Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh

Tìm hiểu một số kỹ năng của Kiểm sát viên khi hỏi cung bị can trong trường hợp ghi âm, ghi hình có âm thanh

Thứ sáu - 13/05/2022 04:43 3.296 0
Theo quy định của pháp luật Kiểm sát viên (gọi tắt là KSV) là một trong các chủ thể có nhiệm vụ, quyền hạn hỏi cung bị can. KSV chỉ hỏi cung bị can trong trường hợp bị can kêu oan, khiếu nại hoạt động điều tra hoặc có căn cứ xác định việc điều tra vi phạm pháp luật hoặc trong trường hợp khác khi xét thấy cần thiết (được hướng dẫn cụ thể tại Điều 45 Quy chế Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố ban hành kèm theo Quyết định số 111/QĐ-VKSTC ngày 17/4/2020 của Viện trưởng VKSND tối cao).
Để thực hiện việc hỏi cung bị can có ghi âm, ghi hình có âm thanh của KSV mang lại hiệu quả và chất lượng trong phạm vi bài viết tác giả xin tổng hợp một số kỹ năng của KSV trước, trong và sau khi trực tiếp hỏi cung bị can trong trường hợp ghi âm, ghi hình có âm thanh nhằm tránh oan sai, bỏ lọt tội phạm và trả hồ sơ điều tra bổ sung do vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong quá trình hỏi cung bị can trong trường hợp ghi âm, ghi hình có âm thanh.
Một số vấn đề cần chuẩn bị trước khi hỏi cung bị can có ghi âm, ghi hình có âm thanh.
Hỏi cung bị can là một hoạt động điều tra phức tạp của Kiểm sát viên vì đa phần kiểm sát viên không được đào tạo bài bản như Điều tra viên. Chính vì vậy, trước khi hỏi cung bị can có ghi âm, ghi hình có âm thanh ngoài việc KSV phải tuân thủ quy định tại Điều 10 Quy trình tạm thời Kiểm sát việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh của cơ quan có thẩm quyền điều tra; trực tiếp ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh khi hỏi cung bị can, lấy lời khai trong các giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố - Ban hành kèm theo Quyết định số 264/QĐ-VKSTC ngày 21/7/2020 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (gọi tắt là Quyết định 264) quy định về việc Chuẩn bị ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh như: KSV phải xây dựng kế hoạch; thông báo việc hỏi cung, lấy lời khai; đăng ký địa điểm hỏi cung, lấy lời khai và thực hiện các thủ tục trích xuất bị can bị tạm giam (nếu thấy cần phải trích xuất) hoặc triệu tập bị can tại ngoại, người đại diện pháp nhân; không được đưa bị can tại ngoại, người đại diện pháp nhân vào hỏi cung, lấy lời khai ở cơ sở giam giữ, trừ trường hợp đối chất với bị can đang bị tạm giam.
Ngoài ra, KSV cần phải chuẩn bị các vấn đề có mâu thuẫn, không rõ về các tình tiết liên quan đến vụ án… Dự kiến những câu hỏi cần đưa ra để bị can trả lời trong quá trình hỏi cung và những tài liệu chứng cứ đã thu thập được về vụ án, hành vi phạm tội của bị can, trong bản kế hoạch cần dự kiến những câu hỏi và trình tự đưa ra để bị can trả lời. Trong quá trình hỏi cung bị can KSV có thể sử dụng các dạng câu hỏi: Câu hỏi thẳng, những câu hỏi bổ sung; những câu hỏi làm chính xác, những câu hỏi gợi nhớ; những câu hỏi kiểm tra và những câu hỏi vạch trần. Dự kiến những chiến thuật hỏi cung trên cơ sở những vấn đề cần phải làm rõ; những tài liệu chứng cứ thu thập được; đặc điểm nhân thân của bị can; thái độ, tâm lý, diễn biến tư tưởng của bị can mà KSV dự kiến chiến thuật hỏi cung cho phù hợp. Việc lựa chọn chiến thuật hỏi cung bị can phải phù hợp với các tình huống cụ thể như trường hợp bị can thành khẩn khai báo, bị can khai báo gian dối, bị can từ chối khai báo,…. Tùy từng trường hợp, trong bản kế hoạch dự kiến nội dung, biện pháp giáo dục, thuyết phục bị can, những thủ thuật sử dụng mâu thuẫn, sử dụng chứng cứ để đấu tranh với thái độ ngoan cố của bị can cũng như những biện pháp hỗ trợ khác cho công tác hỏi cung.
Qua tìm hiểu thực tiễn cho thấy, khi tiến hành hỏi cung bị can có ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh Kiểm sát viên thường gặp các tình huống phổ biến như: bị can thành khẩn khai báo, bị can từ chối khai báo hoặc khai báo gian đối, bị can kêu oan, khiếu nại hoạt động điều tra… vì vậy trước khi tiến hành hỏi cung bị can có ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh KSV cần chuẩn bị một số tài liệu, chiến thuật hỏi cung như sau:
Trường hợp bị can thành khẩn khai báo:
Trong tình huống này KSV có thể áp dụng chiến thuật hỏi cung như:
+ Cho bị can tự khai: KSV có thể yêu cầu bị can thuật lại (ngôn ngữ nói) toàn bộ nội dung của vụ án hoặc tình tiết nào đó. Khi bị can tự khai, KSV cần tạo điều kiện thuận lợi để bị can trình bày những tình tiết của vụ án. Tập trung lắng nghe lời trình bày của bị can, ghi lại những nội dung cơ bản, những vấn đề cần chú ý, những chỗ bị can bỏ trống hay lờ đi không trình bày, những vấn đề chưa rõ cần phải hỏi sau này.
+ Tiến hành hỏi tuần tự và đặt các câu hỏi để gợi nhớ, liên tưởng:
Hỏi tuần tự giúp cho bị can nhớ lại, liên tưởng lại những tình tiết đã quên trên cơ sở mối liên tưởng về thời gian, địa điểm, về mối liên hệ và sự tương đồng của những sự việc hiện tượng.... Mặt khác, hỏi tuần tự để bị can trả lời sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho KSV nắm được lời khai của bị can một cách hệ thống và lôgic, quan sát kỹ thái độ, diễn biến tâm lý của bị can, kịp thời phát hiện những biểu hiện lúng túng, do dự hoặc cố ý lờ đi khi khai báo tình tiết nào đó, những chỗ không hợp lý trong lời khai để yêu cầu bị can giải thích và có biện pháp kiểm ra làm rõ.
Trường hợp bị can từ chối khai báo hoặc khai báo gian dối
Thực tiễn cho thấy, một số bị can có nhiều tiền án, tiền sự, có hiểu biết pháp luật thường ngoan cố không chịu khai báo hoặc khai báo gian đối về hành vi phạm tội của mình và các tình tiết khác của vụ án. Trong trường hợp này, Kiểm sát viên cần tìm hiểu chính xác nguyên nhân vì điều gì mà bị can từ chối khai báo, khai báo gian dối: sợ bị xử phạt nặng, sợ bị đồng phạm trù thủ hoặc chờ đợi sự giúp đỡ từ bên ngoài hoặc các đồng phạm khác, … Để bị can khai báo thành khẩn, Kiểm sát viên cần linh hoạt vận dụng các chiến thuật hỏi cung như:
Giáo dục, thuyết phục và tác động về xúc cảm bằng cách KSV tiến hành giải thích về đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, lấy chân lý, lẽ phải giáo dục, thuyết phục bị can, đồng thời tác động về mặt tình cảm, xúc cảm để bị can dần dần có sự thay đổi về nhận thức, quan điểm, phân biệt được đúng sai, tự tìm lối thoát cho mình ra khỏi tình huống hiện tại, từ đó từ bỏ lập trường ngoan cố dẫn đến khi báo thành khẩn.
Sử dụng các tình tiết là những người đồng phạm đã thành khẩn khai báo.
Việc sử dụng thủ thuật này làm cho bị can hoang mang, dao động, kết hợp với việc cảm hoá, giáo dục sẽ làm cho bị can thay đổi thái độ, động cơ khai báo. Khi sử dụng thủ thuật này cần lưu ý: Chỉ được áp dụng khi bị can hoàn toàn bị chặt đứt các nguồn thông tin, không nắm được tình trạng khai báo của đồng phạm; Khi sử dụng thủ thuật này KSV không nên cho bị can đọc lời khai của những đồng bọn khác hay sử dụng lời khai của những đồng bọn khác để đấu tranh với bị can. Tốt nhất là đưa cho bị can xem chữ ký của đồng bọn ở biên bản hỏi cung, để làm đòn bẩy tác động tâm lý bị can.
Sử dụng chứng cứ để đấu tranh được thực hiện như sau: KSV lựa chọn đúng chứng cứ để đưa ra chứng minh; KSV tiến hành hỏi bị can về những tình tiết của vụ án xung quanh chứng cứ nhưng không đề cập hay đưa ra chứng cứ để hạn chế việc bị can bác bỏ hoặc xuyên tạc khi đưa ra chứng cứ; KSV thông tin (nói) về tài liệu, chứng cứ cho bị can biết, có thể cho bị can nhìn thấy tài liệu, vật chứng và kết hợp với việc thông tin (nói) về tài liệu, chứng cứ chứng minh; KSV đặt câu hỏi vào chứng cứ. Dạng câu hỏi được đặt ra trong lúc này thường là dạng câu hỏi vạch trần lời khai gian dối để vạch trần lời khai gian dối của bị can khi trả lời những câu hỏi xung quanh chứng cứ.
Sử dụng thủ thuật hỏi cung gián tiếp, bản chất thủ thuật này là KSV hỏi đặt ra những câu hỏi gián tiếp ngụy trang câu hỏi chính và đi dần vào vấn đề hỏi chính.
Câu hỏi gián tiếp ngụy trang câu hỏi chính là những câu hỏi khiến cho bị can nghĩ rằng, tin rằng không liên quan tới vụ việc phạm tội đang bị điều tra hoặc có thể thoái thác, chối bỏ trách nhiệm của bị can… Vì thế bị can có thể dễ dàng trả lời. Quá trình bị can trả lời các câu hỏi ngụy trang cũng là quá trình KSV thu thập lời khai về câu hỏi chính. Dần dần đưa bị can vào tình thế không thể chối cãi, không thể thoái thác khi KSV đưa ra câu hỏi vào vấn đề chính. Khi áp dụng thủ thuật hỏi gián tiếp KSV cần lưu ý: Phải xác định được vấn đề chính và vấn đề phụ (tức gián tiếp) để đưa ra hỏi; Chuẩn bị kỹ lưỡng những câu hỏi tức gián tiếp; Dự kiến khả năng tình huống khai báo của bị can để đề ra cách giải quyết; Ghi chép lời khai đầy đủ, chính xác trước khi hỏi vấn đề chính.
Sử dụng mâu thuẫn trong lời khai của bị can để đấu tranh với bị can là việc KSV chủ động chỉ ra những mâu thuẫn trong lời khai của bị can để đấu tranh nhằm đánh gục thái độ khai báo gian dối của bị can, buộc bị can phải khai báo đúng sự thật. Để áp dụng thủ thuật này thì trước hết KSV cần phải phát hiện được các mâu thuẫn trong lời khai của bị can. Mâu thuẫn trong lời khai bị can được phát hiện bằng cách:  So sánh, đối chiếu lời khai của bị can với tài liệu, chứng từ đã thu thập được về vụ án như: Kết luận giám định; kết quả khám nghiệm hiện trường, lời khai của người làm chứng, người bị hại hoặc lời khai của bị can khác trong cùng vụ án....; So sánh đối chiếu lời khai của bị can với quy luật tự nhiên, quy luật xã hội hoặc đối chiếu với diễn biến cụ thể của sự việc, hiện tượng; So sánh đối chiếu giữa lời khai sau với lời khai trước của chính bị can....
Khi sử dụng mâu thuẫn trong lời khai của bị can để đấu tranh với bị can không nên đưa ra mâu thuẫn trong những thời điểm sau: Bị can đang trong trạng thái chống đối, phản ứng quyết liệt; Bị can đang có những biểu hiện bi quan, tuyệt vọng cao độ; Bị can đang biểu hiện tính tự ái, sĩ diện cá nhân cao. Bên cạnh đó cũng cần lưu ý không nên cứ phát hiện ra mâu thuẫn nào là sử dụng để vạch trần ngay. Đồng thời việc sử dụng mâu thuẫn phải kết hợp với cảm hoá, giáo dục, sử dụng tài liệu, chứng cứ.
Hỏi đứt quãng là cách hỏi mà trước đó KSV đã xác định chính xác những vấn đề cần phải làm rõ trong quá trình hỏi cung trong đó sự việc cần hỏi được KSV chia làm nhiều đoạn, nhiều chỗ, lúc hỏi chỗ này, lúc hỏi chỗ khác, không theo một trình tự, một quy luật nào. Việc đưa ra những câu hỏi thật nhanh, liên tiếp đối với bị can, không theo trình tự mà thường xuyên bị đảo lộn, có thể đưa xen vào những câu hỏi đề cập đến sự việc không có liên quan đến vụ án để bị can trả lời. Nếu trong quá trình trả lời, bị can buột miệng nói ra những tình tiết của vụ án có ý nghĩa đối với vụ án thì KSV cần phải củng cố sau đó KSV có thể yêu cầu bị can lý giải những lời buộc miệng này ngay trong quá trình hỏi cung nếu xét thấy những lời buột miệng này hoàn toàn phù hợp với hiện thực khách quan thì KSV có thể sử dụng để đấu tranh với thái độ khai báo gian dối của bị can, buộc bị can phải khai đúng sự thật.
Trường hợp bị can nhận tội
Trường hợp này Kiểm sát viên cần so sánh, xem xét lời khai của bị can với các tài liệu, chúng cứ khác, đã có trước đó trong hồ sơ đồng thời ghi chú lại những vấn đề mà bị can đưa ra để tiến hành các biện pháp điều tra khác để kiểm tra lời khai của bị can. Nếu ngoài lời khai của bị can, không còn chứng cứ nào khác hoặc lời khai của bị can chưa phù hợp với các tài liệu, chứng cứ đã thu thập được trước đó thì không được sử dụng làm chứng cứ kết tội bị can. Trường hợp này khi tiến hành hỏi cung KSV có thể kết hợp các biện pháp hỏi cung trên như giáo dục thuyết phục;…để tìm hiểu nguyên nhân vì sao bị can lại nhận tội, để bảo vệ người khác, che giấu một tội phạm khác hay để bảo vệ gia đình mình...”
Trường hợp bị can không nhận tội
 Khi hỏi cung trong trường hợp KSV phải tìm hiểu rõ nguyên nhân vì sao bị can không nhận tội ví dụ như: bị can cho rằng hành vi của mình không phạm tội hoặc vì sợ nếu nhận tội thì phải chịu trách nhiệm hình sự hoặc tin tưởng hành vì của mình chưa bị phát hiện...
Tùy vào từng nguyên nhân mà KSV sẽ vận dụng các chiến thuật hỏi cung nêu trên. Nếu bị can nghĩ hành vi của mình chưa bị phát hiện, thì cần giải thích quy định của pháp luật, kết hợp đưa ra tài liệu, chứng cứ cho bị can thấy rõ hành vi của mình là hành vi phạm tội, sau đó giải thích chính sách khoan hồng của Nhà nước đối với người phạm tội để họ thành khẩn khai báo. Nếu bị cạn đang chờ đợi sự giúp đỡ từ những đồng phạm khác hay từ bên ngoài thì KSV nên sử dụng chiến thuật hỏi cung đó là đưa ra các tình tiết là những người đồng phạm đã thành khẩn khai kết hợp giáo dục thuyết phục cho bị can hiểu không ai giúp được bị can, chỉ bị can mới tự giúp được chính mình để hưởng sự khoan hồng của pháp luật.
Bị can khiếu nại hoạt động điều tra
Nếu bị can khiếu nại hoạt động điều tra thì Kiểm sát viên phải lắng nghe, yêu cầu bị can trình bày về hoạt động điều tra cụ thể mà bị can khiếu nại, các căn cứ mà bị can đưa ra, các yêu cầu của bị can, rồi thận trọng xem xét các tài liệu, chứng cứ khác của vụ án để kết luận việc khiếu nại có căn cứ hay không theo đúng quy định của pháp luật.
KSV tiến hành ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh
KSV tiến hành ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh theo các bước phù hợp với từng trường hợp sau: tại cơ sở giam giữ, trụ sở Cơ quan VKS hoặc trụ sở Cơ quan có thẩm quyền điều tra và tại địa điểm khác, bảo đảm đúng theo quy định tại Điều 11 Quy trình tạm thời số 264. Trường hợp không bố trí được thiết bị ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh hoặc xảy ra sự cố kỹ thuật trong quá trình thực hiện ghi âm hoặc ghị hình thì thông báo cho bị can, người đại diện pháp nhân biết, nếu họ đồng ý thì tiếp tục làm việc, nếu không đồng ý thì dừng buổi hỏi cung, lấy lời khai và ghi rõ lý do trong biên bản, có xác nhận của cán bộ chuyên môn.
Khi tiến hành hỏi cung, KSV cần có thái độ nghiêm túc, bình tĩnh lắng nghe lời trình bày của bị can; không dùng những hành động, lời nói thiếu chuẩn mực, bực bội, cáu gắt hoặc có ý xúc phạm. Trên cơ sở tài liệu, chứng cứ đã có, KSV đặt những câu hỏi dựa trên các chiến thuật hỏi cung đã trình bày ở phần trên để làm rõ hành vi, thời gian, địa điểm phạm tội; phương thức, thủ đoạn, động cơ, mục đích, điều kiện, hoàn cảnh phạm tội của bị can; có hay không có đồng phạm và vai trò của bị can trong vụ án; yêu cầu bị can đưa ra những bằng chứng chứng minh cho lời khai của mình là có cơ sở…
KSV thực hiện kết thúc việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh
Trước khi kết thúc cuộc hỏi cung, KSV thận trọng đánh giá lại lời khai của bị can, kể cả trong trường hợp bị can nhận tội, bị can kêu oan, không nhận tội hoặc không khai báo hành vi phạm tội. Trường hợp bị can nhận tội thì xem xét kỹ lưỡng những lời khai của bị can có phù hợp với lời khai của những người tham gia tố tụng khác (bị can khác, người làm chúng, bị hại...), thống nhất với các tình tiết, vật chứng đã thu thập được trong vụ án hay không?. Đối với những bị can không nhận tội thì cũng phải xác định nguyên nhân không khai báo; xem xét các chứng cứ đã thu thập được có bảo đảm tính khách quan, đủ căn cứ để chứng minh, buộc tội bị can hay không?... Sau đó KSV thực hiện kết thúc việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh theo quy định tại Điều 12 Quy trình tạm thời số 264 theo đó KSV thực hiện việc thông báo buổi hỏi cung kết thúc và nhấn nút kết thúc, đọc rõ thời gian kết thúc và ghi vào biên bản hỏi cung biên bản ghi lời khai; việc bị can thực hiện khai bổ sung hoặc để nghị sửa chữa biên bản hỏi cung, biên bản ghi lời khai hoặc bị can tự viết bổ sung vào biên bản hỏi cung, biên bản ghi lời khai; việc phối hợp với cán bộ chuyên môn sao chép, lập biên bản giao nhận và đưa 02 bản sao chép vào hồ sơ vụ án, hồ sơ kiểm sát.
Dữ liệu về cuộc hỏi cung bị can, lấy lời khai tại cơ sở giam giữ hoặc được thực hiện trên thiết bị ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh cơ động phải được sao lưu trên hệ thống lưu trữ điện tử của VKS các cấp.
 KSV có thể trực tiếp tiến hành ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong các trường hợp: lấy lời khai người làm chứng, người bị hại, đương sự; đối chất hoặc trực tiếp tiếp nhận, giải quyết TG, TBTP, KNKT theo quy định tại Điều 13 Quy trình tạm thời số 264.
KSV phải bảo quản, lưu trữ, sử dụng kết quả và quản lý hệ thống thiết bị kỹ thuật ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh theo quy định tại Chương IV Quy trình tạm thời số 264./.

Tác giả bài viết: Lê Xuân Quang

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyển đổi số
Hưởng ứng giải  Búa Liềm Vàng
Giải báo chí phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Công khai ngân sách
Mail công vụ
Thống Kê Truy Cập
  • Đang truy cập21
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm19
  • Hôm nay4,543
  • Tháng hiện tại487,315
  • Tổng lượt truy cập17,371,105
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây