Trong những năm gần đây, mặc dù tính chất phức tạp của việc thi hành án này ngày càng tăng, do giá trị tiền, số việc, số tiền thi hành các khoản thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng ngày càng lớn, nhưng Cơ quan THADS 2 cấp trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã nỗ lực, cố gắng thi hành xong, không để tồn đọng kéo dài. Tuy đã đạt được những kết quả tích cực nhưng trong quá trình tổ chức thi hành loại việc trên cũng còn một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân cụ thể:
Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử có một số vụ án do các cơ quan tiến hành tố tụng chưa áp dụng các biện pháp bảo đảm tạm giữ tài sản của người phải thi hành án kịp thời do vậy sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, đương sự tẩu tán tài sản không còn để đảm bảo việc thi hành án dân sự.
Tài sản bảo đảm đảm không đúng với thực tế tài sản; thủ tục nhận thế chấp chưa bảo đảm; Việc thẩm định giá tài sản khi cho vay của các tổ chức tín dụng chưa được quản lý chặt chẽ, hiệu quả, dẫn đến một số trường hợp tài sản của Nhà nước bị thất thoát không có khả năng thu hồi được. Hoặc có trường hợp nhận thế chấp trên giấy tờ, đến giai đoạn thi hành án không có hoặc nhận thế chấp mà tài sản là động sản đến giai đoạn thi hành án thì động sản không còn hoặc hết giá trị sử dụng.
Trong quá trình tổ chức thi hành án dân sự, một số cơ quan liên quan chưa có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác thi hành án dân sự nên việc giải quyết thi hành án có nhiều khó khăn, kết quả thi hành án có phần hạn chế nhất định.
Ý thức chấp hành pháp luật của người phải thi hành án còn chưa cao, phần lớn người phải thi hành án thường tìm cách trốn tránh, chây ỳ, thậm chí chống đối việc thi hành án dẫn đến cơ quan THADS phải áp dụng biện pháp cưỡng chế.
II. Những kinh nghiệm trong công tác kiểm sát kiểm sát thi hành án đối với việc thi hành án nêu trên
Để thực hiện tốt công tác kiểm sát thi hành án đối với những vụ việc thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng về kinh tế, trước hết Viện kiểm sát nhân dân các cấp cần nhận thức đây là nhiệm vụ trọng tâm không chỉ của Cơ quan thi hành án dân sự mà còn là nhiệm vụ của cả hệ thống tư pháp.
Để công tác thu hồi tài sản thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự đạt hiệu quả tốt nhất Viện kiểm sát nhân dân cần phối hợp chặt chẽ với Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an, Tòa án nhân dân và Cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp kịp thời thu hồi tài sản có được do các đối tượng phạm tội mà có.
Ngay từ khi tiếp nhận tin báo, tố giác về tội phạm về tham nhũng, kinh tế, cũng như trong suốt quá trình điều tra, tuy tố, xét xử, trong quá trình xử lý các vụ án tham nhũng, Viện kiểm sát và Cơ quan điều tra đã phối hợp chặt chẽ, đề ra các biện pháp hữu hiệu để thu hồi triệt để tài sản bị thiệt hại, cụ thể là ngoài việc áp dụng đúng và đầy đủ các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự như khám xét, thu giữ, tạm giữ và kê biên tài sản, các cơ quan tiến hành tố tụng đã làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật, nên các đối tượng phạm tội đã tự nguyện nộp tài sản đã chiếm đoạt.
Phối hợp tốt với Tòa án đưa ra xét xử nghiêm minh và xử lý triệt để các tài sản cần phải thu hồi cho công dân và thu hồi tài sản cho ngân sách Nhà nước. Ngay sau khi bản án hình sự có hiệu lực pháp luật, đã phân công kiểm sát viên kiểm sát chặt chẽ bản án, đối với những Bản án tuyên không rõ, khó thi hành, Viện kiểm sát đã kịp thời có biện pháp trao đổi với Tòa án.
Tại giai đoạn Cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành Bản án có hiệu lực của Tòa án, Viện kiểm sát đã kiểm sát chặt chẽ từ khi ra Quyết định thi hành án. Trong quá trình xác minh điều kiện thi hành án, sau khi có kết quả xác minh, Viện kiểm sát đã yêu cầu Chấp hành viên cung cấp đầy đủ các biên bản, tài liệu xác minh để kiểm sát. Bên cạnh đó, Viện kiểm sát cũng đã đẩy mạnh công tác trực tiếp xác minh, qua việc nắm bắt các nguồn tin xác định người phải thi hành án còn có các tài sản khác, Viện kiểm sát đã làm việc, yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự tiếp tục, xác minh làm rõ tài sản để kịp thời có biện pháp xử lý, tránh trường hợp bỏ lọt tài sản của người phải thi hành án dẫn đến việc người phải thi hành án tẩu tán tài sản gây thất thu cho Ngân sách nhà nước. Đối với những việc thi hành án phức tạp (như các vụ việc cưỡng chế, kê biên tài sản của người phải thi hành án), đều yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự xây dựng Kế hoạch cụ thể và thông báo cho Viện Kiểm sát để kiểm sát theo quy định đảm bảo việc tổ chức thi hành án đúng quy định của pháp luật, bảo đảm quyền lợi của công dân.
III. Giải pháp nâng cao chất lượng việc thi hành án dân sự phải thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng và kinh tế
Cần hoàn thiện các quy định của pháp luật về thu hồi tài sản tham nhũng trong Luật phòng, chống tham nhũng
Tiếp tục thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Đảng và Nhà nước trong công tác phòng, chống tham nhũng và thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng.
Tiếp tục phối hợp với Cơ quan điều tra, Tòa án huyện kịp thời áp dụng các biện pháp kê biên, phong tỏa tài khoản, tài sản của các đối tượng phạm tội tham nhũng, chức vụ ngay từ giai đoạn điều tra để phòng ngừa, hạn chế việc các đối tượng tẩu tán tài sản.
Vận dụng linh hoạt các quy định của pháp luật, tiếp tục sử dụng các biện pháp hữu hiệu như qua xác minh hiện tại người phải thi hành án chưa có điều kiện thì cần phối hợp với UBND cấp xã nơi người phải thi hành án sinh sống để theo dõi, khi người phải thi hành án có điều kiện thì thông báo ngay cho Cơ quan thi hành án tiến hành thu hồi kịp thời.
Kiểm sát chặt chẽ việc thi hành án của Cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp, đảm bảo việc thi hành án đúng quy định của pháp luật, bảo đảm quyền lợi công dân, quyền lợi của Nhà nước.
Có biện pháp vận động người phải thi hành án chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật và hậu quả pháp lý từ việc chưa thi hành xong các khoản tài sản phải thu hồi để người phải thi hành án chủ động giao nộp.
Nâng cao tinh thần trách nhiệm của Chấp hành viên trong công tác thi hành án thu hồi tài sản cho Nhà nước.
Trên đây là một số kinh nghiệm và giải pháp nhằm nâng cao chất lượng việc thi hành án dân sự phải thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng và kinh tế, rất mong nhận dược sự quan tâm đóng góp của các đồng chí./.