Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh

Tư duy mới, cách làm hay trong việc ứng dụng CNTT thực hiện “Số hóa hồ sơ, phối hợp với Tòa án tiến hành công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh” tại phiên tòa xét xử các vụ án dân sự

Thứ năm - 10/06/2021 05:25 1.438 0
Tại Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 31/12/2020 của Viện trưởng Viện KSND tối cao về công tác của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2021 đã xác định một trong những mục tiêu trọng tâm của Ngành là “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin” để làm tốt hơn chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp.
Toàn ngành Kiểm sát nhân dân xác định công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong năm 2021 và nhiệm kỳ tới. Theo đó, Viện KSND tỉnh Gia Lai đã xây dựng kế hoạch công tác, đề ra nhiều giải pháp để thực hiện tốt nhiệm vụ công tác đột phá trong lĩnh vực kiểm sát giải quyết án dân sự. Tại một số đơn vị như: Viện KSND các huyện Ia Pa, Đăk Pơ và Đức Cơ đã có tư duy mới, phương pháp và cách làm hay trong việc ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả công tác kiểm sát hoạt động tư pháp, đó là: “Số hóa hồ sơ, phối hợp với Tòa án, Hội đồng xét xử tiến hành công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa xét xử vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại”. Đến nay, các đơn vị cấp huyện thuộc Viện KSND tỉnh Gia Lai đã phối hợp tổ chức được 07 phiên tòa xét xử vụ án dân sự có số hóa hồ sơ, công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh. Qua triển khai thực hiện, Viện KSND huyện Ia Pa đã nghiên cứu, xây dựng quy trình thực hiện và đã được Viện KSND tỉnh thông báo, nhân rộng phương pháp, cách làm hay này tới các đơn vị Viện KSND hai cấp tỉnh Gia Lai cùng nghiên cứu, tham khảo và vận dụng (Thông báo số 364/TB-VKS ngày 18/5/2021), cụ thể như sau:
1. Sự cần thiết và cơ sở pháp lý
Cơ sở pháp lý để thực hiện: Quy định tại các Điều 13, Điều 15, Điều 21, Điều 93, Điều 95, Điều 107, Điều 108, Điều 109, Điều 110, Điều 225, Điều 247, Điều 254, Điều 255, Điều 256, Điều 257 (khoản 3 và khoản 4) và Điều 262 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; Quy chế phối hợp giữa Viện kiểm sát và Tòa án nhân dân huyện Ia Pa trong công tác giải quyết vụ việc dân sự, HNGĐ, KDTM, LĐ, vụ án hành chính và những việc khác theo quy định của pháp luật. Đáp ứng yêu cầu mới theo Nghị quyết 96/2019/QH14 ngày 27/4/2019 của Quốc hội, nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm sát hoạt động tư pháp, chống oan, sai, hạn chế án bị hủy, sửa trong giải quyết các vụ, việc dân sự. Nâng cao chất lượng bài phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa dân sự, hành chính… và tăng cường trách nhiệm của Viện kiểm sát trong kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự, vụ án hành chính.
Đối với ngành Kiểm sát nhân dân: Việc số hóa hồ sơ giúp cho công tác lập hồ sơ, lưu trữ, quản lý sát sao, chặt chẽ hơn. Việc công bố những tài liệu, chứng cứ cần thiết bằng hình ảnh tại phiên tòa phục vụ cho phần hỏi của Kiểm sát viên, cũng như định hướng việc hỏi những người tham gia tố tụng tại phiên tòa tốt hơn, làm rõ những vấn đề còn mâu thuẫn, những nội dung mà Hội đồng xét xử chưa làm rõ, từ đó tạo cơ sở, căn cứ để Kiểm sát viên củng cố quan điểm đề nghị giải quyết vụ án, qua đó nâng cao chất lượng bài phát biểu của Kiểm sát viên, chất lượng kiểm sát việc giải quyết vụ án dân sự, HNGĐ, KDTM… của Tòa án.
Đối với ngành Tòa án: Việc công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa hỗ trợ cho quá trình hỏi của Hội đồng xét xử, làm rõ nội dung vụ án. Việc công bố lời khai của đương sự và người tham gia tố tụng khi vắng mặt tại phiên tòa kết hợp với trình chiếu tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh giúp cho các đương sự tại phiên tòa nắm được nội dung, ý kiến của những người vắng mặt, trên cơ sở đó thực hiện quyền tranh luận, đối đáp chính xác, phù hợp, trọng tâm. Qua đó, giúp cho công tác xét xử vụ án của Tòa án bảo đảm sự khách quan, công bằng, chính xác hơn.
2. Thực tiễn triển khai thực hiện của Viện KSND huyện Ia Pa
2.1. Vụ án đầu tiên đã làm: Vụ án dân sự “Tranh chấp bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm” giữa nguyên đơn: Ông Trần Bưởi (địa chỉ: Thôn Vĩnh Khương, xã Vĩnh Hiệp, huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định); người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn: Chị Trần Thị Kim Liên (địa chỉ: Thôn Kim Năng, xã Ia Mrơn, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) với bị đơn: Anh Lê Thanh Dũng (địa chỉ: Làng H’Bel 1, xã Ia KDăm, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai), theo Thông báo về việc thụ lý vụ án số 03 ngày 20/3/2020 của TAND huyện Ia Pa.
Nội dung vụ án: Khoảng 17 giờ ngày 24/12/2018, anh Lê Thanh Dũng vào nhà chị Trần Thị Kim Liên ở thôn Kim Năng, xã Ia Mrơn để thăm con trai. Tại đây, xảy ra mâu thuẫn cãi nhau giữa anh Dũng với chị Liên, lúc đó ông Bưởi (là cha của chị Liên) đang ở nhà chị Liên chơi, thấy anh Dũng chửi chị Liên liền ra bênh vực. Anh Dũng lao vào dùng tay đánh vào đầu, chân và bụng ông Bưởi. Thấy vậy, chị Liên lấy cái xẻng đập vào người anh Dũng thì được mọi người xung quanh vào can ngăn; ông Bưởi và anh Dũng được đưa đi cấp cứu tại Trung tâm y tế huyện Ia Pa, ông Bưởi điều trị đến ngày 05/01/2019 thì ra viện. Ông Bưởi bị thương rách da cẳng chân phải, nứt 1/3 trên xương chày phải, gò má phải sưng đỏ, mạn sườn trái bầm tím, mu bàn tay trái bầm tím. Ông Bưởi bị thương tích tỷ lệ tổn thương 04%.
Ông Bưởi khởi kiện đề nghị Tòa án giải quyết buộc anh Dũng phải bồi thường thiệt hại do xâm phạm sức khỏe của ông. Tổng số tiền đề nghị bồi thường: 68.660.000 đồng. Cụ thể: Thiệt hại do bị xâm phạm sức khỏe: chi phí đi điều trị, thuốc chữa trị: 5.000.000 đồng (kèm theo giấy ra viện và đơn thuốc, giấy thương tích). Thu nhập thực tế bị mất của người bị hại: 150.000 đồng x 68 ngày = 10.200.000 đồng. Thiệt hại do tổn thất về tinh thần: Mức độ sức khỏe bị tổn hại theo mức độ thương tích giám định. Số tiền yêu cầu bồi thường 30.000.000 đồng. Chi phí hợp lý và thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị tại bệnh viện và tại nhà: 200.000 đồng/01 ngày, 68 ngày, mức yêu cầu bồi thường: 200.000 đồng x 68 = 13.600.000 đồng. Thiệt hại khác: Chi phí đi giám định thương tích (kèm theo hóa đơn). Đi giám định lần 1 tại Bệnh viện tỉnh Gia Lai: Tiền xe đi lại khám bệnh và giám định lần 1 là: 2 vòng x 100.000 đồng = 200.000 đồng; tiền lệ phí giám định: 2.800.000 đồng. Đi giám định lần 2 tại Đà Nẵng: Tiền xe đi giám định lần 2 là: 2 vòng x 280.000 đồng = 560.000 đồng; tiền phòng trọ và ăn uống 2 ngày x 300.000 đồng = 600.000 đồng; tiền lệ phí giám định 3.800.000 đồng. Mua sữa, yến, đường… (kèm theo hóa đơn) để phục hồi sức khỏe 1.900.000 đồng.
Về phía bị đơn anh Lê Thanh Dũng trình bày: Không đồng ý bồi thường theo yêu cầu của nguyên đơn.
Vụ án này đã được Kiểm sát viên phối hợp với Thẩm phán lựa chọn số hóa các tài liệu như trong hình ảnh sau:

Tại phiên tòa xét xử vụ án được mở ngày 27/11/2020, Kiểm sát viên đã phối hợp với Hội đồng xét xử trình chiếu các tài liệu, chứng cứ thu thập được trong hồ sơ vụ án như: hóa đơn thanh toán viện phí, biên bản xác minh thu nhập, giấy chứng nhận thương tích, giấy ra viện, các hóa đơn bán lẻ liên quan đến vụ án để phục vụ việc hỏi của Hội đồng xét xử, đại diện Viện kiểm sát để làm rõ các nội dung yêu cầu của nguyên đơn. Đồng thời để nguyên đơn dễ theo dõi toàn bộ nội dung các tài liệu, chứng cứ mà Tòa án thu thập được trong quá trình giải quyết. Qua đó, có cơ sở để nguyên đơn yêu cầu bồi thường phù hợp với thực tiễn và quy định của pháp luật.
Tại vụ án trên, nguyên đơn yêu cầu bồi thường chi phí hợp lý và thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị tại bệnh viện và tại nhà: 200.000 đồng/01 ngày. Tuy nhiên, tại phần hỏi làm rõ mức yêu cầu bồi thường, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa đã đề nghị Kiểm sát viên trình chiếu biên bản xác minh thu nhập trung bình tại địa phương cho nguyên đơn xem chi tiết, theo biên bản xác minh mức thu nhập bình quân tại địa phương nơi nguyên đơn sinh sống là 150.000 đồng/01 ngày và được nguyên đơn chấp nhận.

Và một số tài liệu liên quan đến vấn đề mức yêu cầu bồi thường, các tài liệu, chứng cứ chứng minh chi phí hợp lý cho việc điều trị, bồi dưỡng phục hồi sức khỏe được Hội đồng xét xử công bố như:

Tại phiên tòa bị đơn vắng mặt, Kiểm sát viên đã phối hợp với Thẩm phán chủ tọa trình chiếu Bản tự khai, Biên bản ghi lời khai. Việc trình chiếu phục vụ việc công bố lời khai bị đơn vắng mặt của Thẩn phán chủ tọa phiên tòa (theo quy định tại khoản 3 Điều 260 Bộ luật Tố tụng dân sự) giúp nguyên đơn dễ dàng nắm bắt được nội dung quan trọng. Nguyên đơn căn cứ vào tài liệu, chứng cứ được trình chiếu công khai, xem xét, kiểm tra tại phiên tòa. Giúp nguyên đơn dễ dàng phát biểu về đánh giá chứng cứ, đề xuất quan điểm của mình về giải quyết vụ án, thuận tiện trong việc tranh luận, đối đáp lại với ý kiến của bị đơn theo quy định tại Điều 261 Bộ luật Tố tụng dân sự. Từ đó, nguyên đơn đối đáp, tranh luận với ý kiến của bị đơn được toàn diện, khách quan, cụ thể từng nội dung.
2.2. Hiệu quả từ vụ án đầu tiên
Sau vụ án đầu tiên, đơn vị đã tổ chức họp rút kinh nghiệm, thấy được những mặt thuận lợi, hiệu quả đối với Viện kiểm sát và Tòa án như sau: Việc số hóa hồ sơ và thực hiện công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa xét xử vụ án dân sự bước đầu đem lại những hiệu quả thiết thực, đặc biệt chất lượng hoạt động hỏi tại phiên tòa của Hội đồng xét xử và Kiểm sát viên ngày càng được nâng cao. Bảo đảm việc công bố, công khai tài liệu chứng cứ cho các đương sự, qua đó bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự.
- Đối với Viện kiểm sát: Từ kết quả việc hỏi tại phiên tòa đối với nguyên đơn trên các tài liệu, chứng cứ được trình chiếu, Kiểm sát viên nắm bắt được nội dung vụ án toàn diện, chi tiết nhất. Trên cơ sở đó, khi kết thúc phần hỏi, tranh luận của các đương sự, giúp Kiểm sát viên đánh giá toàn diện, chi tiết nội dung vụ án, giải quyết được các mâu thuẫn trong vụ án. Qua đó, Kiểm sát viên củng cố thêm, bổ sung quan điểm giải điểm giải quyết phù hợp với diễn biến tại phiên tòa, chất lượng phát biểu quan điểm giải quyết vụ án được nâng cao, đảm bảo giải quyết vụ án đúng quy định pháp luật.
- Đối với Tòa án: Khi chưa áp dụng việc trình chiếu công bố các tài liệu, chứng cứ tại phiên tòa, đối với những phiên tòa có đương sự vắng mặt thì Thẩm phán chủ tọa phiên tòa công bố lời khai của đương sự vắng mặt bằng cách đọc thông thường. Việc này đương sự có mặt khó theo dõi, nắm toàn bộ nội dung lời khai. Khi trình chiếu lời khai phục vụ việc công bố trên màn hình giúp đương sự có mặt dễ dàng nắm bắt hơn. Trên thực tiễn, khi chưa có việc trình chiếu thì có nhiều lời khai của đương sự vắng mặt, đương sự có mặt không nắm bắt kịp hoặc nghe không rõ sẽ đề nghị Thẩm phán đọc lại làm ảnh hưởng đến chất lượng phiên tòa, gây mất thời gian, kéo dài phiên tòa. Đối với nhiều loại tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh, các loại hóa đơn, chứng từ, bảng kê… khi được trình chiếu sẽ giúp các bên đương sự quan sát, nắm bắt rõ chi tiết từng nội dung. Đối với phần hỏi, giúp Hội đồng xét xử làm rõ được ý kiến của các bên đối với các chứng cứ tài liệu bằng việc trình chiếu tài liệu, chứng cứ đó và đặt các câu hỏi đúng trọng tâm để đạt hiệu quả cao nhất. Đến phần tranh luận, bên đương sự có mặt muốn tranh luận, đối đáp với ý kiến nào của bên vắng mặt sẽ thuận tiện đề nghị Thẩm phán trình chiếu ý kiến đó lên và tiến hành đối đáp đúng trọng tâm. Khi được trình chiếu các tài liệu, chứng cứ tại phiên tòa, giúp Hội đồng xét xử làm rõ được các mâu thuẫn trong vụ án, các đương sự được tranh luận, đối đáp thuận tiện, khách quan, công bằng nên khi Hội đồng xét xử ra quyết định giải quyết vụ án được các bên đương sự đồng thuận chấp nhận, hiểu rõ được các quy định của pháp luật, giúp giảm thiểu việc kháng cáo không có căn cứ.
2.3. Nhân rộng việc thực hiện số hóa hồ sơ những vụ án dân sự, HNGĐ khác tại huyện Ia Pa
Sau khi nhận thấy những hiệu quả tích cực từ việc số hóa hồ sơ và thực hiện công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Ia Pa và Chánh án Tòa án nhân dân huyện Ia Pa đã thống nhất đối với những vụ án phức tạp, phát sinh nhiều tranh chấp, những vụ án vắng mặt người tham gia tố tụng tại phiên tòa và vụ án có những tài liệu chứng cứ mới phát sinh, chưa được công bố tại các phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải sẽ thực hiện số hóa hồ sơ vụ án, công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa. Giao cho Kiểm sát viên được phân công kiểm sát vụ án và Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án chủ động đề xuất, phối hợp thực hiện. Qua đó, giúp cho cả 2 ngành (Tòa án, Viện kiểm sát) thực hiện tốt hơn chức năng nhiệm vụ trong giải quyết án dân sự và bảo đảm các vụ, việc dân sự được giải quyết kịp thời, đúng pháp luật.        
- Với những thuận lợi và hiệu quả đem lại, 2 Ngành đã tiếp tục phối hợp và đến nay đã thực hiện thêm được 03 vụ án dân sự, HNGĐ có số hóa hồ sơ, trình chiếu tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa đạt hiệu quả, các vụ án đều được xét xử nhanh, bản án ban hành đúng quy định của pháp luật, được các bên đương sự chấp thuận, không có kháng cáo, kháng nghị, đã có hiệu lực pháp luật. Các vụ án được số hóa các loại tài liệu như sau để trình chiếu tại phiên tòa:



Ngoài ra, đối với các chứng cứ là các video hình ảnh có âm thanh hoặc các file ghi âm được trích xuất, thu thập theo quy định cũng dễ dàng được công bố với chất lượng cao do 02 ngành Viện kiểm sát, Tòa án huyện Ia Pa đã phối hợp trang bị thiết bị trình chiếu hình ảnh có hệ thống âm thanh.
Qua các vụ án đã thực hiện việc số hóa hồ sơ, trình chiếu tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa, đơn vị đã đúc rút được Quy trình thực hiện với 08 bước.
3. Quy trình thực hiện “Số hóa hồ sơ, phối hợp với Tòa án công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh” tại phiên tòa xét xử vụ án dân sự, HNGĐ, KDTM
- Bước 1: Khi tiếp nhận Quyết định đưa vụ án ra xét xử và hồ sơ vụ án do Tòa án chuyển đến (trường hợp Viện kiểm sát tham gia phiên tòa theo khoản 2 Điều 21 BLTTDS), Kiểm sát viên chủ động nghiên cứu, đề xuất Viện trưởng cho áp dụng số hóa hồ sơ vụ án và đề xuất làm việc, phối hợp với Tòa án, Hội đồng xét xử về việc ứng dụng công nghệ thông tin để công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa. Trong đó xác định quan hệ phối hợp như sau:
- Tòa án, Hội đồng xét xử là chủ thể chính trong việc quyết định công bố, hay không công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa để đánh giá, thẩm định chứng cứ.
- Viện kiểm sát: Với trách nhiệm là cơ quan kiểm sát hoạt động tư pháp, là chủ thể kiểm sát việc tuân theo pháp luật của người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng tại phiên tòa, sẽ có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ Hội đồng xét xử tiến hành việc công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh để giúp Hội đồng xét xử làm rõ sự thật khách quan của vụ án. Qua đó, cũng giúp cho Kiểm sát viên thực hiện tốt hơn, có hiệu quả hơn công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật của người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng tại phiên tòa qua hoạt động cung cấp, đánh giá, thẩm định chứng cứ tại phiên tòa.
- Bước 2: Viện trưởng duyệt đề xuất của Kiểm sát viên và chỉ đạo làm việc, họp bàn với Chánh án, Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa để đề nghị Tòa án phối hợp thực hiện.
- Bước 3: Sau khi hai bên thống nhất, Viện trưởng chỉ đạo Kiểm sát viên thực hiện số hóa hồ sơ của vụ án từ hồ sơ gốc do Tòa án chuyển để Viện kiểm sát nghiên cứu trong thời hạn 15 ngày.
- Bước 4: Kiểm sát viên tiến hành số hóa các tài liệu, chứng cứ bằng máy Scan và xây dựng hồ sơ điện tử của vụ án (việc xây dựng hồ sơ điện tử tiến hành bằng các ứng dụng, tiện ích công nghệ): phần mềm Microsoft Office, PDF, phần mềm cắt hình ảnh, âm thanh, video… (chi tiết tương tự như việc xây dựng hồ sơ điện tử vụ án hình sự, tùy trường hợp cụ thể và tùy vụ án dân sự sẽ có phương pháp xây dựng hồ sơ điện tử cụ thể để thuận tiện việc trích xuất dữ liệu, trình chiếu dữ liệu tại Tòa án…).
- Bước 5: Kiểm sát viên xây dựng Báo cáo án và kế hoạch, phương án phối hợp với Tòa án, Hội đồng xét xử tiến hành “công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa xét xử vụ án dân sự” để trình Viện trưởng duyệt (Báo cáo án và duyệt án thực hiện theo Quy chế của Ngành như thông thường).
- Bước 6: Kiểm sát viên hoàn tất hồ sơ điện tử, kế hoạch, phương án phối hợp trình chiếu và hoàn tất dự thảo Bài phát biểu trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Viện trưởng; đồng thời dự kiến những tình huống có thể phát sinh tại phiên tòa để có sự chuẩn bị cho việc giải quyết tình huống.
Kiểm sát viên xin ý kiến Viện trưởng để có thể thực hiện thêm việc trao đổi, bàn bạc trước với Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa các phương án phối hợp công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa.
- Bước 7: Các thao tác nghiệp vụ tại phiên tòa xét xử vụ án dân sự của Kiểm sát viên, gồm:
+ Thực hiện việc tham gia phiên tòa, kiểm sát việc tuân theo pháp luật, phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật và theo Quy chế của Ngành.
+ Hỗ trợ Hội đồng xét xử khi Hội đồng xét xử quyết định cho công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa.
- Bước 8: Kiểm sát viên báo cáo kết quả với Viện trưởng sau phiên tòa và đơn vị tổ chức họp rút kinh nghiệm (có thể phối hợp với Tòa án để họp đánh giá, rút ra bài học kinh nghiệm để làm tốt hơn đối với những vụ án sau).
4. Hiệu quả đem lại qua việc thực hiện Quy trình này  
- Đánh giá của Tòa án: Việc thực hiện số hóa hồ sơ, công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa dân sự trong thời gian qua góp phần nâng cao chất lượng công tác xét xử, đảm bảo các quyền của đương sự, điển hình là quyền được tiếp cận toàn bộ tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án. Qua đó, giúp cho công tác xét xử án dân sự của Tòa án đảm bảo khách quan, đúng pháp luật.
- Đánh giá của Viện kiểm sát: Việc thực hiện số hóa hồ sơ, công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa dân sự giúp cho Kiểm sát viên thực hiện tốt hơn, có hiệu quả hơn công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật của người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng tại phiên tòa. Giúp Kiểm sát viên chủ động hơn khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ tại phiên tòa dân sự. Qua đó nhằm nâng cao vai trò của Viện kiểm sát tại phiên tòa dân sự.
- Đánh giá của các chủ thể tham gia tố tụng khác: Khi các tài liệu, chứng cứ được trình chiếu công khai tại phiên tòa, giúp các bên đương sự được tiếp cận một cách thuận tiện, thể hiện sự khách quan, công bằng trong hoạt động tố tụng của Tòa án./.
Ảnh gửi kèm các phiên tòa xét xử vụ án dân sự có số hóa hồ sơ, phối hợp với Tòa án tiến hành công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh:
         
Phiên tòa xét xử vụ án dân sự của huyện Ia Pa
Phiên tòa xét xử vụ án dân sự của huyện Đak Pơ

Tác giả bài viết: Nguyễn Thành Duy

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyển đổi số
Hưởng ứng giải  Búa Liềm Vàng
Giải báo chí phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Công khai ngân sách
Mail công vụ
Thống Kê Truy Cập
  • Đang truy cập62
  • Hôm nay12,426
  • Tháng hiện tại802,958
  • Tổng lượt truy cập16,497,724
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây