Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh

Một số vấn đề đặt ra trong việc thu thập, tiếp nhận chứng cứ do người bào chữa thu thập, giao nộp trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự

Thứ năm - 31/03/2022 03:26 5.884 0
1. Đặt vấn đề
Quá trình điều tra vụ án hình sự, vấn đề thu thập chứng cứ có vai trò quan trọng trong việc xác định sự thật vụ án. Trong đó, người bào chữa với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị buộc tội có quyền được thu thập chứng cứ bảo vệ quyền lợi cho người bị buộc tội và góp phần làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án, tránh oan sai trong quá trình giải quyết vụ án hình sự.
Tuy nhiên, vấn đề thu thập, giao nộp chứng cứ của người bào chữa tại giai đoạn điều tra vụ án còn gặp nhiều vấn đề khó khăn và bỏ ngỏ. Có trường hợp Luật sư thu thập chứng cứ nhưng không giao nộp cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát đến lúc xét xử thì mới giao nộp tại phiên tòa làm ảnh hưởng đến quá trình xét xử,  kéo dài thời hạn giải quyết vụ án, gây bức xúc cho bị hại, người liên quan, kể cả những người tiến hành tố tụng. 
Vì thế, cần thiết phải có khung pháp lý đối với hoạt động thu thập, giao nộp chứng cứ của người bào chữa trong tố tụng hình sự. Bài viết này, tác giả chỉ đề cập đến việc thu thập, giao nộp chứng cứ trong giai đoạn điều tra.

2.  Quy định pháp luật về “Quyền thu thập chứng cứ” của người bào chữa tại giai đoạn điều tra.
Bộ luật Tố tụng hình sự (viết tắt là BLTTHS) quy định về thu thập chứng cứ của người bào chữa như sau:
Điểm h khoản 1 Điều 73 của BLTTHS về quyền và nghĩa vụ của người bào chữ: “Người bào chữa có quyền thu thập, đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu”.
Điều 88 của BLTTHS về thu thập chứng cứ quy định:
“…
2. Để thu thập chứng cứ, người bào chữa có quyền gặp người mà mình bào chữa, bị hại, người làm chứng và những người khác biết về vụ án để hỏi, nghe họ trình bày về những vấn đề liên quan đến vụ án; đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử liên quan đến việc bào chữa.
3. Những người tham gia tố tụng khác, cơ quan, tổ chức hoặc bất cứ cá nhân nào đều có thể đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử và trình bày những vấn đề có liên quan đến vụ án.
4. Khi tiếp nhận chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử liên quan đến vụ án do những người quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này cung cấp, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải lập biên bản giao nhận và kiểm tra, đánh giá theo quy định của Bộ luật này.
…”
Như vậy, Bộ luật Tố tụng hình sự đã quy định rõ quyền của người bào chữa được thu thập chứng cứ trong hai nhóm quyền: 
Nhóm quyền thứ nhất: Người bào chữa có quyền gặp người mà mình bào chữa, bị hại, người làm chứng và những người khác biết về vụ án để hỏi, nghe những vấn đề họ mà họ trình bày liên quan đến vụ án. 
Nhóm quyền thứ hai: Quyền được yêu cầu cơ quan điều tra thực hiện các biện pháp thu thập chứng cứ. Theo quy định tại Điều 73 BLTTHS năm 2015, người bào chữa có quyền kiểm tra, đánh giá và trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá. Đồng thời, người bào chữa có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thu thập chứng cứ, giám định bổ sung, giám định lại, định giá lại tài sản.
Từ những căn cứ trên cho thấy, pháp luật chỉ quy định người bào chữa chỉ được thực hiện một số biện pháp thu thập chứng cứ cho phép nên có thể hiểu các biện pháp thu thập chứng cứ còn lại thuộc thẩm quyền của các cơ quan tiến hành tố tụng thông qua chủ thể thu nhập là Điều tra viên, Kiểm sát viên. Nếu người bào chữa thực hiện các biện pháp thu thập chứng cứ khác thì các chứng cứ này không có giá trị chứng minh, không thể đưa vào hồ sơ vụ án.

Phiên tòa xét xử vụ án hình sự tại thị xã An Khê
         
3. Khó khăn, vướng mắc khi người bào chữa thu thập, giao nộp chứng cứ trong giai đoạn điều tra

Thực tiễn cho thấy, có trường hợp người bào chữa cho bị cáo gặp nhân chứng, người liên quan rồi lập biên bản lấy lời khai, sau đó chuyển giao cho Cơ quan điều tra. Vậy, biên bản này có giá trị pháp lý không? Có thể đưa vào hồ sơ vụ án không? Thời điểm nào Cơ quan điều tra tiếp nhận biên bản này. Việc  làm này theo tác giả chưa đúng quy định pháp luật, làm nảy sinh các cách hiểu khác nhau  giữa người bào chữa và Điều tra viên, Kiểm sát viên nếu không được kiểm sát chặt chẽ sẽ dẫn đến khiếu nại, tố cáo.
Điều 15 Thông tư số 46/2019/TT-BCA ngày 10/10/2019 của Bộ Công an quy định về trách nhiệm bảo đảm thực hiện quyền thu thập, đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, trong đó có việc giao nhận chứng cứ do người bào chữa thu thập: “Người bào chữa thu thập, đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến việc bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật và giao cho Cơ quan đang thụ lý vụ án thì Điều tra viên, Cán bộ điều tra phải lập biên bản giao nhận, đưa vào hồ sơ vụ án, vụ việc. Trường hợp phát hiện người bào chữa thu thập tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan đến việc bào chữa thuộc bí mật nhà nước, bí mật công tác hoặc tiết lộ bí mật điều tra thì tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, Cơ quan đang thụ lý vụ án phải nhắc nhở, nếu vi phạm nghiêm trọng thì có biện pháp xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.
Trường hợp người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố đưa ra yêu cầu, nếu thấy yêu cầu có liên quan đến việc bào chữa hoặc liên quan đến việc giải quyết vụ án, vụ việc thì Điều tra viên, Cán bộ điều tra lập biên bản ghi nhận yêu cầu của người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố.
Ngoài quy định trên, hiện chưa có quy định pháp luật điều chỉnh thời hạn giao nộp chứng cứ, cách thức, hình thức giao nộp chứng cứ của người bào chữa. Có một số người bào chữa “ngâm” tài liệu đồ vạt liên quan đến vụ án làm, gây khó khăn cho công tác điều tra, truy tố.
Khi tiến hành thu thập chứng cứ, người bào chữa không phối hợp với Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát để xem xét tính hợp pháp, tính có căn cứ của chứng cứ dẫn đến trong quá trình điều tra chứng cứ do người bào chữa  thu thập không có căn cứ trong việc giải quyết vụ án dẫn đến người bào chữa cho rằng các cơ quan tiến hành tố tụng không khách quan, cách làm mang tính “dập khuôn”, không tạo điều kiện cho người bào chữa bào vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị can.

4. Kiến nghị, giải pháp hoàn thiện
Một là, để phù hợp, thống nhất quy định tại Điều 81 BLTTHS, tác giả kiến nghị về thời hạn giao nộp chứng cứ của người bào chữa cần được sửa đổi như sau: “Ngay sau khi hoàn tất việc thu thập chứng cứ, trong thời hạn 03 ngày, người bào chữa phải chuyển giao tài liệu, đồ vật cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đưa vào hồ sơ vụ án. Trường hợp do trở ngại khách quan thì thời hạn này có thể kéo dài nhưng không quá 15 ngày”. 
Hai là, khi tiến hành  thu thập chứng cứ, người bào chữa có trách nhiệm thông báo, phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng để xem xét tính khách quan, tính có căn cứ các tài liệu, đồ vật do người bào chữa thu thập.
Ba là, cần quy định rõ chủ thể tiếp nhận chứng cứ trong giai đoạn điều tra. Khi tiếp nhận chứng cứ do người bào chữa cung cấp, Điều tra viên phải kịp thời thông báo cho Kiểm sát viên theo khoản 5 Điều 88 của BLTTHS. Nếu chứng cứ gỡ tội có ý nghĩa quan trọng đối với vụ án thì phải thông báo ngay cho Kiểm sát viên kiểm sát điều tra vụ án./.

Tác giả bài viết: Nguyễn Tiến Hùng

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyển đổi số
Hưởng ứng giải  Búa Liềm Vàng
Giải báo chí phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Công khai ngân sách
Mail công vụ
Thống Kê Truy Cập
  • Đang truy cập42
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm41
  • Hôm nay12,398
  • Tháng hiện tại234,006
  • Tổng lượt truy cập18,505,914
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây