Đây là giai đoạn biểu hiện tập trung nhất về ý kiến tranh luận của Kiểm sát viên (KSV) và những người tham gia phiên tòa về các tình tiết của vụ án. Tranh tụng cũng là hình thức biểu hiện tính dân chủ, công bằng của cải cách tư pháp hiện nay. Thực tiễn cho thấy việc tranh tụng thông qua “số hóa hồ sơ công bố các tài liệu, chứng cứ thông qua phương thức trình chiếu là cách thức sinh động, thuyết phục và hiệu quả cao hơn so với phương pháp trình bày bằng lời nói. Qua đó, đảm bảo thực hiện tốt nguyên tắc công khai chứng cứ tại phiên tòa và tăng cường hiệu quả hoạt động tranh tụng. Để tiếp tục nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa, coi hoạt động này là nội dung trọng tâm, trung tâm của thực hành quyền công tố theo tinh thần Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, trong phạm vi bài viết tác giả xin nêu một số lưu ý trong tham gia tranh tụng thông qua số hóa hồ sơ của KSV tại phiên tòa hình sự.
Yêu cầu chung trước và trong khi tham gia tranh tụng thông qua số hóa hồ sơ
Một là, kiểm sát chặt chẽ hoạt động điều tra, tạo tiền đề cho hoạt động số hóa, tranh tụng tốt tại phiên tòa
Kiểm sát viên luôn luôn phải thực hiện “kiểm sát điều tra từ đầu”, nêu yêu cầu điều tra (yêu cầu đặt ra là phải truy tìm, củng cố, đánh giá chứng cứ cả trên chiều rộng và chiều sâu, bảo đảm đạt được bản chất thật, tính thống nhất, liên quan của các chứng cứ, đề phòng tình huống chối tội, phản cung, kêu oan sau này), dự nghe cung để góp ý với Điều tra viên, hỏi cung cùng Điều tra viên, trực tiếp hỏi cung, lấy lời khai để phát hiện vi phạm trong quá trình giải quyết vụ án và đề xuất áp dụng các biện pháp đảm bảo tất cả các vấn đề cần phải chứng minh trong vụ án hình sự quy định tại Điều 85 BLTTHS phải được giải quyết một cách triệt để. Khi thu thập chứng cứ đến đâu thì nên số hóa đến đó, nên số hóa theo hình thức cây thư mục sẽ dễ dàng cho việc nhận định củng cố thu thập chứng cứ. Ví dụ như cây thư mục sẽ có các mục: nhóm đối tượng, nhóm hành vi phạm tội cụ thể của từng bị cáo mà Viện kiểm sát đã xác định (kể cả hành vi không truy tố); Nhóm các chứng cứ mà Viện kiểm sát dùng làm căn cứ xác định tội phạm và người phạm tội; Nhóm những tình tiết định khung hình phạt, tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với bị can, Nhóm chứng cứ xác định tội danh và điều khoản, nhóm luận điểm tranh tụng … Việc kiểm sát viên phân loại theo từng nhóm chứng cứ sẽ giúp kiểm sát viên làm chủ giá trị chứng minh, giúp cho KSV nắm vững hồ sơ vụ án, nắm vững chứng cứ buộc tội và gỡ tội, các chứng cứ được thể hiện ở các tài liệu nào, bút lục số bao nhiêu, những hạn chế, vướng mắc trong hồ sơ và ảnh hưởng của nó trong quá trình sử dụng chứng cứ tranh luận tại phiên tòa. Nắm vững bản chất của vụ án, những vấn đề có thể phát sinh có liên quan đến các đối tượng tranh tụng, cũng như nắm vững tính hệ thống của chứng cứ, các mối liên hệ qua lại giữa các tài liệu, chứng cứ.
Hai là, song hành cùng số hóa hồ sơ là việc KSV phải nắm vững các quy định của pháp luật hình sự, tố tụng hình sự và các văn bản hướng dẫn, các quy định của pháp luật có liên quan.
Việc kết hợp số hóa hồ sơ cùng việc vận dụng đúng đắn, chính xác các quy định pháp luật khi tham gia tranh luận sẽ giúp KSV tạo ra niềm tin nội tâm vững chắc trong khi tranh tụng, khi khẳng định quan điểm truy tố hoặc khi bác bỏ quan điểm của người tranh tụng khác. Phải hiểu rằng, số hóa hồ sơ là phương pháp, công cụ hỗ trợ giúp KSV phát huy tối đa hiệu quả của hoạt động tranh tụng; quy định pháp luật chính là tiền đề, là cơ sở quan trọng để thu thập, củng cố chứng cứ, tạo căn cứ vững chắc cho việc truy tố, buộc tội; hoạt động tranh tụng đảm bảo tính có căn cứ và hợp pháp khi các quan điểm tranh tụng chỉ dựa vào quy định của pháp luật và chứng cứ đã được kiểm tra xác minh, dựa vào quan điểm, đường lối đấu tranh phòng chống tội phạm của Đảng, Nhà nước để đề xuất các quyết định xử lý đúng đắn vụ án. Do do, để KSV thực sự phát huy được bản lĩnh, sự tự tin, sắc sảo trong việc luận tội và bảo vệ quan điểm truy tố đảm bảo tính có căn cứ và hợp pháp trong tranh tụng thì việc nắm vững căn cứ pháp lý kết hợp với phương thức hỗ trợ, tác động, mà cụ thể là số hóa hồ sơ là một biện pháp phù hợp và hiệu quả.
Ba là, cách thức đặt câu hỏi của KSV để khẳng định giá trị của chứng cứ chứng minh đã số hóa
Kiểm sát viên phải biết cách đặt câu hỏi, vừa không vi phạm qui định cấm của pháp luật, vừa hỏi ngắn gọn, dễ hiểu, rõ rằng. Phạm vi hỏi là hỏi về những gì HĐXX chưa hỏi, hỏi rồi nhưng còn thiếu hoặc chưa rõ; hỏi về những gì còn có mâu thuẫn và hỏi để chuẩn bị cho tranh tụng (hỏi để nhấn mạnh lại một lần nữa các chứng cứ đã có trong hồ sơ số hóa để khẳng định giá trị của chứng cứ đó, phục vụ cho tranh luận sau đó). Khi xét hỏi các bị cáo trong vụ án có đông người tham gia hoặc có đồng phạm, KSV phải có kế hoạch xét hỏi bị cáo nào trước, bị cáo nào sau; hỏi về vấn đề nào trước, vấn đề nào sau, vấn đề nào quan trọng, có tính quyết định để có thể bộc lộ được những tình tiết có ý nghĩa nhất, khách quan nhất. Khi xét hỏi có thể kết hợp với đấu tranh với những mâu thuẫn trong lời khai của người được xét hỏi.
Bốn là, vận dụng quy luật tư duy kết hợp số hóa hồ sơ bác bỏ các luận cứ, quan điểm của Luật sư hoặc những người tham gia tố tụng
Khi đối đáp, phản bác các quan điểm sai trái của Luật sư hoặc những người tham gia tố tụng, KSV cần vận dụng tư duy logic hình thức và kết hợp số hóa hồ sơ trong tranh luận , qua việc vận dụng các qui luật của tư duy (qui luật đồng nhất, qui luật cấm mâu thuẫn trong tư duy, qui luật loại trừ cái thứ ba, qui luật lý do đầy đủ); vận dụng các hình thức của suy luận (duy luận diễn dịch, suy luận qui nạp), vận dụng tư duy chứng minh (quá trình tư tưởng nhằm luận chứng tính chân thực của luận điểm nào đó, nhờ các luận điểm khác đã được xác nhận là chân thực), bác bỏ (là quá trình tư tưởng, nhờ đó ta chứng minh rằng một luận điểm nào đó là không chân thực) hoặc KSV hiểu biết tư duy theo kiểu nguy biện của người bào chữa, bị cáo để bác bỏ, phê phán (tư duy ngụy biện là quá trình tư tưởng nhằm làm cho người khác nhầm lẫn giả dối là chân thực, chân thực là giả dối như đánh tráo khái niệm, đánh tráo đối tượng,..). Thực tiễn vận dụng cho thấy, khi kết hợp số hóa hồ sơ cùng việc vận dụng tư duy logic thì chất lượng hoạt động tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa hình sự được nâng cao, cách thức tranh tụng sinh động, thuyết phục và hiệu quả cao hơn so với phương pháp trình bày bằng lời nói.
Một số lưu ý của KSV trong tranh tụng thông qua số hóa hồ sơ
- Một là, thái độ tranh tụng của KSV
Thái độ tranh tụng của KSV phải thể hiện sự khiêm tốn tôn trọng ý kiến của những người tham gia tố tụng. Trước khi tranh tụng nên nhắc lại các nội dung chính của từng người bào chữa, người bị hại, người tham gia tố tụng (thể hiện sự tôn trọng, thẳng thắn, không né tránh trong việc tranh tụng)
- Hai là, sử dụng ngôn ngữ trong tranh tụng của KSV
Kiểm sát viên phải sử dụng ngôn từ thật sự đơn giản, tự nhiên, trong sáng, lưu loát, dễ hiểu, hành văn rõ ràng mạch lạc, sử dụng những từ ngữ nước ngoài, trình bày những con số có giá trị lớn phải chính xác. Ngôn ngữ và cách sử dụng ngôn ngữ phải đúng văn hoá, quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức nói chung và đặc biệt phải đúng quy tắc ứng xử của KSV tại phiên tòa, phiên họp theo quy định của ngành KSND, thể hiện sự nghiêm minh, dân chủ, đúng pháp luật, tôn trọng người tranh tụng.
- Ba là, quan sát, lắng nghe, tổng hợp ý kiến, ghi chép và tranh tụng:
Trong quá trình tranh tụng KSV chú ý nội dung tranh tụng đưa ra đã được đối đáp chưa; có thuộc phạm vi cáo trạng truy tố không; có thuộc phạm vi bào chữa không để đối đáp một cách ngắn gọn và tập trung, tránh trường hợp tranh luận lại những nội dung đã tranh luận, hoặc tranh luận những nội dung không thuộc phạm vi cáo trạng truy tố.
Nội dung tranh tụng phải ngắn gọn, súc tích, trên cơ sở tổng hợp đầy đủ các vấn đề cần tranh luận theo thứ tự, bắt đầu từ thủ tục tố tụng, sau đó đến phần nội dung cụ thể, như: Tội danh, khung hình phạt, mức hình phạt áp dụng, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và các vấn đề khác. Lưu ý khi tranh tụng trong vụ án có nhiều bị cáo, có nhiều người bào chữa (thường có những vụ án có nhiều Luật sư cùng bào chữa cho một bị cáo) thì KSV chú ý ghi chép các ý kiến trùng lặp, tổng hợp được các nội dung cần tranh luận để tiến hành trình chiếu tài liệu đã số hóa đối đáp một lần, tránh lan man, dài dòng. Đối với các ý kiến trái ngược nhau giữa người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại, KSV cần phải tập trung ghi chép đầy đủ, khi đối đáp phải kèm theo các chứng cứ đã được số hóa và quy định pháp luật để thể hiện sự khách quan, công bằng, nếu đồng ý hoặc không đồng ý với ý kiến nào thì phải nêu rõ lí do. Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy khi ghi chép, để nhấn mạnh những nội dung cần chú ý, KSV có thể sử dụng các loại bút có loại mực khác nhau để đánh dấu, tạo sự chú ý, tránh bỏ quên nội dung.
Khi tranh tụng liên quan đến xác định tội danh thì KSV nên trình chiếu những tài liệu đã số hóa trước đó trong nhóm các chứng cứ xác định tội phạm và người phạm tội theo Điều 85 BLTTHS để đối đáp, nội dung nào không quan trọng thì chỉ nhắc qua và nêu rõ quan điểm, không phân tích lan man, lặp lại. Đối với các nội dung đồng thuận với lời luận tội của KSV thì chỉ nêu ý kiến mà không cần tranh tụng. Mỗi khi kết thúc một ý kiến, tranh luận, KSV nên bày tỏ quan điểm kết luận của mình, như: “Giữ nguyên quan điểm truy tố, quan điểm buộc tội khi luận tội bị cáo” hoặc khi KSV đồng tình về các ý kiến, nội dung cụ thể nào đó của những người tham gia tranh luận, thì phải đề nghị Hội đồng xét xử xem xét, nhưng phải đảm bảo nguyên tắc không được làm xấu đi tình trạng của bị cáo.
- Bốn là, lưu ý trong đối đáp, phản bác các quan điểm sai trái: Kiểm sát viên phải kịp thời phát hiện những luận điểm, quan điểm sai trái của những người tranh tụng với mình để đưa ra các chứng cứ số hóa bác bỏ và đề nghị Hội đồng xét xử ra phán quyết đầy đủ, đúng quy định pháp luật. Khi tranh luận, đối đáp, KSV cần linh hoạt chọn các hình thức của suy luận để áp dụng cho các trường hợp cụ thể./.