Thế nhưng, hiểu và vận dụng “Tự ý nữa chừng chấm dứt việc phạm tội” quy định tại điều 16 BLHS năm 2015 lại chưa được quy định, hướng dẫn cụ thể. Thông qua kinh nghiệm thực tiễn, quá trình nghiên cứu một số tài liệu tác giả xin nêu ra cách hiểu, cách vận dụng “Tự ý nữa chừng chấm dứt việc phạm tội” quy định tại điều 16 BLHS năm 2015 như sau:
Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là tự mình không thực hiện tội phạm đến cùng tuy không có gì ngăn cản. Người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự về tội định phạm. Thí dụ: B đã chuẩn bị dao găm, bao tải để giết người và cướp của ở nhà ông A, B đến nhà ông A nhưng B nghĩ lại và thấy rằng ông A đã là người tốt đối với mình nên B quay về, không giết người, cướp của ở nhà ông A nữa.
Người phạm tội tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là xuất phát từ ý muốn chủ quan của bản thân họ quyết định không tiếp tục thực hiện tội phạm nữa nên ở góc độ nào đó, hành vi này được xem là đã mất tính nguy hiểm cho xã hội.
Việc chấm dứt thực hiện ý định hoặc hành vi phạm tội của người phạm tội phải “Tự nguyện ” và “dứt khoát”, có nghĩa người đó phải hoàn toàn từ bỏ ý định phạm tội hoặc hành vi phạm tội mà họ đã bắt đầu, chứ không phải tạm thời dừng lại chốc lát để chờ cơ hội, điều kiện thuận lợi khác hay chuẩn bị kỹ lưỡng và đầy đủ hơn công cụ, phương tiện phạm tội sẽ tiếp tục phạm tội;
Việc chấm dứt thực hiện tội phạm phải và chỉ xảy ra trong trường hợp tội phạm được thực hiện ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội và giai đoạn phạm tội chưa đạt, chứ không thể xảy ra ở giai đoạn phạm tội chưa đạt đã hoàn thành hay giai đoạn tội phạm hoàn thành;
Điều kiện khách quan không có gì ngăn cản việc thực hiện, nếu người phạm tội muốn thực hiện tội phạm, họ hoàn toàn có thể tiến hành được.
Ví dụ: trong trường hợp trên, nếu B quay về vì không cậy được cửa, vì có tiếng động trong nhà làm cho y sợ hãi, hoặc vì nhà ông A vẫn còn thức v.v… thì việc B quay về không được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội và B vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 15 Bộ luật Hình sự về phạm tội chưa đạt.
Trong thực tế, việc tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội có thể do nhiều nguyên nhân như: hối hận, lo sợ, sợ bị trừng trị, không muốn thực hiện tội phạm đối với người quen biết v.v… Dó đó, chúng ta không nên đòi hỏi người có hành vi nguy hiểm phải tỉnh ngộ, hối hận mà chỉ cần họ đã thực hiện sự tự nguyện và dứt khoát không thực hiện tội phạm nữa thì được coi là đã tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội.
Tự ý nửa chừng chấm dứt việc thực hiện hành vi phạm tội trong trường hợp không có đồng phạm
Trong trường hợp người phạm tội là người tổ chức tội phạm thì mặc dầu họ đã tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội nhưng vẫn để mặc cho đồng bọn thực hiện tội phạm, thì người đó không được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội. Ví dụ: người đã đề xuất ra việc trộm cắp, đã vạch ra kế họach đi ăn trộm, đã vẽ sơ đồ cho đồng bọn, mặc dầu người đó đã tự ý không tham gia trộm nữa mà cứ để mặc đồng bọn thực hiện trộm cắp. Trong trường hợp này, người tự ý không tham gia trộm nữa không được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội.
Trong trường hợp tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội, nhưng hành vi thực tế đã thực hiện có đủ yếu tố cấu thành một tội phạm khác thì người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi đã thực hiện. Ví dụ: Trường hợp A làm giả tài liệu cơ quan tổ chức để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thì ngoài việc A Phải chịu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản ( Điều 174 BLHS 2015), thì A còn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức (Điều 341 BLHS 2015).
Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội trong các trường hợp có đồng phạm
Việc tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội của người xúi giục, người tổ chức, người giúp sức có đặc điểm khác với việc tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội của người thực hành tội phạm. Nếu người thực hành tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội, nghĩa là tự mình không thực hiện tội phạm đến cùng, mặc dù không có gì ngăn cản, thì tội phạm không thể hoàn thành, hậu quả mà kẻ phạm tội mong muốn không xảy ra. Trong các vụ án có đồng phạm, nếu người xúi giục hoặc người tổ chức hay người giúp sức tuy tự ý nửa chừng từ bỏ ý định phạm tội, nhưng không áp dụng những biện pháp cần thiết để ngăn chặn kẻ thực hành thực hiện tội phạm, thì tội phạm vẫn có thể được thực hiện, hậu quả của tội phạm vẫn có thể xảy ra. Do đó, để được miễn trách nhiệm hình sự theo điều 29 Bộ luật Hình sự 2015 về tội định phạm, người xúi giục, người tổ chức, người giúp sức phải có những hành động tích cực nhằm ngăn chặn việc thực hiện tội phạm (trong trường hợp họ ngăn chặn được việc thực hiện tội phạm, hậu quả của tội phạm không xẩy ra). Nhưng nếu những việc họ đã làm không ngăn chặn được việc thực hiện tội phạm, hậu quả của tội phạm vẫn xảy ra, thì họ có thể vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự, họ chỉ có thể được miễn trách nhiệm hình sự theo điểm c khoản 2 Điều 29 Bộ luật Hình sự 2015, nếu trước khi hành vi phạm tội bị phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm.
Trong thực tiễn một số vụ án có nhiều người thực hành tội phạm, đã có người tự ý nửa chừng từ bỏ ý định phạm tội, có người không từ bỏ ý định phạm tội. Trong trường hợp này, người tự ý từ bỏ ý định phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự theo điều 29 Bộ luật Hình sự 2015 nếu họ đã không làm gì hoặc những việc mà họ đã làm trước khi từ bỏ ý định phạm tội không giúp gì cho những người đồng phạm khác trong việc tiếp tục thực hiện tội phạm. Ví dụ: A và B rủ nhau đi trộm cắp, nhưng không bàn bạc gì cụ thể. Trên đường đi A bỏ về vì không muốn phạm tội nữa; B vẫn tiếp tục đi trộm cắp tài sản. Còn nếu những việc mà người tự ý từ bỏ ý định phạm tội đã làm được những người đồng phạm khác sử dụng để thực hiện tội phạm, thì họ cũng phải có những hành động tích cực để ngăn chặn việc thực hiện tội phạm đó, thì họ mới có thể được miễn trách nhiệm hình sự theo Điều 29 Bộ luật Hình sự 2015. Nhưng nếu họ không ngăn chặn được những người đồng phạm khác thực hiện tội phạm, hậu quả của tội phạm vẫn xảy ra, thì họ có thể vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự tương tự như trường hợp người xúi giục, người tổ chức, người giúp sức đã nêu ở trên. Ví dụ: Trong trường hợp trên nếu A và B bàn bạc nhau về việc trộm cắp tại một địa điểm nào đó, A đã vẽ sơ đồ chỉ dẫn cho B cách đột nhập một cách an toàn vào nơi để tài sản, sau đó A từ bỏ ý định phạm tội và cũng chỉ khuyên B không nên phạm tội nữa; nhưng B vẫn sử dụng sơ đồ và sự chỉ dẫn của A để thực hiện tội phạm thì A vẫn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.
Thực tế nếu người thực hành, người giúp sức tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự về tội định phạm, nhưng họ cũng có thể phải chịu trách nhiệm về tội không tố giác tội phạm theo quy định tại Điều 390 Bộ luật Hình sự 2015, nếu họ không tố giác tội phạm do người đồng phạm thực hiện không có sự trợ giúp của họ (lưu ý người xúi giục, người tổ chức, người giúp sức phải có những hành động tích cực nhằm ngăn chặn việc thực hiện tội phạm như khuyên bảo, ngăn chặn đe dọa báo cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì mới được miễn trách nhiệm hình sự).
Kiến nghị hoàn thiện
Để thống nhất về cách hiểu cũng như cách vận dụng chế định “Tự ý nữa chừng chấm dứt việc phạm tội” quy định tại điều 16 BLHS năm 2015, chúng tôi kiến nghị Liên ngành tư pháp Trung ương có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này để việc áp dụng được thống nhất, góp phần hạn chế, tránh oan sai, bỏ lọt tội phạm và người phạm tội.