Căn cứ pháp lý để Kiểm sát viên thực hiện quyền hạn này được quy định tại các điều 41, 42, 85, 132, 165, 167, 441 BLTTHS năm 2015; Điều 3 và Điều 14 Luật Tổ chức VKSND năm 2014; ngoài ra còn được hướng dẫn, quy định tại Điều 11 Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT-VKSNDTC- BCA-BQP ngày 19/10/2018 của Viện KSND tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng quy định về phối hợp giữa CQĐT và Viện kiểm sát trong việc thực hiện một số quy định của BLTTHS; Điều 47 Quy chế công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố ban hành kèm theo Quyết định số 111/QĐ-VKSTC ngày 17/4/2020 của Viện trưởng VKSND tối cao (gọi tắt là Quy chế số 111/2020); Mẫu số 83/HS ban hành kèm theo Quyết định số 15/QĐ-VKSTC ngày 09/01/2018 của Viện trưởng VKSND tối cao về mẫu văn bản tố tụng, văn bản nghiệp vụ thực hiện trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố.
Yêu cầu điều tra của Kiểm sát viên trong các vụ án hình sự nói chung và trong các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói riêng có vai trò định hướng đối với Điều tra viên (ĐTV) trong việc thu thập, củng cố chứng cứ, hoàn thiện thủ tục tố tụng của vụ án, bảo đảm việc điều tra khách quan, toàn diện và đầy đủ. Việc đề ra yêu cầu điều tra của KSV được thực hiện bằng văn bản hoặc bằng lời nói, tuy nhiên trên thực tế chủ yếu được thực hiện bằng văn bản, còn việc yêu cầu điều tra bằng lời nói chỉ trong trường hợp KSV trực tiếp kiểm sát các hoạt động điều tra như khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, thực nghiệm điều tra, đối chất, nhận dạng và đối với các vụ án thuộc trường hợp phạm tội quả tang, sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng.
Các bước yêu cầu điều tra bằng văn bản
Hiện nay vẫn chưa có quy trình, quy định thao tác của Kiểm sát viên khi ban hành yêu cầu điều tra để áp dụng thống nhất trong toàn ngành. Từ thực tiễn, cũng như tham khảo kinh nghiệm, tác giả đưa ra quy trình 07 bước xây dựng, ban hành, kiểm sát việc thực hiện văn bản yêu cầu điều tra trong các vụ án hình sự nói chung và trong các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói riêng, theo đó:
Bước 1: Nghiên cứu kỹ các tài liệu có trong hồ sơ; nắm vững các quy định của pháp luật và các văn bản hướng dẫn liên quan để áp dụng giải quyết vụ án cụ thể.
Bước 2: Xác định, tổng hợp, phân loại những vấn đề cần phải chứng minh trong vụ án. Trong quá trình tố tụng, đối với vụ án xâm phạm sở hữu, KSV đề ra yêu cầu điều tra, yêu cầu CQĐT chứng minh những vấn đề quy định tại Điều 85 BLTTHS năm 2015, cụ thể:
Đề ra yêu cầu điều tra để xác định đúng tội danh: để chứng minh có hành vi chiếm đoạt không, hay chỉ là quan hệ dân sự, hành vi gian dối có trước hành vi chiếm đoạt tài sản hay không? Có hay không hành vi chiếm đoạt tài sản thông qua thủ đoạn gian dối...
Đề ra yêu cầu điều tra để xác định người phạm tội: Cần xác minh căn cước, lai lịch, tiền án, tiền sự, đặc điểm nhận dạng của từng đối tượng, xác định năng lực trách nhiệm hình sự của người phạm tội, thái độ trước, trong và sau khi phạm tội cũng như hành vi cố ý gian dối để lấy lòng tin nhằm chiếm đoạt tài sản; xác định những tài sản thuộc sở hữu của người phạm tội phục vụ việc kê biên, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt. Trong vụ án có đồng phạm, phải làm rõ vị trí, vai trò của từng đối tượng. Trường hợp người có hành vi phạm tội xâm phạm sở hữu với lỗi cố ý gián tiếp thì để xác định hành vi có cấu thành tội phạm hay không phải căn cứ vào tình tiết cụ thể của vụ án.
Đề ra yêu cầu điều tra để làm rõ những vấn đề khác: cần yêu cầu CQĐT xác định rõ bị hại là ai. Sau khi xác định được bị hại thì phải yêu cầu CQĐT thu thập các tài liệu, chứng cứ liên quan đến bị hại. Bên cạnh đó, cần yêu cầu định giá tài sản bị chiếm đoạt; trưng cầu giám định chữ viết, chữ ký trong các hợp đồng, giấy biên nhận vay mượn tiền; việc tạm giữ, kê biên tài sản để bảo đảm bồi thường, bồi hoàn cho bị hại...
Bước 3: Nghiên cứu các thủ tục tố tụng, xác định những thủ tục nào chưa được thực hiện hay đã thực hiện nhưng chưa đúng quy định của BLTTHS để yêu cầu Cơ quan điều tra thực hiện và khắc phục, bổ sung, hoàn thiện.
Bước 4: Soạn thảo yêu cầu điều tra bảo đảm đúng hình thức, nội dung đã nghiên cứu.
Sau khi đã nghiên cứu hồ sơ và tổng hợp các vấn đề cần phải yêu cầu điều tra trong vụ án, KSV tiến hành dự thảo văn bản yêu cầu điều tra.
Văn bản yêu cầu điều tra bao gồm hai phần là căn cứ ban hành và các vấn đề yêu cầu điều tra. Văn bản này phải thực hiện theo đúng Mẫu số 83/HS ban hành kèm theo Quyết định số 15/QĐ VKSTC ngày 09/01/2018 của Viện trưởng VKSND tối cao.
Bước 5: Báo cáo lãnh đạo và ký ban hành văn bản yêu cầu điều tra.
Sau khi KSV ký và đóng dấu, bản yêu cầu điều tra được gửi cho CQĐT và lưu hồ sơ kiểm sát. KSV cần làm việc với ĐTV về từng nội dung yêu cầu điều tra để có sự thống nhất về hoạt động điều tra. Những nội dung nào ĐTV chưa rõ hoặc hiểu chưa đầy đủ thì cần giải thích. Trong trường hợp cần thiết có thể trao đổi với ĐTV về cách thức tiến hành điều tra để đạt được nội dung theo yêu cầu điều tra. Nên gửi thêm văn bản yêu cầu điều tra cho cả lãnh đạo CQĐT để biết, theo dõi và chỉ đạo đối với ĐTV (theo Quy chế phối hợp đã ký kết của đơn vị).
Bước 6: KSV thường xuyên theo dõi tiến độ điều tra, những vấn đề phát sinh cần điều tra tiếp thì trao đổi trực tiếp bằng lời nói hoặc tiếp tục ban hành văn bản yêu cầu điều tra với ĐTV để củng cố làm rõ vụ án.
Bước 7: Trước khi vụ án kết thúc điều tra, KSV phải nghiên cứu hồ sơ để xác định toàn bộ những yêu cầu điều tra đã được ĐTV, Cơ quan điều tra thực hiện đúng và đầy đủ chưa, KSV và ĐTV cùng nhau rà soát lại toàn bộ chứng cứ, thủ tục tố tụng có trong hồ sơ vụ án và lập biên bản làm việc, nếu xét thấy còn những vấn đề cần phải chứng minh, thu thập thì KSV yêu cầu ĐTV phải hoàn tất trước khi kết luận điều tra vụ án.
Một số đề xuất, kiến nghị
Mặc dù BLTTHS năm 2015, Luật tổ chức VKSND năm 2014 và các văn bản pháp luật khác liên quan đã quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát trong việc đề ra yêu cầu điều tra và trách nhiệm thực hiện các yêu cầu điều tra của CQĐT, nhưng không phải mọi yêu cầu điều tra đều được CQĐT nghiêm túc thực hiện triệt để, đúng thời hạn. Để đảm bảo việc thực hiện các yêu cầu điều tra hiệu quả, tác giả đề xuất, kiến nghị như sau:
Một là, cần ký kết các quy chế phối hợp giữa lãnh đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra với lãnh đạo Viện kiểm sát để chỉ đạo giải quyết các vụ án hình sự. Đối với một số vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản có tính chất phức tạp về hành vi phạm tội, về các vấn đề cần chứng minh, có sự khác nhau trong quan điểm, đường lối xử lý vụ án giữa các cơ quan tiến hành tố tụng thì cần sự tham gia phối hợp liên ngành các cơ quan tư pháp ngay từ khi khởi tố vụ án, để đảm bảo các yêu cầu điều tra của Viện kiểm sát được thực hiện triệt để, cần coi đây là biện pháp nhằm bảo đảm việc thực hiện quyền yêu cầu của Viện kiểm sát nhằm tăng cường trách nhiệm công tố, tránh oan, sai và bỏ lọt tội phạm.
Hai là, KSV và ĐTV phải phối hợp chặt chẽ trong thực hiện yêu cầu điều tra. KSV phải có kế hoạch, phương pháp thực hiện cụ thể (Điều 48 Quy chế số 111/2020). Khi CQĐT tiến hành hỏi cung, lấy lời khai các bị can hoặc đối tượng theo yêu cầu điều tra của Viện kiểm sát thì KSV phải tham gia để làm rõ các yêu cầu đó.
Ba là, đối với lãnh đạo Viện kiểm sát các cấp, cần tổ chức, bố trí, sắp xếp, phân công cán bộ, KSV có trình độ, chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, có kinh nghiệm, bản lĩnh trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra để phát huy thế mạnh trong việc đề ra yêu cầu điều tra, bảo đảm yêu cầu điều tra có chất lượng, góp phần giải quyết vụ án nhanh chóng, chính xác, đúng quy định của pháp luật; chú trọng việc hướng dẫn, chỉ đạo KSV đề ra yêu cầu điều tra và cần thiết phải duyệt văn bản này trước khi ban hành; thường xuyên rút kinh nghiệm trong đơn vị; tăng cường công tác bồi dưỡng tại chỗ cho KSV về kỹ năng xây dựng bản yêu cầu điều tra thông qua các cuộc thi viết yêu cầu điều tra; tập hợp những bản yêu cầu điều tra có chất lượng nhất là những vụ án trọng điểm, dư luận quan tâm để nhân rộng cho các KSV trong đơn vị nghiên cứu, học tập. Đối với KSV cần phải thường xuyên trau dồi kiến thức nghiệp vụ chuyên môn, bản lĩnh nghề nghiệp, thường xuyên tổng hợp, tích lũy kinh nghiệm từ những thông báo rút kinh nghiệm của Viện kiểm sát cấp trên.
Bốn là, cần tổng kết, rút kinh nghiệm về công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, trong đó có việc đề ra yêu cầu điều tra, đặc biệt là kỹ năng ban hành, trình tự và các bước tiến hành xây dựng một bản yêu cầu điều tra, kịp thời cập nhật kiến thức, phương pháp điều tra đối với các loại tội phạm mới hoặc thủ đoạn phạm tội mới... để tạo điều kiện cho KSV chủ động trong việc nghiên cứu đề ra yêu cầu điều tra. Ngoài ra, VKSND tối cao cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định trong Quy chế số 111/2020 theo hướng rõ hơn, đầy đủ hơn các quy trình, thao tác của KSV khi ban hành yêu cầu điều tra để áp dụng thống nhất trong toàn ngành.