Chào mừng 30/4
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh

Tăng cường mối quan hệ phối hợp trong kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp và hướng hoàn thiện

Thứ tư - 08/12/2021 06:26 1.797 0
Kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp là một trong những chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp của ngành KSND được cụ thể hóa trong các quy định của pháp luật hiện nay như:
Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014; Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015; Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015; Luật Tố tụng Hành chính năm 2015; Thông tư liên tịch số 02/2018/TTLT-VKSTC-TATC-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT ngày 05/9/2018 của Liên ngành Trung ương quy định việc phối hợp thi hành một số quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự về khiếu nại, tố cáo, trong đó quy định cụ thể về công tác phối hợp giữa các Cơ quan tư pháp trong việc tiếp nhận, phân loại, thụ lý, giải quyết và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự; Quyết định số 51/QĐ-VKSTC-V12 ngày 02/02/2016 về việc ban hành Quy chế tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp; Quyết định 546 ngày 3/12/2018 của VKSND tối cao “Quyết định ban hành Quy định về quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo; kiểm tra quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp…
 Để công tác kiểm sát và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức và công dân, góp phần phòng, chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm. Trong phạm vi bài viết tác giả xin nêu ra một số giải pháp Tăng cường mối quan hệ phối hợp trong kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp và hướng hoàn thiện.
Phối hợp giữa Viện kiểm sát với các cơ quan tư pháp trong công tác kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp và Phối hợp giữa bộ phận hoặc Phòng Kiểm sát việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp với các bộ phận hoặc Phòng có liên quan trong việc giải quyết khiếu nại là việc trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao; các Phòng, đơn vị có liên quan thực hiện thường xuyên việc trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu theo quy định của pháp luật nhằm hỗ trợ lẫn nhau làm tốt việc phối hợp xác minh vụ việc; từ đó nâng cao chất lượng công tác tham mưu, đề xuất xử lý, đảm bảo giải quyết có căn cứ, tránh những vấn đề phức tạp, nhạy cảm phát sinh; nhằm góp phần phòng, chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh nhà. Để thực hiện tốt mối quan hệ phối hợp trên cần thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, Viện kiểm sát các cấp cần tích cực phối hợp với các cơ quan tư pháp cùng cấp xây dựng các Quy chế, Quy định liên ngành về phối hợp trong công tác kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp. Khi xây dựng quy chế phối hợp cần tập trung nghiên cứu các quy định của pháp luật và các thông tư liên tịch đồng thời xây dựng phải phù hợp với tình hình thực tế của địa phương để đảm bảo thuận lợi, hiệu quả cho công tác kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp. Quy chế phải nêu rõ được nguyên tắc phối hợp, hình thức phối hợp, nội dung và trách nhiệm phối hợp của cơ quan tiếp nhận đơn, thư với các cơ quan, đơn vị, Phòng nghiệp vụ có liên quan.
Hai là, Viện kiểm sát các cấp cần xác định rằng phối hợp trong công tác kiểm sát giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp là sự tất yếu khách quan,có mối liên hệ biện chứngmột trong những biện pháp, cách thức đảm bảo cho công tác kiểm sát, giải quyết đạt hiệu quả, nó diễn ra đan xen, gắn liền với từng hoạt động, hỗ trợ tương tác lẫn nhau. Do đó, trong quá trình tiến hành các hoạt động kiểm sát, giải quyết, đơn vị, bộ phận kiểm sát và giải quyết khiếu nại, tố cáo cần linh hoạt thực hiện các hình thức phối hợp, trao đổi thông tin để các cơ quan tư pháp, các bộ phận liên quan nhận thức đúng, thống nhất về vị trí, vai trò và những nhiệm vụ, quyền hạn được giao khi thực hiện chức năng. Từ đó, các cơ quan tư pháp, các bộ phận có liên quan chấp hành nghiêm chỉnh các yêu cầu, tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định.
Trong trường hợp còn có quan điểm khác nhau về vấn đề có liên quan đến công tác kiểm sát như: nhận thức khác nhau về đối tượng, phạm vi, phương thức kiểm sát; về nhiệm vụ, quyền hạn, yêu cầu, kết luận, kiến nghị, kháng nghị của Viện kiểm sát….và về vấn đề phối hợp giải quyết khiếu nại, tố cáo.  Thì bộ phận kiểm sát và giải quyết khiếu nại, tố cáo cần chủ động chủ trì, phối hợp với các cơ quan tư pháp hoặc các bộ phận có liên quan để cùng nhau nghiên cứu, thảo luận để thống nhất quan điểm trên tinh thần xây dựng, cầu thị, khách quan, có căn cứ pháp luật; trường hợp có khó khăn, vướng mắc trong việc thống nhất quan điểm, thì phối hợp báo cáo xin ý kiến lãnh đạo đơn vị, cơ quan cấp trên, cấp ủy cùng cấp, cơ quan có thẩm quyền khác để kịp thời tháo gỡ; tránh việc cứng nhắc, bảo thủ trong quan điểm hoặc tìm cách gây áp lực dẫn đến căng thẳng hoặc phát sinh vấn đề nhạy cảm dễ hiểu lầm về “quyền anh, quyền tôi” trong quan hệ phối hợp trong kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp.
Ba là, bộ phận kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp cần đảm bảo việc phân loại đơn chính xác, đồng thời thực hiện thông tin kịp thời  và chuyển cho các đơn vị có liên quan khi có đơn phát sinh, đảm bảo để đơn vị đó để thực hiện nhiệm vụ theo quy định; bên cạnh đó cần theo dõi, đôn đốc, nắm tiến độ và kết quả kiểm sát của các đơn vị; tích cực phối hợp thực hiện nhiệm vụ kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo khi nhận được đề nghị của các đơn vị nghiệp vụ khác.
Bốn là, đối với khiếu nại, tố cáo thuộc nhiệm vụ kiểm sát việc giải quyết của đơn vị mình, phải chủ động đề nghị các đơn vị nghiệp vụ liên quan thực hiện nhiệm vụ kiểm sát việc giải quyết theo quy định của Quy chế số 51. Chủ động, tích cực, kịp thời tham mưu, giúp lãnh đạo đơn vị thực hiện các biện pháp quản lý nhà nước về công tác kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp.
Năm là, các đơn vị nghiệp vụ khác có trách nhiệm tích cực phối hợp thực hiện nhiệm vụ kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo theo đề nghị của đơn vị Kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp. Trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp theo lĩnh vực chuyên môn, nghiệp vụ của mình, nếu phát hiện vi phạm của các cơ quan tư pháp trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, phải chủ động thông báo cho đơn vị Kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp để thực hiện nhiệm vụ kiểm sát theo quy định.
Một số khó khăn, vướng mắc và hướng hoàn thiện
Trong quá trình thực hiện chức năng kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp tác giả nhận thấy một số khó khăn, vướng mắc, bất cập như sau:
Thứ nhất: Đối với đơn đề nghị, kiến nghị, phản ánh, yêu cầu liên quan đến tố tụng hình sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Viện kiểm sát.
Theo Quy chế 51 thì đơn gửi đến Viện kiểm sát đều phải được Viện kiểm sát tiếp nhận, phân loại và xử lý đơn. Theo đoạn 1 điểm c khoản 5 Điều 10 của Quy chế 51, Xử lý đơn đề nghị, kiến nghị, phản ánh, yêu cầu như sau “Đối với đơn đề nghị, kiến nghị, phản ánh, yêu cầu thuộc thẩm quyền giải quyết của Viện kiểm sát cấp mình, thì đơn vị Kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp chuyển đến các đơn vị có trách nhiệm hoặc người có thẩm quyền để xem xét”. Tuy nhiên, Quy chế 51 chỉ quy định về việc nhận, xử lý đơn kiến nghị, đề nghị, phản ánh, yêu cầu liên quan đến hoạt động tư pháp (bao gồm trong lĩnh vực tố tụng hình sự), nhưng chưa quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, thời hạn giải quyết như thế nào, dẫn đến chưa có sự nhận thức thống nhất trong quá trình giải quyết đơn đề nghị, kiến nghị, phản ánh…Đề nghị Cơ quan có thẩm quyền sớm có hướng dẫn rõ trong trường hợp này.
Thứ hai: Tại khoản 2 Điều 8 Thông tư liên tịch số 02/2018/TTLT-VKSTC-TATC-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT ngày 05/9/2018 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Tòa án nhân dân tối cao - Bộ Công an - Bộ Quốc phòng - Bộ Tài chính - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quy định về Trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền trong việc giải quyết khiếu nại: “2. Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày thụ lý hoặc ban hành quyết định giải quyết khiếu nại, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Tòa án phải gửi văn bản thông báo thụ lý hoặc quyết định giải quyết khiếu nại hoặc quyết định đình chỉ việc giải quyết khiếu nại cho Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền để kiểm sát việc giải quyết khiếu nại. Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại, Viện kiểm sát phải thông báo bằng văn bản về việc đồng ý hay không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại hoặc quyết định đình chỉ việc giải quyết khiếu nại của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Tòa án.”
Việc quy định trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại, Viện kiểm sát phải thông báo bằng văn bản về việc đồng ý hay không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại mà không hướng dẫn gì thêm đã gây ra cách hiểu không thống nhất trên thực tế.
Quan điểm thứ nhất: Viện kiểm sát đều thông báo bằng văn bản cho Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Tòa án về việc đồng ý với hình thức với quyết định giải quyết khiếu nại mà không nói gì về nội dung do chưa thể kiểm sát được hồ sơ vì thời gian rất ngắn chỉ có 03 ngày.
Quan điểm thứ 2 cũng là quan điểm của tác giả: Viện kiểm sát yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến giải quyết khiếu nại, tố cáo cho Viện kiểm sát. Theo quy định tại điểm c khoản 1 điều 18 quy chế 51 để kiểm sát và sau đó ban hành thông báo bằng văn bản.
Ngoài cách hiểu không thống nhất như trên, thì việc quy định Viện kiểm sát phải ban hành thông báo bằng văn bản về việc đồng ý hay không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại hoặc quyết định đình chỉ việc giải quyết khiếu nại của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Tòa án (quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu) thì người khiếu nại họ cho rằng nếu họ có khiếu nại lần 2 thì cũng không khách quan.
Để thống nhất việc áp dụng pháp luật cũng như đảm bảo sự khách quan trong quá trình giải quyết khiếu nại đề nghị cơ quan có thẩm quyền cần sửa đổi theo hướng: “Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày thụ lý hoặc ban hành quyết định giải quyết khiếu nại, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Tòa án phải gửi văn bản thông báo thụ lý hoặc quyết định giải quyết khiếu nại hoặc quyết định đình chỉ việc giải quyết khiếu nại cho Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền để kiểm sát việc giải quyết khiếu nại. Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại, Viện kiểm sát có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến giải quyết khiếu nại, tố cáo cho Viện kiểm sát để kiểm sát; thông báo bằng văn bản về việc đồng ý hay không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai hoặc quyết định đình chỉ việc giải quyết khiếu nại của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Tòa án.”

Tác giả bài viết: Lê Xuân Quang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyển đổi số
Hưởng ứng giải  Búa Liềm Vàng
Giải báo chí phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Công khai ngân sách
Mail công vụ
Thống Kê Truy Cập
  • Đang truy cập16
  • Hôm nay2,906
  • Tháng hiện tại112,287
  • Tổng lượt truy cập16,641,209
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây