Chào mừng 30/4
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh

“Gỡ vướng” trong các vụ án hình sự có người tham gia tố tụng dưới 18 tuổi

Thứ sáu - 16/07/2021 11:54 6.675 0
Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS) về cơ bản đã có những sửa đổi, bổ sung hoàn thiện thủ tục tố tụng đối với người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi, tạo thuận lợi trong áp dụng tương đồng và thống nhất với các quy định của Bộ luật hình sự (BLHS). Tuy nhiên, quá trình áp dụng BLTTHS về thủ tục tố tụng đối với người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi vẫn còn một số vướng mắc sau:
Quy định về người tiến hành tố tụng đối với vụ án có người dưới 18 tuổi
Theo quy định tại Điều 415 BLTTHS:“Người tiến hành tố tụng đối với vụ án có người dưới 18 tuổi phải là người đã được đào tạo hoặc có kinh nghiệm điều tra, truy tố, xét xử vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi, có hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người dưới 18 tuổi”. Tuy nhiên, hiện chưa có quy định cụ thể hay giải thích như thế nào là “người có kinh nghiệm điều tra, truy tố, xét xử vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi” và “có hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người dưới 18 tuổi”, khiến cho việc hiểu và áp dụng quy định này không bảo đảm đồng bộ, thống nhất.
Truy cứu trách nhiệm hình sự người dưới 18 tuổi phạm tội
Tại khoản 3, Điều 91 BLHS năm 2015 quy định:“Việc truy cứu trách nhiệm hình sự người dưới 18 tuổi phạm tội chỉ trong trường hợp cần thiết và phải căn cứ vào những đặc điểm về nhân thân của họ, tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm”. Tuy nhiên, điều luật lại không quy định trường hợp nào là “cần thiết”, điều này rất dễ dẫn đến việc áp dụng pháp luật khác nhau khi tiến hành xét xử người dưới 18 tuổi phạm tội.
Việc áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế
Trên cơ sở BLTTHS (khoản 1 Điều 419) quy định “…Chỉ áp dụng biện pháp tạm giữ, tạm giam đối với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi khi có căn cứ cho rằng việc áp dụng biện pháp giám sát và các biện pháp ngăn chặn khác không hiệu quả…” thì Thông tư liên tịch số 06/2018 hướng dẫn: “Trường hợp sau khi quyết định tạm giam bị can, bị cáo là người dưới 18 tuổi mà có đủ căn cứ áp dụng biện pháp bảo lĩnh hoặc đặt tiền để bảo đảm thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cần thay thế ngay biện pháp tạm giam bằng biện pháp bảo lĩnh hoặc đặt tiền để bảo đảm” (Điều 12).
Như vậy, theo hướng dẫn này thì “có đủ căn cứ” tức là các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cho bị can, bị cáo được áp dụng biện pháp bảo lĩnh hoặc đặt tiền để bảo đảm phải căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, nhân thân, tình trạng tài sản của bị can, bị cáo theo quy định tại Điều 121, 122 của BLTTHS 2015. Tuy nhiên, thấy rằng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi mình thực hiện do BLHS quy định chủ yếu là các tội phạm rất nghiêm trọng (theo quy định tại Điều 9 BLHS 2015 có mức cao nhất của khung hình phạt từ trên 07 năm tù đến 15 năm tù), tội phạm đặc biệt nghiêm trọng (từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù), nhất là đối với người từ đủ 14 đến đến dưới 16 tuổi. Cho nên, trong thực tiễn áp dụng biện pháp này đối với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi vẫn còn nhiều vướng mắc là có đối tượng bị loại trừ hay không?. Ví dụ: bị can, bị cáo là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội quy định tại khoản 1 Điều 123; khoản 4, khoản 5 Điều 134 hoặc các tội được quy định tại Điều 249, 250, 251, 252 BLHS mà bị can, bị cáo là đối tượng nghiện ma túy;… thì có được cho bảo lĩnh hoặc đặt tiền để bảo đảm không? Và đối với việc đặt tiền để bảo đảm mà bị can, bị cáo là người dưới 18 tuổi không có tài sản riêng thì có áp dụng biện pháp này hay không? Hay bị can, bị cáo phạm tội nhiều lần thì có áp dụng biện pháp này hay không?
Về điều kiện để người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự
Tại khoản 2 Điều 91 BLHS năm 2015 quy định một trong các điều kiện để người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự là họ phải có “nhiều tình tiết giảm nhẹ” và theo thiết kế về kỹ thuật lập pháp của BLHS thì có từ hai tình tiết trở lên là nhiều, nhưng không quy định rõ các tình tiết giảm nhẹ này đều ở khoản 1 Điều 51 hay cả khoản 1, 2 Điều 51 BLHS. Trong khi, Điều 54 quy định rất rõ trường hợp quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng thì phải có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS. Hiện chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể cho trường hợp này, gây khó khăn cho quá trình áp dụng.
Về phạm vi áp dụng thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi
Tại Điều 419 BLTTHS quy định áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế đối với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp là người dưới 18 tuổi; Điều 421 BLTTHS quy định về việc lấy lời khai người dưới 18 tuổi bị giữ trong trường hợp khẩn cấp. Nhưng tại Điều 413 BLTTHS quy định phạm vi áp dụng thủ tục tố tụng đối với người bị buộc tội, người bị hại, người làm chứng là người dưới 18 tuổi. Với quy định này, chủ thể được áp dụng thủ tục tố tụng gồm người bị buộc tội (người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo) (Điều 4 BLTTHS), người bị hại, người làm chứng dưới 18 tuổi. Như vậy, về phạm vi áp dụng thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội đã thiếu vắng trường hợp người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp là người dưới 18 tuổi phạm tội.
Trong thực tiễn, khi giải quyết vụ án hình sự, bên cạnh việc áp dụng thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng còn áp dụng thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi tham gia tố tụng giải quyết vụ án hình sự như người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án; người tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố; người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố; bị hại; nguyên đơn dân sự; bị đơn dân sự là người dưới 18 tuổi. Về thủ tục tố tụng đối với những người này, BLTTHS quy định còn chung chung, chưa cụ thể, khiến cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng khó áp dụng. Như vậy, để bảo đảm quyền của người dưới 18 tuổi khi tham gia tố tụng hình sự, về phạm vi áp dụng thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi cần bổ sung những trường hợp nêu trên.
Xác định tuổi của người dưới 18 tuổi tham gia tố tụng hình sự
Tại Điều 431 Chương XXVIII BLTTHS về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi quy định phạm vi áp dụng của Chương này là đối với người bị buộc tội, người bị hại, người làm chứng là người dưới 18 tuổi. Tuy nhiên, Điều 417 BLTTHS chỉ quy định về xác định tuổi của người bị buộc tội, người bị hại là người dưới 18 tuổi. Việc không quy định việc xác định tuổi của người làm chứng là người dưới 18 tuổi tại Điều 417 BLTTHS là thiếu thống nhất với Điều 413 BLTTHS.
Kiến nghị
Để quá trình xử lý, giải quyết những vụ án có người dưới 18 tuổi tham gia tố tụng đúng với chính sách hình sự và đúng theo quy định của pháp luật, trong khi thực tiễn giải quyết vẫn còn một số vướng mắc trên thì trước hết, các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải phối hợp chặt chẽ với nhau và phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan ngay từ khi phát hiện nguồn tin về tội phạm; khẩn trương kiểm tra, xác minh, thu thập chứng cứ, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, bảo đảm giải quyết vụ án, vụ việc nhanh chóng, kịp thời, trong thời gian ngắn nhất.
Đồng thời, trong thời gian sớm nhất, các cơ quan liên ngành trung ương cần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn nêu trên, để các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể áp dụng đồng bộ, đầy đủ, kịp thời những quy định của pháp luật vào thực tiễn thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm vụ án hình sự có người dưới 18 tuổi tham gia tố tụng, bảo đảm việc giải quyết vụ án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Tác giả bài viết: Lê Xuân Quang

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyển đổi số
Hưởng ứng giải  Búa Liềm Vàng
Giải báo chí phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Công khai ngân sách
Mail công vụ
Thống Kê Truy Cập
  • Đang truy cập99
  • Hôm nay19,083
  • Tháng hiện tại265,017
  • Tổng lượt truy cập16,793,939
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây