Chào mừng 30/4
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh

Một số lưu ý trong kiểm sát xử lý vật chứng và hướng hoàn thiện

Thứ sáu - 07/05/2021 04:54 16.480 0
Vật chứng là một trong các loại nguồn chứng cứ mà Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS 2015) ghi nhận, bên cạnh các loại nguồn chứng cứ khác.

Vật chứng có vị trí đặc biệt quan trọng trong quá trình chứng minh vụ án hình sự bởi vật chứng là những vật vô tri, không bị chi phối bởi các yếu tố tình cảm, tâm lý như các loại nguồn chứng cứ khác; chúng mang tính khách quan, tồn tại ngoài ý muốn của con người nên phản ánh một cách nguyên si, trung thực về vụ án xảy. Các quy định về vật chứng trong BLTTHS 2015 cũng như các văn bản hướng dẫn đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng giúp hoạt động thu thập, bảo quản và xử lý vật chứng của cơ quan, người tiến hành tố tụng hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự. Tuy nhiên, các quy định trong BLTTHS 2015 về vật chứng cũng đang thể hiện nhiều vướng mắc, bất cập dẫn đến việc áp dụng pháp luật tùy tiện, không thống nhất. Trong phạm vi bài viết này tác giả nêu ra một số lưu ý trong kiểm sát về việc xử lý vật chứng trong các vụ án hình sự, những bất cập, trong các quy định của pháp luật tố tụng hình sự về vật chứng là cần thiết để đề xuất sửa đổi, bổ sung kịp thời chế định này, góp phần tránh bỏ lọt tội phạm, gây oan sai cho người vô tội.
Trong qua trình giải quyết các vụ án hình sự để đảm bảo tài liệu, đồ vật trong vụ án được xem xét một cách toàn diện, không bỏ sót và xử lý phù hợp với quy định tại Điều 46, Điều 47, Điều 48 của Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015 và các quy định tại Điều 89, Điều 106 của Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) 2015, khi kiểm sát lưu ý một số vấn đề sau:
         
Kiểm sát xác định vật chứng
Trong quá trình giải quyết vụ án hình sự Cơ quan điều tra thường thu thập rất nhiều tài liệu, đồ vật có liên quan đến vụ án, nhưng không phải tài liệu, đồ vật nào cũng là vật chứng. Như vậy, trong một vụ án, có thể chia tài liệu, đồ vật thành 02 nhóm là vật chứng và vật không phải vật chứng. Ngoài ra, nếu căn cứ vào chủ thể sở hữu, chiếm hữu, thì có thể chia thành 02 nhóm là vật thuộc sở hữu của bị cáo và vật thuộc sở hữu, quản lý hợp pháp của người khác. Để giải quyết triệt để tài liệu, đồ vật trong một VAHS, cần phải kết hợp 02 cách phân chia trên để tạo thành 04 trường hợp xử lý như sau:
– Vật chứng thuộc quyền sở hữu của bị cáo: Xử lý bằng cách bị tịch thu tiêu hủy hoặc tịch thu nộp NSNN;
– Vật chứng thuộc quyền sở hữu, quản lý hợp pháp của người khác: Về nguyên tắc là phải trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp; nếu chủ sở hữu có lỗi trong việc quản lý tài sản, thì có thể bị tịch thu nộp NSNN;
– Vật không phải vật chứng thuộc quyền sở hữu của bị cáo: Trả lại cho bị cáo;
– Vật không phải vật chứng thuộc quyền sở hữu, quản lý hợp pháp của người khác: Trả lại cho chủ sở hữu.
Lưu ý: Trong 04 trường hợp trên, nếu là vật thuộc trường hợp Nhà nước cấm lưu hành, thì trong quá trình kiểm sát không phân biệt là vật chứng hay không phải vật chứng, của bị cáo hay không phải của bị cáo, đều phải bị xem xét tịch thu nộp ngân sách nhà nước hoặc tịch thu tiêu hủy; Vật chứng là động vật hoang dã và thực vật ngoại lại thì giao cho tổ chức chuyên ngành có thẩm quyền xử lý theo quy định.
         
Trên thực tế để xác định vật chứng nào là công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm, tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án. Kiểm sát viên nên nghiên cứu kỹ hồ sơ, phân tích đánh giá nội dung vụ án, đề ra yêu cầu điều tra lấy lời khai của các bị cáo, bị hại, người làm chứng, để xác định vật trực tiếp dùng vào việc phạm tội ví dụ bị cáo dùng gạch, đá ném vào bị hại gây thương tích thì xác định là vật chứng, còn lại những vật dụng khác mặc dù xuất hiện tại hiện trường, nhưng không phải là vật chứng.
Trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khám xét, thu giữ, tạm giữ tài liệu, đồ vật, Kiểm sát viên phải kiểm sát chặt chẽ việc thu giữ, niêm phong, bảo quản, xử lý vật chứng theo quy định tại các điều 90, 106 và 199 Bộ luật Tố tụng hình sự, bảo đảm phục vụ cho việc giám định và sử dụng làm chứng cứ giải quyết vụ án.

Kiểm sát nguồn gốc, chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp của vật chứng
Song song với việc xác định đồ vật, tài liệu, thì phải làm rõ nguồn gốc của đồ vật, tài liệu để xác định thuộc quyền sở hữu của ai, ai đang quản lý để trường hợp giao trả thì phải đúng chủ thể.
Trên thực tế để làm rõ được điều trên trong quá trình điều tra KSV nên chủ động yêu cầu điều tra viên làm rõ thông qua các yêu cầu điều tra, thể hiện trong các biên bản hỏi cung, biên bản ghi lời khai của bị hại, cần xác định mô tả đặc điểm của tài sản, để có cơ sở trả lại tài sản cho đúng chủ sở hữu.

Kiểm sát việc xử lý vật chứng
Về nguyên tắc, vụ án kết thúc ở giai đoạn nào, thì cơ quan đó có trách nhiệm ra quyết định xử lý vật chứng. Ví dụ: Vụ án đình chỉ ở giai đoạn điều tra, thì CQĐT sẽ xử lý, vụ án đình chỉ ở giai đoạn truy tố, thì Viện kiểm sát xử lý, vụ án đình chỉ ở giai đoạn chuẩn bị xét xử, thì Chánh án ra quyết định xử lý, nếu tại phiên tòa, thì Hội đồng xét xử xử lý.
Theo quy định pháp luật vật cấm lưu hành, công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội, tiền hoặc tài sản do phạm tội mà có trong vụ án không có bị hại, thì mới xem xét tịch thu, tiêu hủy. Còn các trường hợp còn lại, nếu không có căn cứ rõ ràng, thì nên xem xét trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp tài sản đó.
 
Tuy nhiên, cần lưu ý ngoại lệ đối với vật chứng là loại mau hỏng hoặc khó bảo quản, thì được bán ngay theo quy định của pháp luật, trường hợp không bán được thì tiêu hủy; Vật chứng là động vật hoang dã và thực vật ngoại lai, thì có thể xử lý ngay mà không phải chờ đến khi kết thúc vụ án.

Một số lưu ý khi xử lý vật chứng:

Vật chứng thuộc quyền sở hữu của bị cáo
Ví dụ: A dùng xe máy đi đến chợ (xe thuộc sở hữu của A) để mua đồ, sau khi tới điểm giữ xe A phát hiện B là người cùng đi chợ có mang chiếc điện thoại bên mình, lợi dụng sơ hở A lấy chiếc điện thoại của B đồng thời dắt xe ra về.
Trong ví dụ đã nêu ở trên, cần phải xác định chiếc xe trên có phải là công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội hay không? Nếu là công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội thì có thể tịch thu nộp ngân sách nhà nước, ngược lại thì xem xét trả lại cho bị cáo. Mấu chốt của vấn đề là “xe máy, xe ô tô phải được dùng vào việc phạm tội” thì mới gọi là công cụ, phương tiện phạm tội. Tức là, việc sử dụng xe máy, xe ô tô có liên hệ mật thiết với tội phạm, nếu không có xe thì không thể hoàn thành tội phạm trong tình huống cụ thể đó. Ngược lại, nếu xe máy chỉ là phương tiện di chuyển để đưa đến địa điểm phạm tội, thì xác định là phương tiện nhưng không dùng vào việc phạm tội, nên phải trả lại cho bị cáo.

Vật chứng là tài sản chung
Nếu vật chứng là tài sản chung, thì Kiểm sát viên cần phải làm rõ là tài sản chung hợp nhất hay tài sản chung theo phần. Nếu tài sản chung theo phần mà xác định tài sản đó dùng vào việc phạm tội, thì tịch thu nộp ngân sách nhà nước phần tài sản của bị cáo. Nếu là tài sản chung hợp nhất, thì cần làm rõ tài sản chung hợp nhất có phân chia được hay không? Nếu tài sản chung hợp nhất không phân chia được và là tài sản duy nhất của gia đình, nếu bị tịch thu, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến các thành viên trong gia đình, thì xem xét không tịch thu. Thay vào đó, có thể áp dụng hình phạt bổ sung là hình phạt tiền (nếu điều luật có quy định hình phạt bổ sung).

Vật chứng là tài sản đã được bảo đảm
Ví dụ: A mua xe ô tô trả góp hằng tháng cho ngân hàng và dùng xe này để vận chuyển hàng cấm, vận chuyển ma túy…
Trong trường hợp này KSV cần chú ý trong quá trình giải quyết vụ án không nên tịch thu toàn bộ tài sản (xe ô tô trên) vì sẽ không đúng quy định theo Bộ luật dân sự năm 2015, không đảm bảo quyền lợi của bên cầm cố, thế chấp nhưng cũng không thể giao toàn bộ tài sản cho bên cầm cố, thế chấp (vì giá trị tài sản cầm cố, thế chấp cao hơn nghĩa vụ phải thực hiện). Do vậy, cần giao tài sản cho cơ quan thi hành án kê biên xử lý theo quy định, phần dư còn lại (nếu có) sau khi đã thanh toán xong nghĩa vụ bảo đảm thì cơ quan thi hành án có trách nhiệm kê biên nộp ngân sách nhà nước. Xử lý như vậy, một mặt vừa đảm bảo quyền lợi của bên nhận tài sản đảm bảo, một mặt vừa xử lý được trách nhiệm của bị cáo khi sử dụng tài sản làm công cụ, phương tiện phạm tội.
Vật chứng mà chủ sở hữu không nhận lại

Qua tham khảo ý kiến tại một số địa phương thực tế, vật chứng là công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội thuộc sở hữu của bị cáo, của người bị hại, người liên quan… tuy nhiên, vì nhiều lý do mà họ không nhận lại tài sản. Do vậy, trong quá trình kiểm sát điều tra cũng như tại phiên tòa, KSV cần làm rõ ý kiến của họ có muốn nhận lại tài sản hay không? Trường hợp chủ sở hữu không nhận lại tài sản, thì tùy giai đoạn mà xử lý hoặc yêu cầu Hội đồng xét xử xem xét, nếu có giá trị sử dụng, thì tịch thu nộp ngân sách nhà nước, nếu không có giá trị sử dụng thì tịch thu tiêu hủy.
Tài sản do phạm tội mà có
Vật chứng là tiền, tài sản do phạm tội mà có. Trong trường hợp này, khi giải quyết vụ án KSV cần xác định tài sản gốc trước khi chuyển đổi thành vật chứng có thuộc quyền sở hữu, quản lý hợp pháp của bị hại, người liên quan hay không? Sau đó tùy từng trường hợp mà KSV xử lý như sau: Nếu tài sản gốc trước khi chuyển đổi thành vật chứng thuộc quyền sở hữu, quản lý hợp pháp của bị hại, người liên quan thì phải ưu tiên kê biên bán đấu giá để trả lại giá trị cho bị hại, người liên quan ( nếu bị cáo không nộp khắc phục đủ thiệt hại trước khi Tòa án tuyên án). Nếu bị hại, người liên quan từ chối nhận, thì tịch thu, nộp ngân sách nhà nước. Nếu bị hại, người liên quan tuyên bố cho bị cáo, thì ghi nhận ý kiến của bị hại, người liên quan trả cho bị cáo.
Trong trường hợp tài sản trong các vụ án không có bị hại, thì xem xét tịch thu nộp ngân sách nhà nước (ví dụ: tiền do đánh bạc, bán ma túy…)
         
Vật chứng là một số loại tài liệu, đồ vật khác có liên quan trong vụ án

Về nguyên tắc, vật chứng phải bị xử lý bằng cách tịch thu hoặc trả lại. Tuy nhiên, có một số vật chứng như, băng ghi âm, đĩa ghi hình, hình ảnh là công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội. Ví dụ: dùng clip để cưỡng đoạt đoạt tài sản thì trường hộp này, phải tịch thu, lưu vào hồ sơ vụ án. Vì các chứng cứ này bị tiêu hủy sẽ gây khó khăn cho công tác giám đốc thẩm, tái thẩm vụ án (nếu có).

Một số khó khăn, vướng mắc:
Qua nghiên cứu các nội dung của Điều 106 BLTTHS năm 2015, tham khảo kinh nghiệm từ các đồng nghiệp tác giả nhận thấy một số khó khăn, vướng mắc khi kiểm sát việc áp dụng Điều 106 BLTTHS năm 2015trong thực tiễn như sau:
Thứ nhất, điểm c khoản 2 Điều 106 BLTTHS quy định: “Vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu hủy.”
Theo quy định trên việc BLTTHS quy định việc tịch thu tiêu hủy vật chứng là cần thiết nếu vật chứng đó không còn giá trị sử dụng hoặc giá trị sử dụng không đáng kể, nhưng hiện nay chưa có quy định hoặc văn bản hướng dẫn như thế nào là vật chứng không có giá trị hoặc giá trị sử dụng như thế nào là không đáng kể để xử lý.
Việc quy định trên chỉ mang tính chất định tính nên nếu việc cơ quan tiến hành tố tụng tự đánh giá đôi lúc sẽ dẫn tới không chính xác, nếu việc đánh giá không cẩn thận, tỉ mỉ sẽ dẫn tới việc xử lý vật chứng tùy tiện, không thống nhất.
Thứ hai, điểm c khoản 3 Điều 106 BLTTHS quy định:“Vật chứng thuộc loại mau hỏng hoặc khó bảo quản thì có thể được bán theo quy định của pháp luật; trường hợp không bán được thì tiêu hủy”
Việc áp dụng quy định trên vào thực tiễn nhiều lúc gặp nhiều khó khăn, quy định mang tính định tính, việc xác định vật chứng như thế nào thì được gọi là mau hỏng hoặc khó bảo quản? Cơ quan nào có thẩm quyền xác định? Việc bán hàng hóa mau hỏng hoặc khó bảo quản do cơ quan nào tổ chức, cơ quan tiến hành tố tụng tiến hành bán hay Cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu cơ quan chuyên ngành thực hiện quy trình bán? Hiện chưa có văn bản nào hướng dẫn cụ thể.

Kiến nghị, đề xuất:
Đây là vấn đề hiện đang còn có nhiều tồn tại, thiếu sót xảy ra tại nhiều địa phương, tuy nhiên hiện chưa có văn bản nào của đơn ngành hoặc liên ngành hướng dẫn xử lý về vấn đề này, thiết nghĩ liên ngành tố tụng và các ngành có liên quan (Bộ Quốc phòng; Bộ tài chính….) cần sớm thống nhất và có văn bản hướng dẫn chung để các địa phương áp dụng, hạn chế, khắc phục những tồn tại vướng mắc hiện nay, góp phần tránh bỏ lọt tội phạm, gây oan sai cho người vô tội./.

Tác giả bài viết: Lê Xuân Quang

 Tags: tố tụng

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyển đổi số
Hưởng ứng giải  Búa Liềm Vàng
Giải báo chí phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Công khai ngân sách
Mail công vụ
Thống Kê Truy Cập
  • Đang truy cập75
  • Hôm nay20,331
  • Tháng hiện tại303,096
  • Tổng lượt truy cập16,832,018
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây