; tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trước dịch bệnh; tiếp tục thực hiện mục tiêu kiểm soát dịch bệnh, không để dịch bùng phát trở lại, góp phần phục hồi nhanh và phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Cùng với đó, tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm, linh hoạt, hiệu quả 3 trụ cột phòng, chống dịch (xét nghiệm, cách ly, điều trị); Công thức: 2K (Khẩu trang, Khử khuẩn) + vắc xin + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác. Sở Y tế và các địa phương tập trung đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm vắc xin mũi 3, mũi 4 cho từng nhóm đối tượng; đặc biệt lưu ý các nhóm đối tượng có nguy cơ cao như bệnh nền, lực lượng tuyến đầu, công nhân, người cao tuổi; không để tình trạng vắc xin không được sử dụng kịp thời, gây lãng phí; hoàn thành sớm nhất việc tiêm vắc xin mũi 3, mũi 4, bảo đảm theo tiến độ theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và đáp ứng yêu cầu về chuyên môn theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Rà soát kế hoạch tiêm vắc xin 6 tháng cuối năm 2022, xây dựng kế hoạch tiêm vắc xin năm 2023 và kế hoạch tiêm vắc xin cho trẻ em từ 6 tháng tuổi đến dưới 5 tuổi. Bảo đảm đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, nhân lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phục vụ khám, chữa bệnh cho Nhân dân. Tăng cường công tác giám sát dịch bệnh, bám sát tình hình dịch bệnh trên thế giới, nhất là sự xuất hiện của các biến chủng mới; chủ động có giải pháp ứng phó với các dịch bệnh mới phát sinh, ngăn chặn, kiểm soát ngay tại cửa khẩu, không để xâm nhập vào nước ta; rà soát, bảo đảm năng lực thu dung, điều trị; chủ động, sẵn sàng các kịch bản, phương án đáp ứng các tình huống dịch bệnh, không để bất ngờ, bị động; phát hiện sớm, điều trị sớm, hạn chế tối đa các trường hợp chuyển biến nặng, tử vong; tiếp tục tăng cường năng lực của hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở; tập trung phòng, chống dịch sốt xuất huyết và các dịch bệnh truyền nhiễm lưu hành khác.
UBND tỉnh cũng yêu cầu đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về tác dụng, hiệu quả của vắc xin và tiêm các mũi 3, mũi 4 trong việc ngăn ngừa bệnh chuyển nặng, tử vong; vận động tiêm vắc xin đến từng địa bàn dân cư với tinh thần truyền thông đến mọi đối tượng theo cách phù hợp, hiệu quả; tuyên truyền để Nhân dân hiểu, chia sẻ và tích cực tham gia, ủng hộ công tác phòng chống dịch bệnh, cảnh báo về mức độ nguy hiểm của các biến chủng mới.
Thực tiễn cho thấy vắc-xin vẫn là vũ khí quyết định, cùng với việc củng cố, nâng cao năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở…/.

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Tường Vi


 

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn