Chào mừng 30/4
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh

“Ngũ quý” người cán bộ Kiểm sát cần có

Thứ tư - 08/12/2021 06:25 1.346 0
Kiểm sát chúng ta đã trải qua hơn 60 năm xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quan tâm, phối hợp của các cấp, các ngành, sự đồng tình ủng hộ của Nhân dân, ngành Kiểm sát nhân dân đã không ngừng phấn đấu, trưởng thành, khắc phục khó khăn trở ngại để tiếp tục thực hiện tốt các chủ trương cải cách tư pháp của Đảng, góp phần xây dựng nền tư pháp cách mạng, hoàn thành trọng trách của mình trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ.
Đối với Viện kiểm sát nhân dân huyện Kông Chro, trong năm qua, chúng tôi đã không ngừng phấn đấu, vượt qua khó khăn, thử thách và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm pháp luật được tuân thủ nghiêm chỉnh, tạo được niềm tin với Đảng và Nhân dân.
Được Đảng và Nhà nước giao phó cho Ngành Kiểm sát nhiệm vụ quan trọng, đó là một vinh dự lớn. Từ Luật tổ chức VKSND năm 1960 đến Luật tổ chức VKSND năm 2014, chức năng, nhiệm vụ của VKSND đều do Quốc hội (cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước) quyết định là thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp với mục đích: Bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.
Ngành Kiểm sát nhân dân là một công cụ chuyên chính của Đảng, do Đảng tổ chức và lãnh đạo, chính vì vậy, ngành Kiểm sát nhân dân phải nghiên cứu vận dụng toàn diện chức năng mà Đảng và Nhà nước đã giao cho. Để thực hiện đầy đủ chức năng và nhiệm vụ của ngành, người cán bộ Kiểm sát phải nâng cao lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, kiên quyết bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, tức là bảo vệ Đảng. Quán triệt tính Đảng của công tác kiểm sát biểu hiện ở việc đấu tranh đến nơi đến chốn, những hiện tượng vi phạm pháp luật của Nhà nước, vi phạm chủ trương, đường lối của Đảng. Bảo vệ pháp luật của Nhà nước tức là bảo vệ chính sách của Đảng. Đó là thước đo trình độ giác ngộ chính trị, lòng trung thành, tính Đảng của người đảng viên làm công tác kiểm sát đối với tổ chức của Đảng.
Trong suốt chặng đường phát triển hơn 60 năm qua, các thế hệ lãnh đạo và cán bộ ngành Kiểm sát luôn nhận thức sâu sắc tính chính trị, tính pháp lý của công tác kiểm sát, từ đó đặt ra yêu cầu đối với mỗi cán bộ, Kiểm sát viên, phải tinh thông về nghiệp vụ pháp lý, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng và có tinh thần đấu tranh quyết liệt, nhưng phải có lý, có tình. Đội ngũ cán bộ Kiểm sát luôn trưởng thành, cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao, được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng. Để làm được điều đó, người cán bộ, đảng viên phải rèn luyện phẩm chất, đạo đức và đặt lên hàng đầu vấn đề “tư cách người cách mạng”. Riêng đối với cán bộ ngành Kiểm sát nhân dân, bên cạnh những yêu cầu chung về đạo đức cách mạng của người cán bộ, Bác Hồ còn dạy rằng: “Cán bộ Kiểm sát phải công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”. Đó chính là sự thể hiện “ngũ quý” trong phẩm chất đạo đức của người cán bộ Kiểm sát cách mạng, là nền tảng đạo đức mới, có như vậy, người chiến sĩ cách mạng “mới gánh được nặng và đi được xa”. Dưới chế độ mới, chỉ những cán bộ, đảng viên có đức, có tài mới đủ năng lực đảm đương công việc mà Đảng và Nhân dân giao phó, dù bất luận hoàn cảnh khó khăn thế nào cũng phấn đấu để hoàn thành. Đó không chỉ là việc “quan tâm các đơn khiếu nại của nhân dân, giải quyết một cách thỏa đáng hay khi thấy nơi nào có sự bất công đối với con người không bàng quan, hay bỏ mặc hay không dung thứ hoặc làm điều oan ức cho bất cứ ai”, mà còn phải nâng cao cảnh giác cách mạng, thẳng thắn đấu tranh với những hiện tượng mất cảnh giác, biết “hỗ trợ hợp tác, tôn trọng thành thật giúp nhau cùng tiến bộ, nghiêm khắc đối với mình và cũng đòi hỏi nghiêm khắc đối với người khác”. Lời dạy của Bác chính là chuẩn mực đạo đức cách mạng của người cán bộ Kiểm sát để mỗi cán bộ, đảng viên của ngành Kiểm sát nhân dân phấn đấu rèn luyện, coi đó là phương châm giáo dục, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cả về chính trị tư tưởng, về kiến thức pháp lý xã hội chủ nghĩa và về nghiệp vụ công tác kiểm sát.
Trước hết, Bác đòi hỏi người cán bộ Kiểm sát phải công minh, nghĩa là phải luôn công bằng và sáng suốt trong công việc. Khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp phải luôn theo đúng lẽ phải, không thiên vị, nhận thức rõ ràng và giải quyết các vấn đề một cách đúng đắn, không sai lầm. Cái tâm của người cán bộ Kiểm sát có trong sáng thì xem xét và quyết định mọi việc mới công bằng. Làm cán bộ Kiểm sát được Đảng, Nhà nước giao trách nhiệm giữ gìn trật tự, kỷ cương xã hội, bảo vệ công lý, người cán  bộ Kiểm sát phải công tâm khi thực hiện nhiệm vụ, không thể vì tiền tài, vật chất, vì lợi ích riêng tư mà làm trái pháp luật, trái với lẽ công bằng.
Theo Bác, người cán bộ Kiểm sát không chỉ công minh mà còn phải chính trực trong công việc. Phẩm chất chính trực đòi hỏi người cán bộ Kiểm sát trong công việc của mình phải có bản lĩnh, ngay thẳng, chân thành, theo đúng lẽ phải, không gian dối, không thiên vị, không mờ ám, luôn coi trọng công việc. Được giao nhiệm vụ thì quyết tâm thực hiện, “việc thiện dù nhỏ mấy cũng làm, việc ác dù nhỏ mấy cũng tránh”.
Đức tính “công minh – chính trực” của người cán bộ Kiểm sát thể hiện trong việc thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp phải luôn nắm vững căn cứ pháp luật và các chính sách của Đảng để vận dụng pháp luật kết hợp với chính sách trong từng trường hợp cụ thể. Mọi hành vi pháp lý của cán bộ, Kiểm sát viên phải xuất phát từ quy định của pháp luật, trong khuôn khổ pháp luật, bảo đảm việc xử lý vi phạm pháp luật đúng người, đúng tội, không được làm oan, sai, không được bỏ lọt tội phạm và vi phạm pháp luật. Đồng thời, phải chống chủ nghĩa cá nhân, không thiên vị, nể nang đối với những người thân thích, quen biết; không vì lợi ích cá nhân mà né tránh, không dám thẳng thắn đấu tranh bảo vệ công lý, cũng không vì thù oán cá nhân mà xử lý sai đối với người mà mình không có thiện cảm hoặc người dám đấu tranh, phê bình những biểu hiện sai trái của mình. Người cán bộ Kiểm sát công minh, chính trực phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, có thái độ quyết đoán khi giải quyết công việc, không chần chừ, do dự, dám chịu trách nhiệm về các quyết định của mình. Khi thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, người cán bộ Kiểm sát phải độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.
Để bảo đảm sự công minh, chính trực, Bác Hồ yêu cầu người cán bộ Kiểm sát phải có tác phong và phương pháp làm việc khách quan, thận trọng và khiêm tốn. Tính khách quan của người cán bộ Kiểm sát biểu hiện ở chỗ: Khi giải quyết công việc, người cán bộ Kiểm sát phải luôn xuất phát từ thực tế, biểu hiện của thực tế một cách trung thực, không suy diễn, không xuyên tạc, bóp méo sự thật, không nhìn nhận, đánh giá sự việc một cách chủ quan, phiến diện, định kiến cá nhân. Phải đi sâu tìm hiểu, phân tích, làm rõ bản chất của sự việc, dựa vào những cơ sở khoa học, cơ sở thực tế để đưa ra quyết định giải quyết sự việc một cách phù hợp, chính xác.
Tính cẩn trọng đòi hỏi người cán bộ Kiểm sát khi giải quyết các vụ việc cụ thể phải cân nhắc, suy tính thật cẩn thận, kỹ lưỡng để tránh sai sót khi đưa ra quyết định giải quyết. Sự thận trọng cũng chính là biểu hiện của tinh thần trách nhiệm và ý thức kỷ luật của người cán bộ Kiểm sát. Khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình trên các lĩnh vực thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, người cán bộ Kiểm sát phải đi sâu nghiên cứu, tìm hiểu, phân tích, đánh giá mọi tình tiết, điều kiện, hoàn cảnh của sự việc thực tế xảy ra; đối chiếu với quy định của pháp luật, từ đó xác định đầy đủ cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn giúp cho việc giải quyết vụ việc đúng pháp luật, nghiêm minh và kịp thời. Tính thận trọng đòi hỏi người cán bộ Kiểm sát phải kiên quyết chống lại căn bệnh qua loa, đại khái, xem xét sự việc một cách hời hợt, tắc trách. Tuy nhiên, thận trọng nhưng không được chần chừ, do dự; phải kiên quyết nhưng không chủ quan, nóng vội đi đến giải quyết sự việc một cách thiếu chính xác.
Bác Hồ còn yêu cầu người cán bộ Kiểm sát còn phải có tác phong khiêm tốn. Sự khiêm tốn của người cán bộ Kiểm sát có nghĩa là luôn có ý thức và thái độ đúng mực trong việc nhìn nhận, đánh giá bản thân; không tự lấy làm thỏa mãn về những gì mình đã đạt được mà không tự phấn đấu, học tập để tiếp tục vươn lên; không tự đánh giá mình quá cao và tỏ ra coi thường người khác; không quan liêu, cửa quyền, hống hách. Người cán bộ Kiểm sát phải khiêm tốn bởi vì công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật là vô cùng khó khăn, phức tạp, có thực sự khiêm tốn, cầu thị thì mới chiếm được cảm tình và sự tin tưởng của Nhân dân, đồng thời mới phối hợp tốt với các ngành, đặc biệt là với các cơ quan tư pháp để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ.
Hơn 60 năm đã trôi qua, “Mười chữ vàng” mà Bác Hồ răn dạy ngành Kiểm sát nhân dân vẫn còn nguyên tính thời sự và giá trị lý luận – thực tiễn sâu sắc; đã đi vào hoạt động của ngành Kiểm sát, được lịch sử truyền thống vẻ vang của ngành chứng tỏ giá trị to lớn và sức sống thực tiễn. Thực hiện đúng lời dạy của Bác Hồ, người cán bộ Kiểm sát sẽ rèn luyện được phẩm chất, đạo đức, bản lĩnh chính trị vững vàng, có tác phong, phương pháp làm việc khoa học, đúng đắn, phát huy được năng lực chuyên môn để hoàn thành xuất sắc chức năng, nhiệm vụ của mình trên các lĩnh vực công tác được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Trong bối cảnh, tình hình hiện nay, học và hành theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, điều quan trọng là mỗi cán bộ của ngành Kiểm sát phải luôn xử lý hài hòa các mối quan hệ đối với mình, với người và với công việc; có đủ bản lĩnh và có dũng khí đứng ngoài vòng danh lợi, toàn tâm toàn ý phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Thực hành theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đi đôi với giáo dục, rèn luyện phẩm chất đạo đức cho đội ngũ cán bộ, phải luôn quan tâm đấu tranh không khoan nhượng với những hiện tượng tiêu cực, thói hư tật xấu trong mỗi con người cán bộ; nhận diện và quyết tâm ngăn ngừa những biểu hiện lệch lạc, suy thoái, tha hóa về đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên như Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã chỉ ra. Đây là một cuộc đấu tranh rất gay go, quyết liệt giữa cái tốt và cái xấu, giữa cái cũ và cái mới, giữa cái tiến bộ và cái lạc hậu, giữa văn hóa và phản văn hóa, giữa đạo đức cách mạng “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn” với những biểu hiện hết sức nguy hại của chủ nghĩa cá nhân trong một bộ phận cán bộ hiện nay.
Từ những giá trị lý luận – thực tiễn và sức sống, sức lan tỏa lớn của những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh càng thôi thúc mỗi người cán bộ Kiểm sát phải đi tới thống nhất nhận thức và hành cộng, để thực sự là những người: “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”; từ đó tăng cường kỷ cương, kỷ luật, đạo đức công vụ ngành Kiểm sát nhân dân, đáp ứng chủ trương mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thức XIII của Đảng đối với Chiến lược cải cách tư pháp, đó là “Tiếp tục xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân”.
Muốn làm tròn chức năng, nhiệm vụ được giao, toàn ngành Kiểm sát nhân dân phải tích cực đổi mới tổ chức và hoạt động, xây dựng ngành thật sự trong sạch, vững mạnh. Mỗi cán bộ Kiểm sát cần có trình độ khoa học pháp lý, trình độ nghiệp vụ, nhưng trước hết phải có phẩm chất đạo đức cách mạng, phải có cái tâm trong sáng, luôn thấm nhuần và làm theo lời dạy của Bác Hồ: Cán bộ Kiểm sát phải mạng “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”./.

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Tường Vi

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyển đổi số
Hưởng ứng giải  Búa Liềm Vàng
Giải báo chí phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Công khai ngân sách
Mail công vụ
Thống Kê Truy Cập
  • Đang truy cập74
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm72
  • Hôm nay6,022
  • Tháng hiện tại284,313
  • Tổng lượt truy cập16,813,235
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây