Chào mừng 30/4
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh

Cách thức kiểm tra, số hóa hồ sơ trong các vụ án Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ

Thứ sáu - 29/10/2021 03:45 1.251 0
Chúng ta đều biết, công nghệ thông tin có vai trò đặc biệt quan trọng, là khâu đột phá thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế - xã hội, là động lực to lớn trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào đấu tranh phòng, chống tội phạm là tất yếu khách quan trong bối cảnh hiện nay.
Để góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành Kiểm sát nhân dân theo Chỉ thị số 03/CT-VKSTC ngày 17/5/2021 trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ án hình sự nhằm đẩy mạnh công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ án hình sự, bảo đảm việc tham mưu, đề xuất trong quá trình giải quyết nhanh gọn, kịp thời, chuẩn xác, toàn diện, góp phần đảm bảo tránh oan sai và bỏ lọt tội phạm. Để quá trình tranh tụng trong vụ án “vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” nói riêng và các vụ án hình sự nói chung đúng quy định pháp luật, bảo vệ tốt cáo trạng của Viện kiểm sát, trong phạm vi bài viết tác giả xin đưa ra “Cách thức kiểm tra, số hóa hồ sơ trong các vụ án vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”, mong rằng sẽ góp một phần nhỏ trong việc thực hiện tốt nguyên tắc công khai chứng cứ tại phiên tòa và tăng cường hoạt động tranh tụng theo yêu cầu của cải cách tư pháp.
  Cách thức kiểm tra, số hóa tài liệu tố tụng
Một là, các quyết định tố tụng trong hồ sơ có được thiết lập đúng theo các quy định của tố tụng hình sự, đúng mẫu ban hành, đủ căn cứ ban hành quyết định, đã thể hiện rõ nội dung hành vi, điều khoản áp dụng hay chưa; số ngày tháng ban hành đúng không; người ký lệnh, quyết định, người lập biên bản đã ký, đóng dấu chưa, có thẩm quyền ký không; thông tin ghi trong lệnh, quyết định có đúng không; đối với lệnh tạm giam, quyết định gia hạn tạm giữ cần chú ý cách tính ngày giờ tạm giam, tạm giữ của CQĐT; giờ ngày tháng lập biên bản có phù hợp với giờ kết thúc không; biên bản có gạch chéo phần trống không;...
Hai là, các biên bản lấy lời khai, biên bản hỏi cung bị can này,  có thực hiện đúng các quy định của Điều 183 và Điều 184 BLTTHS quy định về hỏi cung bị can và biên bản hỏi cung bị can. Để tránh việc “phản cung”, chối tội của bị can trong các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử (nhất là tại phiên toà) thì trong giai đoạn điều tra Kiểm sát viên phải phối hợp cùng cơ quan điều tra thực hiện nghiêm ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh khi hỏi cung bị can, lấy lời khai theo đúng Quyết định số 264/QĐ-VKSTC ngày 21/7/2020 của Viện trưởng VKSND tối cao. Nếu trường hợp ở những nơi chưa đáp ứng đủ điều kiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh khi hỏi cung bị can, lấy lời khai thì KSV yêu cầu Điều tra viên, cán bộ điều tra sau khi hỏi cung bị can xong thì để cho bị can tự đọc và tự viết (nếu bị can biết chữ) vào cuối biên bản bị can tự ghi “tôi đã tự đọc lại biên bản, công nhận đúng nội dung lời khai của mình” hoặc mời người làm chứng, chứng kiến việc Điều tra viên, cán bộ điều tra  đọc lại biên bản (với bị can không biết chữ). Những nội dung biên bản hỏi cung quan trọng cần thiết phải cho bị can viết bản tường trình, bản tự khai kèm theo. Khi nghiên cứu hồ sơ thấy những biên bản ghi lời khai, biên bản hỏi cung còn nhiều chỗ trống thì phải yêu cầu Điều tra viên, cán bộ điều tra gạch chéo để tránh tình trạng ghi thêm; nếu có tẩy xoá phải có xác nhận của bị can, người đã khai báo; các trang biên bản phải có đầy đủ chữ ký của người khai báo…
Trong trường hợp này, trước khi số hóa hồ sơ Kiểm sát viên nên ban hành yêu cầu điều tra đồng thời nêu rõ thiếu hoặc chưa thực hiện đầy đủ thủ tục tố tụng nào, ở trang tài liệu nào, phương pháp và cách thức khắc phục ra sao. Yêu cầu đặt ra là lập biên bản mới; nếu sửa chữa thì phải chỉ rõ cụ thể. Nếu có sự mâu thuẫn về không gian, thời gian, địa điểm của các văn bản tố tụng thì nêu đích danh ở biên bản nào, lời khai nào để yêu cầu khắc phục. Đây là thủ tục bắt buộc để Hội đồng xét xử đánh giá khi tuyên án có hay không vi phạm hoặc vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hình sự.
Sau khi khắc phục, hoàn thiện đầy đủ thủ tục tố tụng thì KSV tiến hành số hóa. Quá trình số hóa hồ sơ vụ án đối với thủ tục tố tụng trên thực tế thường số hóa theo trình tự thủ tục tố tụng (Số hóa theo thứ tự thời gian) để dễ dàng truy xuất khi cần thiết.
          Cách thức kiểm tra, số hóa tài liệu về chứng cứ chứng minh.
Trước khi số hóa hồ sơ đối với vụ án “vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” kiểm sát viên phải tổng hợp, phân tích, đánh giá chứng cứ, tài liệu trong hồ sơ vụ án một cách toàn diện, khách quan, đánh giá từng tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ (đã đảm bảo giá trị chứng minh của chứng cứ hay chưa) nhất là trong các vụ án phức tạp,… thì kiểm sát viên phải làm rõ được các vấn đề sau:
          Thứ nhất, biên bản khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn giao thông đã có các dấu vết như: Dấu vết phanh (là loại dấu vết hình thành khi người điều khiển phương tiện đạp phanh tạo vết lết của lốp xe trên mặt đường) ; Vết cà xước (dấu vết này hình thành trên mặt đường khi đã có sự đâm va, chạm quệt giữa các phương tiện làm cho một hoặc cả hai bên phương tiện bị đổ ngã, kéo lê hoặc quăng quật trên mặt đường tạo thành); Vết trượt của lốp xe để lại trên mặt đường; Dấu vết máu (tồn tại dưới dạng lấm tấm, máu bị quệt, máu thấm, loang, đông, khô…), dấu vết là các chất lỏng khác (như xăng, dầu, nước, bia, rượu, hóa chất, hàng hóa khác) vì tất cả những dấu vết này có ý nghĩa trong việc xác định vị trí đâm va, chiều hướng vận động của phương tiện, điểm chạm và truy nguyên phương tiện gây tai nạn bỏ chạy. 
          Thứ hai, có các tài liệu khám nghiệm hiện trường hay thực nghiệm dựng lại hiện trường vụ tai nạn hay chưa. Vì những tài liệu này sẽ phản ánh cơ chế hình thành dấu vết hình sự trong các vụ tai nạn giao thông, phản ánh quá trình diễn biến vụ tai nạn giao thông qua việc nghiên cứu, phân tích đặc điểm các dấu vết để lại trên mặt đường, phương tiện và trên người bị hại có thể giúp xác định chính xác lực tác động, vật gây vết, cơ chế hình thành dấu vết, chiều hướng chuyển động của phương tiện. Bên cạnh đó, các dấu vết để lại trên hiện trường từ vết phanh đến điểm chạm đầu tiên, quá trình văng, va đập, đổ ngã của người, phương tiện sẽ giúp xác định lỗi của các bên tham gia giao thông, qua đó định hướng phương pháp điều tra, làm rõ nguyên nhân gây tai nạn, xác định lỗi của các bên.
          Thứ ba, Cơ quan điều tra đã tiến hành thu giữ phương tiện tham gia giao thông như xe ôtô, xe máy, đồ vật như quần áo, giầy dép .. của nạn nhân để lại tại hiện trường hay chưa. Nhằm đánh giá các dấu vết được hình thành khi có sự đâm va giữa các phương tiện với nhau, phương tiện với người như dấu vết trượt, cà xước để lại trên các phương tiện có liên quan đến vụ tai nạn va quệt nhau; Dấu vết lông, tóc, sợi hoặc các phần nội tạng, phần cơ thể của nạn nhân bám trên phương tiện; Dấu vết để lại trên mũ, nón, quần áo, giầy dép, tư trang của nạn nhân giúp cho chúng ta xác định chính xác vị trí đâm va giữa phương tiện với nạn nhân.
Thứ tư, Cơ quan điều tra đã làm rõ được mối quan hệ với nhau giữa lời khai của đối tượng gây tai nạn; của người bị hại, của bị can; lời khai của người làm chứng,... trong các biên bản ghi lời khai hay chưa; nội dung các lời khai này có phản ánh đầy đủ các nội dung như: vị trí, khoảng cách từ nơi người làm chứng quan sát đến nơi xảy ra tai nạn; hướng chuyển động của từng loại phương tiện; vị trí người, đồ vật, phương tiện sau khi xảy ra tai nạn; đặc điểm, loại phương tiện gây tai nạn, màu sơn, biển số; phản ứng của nạn nhân trước, trong và sau khi xảy ra tai nạn, xác định hướng di chuyển phần, phía nào của đường; Người điều khiển phương tiện gây tai nạn đã xử lý như thế nào trước khi khi xảy ra tai nạn; Tình trạng mặt đường, thời tiết, thời điểm, lưu lượng phương tiện xung quanh tại thời điểm xảy ra vụ tai nạn; Nguyên nhân xảy ra vụ tai nạn; Yêu cầu bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản…..
Thứ năm, Cơ quan điều tra đã có Kết quả khám nghiệm tử thi, Kết luận giám định tử thi hay chưa vì đây là nguồn chứng cứ được sử dụng để chứng minh các dấu vết để lại trên người nạn nhân có liên quan đến vụ tai nạn giao thông. Các tài liệu này cần xác định rõ dấu vết trên người bị nạn được kiểm tra từ bên ngoài (quần áo) đến thân thể của nạn nhân theo đúng các quy định của pháp luật, xác định dấu vết cụ thể nào là nguyên nhân chính dẫn đến cái chết của nạn nhân, qua phân tích đối chiếu với các chứng chứng cứ khác để đánh giá nguyên nhân chết có phải là tai nạn giao thông gây ra hay không phải. Nếu người bị nạn bị thương nặng có thể dẫn đến tử vong thì cần phải lấy sinh cung ngay để đề phòng nạn nhân chết thì toàn bộ lỗi, hậu quả vụ tai nạn bị các bên liên quan có thể đổ hết lỗi cho nạn nhân. Khi lấy sinh cung cần lưu ý xem cơ quan điều tra đã làm rõ được một trong các vấn đề sau chưa: Khi tai nạn xảy ra họ đang làm gì, ở đâu, phần nào, phía nào của đường; Hướng di chuyển theo dòng xe xuôi hay ngược; Chiều hướng chuyển động của từng loại phương tiện; Khi nào họ phát hiện thấy phương tiện gây tai nạn; Đặc điểm phương tiện họ điều khiển và phương tiện người gây tai nạn (loại, màu sơn, biển số…); Tốc độ phương tiện và phần đường, làn đường chuyển động; Người điều khiển phương tiện gây tai nạn đã xử lý như thế nào khi xảy ra tai nạn; Tình trạng mặt đường, lưu lượng phương tiện xung quanh tại thời điểm xảy ra vụ tai nạn; Nguyên nhân xảy ra vụ tai nạn;…
Kiểm sát viên phải lưu ý dấu vết để lại trên tử thi nếu không phù hợp với dấu vết để lại tại hiện trường cần đặt giả thiết nghi ngờ còn có dấu hiệu của một vụ việc khác không liên quan đến vụ tai nạn giao thông (ví dụ: Trường hợp nạn nhân bị chết với dấu vết sắc nhọn thấu tim hoặc trong phổi có dấu hiệu thiếu ô xy cần đặt dấu hỏi nghi bị chết do đánh, do bị giết, do chết ngạt .. trước khi vụ tai nạn xảy ra), do vậy cần phải đề nghị trưng cầu lại giám định Pháp y để làm rõ. Trường hợp nạn nhân chết chưa rõ tung tích thì cần yêu cầu kỹ thuật hình sự tiến hành lấy vân tay, chụp ảnh nhận dạng… phục vụ cho công tác truy tìm nạn nhân sau này. Những dấu vết, vật chứng phát hiện thu thập được trong quá trình xem xét dấu vết trên người bị nạn phải được mô tả ghi chép, chụp ảnh và lập biên bản, bảo quản cẩn thận theo đúng quy định của pháp luật.
Thứ sáu, đối với những nạn nhân bị thương trong các vụ án tai nạn giao thông kiểm sát viên phải lãm rõ việc cơ quan điều tra đã thu thập hồ sơ bệnh án hay chưa, đã yêu cầu cơ quan giám định Pháp y xác định rõ mức độ tổn hại sức khỏe hoặc khả năng lao động bằng tỷ lệ % hay chưa, đây cũng là cơ sở cho việc xác định các tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự, cũng như việc bồi thường dân sự do hành vi phạm tội gây ra sau này.
Thứ bảy, Cơ quan điều tra đã trương cầu định giá tài sản hay chưa, có Kết luận định giá tài sản chưa vì đây là căn cứ “cần”, là yếu tố bắt buộc để Cơ quan Điều tra, Viện Kiểm sát xem xét việc có khởi tố điều tra truy tố hay không đối với người vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Theo qui định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 qui định người tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại về tài sản cho người khác từ 100.000.000 đồng trở lên thì phải chịu trách nhiệm hình sự. Về chứng cứ, chú ý đến hồ sơ định giá tài sản về phần thủ tục cũng như nội dung (thành phần tham gia, cách tính giá trị hao mòn tài sản ..) của cơ quan chuyên môn trong quá trình định giá cần thực hiện theo qui định pháp luật.
          Thứ tám, ngoài những tình tiết trên cần phải làm rõ một số tình tiết là yếu tố định khung hình phạt theo Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017, đó là: Đối tượng gây tai nạn không có giấy phép lái xe theo quy định; Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác; Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn; Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông. Đây là những tình tiết cần phải chứng minh thông các tài liệu, báo cáo của cơ quan có thẩm quyền, trong quá trình điều tra phải làm rõ xử lý đúng lỗi, cũng là tránh bỏ lọt lỗi vi phạm.
Sau khi tổng hợp, phân tích, đánh giá chứng cứ, tài liệu trong hồ sơ vụ án một cách toàn diện, khách quan đảm bảo đầy đủ các thuộc tính của chứng cứ Kiểm sát viên phải phân loại các loại chứng cứ trước khi đưa vào số hóa cụ thể như: Các chứng cứ nào thuộc nhóm chứng cứ trực tiếp, chứng cứ gián tiếp, chứng cứ buộc tội, chứng cứ gỡ tội, chứng cứ gốc, chứng cứ sao chép lại, thuật lại… Việc kiểm sát viên phân loại theo từng nhóm chứng cứ sẽ giúp kiểm sát viên làm chủ giá trị chứng minh, giúp cho việc giải quyết vụ án được nhanh chóng, dễ dàng trình chiếu những chứng cứ điện tử để giải quyết được những mâu thuẫn, bảo vệ được cáo trạng của VKS tại tòa.
Lưu ý về cách thức số hóa hồ sơ
Khi thu thập chứng cứ đến đâu thì nên số hóa đến đó, nên số theo hình thức cây thư mục sẽ dàng cho việc nhận định củng cố thu thập chứng cứ. Ví dụ như cây thư mục sẽ có các mục: nhóm hành vi phạm tội cụ thể của bị can mà Viện kiểm sát đã xác định (kể cả hành vi không truy tố); Nhóm các chứng cứ mà Viện kiểm sát dùng làm căn cứ xác định tội phạm và người phạm tội; Nhóm những tình tiết định khung hình phạt, tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với bị can, Nhóm chứng cứ xác định Tội danh và điều khoản …
Thực tiễn cho thấy việc cách thức kiểm tra, số hóa hồ sơ trong các vụ án Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ nói riêng và các vụ án hình sự nói chung thực hiện tốt sẽ giúp quá trình công bố, trình chiếu các tài liệu, chứng cứ tại phiên tòa được thực hiện tốt, giúp cho kiểm sát viên bảo vệ cáo trạng thuyết phục và hiệu quả cao hơn so với phương pháp trình bày bằng lời nói. Qua đó, đảm bảo thực hiện tốt nguyên tắc công khai chứng cứ tại phiên tòa và tăng cường hiệu quả hoạt động tranh tụng.

Tác giả bài viết: Lê Xuân Quang

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyển đổi số
Hưởng ứng giải  Búa Liềm Vàng
Giải báo chí phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Công khai ngân sách
Mail công vụ
Thống Kê Truy Cập
  • Đang truy cập60
  • Hôm nay5,549
  • Tháng hiện tại136,506
  • Tổng lượt truy cập16,665,428
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây