Chào mừng 30/4
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh

Kỹ năng xây dựng dự thảo đề cương xét hỏi điện tử công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa

Thứ ba - 09/11/2021 07:47 2.054 0
Trong những năm qua, ngành Kiểm sát nhân dân đã tích cực triển khai nghiên cứu, xây dựng các phần mềm, giải pháp nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác kiểm sát, góp phần thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Ngành. Một trong các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin đó là triển khai thực hiện số hóa hồ sơ vụ án hình sự và công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại các phiên tòa.
Tuy nhiên, hiện nay Ngành Kiểm sát nhân dân vẫn chưa có văn bản quy định, hướng dẫn cụ thể về quy trình số hóa hồ sơ và công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa hình sự dẫn đến thực tiễn thực hiện công tác này vẫn chưa có sự thống nhất.
Qua nghiên cứu và thực tiễn đơn vị thực hiện việc số hóa hồ sơ, công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh, tác giả có một số ý kiến trao đổi trong việc xây dựng dự thảo đề cương xét hỏi điện tử công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa, góp phần thực hiện tốt hơn nữa công tác này trong thời gian tới.
Những lưu ý chung trong xây dựng đề cương xét hỏi điện tử
Việc xây dựng đề cương xét hỏi điện tử ngoài việc thực hiện nghiêm túc Điều 24 Quy chế công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử vụ án hình sự ban hành kèm theo Quyết định số 505/2017/QĐ-VKSTC ngày 18/12/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao khi thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên tòa, thì khi xây dựng dự thảo đề cương xét hỏi điện tử tùy vào từng hồ sơ vụ án cụ thể, kết quả phân loại chứng cứ trong hồ sơ, dựa trên từng loại nội dung yêu cầu trong đơn của bị can ở các giai đoạn tố tụng. Kiểm sát viên nghiên cứu xây dựng đề cương xét hỏi phải đảm bảo đủ căn cứ chứng minh tội phạm, người phạm tội, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ để quyết định hình phạt, trách nhiệm dân sự và các biện pháp tư pháp khác theo Điều 85 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Khi xây dựng đề cương xét hỏi điện tử phải làm rõ được những vấn đề sau: Xét hỏi về nội dung đơn kêu oan hay thay đổi tội danh trong các giai đoạn tố tụng (nếu có); xét hỏi làm rõ về hành vi phạm tội, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả, nguyên nhân, điều kiện phạm tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, đồng phạm, vai trò đồng phạm..
Đối với các vụ án phức tạp có nhiều bị cáo, bị xét xử về nhiều tội danh, nội dung xét hỏi đối với từng người tham gia tố tụng khác nhau cũng phải được chuẩn bị thứ tự xét hỏi, hỏi ai trước, hỏi tình tiết nào trước. Lập các bảng đề cương xét hỏi điện tử cho từng trường hợp: kêu oan, phản cung không nhận tội; không đồng ý về tội danh, điểm, khoản; xin giảm nhẹ hình phạt... Câu hỏi trong đề cương xét hỏi điện tử tập trung vào vấn đề giải quyết những yêu cầu của bị cáo và luật sư; các từ ngữ sử dụng trong câu hỏi phải rõ ràng, súc tích, dễ hiểu. Các câu hỏi phải được sắp xếp từ đơn giản đến phức tạp, các câu hỏi cần liên tục, tránh đứt quãng để đảm bảo xét hỏi liền mạch, logic.
Cách thức xây dựng câu hỏi, thiết lập tài liệu chứng minh trong đề cương xét hỏi điện tử
Sau khi Kiểm sát viên đã xâu chuỗi, tổng hợp chứng cứ, nội dung trong vụ án qua đó đã khai thác triệt để mâu thuẫn, cũng như những lời khai gian dối của bị cáo trong giai đoạn điều tra và những mâu thuẫn trong lời khai của những người tham gia tố tụng. Kiểm sát viên cần nắm vững cách sử dụng chứng cứ đấu tranh với bị cáo, sử dụng sự mâu thuẫn trong từng lời khai của các đối tượng phạm tội để đấu tranh với chính đối tượng đó. Vì vậy, trong quá trình xây dựng đề cương xét hỏi điện tử. Kiểm sát viên cần liên kết các câu hỏi theo mạch, dự kiến những câu hỏi xoáy sâu vào từng vấn đề theo tư duy biện chứng thì khi hỏi đối tượng sẽ phải khai sự thật. Bởi vì, sự thật luôn tồn tại trong trí nhớ của bị cáo, còn sự gian dối thì bị cáo phải nghĩ ra mới khai báo và dễ quên, nên Kiểm sát viên cần chuẩn bị phương pháp đặt câu hỏi mang tính liên tục, dồn dập sao cho đối tượng không có thời gian tư duy ngược lại, lúc đó sẽ phải bộc lộ sự thật.
Cách thức đặt câu hỏi của KSV có thể linh hoạt theo nhiều dạng khác nhau: Câu hỏi trực tiếp (hay là câu hỏi tường thuật), là dạng câu hỏi thường được Kiểm sát viên xét hỏi đối với các trường hợp thành khẩn khai báo, người làm chứng trung thực, có tâm lý ổn định, luôn có lời khai nhất quán suốt quá trình điều tra, xét xử sơ thẩm để đấu tranh với các trường hợp phản cung, chối tội, câu hỏi gián tiếp (hỏi bắc cầu), là dạng câu hỏi để xác định một sự kiện, một hành động có quan hệ kéo theo đối với người khác để đấu tranh làm rõ các mâu thuẫn, để có thể công bố các chứng cứ buộc tội, gỡ tội hoặc bác bỏ lời khai không trung thực, gian dối; hỏi có đối chứng tài liệu, chứng cứ là dạng câu hỏi vừa hỏi từng bị cáo, vừa tổng hợp nhanh nội dung trả lời từng vấn đề cụ thể phát sinh để đối chất với bị cáo khác có liên quan trực tiếp với câu trả lời của người đang bị hỏi, đây là dạng câu hỏi thường áp dụng trong các vụ án có đông bị cáo kháng cáo để khai thác triệt để các chứng cứ đã được Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát phúc cung làm rõ trước khi truy tố..., câu hỏi kết hợp là dạng câu hỏi kết hợp cả câu hỏi trực tiếp và câu hỏi gián tiếp hỏi để thu thập thông tin, thường sử dụng trong các vụ án đông bị cáo, có nhiều người làm chứng, người liên quan, kết quả câu trả lời sẽ tạo điều kiện cho Kiểm sát viên hỏi những người tham gia tố tụng khác, kể cả đối chất làm rõ ngay tại phiên tòa sơ thẩm để xác định chính xác sự kiện đã diễn ra trong quá trình diễn ra vụ án.
Kiểm sát viên cũng cần dự kiến những câu hỏi đối với bị cáo quanh co, chối tội. Trong trường hợp như thế, Kiểm sát viên phải chuẩn bị linh hoạt các chiến thuật xét hỏi, phải vạch kế hoạch hỏi gợi ý, hỏi bất ngờ, hỏi vào điểm yếu, hỏi thẳng vào những nội dung đã có chứng cứ chứng minh rõ ràng. Trường hợp bị cáo khai mâu thuẫn phải chuẩn bị những tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ đã được số hóa bằng hoạt động hỏi cung bị cáo của Kiểm sát viên ở giai đoạn trước hoặc các chứng cứ khác để vạch trần việc cố tình khai gian dối của bị cáo tại phiên tòa.
Dự kiến hỏi bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hoặc người đại diện hợp pháp của những người đó. Dự kiến những câu hỏi bị hại về hành vi phạm tội của bị cáo, thiệt hại và yêu cầu bồi thường thiệt hại. Đối với nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, cần xây dựng câu hỏi làm rõ giá trị thiệt hại và yêu cầu bồi thường, khả năng đáp ứng yêu cầu bồi thường và những vấn dễ có liên quan.
Dự kiến hỏi người làm chứng. Trước hết phải đặt câu hỏi về mối quan hệ giữa người làm chứng với bị cáo và người bị hại, sau đó hỏi họ biết được thông tin gì của vụ án và lý do biết những thông tin đó, ngoài họ còn ai biết nữa không.
Dự kiến hỏi người giám định, Kiểm sát viên phải xây dựng câu hỏi về những điểm mâu thuẫn hoặc chưa rõ trong bản kết luận giám định.
Chú ý khi lập đề cương xét hỏi điện tử các vấn đề trên phải chuẩn bị các chứng cứ điện tử để chứng minh tội phạm và người phạm tội sau đó sử dụng chức năng Hyperlink để đính kèm tài liệu. Khi lập bảng đề cương xét hỏi điện tử nên lập trên excel để có thể thuận lợi cho việc lọc và tìm kiếm dữ liệu như hình:

1
Mẫu đề cương xét hỏi điện tử được thiết lập trên nền tảng
microsoft excel
         
Kỹ năng sử dụng đề cương xét hỏi điện tử của KSV

Khi áp dụng đề cương xét hỏi điện tử chúng ta có thể một lúc truy xuất được nhiều điều kiện ví dụ như: Khi lọc những câu hỏi Hội đồng xét xử chưa hỏi kiểm sát viên hoàn toàn có thể biết được những câu hỏi nào hội đồng xét xử chưa hỏi đối với bị cáo, bị hại, người làm chứng …và trong khi hỏi nếu bị cáo phản cung, chối tội Kiểm sát viên dễ dàng trình chiếu công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa nhằm nâng cao chất lượng các hoạt động xét hỏi, tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa hình sự trong tình hình mới.
         
Khi xét hỏi tại phiên tòa đối với đề cương xét hỏi điện tử chú ý không trình chiếu lên (khi hỏi chọn chế độ không trình chiếu trên máy tính hoặc rút dây kết nối máy tính và thiết bị chiếu) nếu khi nào bị cáo, luật sư đối đáp không đúng sự thật khách quan vụ án khi đó ta kết nối và công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa.


File đề cương xét hỏi điện tử đính kèm:

Tác giả bài viết: Lê Xuân Quang

Tổng số điểm của bài viết là: 7 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 2.3 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyển đổi số
Hưởng ứng giải  Búa Liềm Vàng
Giải báo chí phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Công khai ngân sách
Mail công vụ
Thống Kê Truy Cập
  • Đang truy cập96
  • Hôm nay32,357
  • Tháng hiện tại282,848
  • Tổng lượt truy cập16,811,770
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây