Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh

Cần hướng dẫn áp dụng, sửa đổi Điều 134 Bộ luật hình sự

Thứ sáu - 27/08/2021 05:26 12.630 0
Sau hơn 03 năm Bộ luật hình sự (BLHS) năm 2015 có hiệu lực và được triển khai vào thực tiễn, những quy định mới của BLHS năm 2015 đã tháo gỡ được nhiều vấn đề mà BLHS năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009 còn khó khăn trong quá trình giải quyết
NhưViệc quy định cụ thể “Người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành” (khoản 4 Điều 17 BLHS năm 2015); quy định rõ ràng hơn những trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự (khoản 2, 3 Điều 29 BLHS năm 2015); hay việc sửa đổi lại tình tiết “phạm tội nhiều lần” bằng quy định cụ thể hơn là “Phạm tội 02 lần trở lên”…Bên cạnh những kết quả đạt được của BLHS năm 2015 đem lại như nêu trên trong thời gian vừa qua, thực tiễn nghiên cứu và áp dụng vẫn còn tồn tại một số vướng mắc khi áp dụng quy định của BLHS năm 2015, trong đó nổi lên là vấn đề vướng mắc về áp dụng, Điều 134 BLHS năm 2015 vào thực tiễn.
Những vướng mắc từ thực tiễn
Xin nêu một vụ việc sau: Ngày 10/6/2021, Nguyễn Văn A. mang dao đi chặt chuối, khi đi ngang qua nhà Nguyễn Văn B. (có mâu thuẫn với A. từ trước), thấy B. ngồi nhậu cùng với C. trong nhà, A. vào nhà B., dùng dao gây thương tích cho B. (tỉ lệ 49%) và C. (tỉ lệ 21%).
Do A. gây thương tích cho 2 bị hại với 2 mức thương tật khác nhau (49% và 21%), theo quy định tại Điều 134 BLHS 2015 thì không thể xác định điểm, khoản, khung hình phạt để xử lý A trên thực tế, dẫn đến những quan điểm khác nhau về việc áp dụng điểm, khoản nào của Điều 134 BLHS 2015 để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với A về tội Cố ý gây thương tích.
Quan điểm thứ nhất: Hành vi của A. phạm vào điểm đ khoản 2 Điều 134 BLHS 2015 “Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này”. Việc áp dụng điểm, khoản này là theo tinh thần áp dụng nguyên tắc có lợi đối với người phạm tội (lấy tỉ lệ tổn thương cơ thể 21% của bị hại C.), đồng thời, khi lượng hình cần xem xét đối với hành vi A. gây thương tích cho B. có tỉ lệ tổn thương cơ thể là 49%.
Quan điểm thứ hai: Hành vi của Nguyễn Văn A. phạm vào điểm c khoản 3 Điều 134 BLHS 2015 “Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này”. Theo quan điểm này, lấy tỉ lệ tổn thương cơ thể cao nhất (49% của B.) để xử lý, đồng thời, khi lượng hình cần xem xét đối với hành vi gây thương tích của A. cho C. (21%). Chúng tôi đồng tình với quan điểm thứ hai này, bởi hiện tại, không thể xác định điểm, khoản, khung hình phạt để xử lý trên thực tế thì nên xử lý theo hướng lấy tỉ lệ tổn thương cơ thể cao nhất (lớn nhất) để xử lý và khi lượng hình nên cân nhắc lượng hình với những tỉ lệ tổn thương cơ thể khác (nhỏ hơn) để bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật đối với hành vi gây thương tích.
Trước đây, Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009 có Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn giải quyết trường hợp trên thì hiện nay, theo quy định tại Điều 134 BLHS hiện hành, khó có thể xác định được điểm, khoản, khung hình phạt để xử lý. Theo chúng tôi, lẽ ra nhà làm luật phải quy định “gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của các nạn nhân cộng lại từ 31% đến 60%”. Có như vậy mới phù hợp thực tiễn, bảo đảm tính nghiêm minh và công bằng của pháp luật.
Ngoài vướng mắc trên, qua thực tiễn, chúng tôi còn thấy một số bất cập trong việc áp dụng Điều 134 BLHS 2015 như sau:
Không phân hóa rõ tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội
Ví dụ: Nguyễn Văn A  gây thương tích cho Nguyễn Văn B có tỷ lệ tổn thương cơ thể là 27%, Nguyễn Văn C có tỷ lệ tổn thương cơ thể 26%, Nguyễn Văn D có tỷ lệ tổn thương cơ thể 20% và Nguyễn Văn E có tỷ lệ tổn thương cơ thể 26% mà tổng tỷ lệ tổn thương của 4 người là 99% và không thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ a đến k khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự. Nếu trước đây Bộ luật Hình sự 1999 coi trường hợp phạm tội này là “đặc biệt nghiêm trọng” và phải áp dụng khoản 4 của điều luật có khung hình phạt từ 15 năm đến 20 năm tù hoặc tù chung thân, thì nay Nguyễn Văn A chỉ bị áp dụng khoản 2 của điều 134 BLHS có khung hình phạt từ 02 năm đến 06 năm tù. Việc quy định tình tiết” Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30%” vào điểm b khoản 2 Điều 134 là không phản ánh đúng tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và không phù hợp với lý luận khoa học luật hình sự như đã phân tích ở trên. Lẽ ra điểm b khoản 2 của điều luật phải quy định: “Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ hoặc dưới 11% nhưng tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của các nạn nhân cộng lại là từ 11% đến 30%” Có như thế mới thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật.
Trong trường hợp trên nếu Nguyễn Văn A  chỉ gây thương tích cho Nguyễn Văn B có tỷ lệ tổn thương cơ thể là 27%, Nguyễn Văn C có tỷ lệ tổn thương cơ thể 26% và gây thương tích thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự thì Nguyễn Văn A sẽ bị xử lý tại điểm d khoản 3 Điều 134 với hình phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
Qua đó ta có thể thấy quy định điểm khoản khung hình phạt không phản ánh đúng tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội giữa điểm b khoản 2 và điểm d khoản 3 Điều 134.
Trường hợp nếu gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của rất nhiều người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người dưới 11%, dù thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 của điều luật thì người phạm tội cũng không bị áp dụng khoản 2 hoặc khoản 3 của điều luật, mà chỉ bị áp dụng khoản 1 của điều luật. Như vậy là chưa thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật. Lẽ ra điểm d khoản 3 của điều luật phải quy định: “Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ hoặc dưới 11% nhưng tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của các nạn nhân cộng lại là từ 11% đến 30% và thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 của điều luật” Có như thế mới thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật.
Không thể truy cứu trách nhiệm hình sự vì bỏ sót tình tiết định tội tại Điều 134 BLHS năm 2015
Tại khoản 1 Điều 134 BLHS năm 2015 nhà làm luật đã không đưa tình tiết tình tiết tái phạm nguy hiểm, là dấu hiệu định tội quy định từ điểm a đến điểm k vì vậy trên thực tiễn có trường hợp đối tượng gây thương tích tái phạm nguy hiểm nhưng nạn nhân có tỷ lệ tổn thương cơ thể dưới 11% và không thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 của điều luật thì đối tượng gây thương tích trong trường hợp này không thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Khó xác định mức truy cứu trách nhiệm hình sự vì bỏ sót tình tiết định tội tại Điều 134 BLHS năm 2015
Một bất cập nữa là tình tiết “Phạm tội 02 lần trở lên” và “Tái phạm nguy hiểm” chỉ quy định ở Khoản 2 Điều 134 BLHS, mà không quy định ở khoản 3,4,5 của điều luật và việc quy định tình tiết không gắn liền với hậu quả tương ứng đã gây ra một số bất cập.
Ví dụ: Nguyễn Văn A  chỉ gây thương tích cho Nguyễn Văn B có tỷ lệ tổn thương cơ thể là 27%, Nguyễn Văn C có tỷ lệ tổn thương cơ thể 26% và gây thương tích thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự mà thuộc trường hợp A Phạm tội 02 lần trở lên hoặc Tái phạm nguy hiểm thì lúc này Nguyễn Văn A bị xét xử theo khoản 3 Điều 134 hay khoản 2 Điều 134. Điều này vô hình trung đã tạo ra sự bất cập trong việc áp dụng pháp luật và bất cập quyết định hình phạt, nhất là việc quyết định hình phạt đối với những trường hợp phạm tội nhiều lần, các đối tượng nguy hiểm, coi thường pháp luật.
Để khắc phục tình trạng trên nhà làm luật nên quy định theo hướng mở đưa tình tiết “Tái phạm nguy hiểm” là dấu hiệu định tội quy định khoản 1 Điều 134 và tình tiết “Phạm tội 02 lần trở lên” và “Tái phạm nguy hiểm” quy định từ khoản 2 đến khoản 5 Điều 134 BLHS và gắn liền với hậu quả tương ứng.
Kiến nghị hoàn thiện pháp luật
Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc nêu trên Liên ngành tư pháp Trung ương, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao cần sớm ban hành Nghị quyết, Thông tư liên tịch hướng dẫn cụ thể các trường hợp đang gặp khó khăn, vướng mắc nêu trên để các Cơ quan tiến hành tố tụng có thể vận dụng kịp thời, đảm bảo thống nhất trong áp dụng pháp luật.  

Xuân Quang - Ngọc Anh
Tác giả: Lê Xuân Quang VKSND huyện Kông Chro tỉnh Gia Lai
và ThS. NCS. Hoàng Ngọc Anh
Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh

Tổng số điểm của bài viết là: 16 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyển đổi số
Hưởng ứng giải  Búa Liềm Vàng
Giải báo chí phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Công khai ngân sách
Mail công vụ
Thống Kê Truy Cập
  • Đang truy cập42
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm41
  • Hôm nay12,426
  • Tháng hiện tại801,176
  • Tổng lượt truy cập16,495,942
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây