Chào mừng 30/4
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh

05 nhóm giải pháp nâng cao chất lượng công tác kiểm sát việc phân loại án có điều kiện thi hành và chưa có điều kiện thi hành án

Thứ hai - 20/09/2021 23:00 2.214 0

Việc phân loại án có điều kiện thi hành và chưa có điều kiện thi hành án có ý nghĩa rất quan trọng và hết sức cần thiết trong công tác thi hành án dân sự. Phân loại chính xác, đúng pháp luật đối với án có điều kiện thi hành và chưa có điều kiện thi hành góp phần thúc đẩy quá trình tổ chức thi hành bản án, quyết định của Tòa án được kịp thời, đầy đủ và đúng pháp luật, đồng thời giúp giảm tải lượng án phải theo dõi giải quyết đối với những vụ việc người phải thi hành án không có tài sản, thu nhập.
Theo số liệu thống kê từ 01/10/2020 đến 31/7/2021 tổng số phải thi hành án  của toàn tỉnh là 15.082 việc/ 2.083.343.334.000 đồng, số việc chưa có điều kiện thi hành toàn tỉnh là 5.303 việc/ 1.086.808.355.000 việc (chiếm 35,16% về số việc và 52.17% về số tiền trên tổng số việc phải thi hành). Có thể thấy, số lượng việc thi hành án chưa có điều kiện thi hành chiếm một số lượng không nhỏ trong tổng số việc phải thi hành.
Quá trình kiểm sát việc phân loại án có điều kiện và chưa có điều kiện thi hành, Viện kiểm sát nhân dân hai cấp đã tiến hành xác minh việc chưa có điều kiện và kiểm sát hồ sơ chưa có điều kiện thi hành án, phát hiện nhiều trường hợp Cơ quan thi hành án xác minh chưa đảm bảo, đầy đủ nhưng đã ra Quyết định v/v chưa có điều kiện thi hành án, vi phạm quy định các Điều 44, 44a Luật THADS sửa đổi, bổ sung năm 2014; Điều 9 Nghị định 62/NĐ-CP ngày 18/7/2015  hoặc có trường hợp người phải thi hành án không có điều kiện thi hành nhưng Cơ quan thi hành án không ban hành Quyết định chưa có điều kiện, để kéo dài nhiều năm, qua đó Viện kiểm sát nhân dân 2 cấp đã ban hành nhiều kiến nghị, kháng nghị, được Cơ quan thi hành án dân sự 2 cấp chấp nhận, tiếp thu, khắc phục vi phạm.
Để nâng cao chất lượng công tác kiểm sát phân loại án có điều kiện và chưa có điều kiện thi hành án, đảm bảo Bản án, Quyết định cua Tòa án được thi hành kịp thời, đầy đủ, đúng pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, Nhà nước cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:
Một là, cán bộ, Kiểm sát viên làm công tác kiểm sát thi hành án dân sự cần thay đổi nhận thức “công tác kiểm sát thi hành án dân sự là đơn giản, không quan trọng bằng các khâu công tác khác”, nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác kiểm sát thi hành án dân sự nhằm nâng cao chất lượng công tác kiểm sát thi hành án dân sự nói chung và công tác kiểm sát phân loại án nói riêng.
Hai là, công tác kiểm sát việc phân loại việc chưa có điều kiện thi hành án đòi hỏi Kiểm sát viên, cán bộ được phân công đảm nhiệm khâu này phải có kỹ năng nghiệp vụ kiểm sát tốt, có khả năng  tổng hợp các quy định pháp luật có liên quan để đánh giá việc phân loại việc chưa có điều kiện thi hành án. Để công tác kiểm sát việc phân loại án có điều kiện thi hành và chưa có điều kiện thi hành đạt hiệu quả, cán bộ, Kiểm sát viên làm công tác kiểm sát thi hành án dân sự phải nắm chắc quy định của pháp luật về xác minh điều kiện thi hành án, về thẩm quyền của Viện kiểm sát trong kiểm sát việc xác minh điều kiện thi hành án; thường xuyên cập nhật văn bản pháp luật liên quan đến xác minh điều kiện thi hành án về thời hạn xác minh như hết thời hạn tự nguyện thi hành án, thời hạn xác minh đối với người chấp hành hình phạt tù, hoặc không xác minh được địa chỉ của người phải thi hành án... không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ từ đó xác định chính xác vi phạm của Cơ quan thi hành án dân sự và các cơ quan liên quan, kịp thời tham mưu Lãnh đạo Viện ban hành kiến nghị, kháng nghị nhằm khắc phục các vi phạm trong hoạt động thi hành án dân sự Đối với những vụ việc có điều kiện thi hành án mà Cơ quan thi hành án chậm thi hành, Viện kiểm sát phải có biện pháp yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự thực hiện trách nhiệm của mình.
Ba là, các cơ quan liên ngành Trung ương cần hoàn thiện pháp luật về thi hành án dân sự khi xác minh điều kiện thi hành án và việc cung cấp thông tin về tài sản của người phải thi hành án; Quy định thêm chế tài về trách nhiệm đối với người cung cấp thông tin không đúng về tài sản của người phải thi hành án.
Bốn là, Kiểm sát viên cần có sự phối hợp với Cơ quan thi hành án dân sự để nắm bắt những thông tin, thu thập các tài liệu về việc xác minh điều kiện thi hành án, số lượng án có điều kiện đang thi hành và số án chưa có điều kiện thi hành để tiến hành kiểm sát. Hiện nay Luật thi hành án dân sự và các văn bản liên quan quy định cơ quan thi hành án dân sự phải gửi cho Viện kiểm sát các quyết định về thi hành án mà chưa quy định việc gửi tài liệu xác minh điều kiện thi hành án. Do đó cần có sự phối hợp để Cơ quan thi hành án dân sự cung cấp cho Viện kiểm sát những tài liệu cần thiết có liên quan đến việc thi hành án, thông qua đó kiểm sát kiểm sát các biên bản xác minh về điều kiện thi hành án nhằm kịp thời phát hiện các vi phạm, thiếu sót để yêu cầu, kiến nghị...
Năm là, tiến hành trực tiếp kiểm sát việc xác minh điều kiện thi hành án khi cần thiết: Công tác kiểm sát việc phân loại án chưa có điều kiện thi hành án không chỉ đơn thuần là kiểm sát các Quyết định về việc chưa có điều kiện của Cơ quan thi hành án dân sự, mà phải đi sâu nghiên cứu các tài liệu kèm theo để phát hiện ra những sai phạm, thiếu sót trong việc xác minh, phân loại việc chưa có điều kiện của Chấp hành viên, Cơ quan thi hành án dân sự. Trên thực tế kiểm sát cho thấy có nhiều vụ việc thi hành án, Chấp hành viên tổ chức xác minh điều kiện thi hành không bảo đảm chặt chẽ, chưa thực hiện hết trách nhiệm dẫn đến việc người phải thi hành án có đủ điều kiện thi hành nhưng vẫn ra Quyết định v/v chưa có điều kiện thi hành án, gây ảnh hưởng không nhỏ trong tiến độ tổ chức thi hành án và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tập thể và nhà nước. Nếu Kiểm sát viên, cán bộ được phân công kiểm sát các hồ sơ chưa có điều kiện mà chỉ căn cứ Quyết định v/v chưa có điều kiện của Cơ quan thi hành án dân sự gửi thì sẽ không thể phát hiện hết được các vi phạm của Chấp hành viên. Như vậy, vi phạm sẽ không được phát hiện kịp thời, dẫn đến vi phạm kéo dài, vi phạm chồng vi phạm làm ảnh hưởng đến quyền lợi của đương sự. Để đảm bảo hiệu quả, có chất lượng, căn cứ kết quả kiểm sát chặt chẽ các hồ sơ chưa có điều kiện thi hành án, Kiểm sát viên phân loại hồ sơ chưa có điều kiện thi hành để trực tiếp đi xác minh, tránh tràn lan, không hiệu quả, chạy theo thành tích; việc phát hiện vi phạm trong quá trình kiểm sát trực tiếp xác minh điều kiện thi hành án sẽ làm căn cứ để thực hiện công tác kiến nghị hoặc kháng nghị tùy theo mức độ vi phạm đã phát hiện.
Trên đây là một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác kiểm sát việc phân loại án có điều kiện thi hành và chưa có điều kiện thi hành án, rất mong nhận dược sự quan tâm đóng góp của các đồng chí

 

Tác giả bài viết: Vũ Quỳnh Trinh

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyển đổi số
Hưởng ứng giải  Búa Liềm Vàng
Giải báo chí phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Công khai ngân sách
Mail công vụ
Thống Kê Truy Cập
  • Đang truy cập34
  • Hôm nay9,215
  • Tháng hiện tại131,368
  • Tổng lượt truy cập16,660,290
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây