Nhằm mục đích nâng cao chất lượng và đáp ứng nhiệm vụ trọng tâm của công tác kiểm sát thi hành án dân sự (THADS), trong đó việc nâng cao chất lượng, hiệu quả các bản kháng nghị, kiến nghị trong công tác THADS là thực sự cần thiết. Kháng nghị, kiến nghị là quyền năng pháp lý của Viện kiểm sát được Luật tổ chức Viện KSND xác định, thực hiện tốt nhiệm vụ này nhằm khắc phục những vi phạm trong hoạt động tư pháp, bảo đảm cho hoạt động tư pháp được thực hiện nghiêm minh, công bằng, dân chủ và khách quan, bảo vệ quyền con người, các quyền và lợi ích chính đáng của Nhà nước, của các tổ chức và công dân đã được Hiến pháp và pháp luật ghi nhận; góp phần quan trọng trong việc khẳng định và nâng cao vị thế của ngành Kiểm sát trong hệ thống các cơ quan tư pháp.
Trong thời gian qua, Viện kiểm sát 2 cấp trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã phát hiện nhiều vi phạm của cơ quan THADS, Chấp hành viên, cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan để ban hành kháng nghị, kiến nghị. Qua đó đã có nhiều tác động tích cực, phát huy hiệu quả trong việc thúc đẩy tiến độ giải quyết việc THADS, chấn chỉnh, khắc phục kịp thời những sai sót, vi phạm pháp luật xảy ra trong lĩnh vực THADS. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân và điều kiện khách quan, chủ quan, việc ban hành các kháng nghị, kiến nghị của Viện kiểm sát nhân dân vẫn còn một số hạn chế về số lượng, chất lượng.
1. Thực trạng về công tác kiến nghị, kháng nghị:
Từ ngày 01/12/2017 đến ngày 31/11/2020 Viện kiểm sát hai cấp tỉnh Gia Lai đã ban hành tổng số 125 kiến nghị, kháng nghị đối với Cơ quan THADS 2 cấp, trong đó:
Kiến nghị: 84 (tỉnh: 18, huyện 66); Đã chấp nhận: 84/84 bản, đạt tỷ lệ 100%.
Kháng nghị: 41 (tỉnh: 15, huyện: 26); Đã chấp nhận: 40/41 bản, đạt tỷ lệ 97.56%.
Qua số liệu trên nhận thấy, công tác kiểm sát THADS ngày càng được nâng cao, là một trong những khâu công tác quan trọng của ngành, nhằm đảm bảo cho các Bản án, Quyết định của Tòa án được thi hành kịp thời, đúng pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, tránh được tình trạng khiếu nại, tố cáo kéo dài.
Thời gian qua, với sự nỗ lực của đội ngũ Kiểm sát viên, cán bộ làm khâu công tác kiểm sát thi hành án dân sự, quan trọng hơn là sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân 2 cấp của tỉnh Gia Lai đã đẩy mạnh được kết quả của khâu công tác này, nâng cao hơn nữa vị thế của ngành Kiểm sát nhân dân trong khối các cơ quan tư pháp. Qua công tác kiểm sát thường xuyên và trực tiếp kiểm sát, VKSND 2 cấp đã phát hiện được nhiều vi phạm, có những vi phạm mang tính thường xuyền, lặp đi lặp lại nhiều lần, đã bị Viện kiểm sát kiến nghị nhưng Cơ quan THADS vẫn tiếp tục để xảy ra vi phạm hoặc các vi phạm bắt buộc phải khắc phục bằng biện pháp thu hồi, hủy, Viện kiểm sát đã ban hành kháng nghị. Đối với những vi phạm không cần thiết phải thu hồi, hủy, có thể khắc phục được, Viện kiểm sát ban hành kiến nghị yêu cầu chấm dứt vi phạm hoặc yêu cầu khắc phục ngay những vi phạm đó.
Nhìn chung, sau khi nhận được các văn bản kiến nghị, kháng nghị các cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh đã có trả lời bằng văn bản (chấp nhận hoặc không chấp nhận sai phạm) cho cơ quan kiểm sát. Việc khắc phục các vi phạm theo các kháng nghị, kiến nghị của Viện kiểm sát các cấp đã được các Thủ trưởng cơ quan THADS tiếp thu và triển khai cho Chấp hành viên, thư ký thực hiện việc khắc phục và rút kinh nghiệm trong quá trình tác nghiệp.
Thông qua các kiến nghị, kháng nghị Viện kiểm sát 2 cấp đã phân tích, đánh giá các nguyên nhân chủ quan, khách quan dẫn đến vi phạm và nêu các giải pháp yêu cầu khắc phục được cơ quan THADS chấp nhận trả lời bằng văn bản. Các kháng nghị, kiến nghị của viện KSND đã có những tác động tích cực trong công tác THADS.
2. Các dạng vi phạm thường gặp:
2.1. Các vi phạm thường gặp được nêu trong kiến nghị của hai cấp Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai:
Vi phạm việc chậm xác minh, không xác minh điều kiện thi hành án, chậm tổ chức thi hành theo quy định tại Điều 44 Luật THADS năm 2008 (được sửa đổi, bổ sung năm 2014).
Vi phạm không thanh toán tiền, trả lại tài sản thi hành án theo quy định tại Điều 47 Luật THADS.
Vi phạm không trả lại tiền, tài sản tạm giữ cho đương sự theo quy định tại Điều 126 Luật THADS.
Vi phạm về việc thông báo thi hành án không đúng quy định tại Điều 39 Luật THADS.
Vi phạm về thủ tục thông báo trực tiếp cho cá nhân và niêm yết công khai quy định tại Điều 40, 42 Luật THADS.
Vi phạm không thu hồi Quyết định hoãn thi hành án theo quy định tại điểm c Khoản 1 Điều 37 Luật THADS (theo Hướng dẫn số 2423 ngày 07/7/2015 của Bộ Tư pháp, hướng dẫn thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật THADS).
Vi phạm chậm xét miễn giảm nghĩa vụ thi hành án đối với các trường hợp đủ điều kiện xét miễn giảm nghĩa vụ thi hành án theo quy định của Điều 61 Luật THADS.
Vi phạm về việc giám sát, kiểm sát việc thi hành án và việc gửi quyết định về thi hành án quy định tại Điều 12 và Điều 38 Luật THADS.
Vi phạm chậm xử lý vật chứng, tài sản tạm giữ bị tuyên tịch thu, sung quỹ nhà nước theo quy định tại Khoản 1 Điều 124 Luật THADS.
Vi phạm về thời hạn tiêu hủy vật chứng, tài sản, theo quy định tại Điều 125 Luật THADS.
Ngoài ra, còn một số vi phạm thường gặp được nêu trong kiến nghị như: Không ghi thông tin đầy đủ trong các cuốn sổ nghiệp vụ, việc ủy quyền yêu cầu thi hành án chưa đầy đủ, chưa đúng. Chưa thực hiện đúng trình tự, thủ tục trong quá trình thụ lý giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực thi hành án dân sự. Hồ sơ giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa được lập đầy đủ, thời hạn giải quyết khiếu nại, tố cáo còn kéo dài…
2.2. Các vi phạm thường gặp được nêu trong kháng nghị:
Người được thi hành án làm đơn yêu cầu thi hành án không phù hợp với nội dung quyết định của Tòa án, nhưng Cơ quan THADS không kiểm tra đơn và các tài liệu kèm theo đơn để từ chối nhận đơn, vẫn thụ lý đơn và ra quyết định thi hành án không đúng với nội dung Bản án, quyết định của Tòa án vi phạm điểm a khoản 5 Điều 31 Luật THADS năm 2014.
Vi phạm trong việc ra quyết định ủy thác thi hành án không đúng, chưa xử lý xong tài sản tạm giữ, thu giữ có liên quan đến khoản ủy thác, đã tiến hành ủy thác, vi phạm khoản 1 Điều 57 Luật THADS.
Chấp hành viên chưa tiến hành xác minh đầy đủ về tài sản, thu nhập của người phải thi hành án, đã ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án vi phạm quy định tại Điều 44 và Điều 44a Luật THADS.
Vi phạm trong việc thu phí thi hành án không đúng vi phạm khoản 2 Điều 46 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thi hành án dân sự.
Vi phạm trong việc Tòa án ra quyết định giảm nghĩa vụ thi hành án trái với quy định tại khoản 3 Điều 61 Luật THADS năm 2014 và quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư liên tịch số 12/2015/TTLT-BTP-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 15/9/2015 của Bộ Tư pháp, Bộ Tài Chính, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn việc miễn giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu, nộp ngân sách nhà nước.
3. Những ưu điểm và tồn tại, hạn chế trong việc ban hành kiến nghị, kháng nghị.
3.1. Về ưu điểm:
Các kiến nghị, kháng nghị của hai cấp Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai cơ bản đảm bảo về hình thức văn bản. Nhiều văn bản kiến nghị, kháng nghị đã chỉ rõ những vi phạm pháp luật, nguyên nhân và trách nhiệm của Cơ quan thi hành án, Chấp hành viên…vi phạm điều luật nào và viện dẫn điều luật cụ thể để làm rõ vi phạm trong việc thi hành án, nêu rõ yêu cầu như: Yêu cầu thu hồi, sửa đổi, bổ sung quyết định thi hành án; yêu cầu kịp thời tổ chức, tiếp tục thi hành án; yêu cầu khắc phục, chấm dứt vi phạm, rút kinh nghiệm… Các kiến nghị, kháng nghị được gửi đến đầy đủ các đối tượng theo đúng quy định. Sau khi kiến nghị, kháng nghị các đơn vị đã chú trọng theo dõi đến công tác tiếp thu, khắc phục vi phạm của đơn vị nhận kiến nghị, kháng nghị.
3.2. Những tồn tại, hạn chế:
Mặc dù đạt được một số kết quả nêu trên nhưng do nhiều nguyên nhân và điều kiện khách quan, chủ quan, việc ban hành các kháng nghị, kiến nghị của Viện KSND vẫn còn một số hạn chế:
- Số lượng kiến nghị, kháng nghị của một số Viện kiểm sát cấp huyện còn hạn chế, đặc biệt một số Viện kiểm sát cấp huyện số lượng việc và tiền thi hành án lớn có đơn khiếu nại tố cáo trong hoạt động thi hành án dân sự, nhưng từ năm 2018 đến nay cũng không ban hành một bản kháng nghị nào.
- Các bản kiến nghị, kháng nghị chủ yếu tập trung vào cơ quan THADS và một số ít kiến nghị cơ quan Tòa án trong việc chậm gửi Bản án, Quyết định cho Cơ quan thi hành án, chưa phát hiện được nhiều vi phạm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc thi hành án để thực hiện kiến nghị theo quy định.
- Nội dung một số bản kiến nghị, kháng nghị chưa nêu chính xác các vi phạm hoặc nêu vi phạm chưa cụ thể rõ ràng, lập luận chưa ngắn gọn, súc tích. Một số bản kiến nghị chưa viện dẫn đầy đủ chứng cứ và căn cứ pháp lý để kết luận về vi phạm pháp luật, chưa nêu rõ nguyên nhân và điều kiện phát sinh vi phạm hoặc tình trạng vi phạm, chưa đưa ra cụ thể yêu cầu khắc phục và phòng ngừa vi phạm pháp luật. Một số bản kháng nghị khi nêu các vi phạm chưa viện dẫn đầy đủ các quy định của pháp luật làm căn cứ xác định vi phạm.
3.3. Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế:
Luật thi hành án dân sự năm 2008 sửa đổi bổ sung năm 2014 và một số văn bản hướng dẫn thi hành, qua quá trình tổ chức thực hiện đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế, chưa thống nhất với các luật khác dẫn đến việc nhận thức và vận dụng thực hiện giữa các cơ quan liên quan trong nhiều trường hợp chưa được thống nhất.
Công tác kiểm sát thi hành án dân sự chưa được chú trọng đầu tư nghiên cứu, tập huấn chuyên sâu. Một số đồng chí Lãnh đạo Viện chưa thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ về công tác này. Một số cán bộ, kiểm sát viên chưa thực sự coi trọng công tác Kiểm sát THADS, chưa nghiên cứu kỹ quy định của pháp luật và quy chế nghiệp vụ trong ngành, khi đề xuất kiến nghị, kháng nghị chưa đối chiếu các quy định của pháp luật đối với các vi phạm có liên quan nên viện dẫn điều luật không liên quan đến vi phạm hoặc chưa viện dẫn đúng điều luật để làm rõ vi phạm hoặc có dẫn chứng nhưng không đúng trọng tâm.
Đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên làm công tác kiểm sát thi hành án dân sự còn thiếu về số lượng, chưa tinh thông về chuyên môn, nghiệp vụ, việc bố trí cán bộ không được ổn định và thường xuyên bị chuyển đổi nên khả năng cập nhật công việc chưa đáp ứng nhu cầu. Do vậy chất lượng việc phát hiện vi phạm và ban hành kháng nghị, kiến nghị vẫn còn hạn chế cả về hình thức, nội dung và số lượng.
4. Những khó khăn trong công tác phát hiện vi phạm và thực hiện quyền kháng nghị, kiến nghị trong công tác thi hành án dân sự, hành chính:
Số lượng việc thi hành án hàng năm cao, giá trị tài sản phải thi hành lớn, số vụ việc có tính chất phức tạp ngày càng tăng, mức độ vi phạm đa dạng trên nhiều lĩnh vực. Số việc thi hành án còn tồn đọng từ nhiều năm cũ chuyển sang thuộc loại việc có tính chất phức tạp khó thi hành, nhiều người phải thi hành án có biểu hiện chây ỳ, thiếu hợp tác. Trong khi đó số lượng cán bộ, kiểm sát viên được phân công làm công tác kiểm sát thi hành án dân sự, hành chính còn mỏng, ở cấp huyện còn phải làm kiêm nghiệm các khâu công tác khác hoặc thường xuyên có sự thay đổi công tác dẫn đến trình độ chuyên môn nghiệp vụ trong công tác này chưa được chuyên sâu, nên kỹ năng phát hiện vi phạm của cơ quan THADS chưa cao, việc tham mưu đề xuất ban hành kháng nghị, kiến nghị đôi lúc còn chưa kịp thời, chính xác; hoặc khi phát hiện vi phạm thì thiếu kiên quyết yêu cầu khắc phục sửa chữa triệt để, chưa áp dụng đầy đủ các phương thức kiểm sát, nội dung kiểm sát thiếu cụ thể, chưa tập trung vào kiểm sát thường xuyên ở lĩnh vực thường xảy ra vi phạm. Mặt khác, một số bản kiến nghị còn mang tính hình thức, nội dung của kiến nghị còn chung chung.
Đối với thời hạn trả lời kiến nghị của Viện kiểm sát nhân dân đến nay Luật chưa quy định cụ thể, nên việc này đang gặp một số vấn đề khó khăn vì các cơ quan đơn vị bị kiến nghị thường không có văn bản trả lời cho Viện kiểm sát, có trường hợp Viện kiểm sát tiếp tục có văn bản yêu cầu các cơ quan đơn vị này có văn bản trả lời việc thực hiện kiến nghị nhưng vẫn không có kết quả, làm giảm đi tính hiệu lực của các văn bản kiến nghị của Viện kiểm sát.
5. Một số giải pháp nâng cao chất lượng kiến nghị, kháng nghị trong công tác kiểm sát THADS:
- Các Bộ ngành Trung ương cần phối hợp rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật về công tác kiểm sát thi hành án dân sự, sửa đổi quy chế phối hợp liên ngành cho phù hợp với quy định Luật thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi bổ sung năm 2014) và một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác thi hành án dân sự.
- Thực hiện nghiêm túc quy định của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014, Luật thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi bổ sung năm 2014) và các văn bản hướng dẫn thi hành; các quy định tại Quy chế công tác kiểm sát thi hành án dân sự, hành chính ban hành kèm theo Quyết định số 810/QĐ-VKSTC ngày 12/12/2016 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra hướng dẫn nghiệp vụ và bồi dưỡng kỹ năng công tác kiểm sát THADS nói chung cho cán bộ Kiểm sát viên cũng như kinh nghiệm và kỹ năng ban hành kiến nghị, kháng nghị.
- Cần bố trí hợp lý về số lượng, chất lượng cán bộ, Kiểm sát viên làm công tác kiểm sát thi hành án dân sự, hành chính để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác này nói chung và nâng cao chất lượng kiến nghị, kháng nghị nói riêng.
- Cần xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên làm công tác kiểm sát THADS có tinh thần trách nhiệm cao, giỏi về nghiệp vụ, nắm chắc các quy định của pháp luật về THADS và các văn bản hướng dẫn dưới luật liên quan đến hoạt động thi hành án dân sự; bám sát nội dung Quy chế công tác kiểm sát THADS để thực hiện tốt nhiệm vụ công tác kiểm sát THADS; khắc phục được những tồn tại, hạn chế về hình thức cũng như nội dung của các bản kiến nghị, kháng nghị; áp dụng căn cứ pháp luật chính xác, lập luận chặt chẽ. Phải xác định rõ những hành vi, quyết định về thi hành án đã vi phạm vào điều luật nào, điều kiện, nguyên nhân dẫn đến vi phạm, biện pháp, giải pháp khắc phục vi phạm như thu hồi, sửa đổi, bổ sung quyết định có vi phạm hoặc chấn chỉnh, chấm dứt hành vi vi phạm…v.v.
- Trong quá trình thực hiện công tác kiểm sát thi hành án dân sự, hành chính cần áp dụng linh hoạt các phương thức kiểm sát sao cho phù hợp với tình hình thực tế, nhằm sớm phát hiện vi phạm của cơ quan thi hành án dân sự, và phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong hoạt động quản lý của các cơ quan, tổ chức liên quan đến công tác thi hành án dân sự, kịp thời ban hành văn bản kiến nghị để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác thi hành án dân sự.
Cần mở sổ theo dõi, tổng hợp vi phạm và thường xuyên cập nhật, phản ánh đầy đủ, chính xác các vi phạm đã phát hiện. Kiểm sát viên được phân công nhiệm vụ phải kiểm sát chặt chẽ các quyết định thi hành án ngay từ đầu bằng việc so sánh nội dung bản án, quyết định của Tòa án với nội dung quyết định thi hành án bởi đây là một trong những nội dung quan trọng nhằm kịp thời phát hiện vi phạm, chủ động nghiên cứu hồ sơ, kiểm sát chặt chẽ việc chuyển giao bản án, quyết định của Tòa án và các quyết định về thi hành án dân sự đảm bảo đúng nội dung và thời gian quy định.
Nắm chắc các tài liệu có trong hồ sơ thi hành án và các tài liệu khác thu thập được trong quá trình kiểm sát, đặc biệt là các vụ việc thi hành án có cưỡng chế kê biên xử lý tài sản; đối chiếu quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục, các bước tiến hành… từ đó áp dụng căn cứ, bám sát vào Luật THADS, các Luật, Bộ Luật có liên quan khác, Quy chế và các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ thi hành án dân sự để làm cơ sở khẳng định có hay không có vi phạm. Tùy tính chất, mức độ nghiêm trọng của vi phạm tham mưu Lãnh đạo viện ban hành kiến nghị, kháng nghị.
- Trước khi ban hành kiến nghị, kháng nghị cần thu thập các thông tin phản hồi từ phía bị kiến nghị, kháng nghị, lắng nghe những ý kiến giải trình để xem xét, cân nhắc, chỉ kiến nghị, kháng nghị đối với những vi phạm pháp luật đã rõ về căn cứ pháp luật, nội dung kiến nghị, kháng nghị cần ngắn gọn, rõ ràng, súc tích, dễ hiểu, dễ thực hiện. Trước mắt những vấn đề còn nhận thức khác nhau thì Viện kiểm sát chưa ban hành kháng nghị, kiến nghị mà nên báo cáo thỉnh thị cấp trên.
- Tăng cường phúc tra việc thực hiện các kháng nghị, kiến nghị của Viện kiểm sát, những nội dung của kháng nghị, kiến nghị được chấp nhận phải thúc đẩy thực hiện kịp thời, nếu có khó khăn vướng mắc thì phải giải trình và lập kế hoạch thống nhất để giải quyết.
- Công tác Kiểm sát THADS cần được đầu tư nghiên cứu, tập huấn chuyên sâu, tăng cường và nâng cao chất lượng công tác ban hành thông báo rút kinh nghiệm để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và kinh nghiệm cho cán bộ, kiểm sát viên làm công tác kiểm sát thi hành án dân sự, hành chính.
- Tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa các ngành, các cấp trong công tác Thi hành án dân sự, tranh thủ sự lãnh đạo chỉ đạo của cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương.
Trên đây là một số giải pháp nâng cao chất lượng kiến nghị, kháng nghị trong công tác kiểm sát THADS, rất mong nhận dược sự quan tâm đóng góp của các đồng chí./.