Ngày Pháp luật Việt Nam
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh

Nhận diện một số vi phạm của UBND cấp xã trong hòa giải tranh chấp đất đai và một số giải pháp

Thứ hai - 21/03/2022 05:46 8.105 0
Hòa giải tại cơ sở là một trong những chế định quan trọng trong giải quyết tranh chấp đất đai đã được Luật hóa tại Luật đất đai năm 2013 và Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đất đai 2013.
Trước hết thấy rằng, việc hòa giải khi giải quyết tranh chấp đất đai ở cơ sở có ý nghĩa trên nhiều phương diện. Hoà giải đã góp phần giải quyết kịp thời, từ gốc mâu thuẫn, xích mích, các tranh chấp trong gia đình, cộng đồng dân cư, từ đó khôi phục, duy trì, củng cố tình đoàn kết trong nội bộ nhân dân, phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Không những thế, hòa giải còn góp phần phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong quản lý xã hội. Điểm cơ bản của hòa giải là bảo đảm quyền tự định đoạt của các bên trong giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn. Chính bởi vì vậy, hòa giải là một phương thức để thực hiện dân chủ. Thông qua hòa giải, vai trò tự quản của người dân được tăng cường. Điều đó có ý nghĩa rất quan trọng góp phần xây dựng Nhà nước Pháp quyền Xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Ngoài ra, hòa giải còn góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân và duy trì và phát huy đạo lý truyền thống, thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Trên góc độ pháp luật về tố tụng dân sự, khi giải quyết quan hệ pháp luật tranh chấp "Ai là người có quyền sử dụng đất" thì Nghị quyết số 02/NQ-HĐTP ngày 05/5/2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao qui định hòa giải ở cấp xã là thủ tục bắt buộc, là điều kiện để thụ lý đơn khởi kiện khi các đương sự lựa chọn giải quyết tranh chấp tại Tòa án.
Tuy nhiên, trong thực tiễn thi hành, do nhiều nguyên nhân dẫn đến việc hòa giải tại cơ sở trong giải quyết tranh chấp đất đai chưa đúng, không đạt kết quả, gây khó khăn cho việc giải quyết tranh chấp khi các bên tiếp tục lựa chọn con đường Tòa án. Thực tiễn công tác kiểm sát giải quyết các vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất trên địa bàn huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai trong những năm qua đã phát hiện một số dạng vi phạm điển hình sau:

1. Vi phạm trong việc biên bản hòa giải không ghi nội dung tranh chấp thể hiện rõ về nguồn gốc, thời điểm sử dụng đất đang tranh chấp, nguyên nhân phát sinh tranh chấp của Công dân theo quy định tại khoản 2 Điều 88 Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai.

Vụ án: Nguyên đơn bà Ngôn Thị Nga và ông Bế Nông Luận, địa chỉ: thôn Đoàn Kết, xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai; bị đơn: anh Nguyễn Duy Đạt, trú tại 48/11 Phùng Hưng, tổ 6, phường Hội Thương, TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai. Do Tòa án nhân dân huyện Chư Prông thụ lý số 14 ngày 06/02/2020 về việc “Tranh chấp quyền sử dụng đất”.
Tại các biên bản hòa giải tranh chấp đất đai do UBND xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai tiến hành hòa giải các ngày 29/5/2018 và 17/01/2020, nội dung hòa giải biên bản không ghi rõ nội dung tranh chấp, không thể hiện rõ về nguồn gốc, thời điểm sử dụng đất đang tranh chấp, nguyên nhân phát sinh tranh chấp (theo kết quả xác minh, tìm hiểu). Biên bản chi ghi chung chung tranh chấp giữa bà Nga và ông Sơn (ông Đạt – con ông Sơn).
Vụ án: Nguyên đơn ông Phạm Văn Tình, bị đơn bà Trần Thị Thảnh, cả hai cùng trú tại thôn Đông Hà, Thị trấn Chư Prông, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai. Do Tòa án nhân dân huyện Chư Prông thụ lý số 155 ngày 06/10/2020 “Tranh chấp quyền sử dụng đất”.
Tại các biên bản hòa giải ngày 17/01/2020 và 11/8/2020 của UBND Thị trấn Chư Prông, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai, nội dung hòa giải biên bản không ghi rõ hòa giải đối với tranh chấp ở thửa đất nào, địa chỉ thửa đất ở đâu. Tiến hành hòa giải mà chưa xác minh nguồn gốc đất, thời điểm sử dụng đất đang tranh chấp, nguyên nhân phát sinh tranh chấp.
Vụ án: Nguyên đơn ông Phan Văn Đức, địa chỉ: Đội 7 Công ty Bình Dương, Ia Púch, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai. Bị đơn: ông Lê Lợi, trú tại làng Chư Có, xã Ia Púch, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai và ông Lê Phúc, Trú tại TDP 6, TT.Chư Prông, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai. Do Tòa án nhân dân huyện Chư Prông thụ lý số 147 ngày 27/7/2020.
Tại các biên bản làm việc các ngày 22/5/2020 và ngày 29/5/2020 và biên bản hòa giải ngày 16/5/2021 của UBND xã Ia Púch, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai thể hiện: nội dung biên bản không tóm tắt nội dung tranh chấp thể hiện rõ về nguồn gốc, thời điểm sử dụng đất đang tranh chấp, nguyên nhân phát sinh tranh chấp (theo kết quả xác minh, tìm hiểu).
2. Vi phạm về hình thức, thành phần tham gia tiến hành hòa giải tại UBND cấp xã theo điểm b khoản 1, khoản 2 Điều 88 Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của luật đất đai.
Vụ án: Nguyên đơn ông Phan Văn Đức, địa chỉ: Đội 7 Công ty Bình Dương, Ia Púch, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai. Bị đơn: ông Lê Lợi, trú tại làng Chư Có, xã Ia Púch, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai; ông Lê Phúc, Trú tại TDP 6, TT.Chư Prông, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai. Do Tòa án nhân dân huyện Chư Prông thụ lý số 147 ngày 27/7/2020.
Tại các biên bản làm việc các ngày 22/5/2020 và ngày 29/5/2020, theo quy định của pháp luật thì thành phần Hội đồng hòa giải tại các buổi hòa giải phải do đại diện UBND xã là Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch chủ trì. Tuy nhiên tại 02 biên bản trên đại diện của UBND xã là Công chức địa chính xã, Công chức tư pháp xã và Công an xã, đại diện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia ký tên đóng dấu (trong trường hợp này phải đóng dấu của UBND xã) như vậy là không đúng thành phần của Hội đồng. Tại biên bản làm việc và hòa giải ngày 16/5/2021, không có đại diện của thôn cũng như một số hộ dân sinh sống lâu đời tại xã, biết rõ về nguồn gốc và quá trình sử dụng đối với thửa đất đó.
Vụ án: Nguyên đơn bà Ngôn Thị Nga và ông Bế Nông Luận, địa chỉ: thôn Đoàn Kết, xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai; bị đơn: anh Nguyễn Duy Đạt, trú tại 48/11 Phùng Hưng, tổ 6, phường Hội Thương, TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai. Do Tòa án nhân dân huyện Chư Prông thụ lý số 14 ngày 06/02/2020 về việc “Tranh chấp quyền sử dụng đất”.
Tại các biên bản hòa giải tranh chấp đất đai do UBND xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông tiến hành hòa giải các ngày 29/5/2018 và 17/01/2020, thành phần tham gia không có trưởng thôn; đại diện của một số hộ dân sinh sống lâu đời tại xã, biết rõ về nguồn gốc và quá trình sử dụng đối với thửa đất đó.

(KSV Viện KSND huyện Chư Prông tham gia phiên tòa xét xử vụ án Tranh chấp quyền sử dụng đất)

Việc hòa giải của UBND thị trấn Chư Prông và các xã Bàu Cạn, xã Ia Púch, huyện Chư Prông với các vi phạm như trên là chưa đảm bảo về nội dung, thành phần tham gia hòa giải không đúng và thiếu so với các quy định của pháp luật hiện hành nên đã không đạt được kết quả, gây khó khăn cho công tác giải quyết khi Tòa án tiếp nhận hồ sơ để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự, phải bổ sung tài liệu chứng cứ và khắc phục các vi phạm, gây kéo dài việc giải quyết tranh chấp mà còn nguy cơ gây phức tạp mối quan hệ tranh chấp, thậm chí có thể có bên đương sự bức xúc dẫn đến việc đơn thư hoặc chọn cách hành xử trái pháp luật để giải quyết, mất đi ý nghĩa của việc quy định chế định hòa giải ở cơ sở khi tranh chấp về đất đai.

Để khắc phục và tránh tái diễn tình trạng vi phạm trên, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác hòa giải tranh chấp đất đai ngay từ cơ sở, góp phần giảm tải số lượng các vụ việc tranh chấp quyền sử dụng đất phải giải quyết theo con đường Tố tụng dân sự, hạn chế việc phải kéo dài thời hạn giải quyết vụ án, thông qua hoạt động công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án dân sự về tranh chấp đất đai, Viện kiểm sát nhân dân huyện Chư Prông đã thực hiện một số giải pháp:
Một là, qua kiểm sát hồ sơ vụ án chuẩn bị xét xử, trường hợp xác định việc hòa giải có vi phạm nghiêm trọng thì Kiểm sát viên báo cáo Lãnh đạo Viện có văn bản Kiến nghị Tòa án đình chỉ vụ án, giao hồ sơ về cấp xã tiến hành hòa giải lại đồng thời tổng hợp vi phạm để kiến nghị việc Tòa án thụ lý vụ án khi chưa đủ điều kiện; trường hợp vi có vi phạm nhưng không đến mức phải đình chỉ vụ án thì ban hành Yêu cầu bổ sung chứng cứ gửi Tòa án nhân dân huyện để bổ sung tài liệu, chứng cứ, làm rõ hơn các vấn đề chưa rõ trong hòa giải (giải thích nội dung biên bản hòa giải ghi chưa rõ nghĩa, giải thích về thành phần hòa giải ghi chép chưa rõ ràng…). Sau bổ sung tiến hành xét xử vụ án.
Hai là, sau khi tham gia các phiên tòa xét xử vụ án có vi phạm (đã được khắc phục), Kiểm sát viên tổng hợp vi phạm báo cáo Lãnh đạo Viện ban hành Kiến nghị đến UBND cấp xã có vi phạm, qua đó chỉ rõ các vi phạm, yêu cầu chấn chỉnh công tác hòa giải trong giải quyết các vụ án tranh chấp đất đai, nâng cao chất lượng hòa giải tại cơ sở theo quy định của pháp luật đất đai. Cùng với đó, yêu cầu Chủ tịch UBND cấp xã trên cơ sở Kiến nghị của Viện kiểm sát nhân dân huyện chỉ đạo bộ phận tham mưu công tác hòa giải tranh chấp đất đai ở cơ sở tích cực nghiên cứu, cập nhật các văn bản có liên quan về pháp luật đất đai, pháp luật về hòa giải để góp phần giải quyết tranh chấp có hiệu quả ngay từ cơ sở, đồng thời đảm bảo quy định của pháp luật về hòa giải khi người dân chọn giải quyết bằng con đường Tòa án, tránh việc tranh chấp kéo dài ảnh hưởng đến trị an, xã hội ở nông thôn trên địa bàn huyện.
Ba là, Kiến nghị tổng hợp các vi phạm của UBND cấp xã được đồng thời gửi đến Chủ tịch UBND huyện để chỉ đạo cấp xã trong toàn huyện nâng cao năng lực, tinh thần trách nhiệm, hiệu lực, hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở, nhất là hòa giải tranh chấp về quyền sử dụng đất. Cùng với đó, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện thông qua giao ban định kỳ khối Nội chính cấp huyện, kịp thời báo cáo đến Thường trực, trực tiếp kiến nghị đến Lãnh đạo UBND huyện chỉ đạo bộ phòng ban chuyên môn cấp huyện tăng cường kiểm tra, tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho cấp xã, nhất là các quy định của pháp luật về đất đai, về hòa giải ở cơ sở để công tác này được thực hiện đồng bộ, hiệu quả, thống nhất trên địa bàn toàn huyện.
Bốn là, Viện kiểm sát nhân dân huyện thông qua các đợt trực tiếp kiểm sát tại xã (kiểm sát thi hành án hình sự tại cộng đồng) có sự lồng ghép trao đổi thêm với Lãnh đạo UBND cấp xã, bộ phận tham mưu các quy định của pháp luật về công tác hòa giải ở cơ sở nói chung và hòa giải tranh chấp quyền sử dụng đất nói riêng, thiết lập kênh liên lạc trực tiếp từ Lãnh đạo UBND xã đến Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân huyện để trong trường hợp cần thiết có thể trao đổi, tham vấn Viện kiểm sát về trình tự, thủ tục, thành phần tham gia hòa giải, cách thực xây dựng biên bản hòa giải nhằm đảm bảo việc hòa giải được tiến hành đúng quy định của pháp luật, góp phần nâng cao về lượng và chất của công tác hòa giải.

Các giải pháp của Viện kiểm sát nhân dân huyện Chư Prông bước đầu đã mang lại kết quả tích cực, chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở nói chung và hòa giải tranh chấp đất đai nói riêng đã từng bước được nâng lên. Đến nay, qua công tác kiểm sát nhận thấy các vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất được thụ lý mới đều cơ bản đã đáp ứng được các quy định của pháp luật về hòa giải ở cấp xã./.

Tác giả bài viết: Hoàng Minh Chung

Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyển đổi số
Hưởng ứng giải  Búa Liềm Vàng
Giải báo chí phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Công khai ngân sách
Mail công vụ
Thống Kê Truy Cập
  • Đang truy cập71
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm66
  • Hôm nay2,525
  • Tháng hiện tại152,864
  • Tổng lượt truy cập19,025,111
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây