Ngày Pháp luật Việt Nam
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh

Góp ý Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

Thứ ba - 17/05/2022 23:07 4.432 0
Qua nghiên cứu Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở (bản dự thảo trình Quốc hội) gồm 07 chương với 74 Điều, tác giả xin tham gia góp ý một số nội dung như sau:
1. Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
Dự thảo có quy định về “Cộng đồng dân cư” là một chủ thể tham gia quan hệ pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở (ví dụ như quy định tại Điều 13, Điều 14, Điều 17, Điều 18, Điều 19, Điều 20, Điều 21…). Tuy nhiên, tại Điều 1 (Phạm vi điều chỉnh) không quy định điều chỉnh bất cứ nội dung nào liên quan đến “Cộng đồng dân cư”.
Ngoài ra, tại Điều 1 vừa quy định cả phạm vi điều chỉnh lẫn đối tượng áp dụng là không phù hợp và không rõ ràng.
Đề nghị: Bổ sung thêm 01 Điều luật quy định về “Đối tượng áp dụng” của Luật và bổ sung thêm vào phạm vi điều chỉnh cũng như đối tượng áp dụng phần nội dung có liên quan đến “Cộng đồng dân cư”.
2. Về giải thích từ ngữ
- Tại Dự thảo có quy định về “Cử tri” và khái niệm này được giải thích tại khoản 1 Điều 15. Tuy nhiên, việc giải thích khái niệm “Cử tri” ở Điều 15 trong khi điều luật này quy định về chủ thể có thẩm quyền bàn và quyết định, là không phù hợp.
Đề nghị: bổ sung, quy định khái niệm “Cử tri” vào “Điều 2. Giải thích từ ngữ”; không để nội dung giải thích khái niệm “Cử tri” tại khoản 1 Điều 15.
- Tại khoản 4 Điều 2 có quy định về cụm từ “lợi ích cộng đồng”. Tuy nhiên, không có nội dung nào giải thích khái niệm “lợi ích cộng đồng” được hiểu là những lợi ích như thế nào?
Đề nghị: bổ sung thêm vào Điều 2 “một khoản” để giải thích khái niệm “Lợi ích cộng đồng”.
- Cũng tại khoản 4 Điều 2 có quy định về cụm từ “Cộng đồng”. Tuy nhiên, “Cộng đồng” ở khoản 4 Điều 2 có trùng với khái niệm “Cộng đồng dân cư” ở khoản 3 Điều 2 hay không?
Đề nghị: làm rõ khái niệm “cộng đồng” ở khoản 4 Điều 2 và khái niệm “cộng đồng dân cư” ở khoản 3 Điều 2.
3. Về nguyên tắc thực hiện dân chủ ở cơ sở
Tại khoản 4 Điều 3 Dự thảo quy định: “Bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư”. Tuy nhiên, quyền và lợi ích hợp pháp của “cộng đồng dân cư” cụ thể là “quyền” gì và “lợi ích” gì; ai là người đại diện cho “cộng đồng dân cư” và “cơ chế” bảo vệ như thế nào thì Dự thảo Luật không đề cập.
Đề nghị: cần xem xét làm rõ những nội dung cụ thể liên quan đến “quyền và lợi ích hợp pháp” của “cộng đồng dân cư” như đã phân tích nêu trên để bảo đảm tính khả thi và có giá trị thực hiện trên thực tiễn khi luật được thông qua và thi hành.
4. Về các hình thức công khai thông tin để Nhân dân biết quy định tại điểm g khoản 1 Điều 10 và các hình thức Nhân dân tham gia ý kiến quy định tại khoản 5 Điều 23
Dự thảo quy định: “Thông qua mạng xã hội zalo, viber, facebook….” là không phù hợp. Bởi lẽ, các mạng xã hội viber, facebook là mạng xã hội của nước ngoài, do cá nhân người nước ngoài làm chủ, máy chủ được đặt ở nước ngoài, không phải là mạng có thể tồn tại vĩnh viễn và không phải bất cứ nội dung gì của các mạng xã hội này mà cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam có thể kiểm soát được. Bên cạnh đó, nội dung “bảo đảm phù hợp với mức độ ứng dụng công nghệ thông tin tại cấp xã và tại thôn, tổ dân phố” là nội dung không cần thiết phải ghi vào Luật. Do vậy, quy định này không phù hợp và không khả thi.
Đề nghị: bỏ điểm g khoản 1 Điều 10 và bỏ khoản 5 Điều 23. Tuy nhiên, sẽ giữ lại cụm từ “thông qua mạng xã hội” và đưa gộp cụm từ này vào trước cụm từ “Hình thức khác theo quy định của pháp luật” tại điểm h khoản 1 Điều 10 và khoản 6 Điều 23.
Sau khi gộp lại sẽ có nội dung là: “Thông qua mạng xã hội và hình thức khác theo quy định của pháp luật”.
5. Về văn bản của cộng đồng dân cư
Tại Điều 20 có quy định về trường hợp văn bản của cộng đồng dân cư “có nội dung trái pháp luật, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục và đạo đức xã hội” thì sẽ bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ.
Nhận thấy, đối với trường hợp văn bản của cộng đồng dân cư “có nội dung trái pháp luật” mà đang có hiệu lực thi hành thì cần phải “bãi bỏ” ngay để tránh xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Tuy nhiên, Dự thảo Luật không đề cập đến việc “bãi bỏ” ngay cũng như không đề cập đến thời hạn, trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã nếu không “bãi bỏ” ngay văn bản của cộng đồng dân cư “có nội dung trái pháp luật”.
Bên cạnh đó, đối với trường hợp văn bản của cộng đồng dân cư “có nội dung trái pháp luật, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục và đạo đức xã hội” thì việc sửa đổi, bổ sung, thay thế văn bản này được thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định tại Điều 18 và Điều 19 của Luật này. Như vậy, trong khi chờ sửa đổi, bổ sung, thay thế văn bản của cộng đồng dân cư thì mặc nhiên văn bản này vẫn phát sinh hiệu lực và sẽ có khả năng, nguy cơ xâm hại đến quyền và lợi ích của người dân.
Đề nghị: cần có quy định về việc “Tạm đình chỉ” hoặc “Đình chỉ” thi hành đối với phần nội dung văn bản của cộng đồng dân cư có nội dung “không phù hợp với thuần phong, mỹ tục và đạo đức xã hội” trong khi chờ sửa đổi, bổ sung, thay thế văn bản của cộng đồng dân cư như quy định tại khoản 3 Điều 20. Ủy ban nhân dân cấp xã là chủ thể có thẩm quyền tạm đình chỉ hoặc đình chỉ.
6. Về Điều 37. Những nội dung cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tham gia ý kiến trước khi người đứng đầu cơ quan, đơn vị quyết định
Tại khoản 1 Điều 37 quy định: “Giải pháp thực hiện nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công việc của cơ quan, đơn vị”.
Nhận thấy, các văn bản của Đảng bao gồm rất nhiều hình thức như: Cương lĩnh chính trị; Điều lệ Đảng; Chiến lược; Nghị quyết; Quyết định; Chỉ thị; Kết luận; Quy chế; Quy định; Thông tri; Hướng dẫn; Thông báo… Nếu chỉ quy định cụ thể “Giải pháp thực hiện nghị quyết của Đảng” như khoản 1 Điều 37 là chưa đầy đủ.
Đề nghị: sửa lại khoản 1 Điều 37 như sau: “Giải pháp thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công việc của cơ quan, đơn vị”.
7. Về nhiệm vụ của Ban Thanh tra nhân dân
Điều 58 Dự thảo quy định: “Ban Thanh tra nhân dân có nhiệm vụ giám sát thực hiện chính sách, pháp luật…”. Quy định này là không đầy đủ vì không có nhiệm vụ giám sát thực hiện “chủ trương, đường lối của Đảng”
Đề nghị: sửa lại Điều 58 như sau: “Ban Thanh tra nhân dân có nhiệm vụ giám sát thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước…”./.

Tác giả bài viết: Nguyễn Thành Duy

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyển đổi số
Hưởng ứng giải  Búa Liềm Vàng
Giải báo chí phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Công khai ngân sách
Mail công vụ
Thống Kê Truy Cập
  • Đang truy cập30
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm26
  • Hôm nay3,256
  • Tháng hiện tại153,595
  • Tổng lượt truy cập19,025,842
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây