Một số lưu ý trong xét hỏi, công bố “tài liệu số hóa” tại phiên tòa hình sự

Thứ sáu - 29/10/2021 03:51
Thực tiễn cho thấy, việc trình chiếu tài liệu đã được số hóa tại phiên toà là cách thức công bố và xem xét chứng cứ sinh động, thuyết phục hơn so với phương pháp trình bày bằng lời nói, qua đó, bảo đảm thực hiện tốt nguyên tắc công khai chứng cứ tại phiên tòa và tăng cường hiệu quả hoạt động tranh tụng. Vì vậy, hình thức công bố  tài liệu này ngày càng được Viện kiểm sát các địa phương phối hợp với TAND cùng cấp áp dụng.
Thời điểm công bố “tài liệu số hoá” tại phiên tòa
Việc công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa của Kiểm sát viên được thực hiện ở phần “thủ tục tranh tụng tại phiên tòa” quy định tại Mục V của Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS). Mục đích cuối cùng là để: Xác định sự thật của vụ án (Điều 15 BLTTHS); trình bày, tranh luận, làm rõ chứng cứ, các tình tiết, nội dung vụ án tại phiên tòa (Điều 26 BLTTHS); để đối đáp đến cùng từng ý kiến của bị cáo, người bào chữa, người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa (khoản 2 Điều 322 BLTTHS).
Kiểm sát viên khi công bố chứng cứ, tài liệu phải tuân theo quy định tại các điều 308, 312, 315 BLTTHS như: Nếu người được xét hỏi có mặt tại phiên tòa thì Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên không được công bố lời khai của họ trong các giai đoạn điều tra, truy tố. Chỉ được công bố lời khai trong giai đoạn điều tra, truy tố khi thuộc một trong các trường hợp: lời khai của người được xét hỏi tại phiên tòa mâu thuẫn với lời khai của họ trong giai đoạn điều tra, truy tố; người được xét hỏi không khai tại phiên tòa hoặc không nhớ lời khai của mình; người được xét hỏi vắng mặt hoặc đã chết hoặc người được xét hỏi đề nghị công bố lời khai của họ … Ngoài ra những tài liệu mật khi công bố phải được giải mật, được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa, coi hoạt động này là nội dung trọng tâm, trung tâm của thực hành quyền công tố theo tinh thần Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 31/12/2020 của Viện trưởng VKSND tối cao, chúng tôi xin nêu một số giải pháp nhằm nâng cao kỹ năng, chất lượng các hoạt động xét hỏi, tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa hình sự thông qua số hóa hồ sơ.
Thu thập chứng cứ đến đâu, nên số hóa đến đó
Thứ nhất, tăng cường quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động tranh tụng
Tăng cường vai trò, trách nhiệm, nêu gương của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trực tiếp tham gia thực hành quyền công tố, xét xử các phiên tòa rút kinh nghiệm án hình sự có áp dụng số hóa hồ sơ để Kiểm sát viên, công chức trong đơn vị cùng học tập, trao đổi, rút kinh nghiệm nâng cao kỹ năng nghiệp vụ. Ngoài ra, lãnh đạo đơn vị phải thường xuyên theo dõi phiên tòa xét xử vụ án hình sự của Kiểm sát viên để nắm bắt, chỉ đạo chấn chỉnh hoạt động tranh tụng của Kiểm sát viên, giúp Kiểm sát viên luôn có ý thức đề cao trách nhiệm, chú trọng chất lượng khi thực hiện nhiệm vụ này.
Thứ hai, kiểm sát chặt chẽ hoạt động điều tra, tạo tiền đề cho hoạt động số hóa, tranh tụng tốt tại phiên tòa
Kiểm sát viên luôn phải thực hiện “kiểm sát điều tra từ đầu”, nêu yêu cầu điều tra (yêu cầu đặt ra là phải truy tìm, củng cố, đánh giá chứng cứ cả trên chiều rộng và chiều sâu, bảo đảm đạt được bản chất thật, tính thống nhất, liên quan của các chứng cứ, đề phòng tình huống chối tội, phản cung, kêu oan sau này), dự nghe hỏi cung để góp ý với Điều tra viên, hỏi cung cùng Điều tra viên, trực tiếp hỏi cung, lấy lời khai để phát hiện vi phạm trong quá trình giải quyết vụ án và đề xuất áp dụng các biện pháp bảo đảm tất cả các vấn đề cần chứng minh trong vụ án hình sự quy định tại Điều 85 BLTTHS phải được giải quyết một cách triệt để. Khi thu thập chứng cứ đến đâu thì nên số hóa đến đó, nên số hoá theo hình thức cây thư mục sẽ dàng cho việc nhận định, củng cố chứng cứ. Ví dụ như cây thư mục sẽ có các mục: nhóm hành vi phạm tội cụ thể của từng bị cáo mà Viện kiểm sát đã xác định (kể cả hành vi không truy tố); Nhóm các chứng cứ mà Viện kiểm sát dùng làm căn cứ xác định tội phạm và người phạm tội; Nhóm những tình tiết định khung hình phạt, tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với bị can, Nhóm chứng cứ xác định tội danh và điều khoản… Việc phân loại theo từng nhóm chứng cứ sẽ giúp Kiểm sát viên làm chủ việc chứng minh, giúp cho việc giải quyết vụ án được nhanh chóng, dễ dàng trình chiếu những chứng cứ điện tử để giải quyết được những mâu thuẫn, bảo vệ được cáo trạng, tranh tụng tốt tại phiên tòa.
