Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh

Những giải pháp nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết các vụ án tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm trên địa bàn huyện Đức Cơ trong những năm gần đây

Thứ năm - 13/01/2022 07:45 950 0
Đức Cơ là một huyện biên giới thuộc địa phận tỉnh Gia Lai, nằm giữa hai huyện Ia Grai và huyện Chư Prông. Phía tây của huyện là đường biên giới Việt Nam - Campuchia. Là một huyện miền núi, đa số dân cư là lao động phổ thông, làm nương rẫy hoặc lao động trong các ngành nghề nông, lâm nghiệp.
Địa bàn huyện gồm có 01 thị trấn và 09 xã. Trung tâm của huyện là thị trấn Chư Ty, cách thành phố Pleiku 50km. Huyện Đức Cơ với diện tích là 723,12 km2, có hơn 75 nghìn nhân khẩu.
Trong những năm gần đây, huyện Đức Cơ liên tục đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư khá toàn diện. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng nâng cao. Là một huyện biên giới còn nhiều khó khăn nhưng Đức Cơ cũng có những lợi thế nhất định, trong đó điểm nhấn là Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Tại địa bàn huyện cũng đã hình thành các công ty, khu công nghiệp đã thu hút và tạo công ăn việc làm cho hàng trăm người lao động. Tuy nhiên, bên cạnh đó có một số đối tượng không chịu làm ăn chân chính, nghiện hút lười lao động, … và chính những người này vì thỏa mãn nhu cầu cá nhân, lợi dụng địa bàn có đường biên giới trải dài, sự thiếu kiểm soát của các Đồn Biên phòng các đối tượng đã vận chuyển, buôn bán hàng cấm (chủ yếu là pháo nổ) ở khu vực biên giới, đặc biệt là khoảng thời gian cuối năm việc đốt pháo trên địa bàn xảy ra tràn lan, khó kiểm soát. Hành vi này đang là một vấn đề nóng, gây mất trật tự công cộng tại địa phương và tạo ra cho người dân tâm lý hoang mang. Số lượng các vụ án liên quan đến tội phạm này trong 3 năm qua trên địa bàn huyện có chiều hướng gia năm 2019 Cơ quan điều tra khởi tố 03 vụ án đến năm 2021 tăng lên 16 vụ án.
Nhận định được những tồn tại, khó khăn trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát giải quyết các vụ án về tội phạm tàng trữ, buôn bán hàng cấm, đồng thời chia sẻ những giải pháp được áp dụng để đạt kết quả tại đơn vị. Viện Kiểm sát nhân dân huyện Đức Cơ đề xuất những giải pháp để nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát giải quyết các vụ án tàng trữ, buôn bán hàng cấm như sau:
Một là, Tăng cường vai trò lãnh đạo của Lãnh đạo viện. Khi có vụ án về tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm xảy ra Lãnh đạo viện phải chủ động phân công Kiểm sát viên có năng lực, nhiều kinh nghiệm trong giải quyết án tiến hành kiểm sát khám nghiệm hiện trường và sau đó sẽ phân công Kiểm sát viên đó kiểm sát điều tra, xét xử luôn vụ án đó. Tạo điều kiện cho Kiểm sát viên kiểm sát ngay từ đầu, biết được những vấn đề nào chưa làm, những vấn đề nào cần làm tiếp theo đó.
Hai là, Khi Kiểm sát viên được phân công khám nghiệm hiện trường các vụ án về tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm cần khẩn trương có mặt, tích cực chủ động tham gia cùng Điều tra viên tiếp nhận và đề ra các yêu cầu kiểm tra, xác minh. Trực tiếp cùng Điều tra viên tham gia ghi lời khai đối tượng ngay từ đầu để đánh giá thái độ của đối tượng, song song đó phải tiến hành ghi âm, ghi hình có âm thanh, vì khi mới vừa bị bắt các đối tượng thường lo sợ nên khai báo đúng sự thật, sau này đối tượng có thay đổi lời khai thì Kiểm sát viên cũng có căn cứ để đấu tranh. Ngay sau khi tiến hành khám nghiệm hiện trường xong Kiểm sát viên, Điều tra viên phải tiến hành họp để đánh giá hiện trường.
Ba là, Xuất phát từ đặc điểm phần lớn các vụ án về tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm phát hiện ban đầu trên địa bàn huyện Đức Cơ được thực hiện dưới hình thức bắt quả tang. Do vậy, để đảm bảo có căn cứ cho việc phê chuẩn hoặc không phê chuẩn các quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra đòi hỏi Kiểm sát viên khi được phân công phải kiểm sát chặt chẽ việc lập biên bản bắt người phạm tội quả tang của Cơ quan điều tra. Một số thiếu sót của Cơ quan điều tra khi tiến hành lập biên bản quả tang có thể là không lập biên bản tại hiện trường bắt hoặc mô tả sơ sài đặc điểm người, đồ vật, hiện trường khi bắt quả tang, biên bản thu giữ vật chứng, niêm phong vật chứng… từ đó dẫn đến gặp nhiều khó khăn trong củng cố và đánh giá chứng cứ. Như vậy, khi tiếp nhận thông tin tội phạm, lãnh đạo Viện phải kịp thời phân công Kiểm sát viên khẩn trương nghiên cứu, nếu thấy chứng cứ chưa đầy đủ và còn mâu thuẫn thì yêu cầu Cơ quan điều tra bổ sung, tham gia hoặc phải trực tiếp lấy lời khai đối tượng để làm rõ.
Bốn là, Viện kiểm sát cần tăng cường phối hợp cùng Cơ quan điều tra không chỉ tiến hành kiểm sát những vụ án do Cơ quan điều tra khởi tố, mà tích cực phối hợp cùng Cơ quan điều tra khai thác mở rộng, loại bỏ tư tưởng ngại khó không tiến hành điều tra khai thác mở rộng, Kiểm sát viên trong trường hợp này cần yêu cầu mở rộng điều tra vụ án, từ đó xác định được nguồn gốc của hàng cấm từ đâu mà có, có như vậy mới giải quyết được toàn bộ triệt để được vụ án. Để làm tốt hoạt động này, Kiểm sát viên phải nghiên cứu thật sự tỉ mỉ các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, đặc biệt trong một số trường hợp vụ án phức tạp, có sử dụng các hoạt động trinh sát nghiệp vụ cần có sự bàn bạc thống nhất giữa lãnh đạo hai cơ quan để xem xét đề ra các yêu cầu điều tra thật sự chi tiết đối với từng vụ án cụ thể. Đồng thời, Kiểm sát viên phải thường xuyên theo dõi việc thực hiện yêu cầu đó, quá trình điều tra vụ án nếu có phát sinh những nội dung mới thì Kiểm sát viên phải báo cáo lãnh đạo Viện, kịp thời tiếp tục đề ra các yêu cầu điều tra.
Năm là, Kiểm sát viên cần nắm vững Thông tư liên tịch 06/2008/TTLT-BCA-VKNDTC-TANDTC ngày 25/12/2008 Hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo nổ và thuốc pháo để áp dụng vào việc giải quyết các vụ án về tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm cụ thể để tránh xảy ra tình trạng khởi tố không đúng tội danh; Nghị định 137/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo.
Sáu là, Giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát đã ký kết quy chế phối hợp trong việc tiếp nhận giải quyết nguồn tin về tội phạm. Vì vậy Viện kiểm sát cần chủ động thường xuyên tổ chức các cuộc họp liên ngành để nghe và nắm chắc diễn biến, tính chất của tình hình tội phạm về tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm diễn ra tại địa phương, qua đó tham mưu cho cấp ủy địa phương kịp thời những điểm nóng về tình hình tội phạm. Trên cơ sở đó, Viện kiểm sát nhân dân huyện Đức Cơ nhận thấy trước tình hình tội phạm về tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm trên địa bàn huyện diễn biến phức tạp đã chủ động ban hành kiến nghị phòng ngừa vi phạm pháp luật đến Chủ tịch ủy ban nhân dân huyện Đức Cơ nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng chống tội phạm về tội phạm này tại các thôn, làng, xã, các đơn vị trường học. Kiến nghị này của Viện kiểm sát đã được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao, qua đó góp phần rất tích cực vào việc kiềm chế loại tội phạm nguy hiểm này.
Bảy là, Quá trình kiểm sát, Kiểm sát viên cần tích cực bám sát vào quá trình điều tra, tránh thụ động ngồi chờ hồ sơ vụ án, như tiếp tục nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án để tác động với Cơ quan điều tra định hướng điều tra, tránh tình trạng trả hồ sơ điều tra bổ sung giữa các Cơ quan tiến hành tố tụng. Việc gắn công tố trong hoạt động điều tra được thể hiện qua các hoạt động như nghiên cứu tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án đã thu thập để phát hiện đánh giá các chứng cứ, tài liệu mà cơ quan điều tra thu thập; trực tiếp tham gia một số hoạt động tố tụng điều tra như hỏi cung bị can cùng Điều tra viên, tham gia đối chất, nhận dang…
Tám là, Quyết định truy tố bằng Cáo trạng là văn bản pháp lý để tiến hành truy tố bị can ra trước Tòa để xét xử, vì vậy việc xây dựng bản Cáo trạng phải đảm bảo về hình thức và nội dung theo quy định của Bộ luật hình sự và Quy chế thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra. Để dần nâng cao chất lượng Cáo trạng, Kiểm sát viên phải tổng hợp đầy đủ, kiểm tra lại toàn bộ hồ sơ vụ án, về thủ tục tố tụng, đánh giá khách quan toàn diện chứng cứ. Đối với những vụ án có nhiều hành vi phạm tội được thực hiện ở những thời gian, không gian, địa điểm khác nhau thì phải trình bày các hành vi theo thứ tự thời gian, những chứng cứ xác định tội trạng của các bị can, số lượng hàng cấm mà các bị can đã thực hiện, chọn lọc những lời khai có giá trị chứng minh trích dẫn để phủ nhận trường hợp bị can chối tội.
* Kết quả đạt được
Trên cơ sở áp dụng những giải pháp được đề ra từ đó nhằm nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát giải quyết các vụ án về tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm trên địa bàn huyện Đức Cơ. Trong thời gian từ ngày 01/12/2019  đến 15/9/2021 Viện kiểm sát nhân dân huyện Đức Cơ đã kiểm sát ngay từ đầu 22 vụ/11 bị can phạm tội về tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm. Đã truy tố 09 vụ/ 10 bị can, tạm đình chỉ 7 vụ/ 01 bị can. Hiện còn 05 vụ án không có bị can. Tòa án đưa ra xét xử 08 vụ/09 bị cáo đều đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật. Các vụ án khi phát hiện, bắt giữ đối tượng được nhanh chóng cũng cố chứng cứ, tiến hành khởi tố để tiếp tục điều tra mở rộng, kết thúc điều tra trong thời gian sớm nhất, bên cạnh đó chất lượng Cáo trạng của viện kiểm sát cũng được nâng lên theo tinh thần của Chỉ thị 05 ngày 27/4/2020 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về tăng cường trách nhiệm công tố trong giải quyết các vụ án hình sự, từ đó chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa cũng được nâng lên, các đề nghị của Viện kiểm sát đều được tòa chấp nhận.
Các vụ án đều được kiểm sát ngay từ đầu, khi tiếp nhận thụ lý Lãnh đạo viện luôn phân công những Kiểm sát viên có kinh nghiệm, năng lực sở trường giải quyết các vụ án. Các vụ án về tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm khi bắt quả tang các đối tượng, Kiểm sát viên luôn kịp thời có mặt để kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường, thu giữ dấu vết đồng thời đề ra yêu cầu xác minh ngay từ đầu. Nhận thức được tầm quan trọng trong việc nắm vững các quy định của pháp luật Lãnh đạo viện luôn quan tâm, triển khai các văn bản hướng dẫn giải quyết các vụ án về tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm và quy chế nghiệp vụ của ngành để Kiểm sát viên, công chức nắm vững, nâng cao chất lượng kiểm sát. Trên cơ sở tổng hợp các vụ án phát sinh trong kỳ và những vi phạm trong việc thụ lý giải quyết Viện kiểm sát huyện Đức Cơ đã ban hành Kiến nghị tăng cường biện pháp tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật gửi đến Hội đồng phổ biên và giáo dục pháp luật huyện Đức Cơ có biện pháp phối hợp với các tổ chức, đoàn thể cấp huyện, cấp cơ sở tiếp tục tham mưu đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý, sử dụng pháo bằng nhiều hình thức, ký cam kết việc chấp hành pháp luật rộng rãi để nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư, góp phần giữ vững, ổn định trật tự xã hội trên địa bàn huyện.
Hiệu quả sau khi ban hành Kiến nghị phòng ngừa đến Hội đồng phổ biên và giáo dục pháp luật huyện Đức Cơ được thể hiện trong một số mặt nhất định như:
Phòng Tư pháp - Cơ quan thường trực Hội đồng phổ biên và giáo dục pháp luật xây dựng Kế hoạch liên tịch phối hợp với Phòng Giáo dục, các trường Phổ thông trung học, Hội Nông dân, Hội liên hiệp Phụ nữ, Huyện Đoàn, Hội Cựu chiến binh các Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, Ia Nan, Ia Pnôn về thực hiện Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật cho đoàn viên, hội viên, học sinh và nhân dân trên địa bàn.
Trên cơ sở các tài liệu, đề cương giới thiệu luật, đặc san tuyên truyền pháp luật do Hội đồng phối hợp Phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh cấp, Phòng Tư pháp biên soạn đề cương tuyên truyền về quản lý, sử dụng pháo gửi các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn. Ngoài ra Hội đồng phổ biên và giáo dục pháp luật pháp luật huyện đã chỉ đạo và tổ chức quán triệt, phổ biến rộng rãi nội dung văn bản pháp luật mới ban hành cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân. Các trường học THPT, THCS có cho học sinh ký cam kết thực hiện nghiêm túc các nội quy học sinh quy định về an ninh học đường, trong đó có quy định cấm các hành vi về quản lý, sử dụng pháo nổ.
Phòng Tư pháp phối hợp với Công an huyện, các Đồn Biên phòng: Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, Ia Nan, Ia Pnôn tổ chức được 03 buổi tuyên truyền pháp luật, có hơn 593 lượt người tham dự, nội dung tuyên truyền nhấn mạnh quy định pháp luật về xử lý vi phạm về quản lý sử dụng pháo.
Các cơ quan thành viên Hội đồng phổ biên và giáo dục pháp luật huyện đã phối hợp với UBND xã, thị trấn tổ chức được 03 hội nghị tuyên truyền pháp luật tại các xã, thị trấn, có trên 400 lượt người tham dự. Công an huyện phối hợp với các trường học, UBND các xã biên giới tổ chức 13 đợt tuyên truyền pháp luật cho đối tượng thanh thiếu niên về luật an toàn giao thông, về sử dụng pháo, bạo lực học đường, tảo hôn, phòng chống ma túy, có 5.160 lượt học sinh tham dự.
Với tình hình đặc điểm tự nhiên, kinh tế, xã hội của huyện Đức Cơ có bước chuyển mình tích cực làm cho đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao. Nhưng đằng sau nó các loại tội phạm ngày càng mở rộng gây ra rất nhiều hậu quả nghiêm trọng cho xã hội và con người, trong đó có tội phạm tàng trữ, buôn bán hàng cấm. Với tình trạng tội phạm như hiện nay đặt ra trách nhiệm cao của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm./.

Tác giả bài viết: Ksor Hùng - Võ Thị Nhuần

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyển đổi số
Hưởng ứng giải  Búa Liềm Vàng
Giải báo chí phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Công khai ngân sách
Mail công vụ
Thống Kê Truy Cập
  • Đang truy cập50
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm49
  • Hôm nay6,280
  • Tháng hiện tại140,210
  • Tổng lượt truy cập18,412,118
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây