Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 đã quy định Viện kiểm sát có quyền “Kiến nghị cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật”, theo đó để thực hiện quyền năng trên thì quá trình kiểm sát phải chú trọng phát hiện những vi phạm, yêu cầu cơ quan, tổ chức khắc phục vi phạm, bảo đảm tính nghiêm minh trong chấp hành pháp luật. Qua công tác kiểm sát, Kiểm sát viên phát hiện, tổng hợp những vi phạm trong hoạt động tư pháp, những thiếu sót, sơ hở trong công tác quản lý, thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan quản lý Nhà nước, từ đó làm cơ sở để tham mưu Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân ban hành kiến nghị phòng ngừa vi phạm pháp luật.
Trong thời gian vừa qua, thông qua các công tác thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành, Viện kiểm sát nhân dân huyện Đak Pơ đã quan tâm, chú trọng, tăng cường công tác kiến nghị đối với các vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp của các cơ quan tư pháp và kiến nghị các cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật. Xuất phát từ ý nghĩa, vai trò và tầm quan trọng của công tác này, thông qua kết quả công tác kiểm sát trong các năm 2021 và đầu năm 2022, Viện kiểm sát nhân dân huyện Đak Pơ đã ban hành nhiều văn bản kiến nghị đối với các ngành, tổ chức hữu quan kiến nghị về những tồn tại, sơ hở trong công tác quản lý nhà nước hoặc phòng ngừa vi phạm, tội phạm. Điển hình như:
- Thông qua công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, kiểm sát điều tra, truy tố, xét xử. Viện kiểm sát nhân dân huyện Đak Pơ nhận thấy trong những năm gần đây trên địa bàn huyện Đak Pơ tình hình tai nạn giao thông đường bộ và loại tội phạm xâm phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ thường xuyên xảy ra và có chiều hướng gia tăng, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trị an trên địa bàn huyện, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế huyện và xâm phạm nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của công dân. Ngày 24/02/2021, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Đak Pơ đã ban hành văn bản kiến nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đak Pơ tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông; phân công cụ thể và quy định trách nhiệm cá nhân rõ ràng trong xây dựng kế hoạch thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn; Chỉ đạo các ban, ngành, tổ chức đoàn thể đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền pháp luật, Luật giao thông đường bộ và các Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông đường bộ; Chỉ đạo lực lượng Công an tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ trên các tuyến đường, nhất là vào các giờ cao điểm...
- Để nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống vi phạm và tội phạm trộm cắp tài sản, bảo vệ tài sản của nhà nước và công dân góp phần ổn định an ninh trật tự trị an trên địa bàn xã Phú An, huyện Đak Pơ. Ngày 26/02/2021, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Đak Pơ đã ban hành văn bản kiến nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phú An có các biện pháp chỉ đạo nhằm hạn chế các vụ vi phạm và tội phạm “Trộm cắp tài sản” trên địa bàn xã Phú An.
- Để pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất, đồng thời nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống loại tội phạm “Cố ý gây thương tích”, bảo vệ trật tự xã hội, bảo vệ sức khỏe của con người góp phần ổn định an ninh trật tự trên địa bàn xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ. Ngày 15/12/2021, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Đak Pơ đã ban hành văn bản kiến nghị yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Yang Bắc có các biện pháp chỉ đạo nhằm hạn chế các vụ vi phạm và tội phạm “Cố ý gây thương tích” trên địa bàn xã, cụ thể như: Thực hiện thường xuyên, liên tục Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tội phạm trong tình hình mới và chương trình Quốc gia phòng chống tội phạm; Chỉ đạo lực lượng Công an xã theo dõi, nắm bắt, quản lý chặt chẽ đối với các đối tượng tạm vắng, tạm trú, các đối tượng có tiền án, tiền sự, và đối tượng tha tù về địa phương để hòa nhập với cộng đồng, không để các đối tượng tiếp tục phạm tội...
- Thông qua công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc giải quyết các vụ án dân sự, Viện kiểm sát nhân dân huyện Đak Pơ nhận thấy các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện Đak Pơ còn để xảy ra một số sai sót trong quá trình định giá tài sản gây mất nhiều thời gian và ảnh hưởng đến thời hạn giải quyết vụ án, ảnh hưởng đến quyền lợi của các đương sự. Ngày 26/3/2021, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Đak Pơ đã ban hành văn bản kiến nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đak Pơ có biện pháp chỉ đạo và quán triệt các cơ quan liên quan của Hội đồng định giá khi tham gia thực hiện công tác chuyên môn cần tuân thủ đúng và đầy đủ các quy định về định giá tài sản và thẩm định giá tài sản.
- Để việc cung cấp, xác minh chứng cứ nhanh chóng, kịp thời và có căn cứ giải quyết các vụ việc trong công tác thi hành án dân sự, trong năm 2021 Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Đak Pơ đã ban hành văn bản kiến nghị đối với Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Đak Pơ để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác giải quyết thi hành án dân sự đúng với quy định của pháp luật.
Các bản kiến nghị phòng ngừa của Viện kiểm sát nhân dân huyện Đak Pơ đều nhận được sự đồng thuận, nhất trí cao của các cơ quan, tổ chức hữu quan. Điều này được thể hiện, ngay sau khi nhận được kiến nghị, các cơ quan, tổ chức hữu quan đã có văn bản phản hồi và thực hiện những biện pháp, giải pháp nhằm khắc phục những tồn tại, sơ hở trong công tác quản lý nhà nước hoặc những vi phạm, tồn tại trong hoạt động nghiệp vụ chuyện môn.
Kiểm sát viên báo cáo kết quả công tác kiến nghị phòng ngừa
Để góp phần thực hiện có chất lượng, hiệu quả công tác kiến nghị phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật của Ngành Kiểm sát nhân dân, tôi đề xuất một số giải pháp cơ bản sau đây:
- Thứ nhất, cần phải nhận thức được vai trò, tầm quan trọng và nắm chắc yêu cầu của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật đối với Ngành Kiểm sát nhân dân trong tình hình hiện nay.
- Thứ hai, chủ động bám sát yêu cầu nhiệm vụ chính trị, đặc điểm, tình hình kinh tế xã hội và dự báo tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật ở địa phương, nhất là những vấn đề nổi cộm, bức xúc đang diễn ra (như tình hình trộm cắp tài sản, tai nạn giao thông, cố ý gây thương tích, các tranh chấp dân sự thường xuyên xảy ra…) để kịp thời ban hành các văn bản kiến nghị phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật.
- Thứ ba, thường xuyên tranh thủ sự lãnh đạo của Viện kiểm sát cấp trên và cấp ủy địa phương; phối hợp có hiệu quả với các cơ quan hữu quan và các đơn vị trong ngành để làm tốt công tác kiến nghị phòng ngừa.
- Thứ tư, cần phải có sự nỗ lực, quyết tâm cao hơn nữa từ lãnh đạo đơn vị đến từng cán bộ, kiểm sát viên khi thực hiện nhiệm vụ; tích cực phát huy trách nhiệm, đổi mới phương pháp tư duy và tác phong, lề lối làm việc để nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác.
- Thứ năm, hoàn thiện hơn nữa các quy định của pháp luật nhằm thực hiện có hiệu quả công tác phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật thông qua hoạt động kiến nghị phòng ngừa của Viện kiểm sát.
- Thứ sáu, cần quy định tăng dần tiêu chí về số lượng ban hành các bản kiến nghị phòng ngừa của Viện kiểm sát các cấp và đánh giá hiệu quả thực hiện các biện pháp phòng ngừa tội phạm của các cơ quan hữu quan trong từng năm để nâng cao hơn nữa công tác kiến nghị phòng ngừa.
- Thứ bảy, tiến hành xây dựng kế hoạch và chương trình hành động cụ thể trong hoạt động kiến nghị phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật, trong đó nêu rõ các tiêu chí về mục tiêu, nhiệm vụ, mức độ đạt được kết quả công tác…
- Thứ tám, xây dựng kế hoạch, chương trình tập huấn, trao đổi kinh nghiệm trong công tác tổng hợp, xây dựng kiến nghị phòng ngừa của Viện kiểm sát để các đơn vị, cán bộ Kiểm sát viên học tập, tích lũy kinh nghiệm, thực hiện tốt hơn nữa công tác phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật.
Có thể thấy, việc nâng cao chất lượng công tác kiến nghị phòng ngừa vi phạm và tội phạm của Viện kiểm sát nhân dân đối với các cơ quan, tổ chức có vai trò rất quan trọng, giúp các tổ chức, cơ quan, đơn vị có những biện pháp thiết thực trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động và chấp hành pháp luật; bảo vệ quyền con người, các quyền và lợi ích chính đáng của Nhà nước, của các tổ chức và công dân đã được Hiến pháp và pháp luật ghi nhận. Qua đó, nâng cao vị thế và niềm tin của nhân dân, chính quyền và cấp ủy tại địa phương đối với Ngành Kiểm sát nhân dân. Vì vậy, nâng cao hiệu quả công tác kiến nghị, đặc biệt là kiến nghị phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật chính là nâng cao vị thế của ngành Kiểm sát nhân dân trong hệ thống các cơ quan tư pháp.