Thứ ba, Kiểm sát viên phải chủ động dự kiến, xử lý tốt tình huống tại phiên tòa
Sau khi nắm chắc từng nội dung số hóa hồ sơ ở những giai đoạn tố tụng trước, tùy thuộc vào diễn biến phiên tòa, Kiểm sát viên chủ động tham gia xét hỏi, chọn lựa phương pháp xét hỏi phù hợp phục vụ việc chứng minh và khẳng định các tài liệu được thu thập trong quá trình điều tra có trong hồ sơ vụ án đã bảo đảm tính hợp pháp, tính khách quan, tính liên quan của tài liệu chứng cứ theo Điều 86, Điều 88 BLTTHS.
Khi xét hỏi, Kiểm sát viên tập trung vào những nội dung Hội đồng xét xử chưa hỏi hoặc hỏi rồi nhưng còn thiếu hoặc chưa rõ, hỏi về những nội dung còn có mâu thuẫn và hỏi để chuẩn bị cho đối đáp tranh tụng. Trong trường hợp bị cáo chối tội, Kiểm sát viên không nên hỏi ngay bị cáo, mà hỏi người làm chứng, công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh đã được thu thập hợp pháp đúng quy định tố tụng để chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo để bị cáo xác nhận; công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh lời khai bị cáo trong giai đoạn điều tra, truy tố sau đó mới hỏi bị cáo để bị cáo nhận thức và thừa nhận chứng cứ buộc tội. Trường hợp các vụ án đồng phạm có nhiều Luật sư bào chữa nêu ý kiến thì Kiểm sát viên phải chú ý lắng nghe, ghi chép đầy đủ và phân loại thành từng nhóm vấn đề để kịp thời truy xuất dữ liệu tại các bản trích cứu điện tử, tài liệu hồ sơ đã số hóa để đối đáp, tranh luận.
Thứ tư, tạo điều kiện để người bào chữa tham gia sớm và thực hiện đầy đủ quyền của họ theo quy định pháp luật
Kiểm sát viên phải bảo đảm cho người bào chữa và người tham gia tố tụng khác tham gia các hoạt động điều tra như hỏi cung bị can, lấy lời khai những người tham gia tố tụng, thu thập, đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu… theo quy định tại Điều 73 BLTTHS; tôn trọng và xem xét đầy đủ, kịp thời ý kiến của người bào chữa, người tham gia tố tụng khác theo quy định của pháp luật, nhằm bảo đảm việc điều tra, thu thập chứng cứ khách quan, toàn diện và đúng pháp luật. Qua đó góp phần nâng cao giá trị chứng minh của chứng cứ khi số hóa hồ sơ tài liệu, bảo đảm tranh tụng về sau đạt kết quả tốt, tránh oan, sai.
Năm là, phối hợp tốt với các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan liên quan đến hoạt động xét xử
Tăng cường ký kết, thực hiện nghiêm quy chế phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, trên cơ sở tôn trọng chức năng, nhiệm vụ của mỗi ngành theo quy định của pháp luật và vận dụng triệt để các quy định của Thông tư liên tịch như: Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP, Thông tư liên tịch số 02/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP để thống nhất đường lối giải quyết, hạn chế các trường hợp truy tố thiếu căn cứ, sai tội danh, sai khung hình phạt của Viện kiểm sát... Bên cạnh đó, lãnh đạo đơn vị luôn theo dõi chặt chẽ các vụ án và có hướng chỉ đạo kịp thời; nhất là đối với các vụ án phức tạp, có nhiều quan điểm khác nhau, chủ động họp liên ngành để cùng nhau tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhằm bảo đảm vụ án được khởi tố, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, tránh bỏ lọt tội phạm hay oan sai.
Như trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, Kiểm sát viên phối hợp chặt chẽ với Thẩm phán được phân công thường xuyên có sự trao đổi nghiệp vụ, nhằm tháo gỡ, khắc phục những thiếu sót có thể xảy ra, cũng như tạo điều kiện cho việc trình chiếu công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa.

Tác giả bài viết: Lê Xuân Quang


 

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn