Chào mừng 30/4
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh

Ứng dụng CNTT trong chuẩn bị, trình bày bài phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa dân sự

Thứ tư - 17/11/2021 07:53 1.026 0
Trong thời gian qua, chất lượng khâu công tác kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính, dân sự đã và đang được nâng lên rõ rệt.
Phát biểu của Kiểm sát viên khi tham gia phiên tòa xét xử vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động (gọi chung là vụ án dân sự) là trung tâm của công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án; thể hiện trực tiếp, tập trung, phản ánh rõ ràng và đầy đủ kết quả hoạt động kiểm sát việc giải quyết vụ án dân sự, góp phần củng cố vị trí, vai trò của Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) trong tố tụng dân sự. Bên cạnh đó, cũng thể hiện trách nhiệm của Kiểm sát viên trong giải quyết vụ án dân sự, là cơ sở quan trọng để Tòa án xem xét ban hành bản án, quyết định giải quyết vụ án dân sự có căn cứ và đúng pháp luật; là phương thức tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức pháp luật; là cơ sở để nhân dân thực hiện giám sát trực tiếp đối với hoạt động của VKSND trong quá trình giải quyết vụ án dân sự. Nghị quyết số 96/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội đặt ra đối với ngành Kiểm sát nhân dân về nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa của Kiểm sát viên tại phiên tòa hình sự, chất lượng phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa dân sự, hành chính.
Nhằm tăng cường hơn nữa trách nhiệm của Viện kiểm sát trong kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, vụ án hành chính, Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 31/12/2020 của Viện trưởng VKSND tối cao yêu cầu: “Xác định công tác kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong năm 2021 và trong nhiệm kỳ tới"; Chỉ thị số 03/CT VKSTC ngày 17/5/2021 của Viện trưởng VKSND tối cao về chủ trương thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành Kiểm sát nhân dân. Viện kiểm sát nhân dân hai cấp tỉnh Gia Lai đã đề ra nhiều giải pháp để thực hiện, trong đó, nâng cao chất lượng bài phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa xét xử vụ án dân sự thông qua hình ảnh là một phương pháp, cách làm mới giúp Viện kiểm sát thực hiện tốt hơn.
Thực hiện “số hóa hồ sơ” vụ án dân sự là sự đổi mới, tạo chuyển biến về “chất” trong công tác kiểm sát án dân sự tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) nhằm phát hiện vi phạm khi kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án, là cơ sở để thực hiện các quyền yêu cầu. kiến nghị, kháng nghị, đảm bảo các bản án, quyết định có căn cứ, đúng pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức; pháp luật được thực hiện thống nhất; góp phần quan trọng thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành Kiểm sát nhân dân.

Kiểm sát viên ứng dụng công nghệ thông tin trong trình bày bài phát biểu tại phiên tòa
 
1. Những lợi ích khi thực hiện “số hóa hồ sơ” và đổi mới phương thức trình bày bài phát biểu
Việc ứng dụng CNTT trong kiểm sát giải quyết án dân sự tạo điều kiện thuận lợi cho Kiểm sát viên, Kiểm tra viên trong việc nghiên cứu, khai thác, cập nhật tài liệu bất cứ lúc nào mà không phụ thuộc vào hồ sơ gốc; phục vụ tối đa cho việc công bố những tài liệu, chứng cứ cần thiết bằng hình ảnh tại phiên tòa; đặc biệt phục vụ cho phần hỏi của Kiểm sát viên, cũng như định hướng việc hỏi những người tham gia tố tụng tại phiên tòa tốt hơn, làm rõ những vấn đề còn mâu thuẫn, những nội dung mà Hội đồng xét xử (HĐXX) chưa làm rõ, từ đó có cơ sở, căn cứ để Kiểm sát viên củng cố quan điểm đề nghị giải quyết vụ án. Qua đó, từng bước nâng cao chất lượng bài phát biểu của Kiểm sát viên cũng như chất lượng kiểm sát việc giải quyết vụ án dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại... của Tòa án.
Việc ứng dụng CNTT trong xử lý công việc cũng là cách đổi mới lề lối làm việc, tăng cường hiệu quả công việc, đào tạo và bồi dưỡng nâng cao trình độ và kỹ năng về CNTT cho cán bộ, Kiểm sát viên. Do đó, đây cũng là giải pháp tự đào tạo nâng cao kỹ năng, trình độ của Kiểm sát viên trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, kinh doanh thương mại, lao động, vụ án hành chính và những việc khác theo quy định của pháp luật.
Trong công tác phối hợp giữa Viện kiểm sát cấp sơ thẩm và Viện kiểm sát cấp phúc thẩm: Theo Quy chế công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự ban hành kèm theo Quyết định số 364/QĐ- VKSTC ngày 02/10/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao thì Viện kiểm sát cấp sơ thẩm phải sao gửi bản án, quyết định kèm theo phiếu kiểm sát bản án, quyết định, thông báo việc kháng cáo (nếu có) cho Viện kiểm sát cấp phúc thẩm để thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo thẩm quyền. Như vậy, đối với những vụ án mà đương sự kháng cáo. Viện kiểm sát kháng nghị thì ngoài việc thông báo về việc kháng cáo của đương sự, gửi quyết định kháng nghị cho Viện kiểm sát cấp phúc thẩm, Viện kiểm sát cấp sơ thẩm sẽ gửi kèm theo hồ sơ kiểm sát điện tử đã xây dựng cho cấp phúc thẩm. Điều này sẽ giúp cho Viện kiểm sát cấp phúc thẩm nắm được nội dung vụ việc ngay từ đầu, chủ động trong việc nghiên cứu hồ sơ vụ án, kháng cáo của đương sự, kháng nghị của Viện kiểm sát; góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng nghiên cứu án tại giai đoạn này. Bởi lẽ, thực tế có nhiều vụ án có tính chất phức tạp, Viện kiểm sát cấp phúc thẩm cần nhiều thời gian hơn để nghiên cứu, đề xuất so với thời hạn quy định của pháp luật là 15 ngày (khoản 2 Điều 292 Bộ luật Tổ tụng dân sự năm 2015); hoặc có nhiều vụ việc Tòa án chuyển hồ sơ không đảm bảo quy định (thường chuyển trước khi mở phiên tòa phúc thẩm khoảng từ 10 đến 12 ngày). Dẫn đến trong một số trường hợp, Viện kiểm sát cấp phúc thẩm bị động trong việc tiếp cận hồ sơ vụ án. Do đó, nếu cấp sơ thẩm làm tốt công tác số hóa hồ sơ dân sự, xây dựng hồ sơ điện tử thì cấp phúc thẩm sẽ không bị phụ thuộc vào thời hạn chuyển hồ sơ của Tòa án.
Bài phát biểu của Kiểm sát viên tại - phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án dân sự thể - hiện “thông qua hình ảnh”, là việc hệ thống các luận cứ trình bày thông qua trình chiếu slide kết hợp các hình ảnh (tài liệu hồ sơ vụ án) trên nền tảng microsoft powerpoint; qua đó giúp HĐXX dễ theo dõi và nắm bắt những nội dung trọng tâm, trọng điểm, những luận cứ chứng minh cho ý kiến của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án. Phương thức này góp phần bảo đảm chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát, là phương tiện giúp Kiểm sát viên phát huy hết khả năng và vai trò của mình, bởi lẽ:
- Việc trình bày dưới công cụ bổ trợ bằng hình ảnh là phương thức hiệu quả, phản ánh rõ ràng và đầy đủ kết quả hoạt động kiểm sát việc giải quyết vụ án dân sự của Viện kiểm sát.
- Sự kết hợp giữa phương thức biểu đạt truyền thống “bằng lời nói” và “trình chiếu hình ảnh” sẽ sinh động, hấp dẫn, đem lại những tác động tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả trong việc trao đổi và tiếp nhận thông tin giữa những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng và nhân dân...
- Việc ghi dấu bài phát biểu bằng những điểm mấu chốt, cơ bản nhất được trình chiếu là việc hệ thống các luận cứ nhằm tăng tính thuyết phục, hạn chế hoặc tránh tình trạng bỏ sót vấn đề, là cơ sở để nhân dân thực hiện giám sát trực tiếp đối với các hoạt động của VKSND trong quá trình giải quyết vụ án dân sự.
- Việc trình bày bằng lời nói kết hợp với hình ảnh thể hiện việc công khai, toàn diện trong xem xét tài liệu, chứng cứ trước khi đưa ra quan điểm, góp phần tạo niềm tin và tiền đề quan trọng để Tòa án xem xét ban hành bản án, quyết định giải quyết vụ án dân sự có căn cứ và đúng pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự qua đó, củng cố vị trí, vai trò của VKSND trong tố tụng dân sự,
2. Một số kinh nghiệm của Kiểm sát viên khi chuẩn bị và trình bày bài phát biểu tại phiên tòa thông qua hình ảnh
Kiểm sát viên cần nghiên cứu kỹ hồ sơ, lập sẵn đề cương hỏi và dự kiến tình huống phát sinh tại phiên tòa, chú ý quan sát và ghi chép diễn biến phiên tòa, có kỹ năng phân tích, nhận định chính xác, đầy đủ diễn biến phiên tòa để củng cố hoặc điều chỉnh kịp thời quan điểm giải quyết vụ án trong bản giấy và trên bảng powerpoint. Tại phiên tòa, nếu có tình tiết mới làm thay đổi nhận định ban đầu của Viện kiểm sát thì Kiểm sát viên phải tự xem xét, kết luận, nhưng ngay sau phiên tòa, Kiểm sát viên phải báo cáo với lãnh đạo Viện kiểm sát cấp mình về tình tiết mới đó và ý kiến của mình.
Trường hợp Kiểm sát viên yêu cầu HĐXX tạm ngừng phiên tòa để thu thập, xác minh tài liệu, chứng cứ bảo đảm đủ cơ sở giải quyết vụ án, nhưng HĐXX không chấp nhận và vẫn tiến hành xét xử thì Kiểm sát viên tiếp tục tham gia phiên tòa, phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát, đồng thời thể hiện rõ trong bảng powerpoint việc chưa có đủ cơ sở để giải quyết vụ án vì thiếu những chứng cứ mà Kiểm sát viên đã yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập bổ sung.
Trường hợp bài phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát có kiến nghị đề xuất việc khắc phục vi phạm (như: Yêu cầu thu thập chứng cứ, đưa người tham gia tố tụng
thì trong bảng powerpoint chỉ ghi tóm tắt vi phạm, không ghi quá nhiều về vi phạm; lưu ý khi Tòa án tuyên án, Kiểm sát viên phải lắng nghe và ghi chép lại xem HĐXX có tiếp thu kiến nghị của Kiểm sát viên tại phiên tòa để khắc phục vi phạm hay không. Nếu HĐXX không chấp nhận thì xem xét lý do không chấp nhận là gì để kiểm sát bản án và xem xét thực hiện quyền kháng nghị, kiến nghị.
Khi phát biểu ý kiến tại phiên tòa thông qua hình ảnh, Kiểm sát viên phải thể hiện phong thái tự tin, bình tĩnh, trình bày ý kiến rõ ràng, lưu loát, có căn cứ pháp luật mang tính thuyết phục cao. Để thực hiện tốt hoạt động này đòi hỏi Kiểm sát viên phải nắm vững các chứng cứ, hồ sơ và hoạt động tranh luận tại phiên tòa, phải nắm vững nguyên đơn khởi kiện yêu cầu giải quyết về vấn để gì? Quan hệ pháp luật từ yêu cầu ban đầu phát sinh tranh chấp, tính chất và nội dung tranh chấp... Căn cứ để giải quyết tranh chấp, các bên xuất trình được những tài liệu, chứng cứ gì chứng minh cho yêu cầu của mình không? Xác định tính có căn cứ và tính hợp pháp của các chứng cứ.
Kiểm sát viên cần lưu ý, quan điểm của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án thể hiện trên hình ảnh phải được tóm tắt ngăn gọn như: Chấp nhận, chấp nhận một phần hay không chấp nhận yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập (trong đó phải nêu rõ căn cứ pháp luật được áp dụng để giải quyết vụ án). Bởi lẽ, nội dung slide càng ngắn gọn thì việc điều chỉnh càng dễ dàng và nhanh chóng, giúp Kiểm sát viên xử lý tốt các tình huống tại phiên tòa.
3. Một số đề xuất, kiến nghị
Thứ nhất, cần thống nhất từ nhận thức đến thực tiễn thực hiện ứng dụng CNTT trong kiểm sát việc giải quyết án dân sự. Vì đây là một lĩnh vực mới nên việc hiểu và vận dụng CNTT có sự khác nhau giữa các đơn vị. Thực tế, nhiều đơn vị xem việc số hóa hồ sơ vụ án chỉ nhằm phục vụ cho hoạt động hỗ trợ Tòa án công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa, việc làm này sẽ mất nhiều thời gian trong khi khối lượng công việc nhiều. Tuy nhiên, cách hiểu như vậy là chưa chính xác. Nếu cấp sơ thẩm chuẩn bị tốt hồ sơ điện tử vụ án dân sự thì sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho cấp phúc thẩm trong việc nghiên cứu trả lời thỉnh thị kịp thời; tăng hiệu quả trong kháng nghị, bảo vệ kháng nghị phúc thẩm ngang cấp cũng như việc nghiên cứu hồ sơ tại giai đoạn phúc thẩm.
Thứ hai, cần ban hành nội quy và xây dựng quy trình cơ bản về công tác số hóa hồ sơ kiểm sát giải quyết các vụ án dân sự, trong đó hướng dẫn cụ thể về cách thức số hóa, sử dụng hồ sơ số hóa, bảo mật, chia sẻ hồ sơ số hóa... một cách thống nhất, đảm bảo tính bảo mật khi lưu trữ và thuận tiện khi sử dụng để Viện kiểm sát các cấp thực hiện một cách đồng bộ.
Thứ ba, cần tổ chức tập huấn về kỹ năng mềm cho Kiểm sát viên tham gia phiên tòa xét xử vụ án dân sự nhằm tăng tính hiệu quả trong truyền đạt và thuyết phục tới người nghe, chú trọng về cách thức xây dựng hệ thống luận điểm, triển khai vấn đề, kỹ năng trình bày vấn đề.

Tạp chí kiểm sát số 21 năm 2021 của nhóm tác giả:

Hoàng Hải Ly – Phòng 9 Viện KSND tỉnh Gia Lai và Nguyễn Thị Tường Vi - Lê Xuân Quang - Viện kiểm sát nhân dân huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyển đổi số
Hưởng ứng giải  Búa Liềm Vàng
Giải báo chí phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Công khai ngân sách
Mail công vụ
Thống Kê Truy Cập
  • Đang truy cập110
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm109
  • Hôm nay20,331
  • Tháng hiện tại302,454
  • Tổng lượt truy cập16,831,376
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây