Thực hiện nhiệm vụ chống oan sai và bỏ lọt tội phạm thông qua thực hiện quyền yêu cầu của Viện kiểm sát

Thứ tư - 16/06/2021 22:48
Thực hiện phương châm “Đoàn kết, đổi mới – Trách nhiệm, kỷ cương – Thực chất, hiệu quả” và 04 mục tiêu của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2021, trong vấn đề tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu được Ngành kiểm sát nhân dân tập trung thực hiện.
Trong đó quyền yêu cầu là một trong những hoạt động tố tụng thể hiện rõ nhất việc gắn chức năng công tố với hoạt động điều tra, thể hiện đầy đủ nhất chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của Viện kiểm sát (VKS) trong hoạt động điều tra, góp phần đảm bảo cho việc điều tra đúng quy định của pháp luật, chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm.
Thông qua thực hiện quyền yêu cầu, Kiểm sát viên thể hiện rõ quan điểm của mình trong việc thu thập chứng cứ; đây vừa là quyền năng, đồng thời cũng thể hiện trình độ, năng lực của Kiểm sát viên (KSV). Khi thực hiện quyền năng này Kiểm sát viên phải lựa chọn những vấn đề cần yêu cầu cơ bản, then chốt, có tính đột phá định hướng đúng cho hoạt động giải quyết nguồn tin về tội phạm, cho hoạt động điều tra để khởi tố vụ án, bị can; tránh hình sự hóa quan hệ dân sự; bám sát tội danh cần khởi tố để yêu cầu Cơ quan điều tra chứng minh đầy đủ những yếu tố cấu thành tội phạm cụ thể theo quy định của Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 và áp dụng nghiêm nguyên tắc suy đoán vô tội theo quy định tại Điều 13 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015, nhất là trong việc giải quyết những vụ án khó, phức tạp, án trọng điểm để điều tra, truy tố, xét xử bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật. Để nâng cao chất lượng trong việc thực hiện quyền yêu cầu của Viện kiểm sát, Khắc phục những hạn chế, thiếu sót đã được VKSND tối cao tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án hình sự, như trong một số trường hợp, Kiểm sát viên chưa kịp thời yêu cầu Cơ quan điều tra (CQĐT) phải tiến hành một số hoạt động điều tra; nội dung yêu cầu điều tra không đầy đủ, có nội dung chung chung, không cụ thể; yêu cầu những vấn đề đương nhiên phải thực hiện, không cần phải yêu cầu điều tra hoặc vấn đề đã được Cơ quan điều tra thực hiện, những vấn đề không liên quan đến vụ án…Chính vì vậy trong bài viết này tác giả xin nêu ra một số kỹ năng thực hiện quyền yêu cầu của Viện kiểm sát trong giai đoạn điều tra nhằm góp phần thực hiện nhiệm vụ chống oan sai và bỏ lọt tội phạm, thực hiện có hiệu quả 04 mục tiêu của ngành kiểm sát năm 2021.
* Quyền yêu cầu của Viện kiểm sát trong giai đoạn điều tra
 Thứ nhất, thực hiện quyền yêu cầu để bổ sung, hoàn thiện thủ tục tố tụng hình sự: 
Kiểm sát viên khi nghiên cứu hồ sơ ngoài việc nghiên cứu tổng thể về thủ tục tố tụng, cần chú ý đến những thiếu sót thường gặp trong các vụ án hình sự như: Biên bản khám nghiệm hiện trường, thu giữ vật chứng, niêm phong vật chứng; biên bản làm việc, ghi lời khai viết sai ngày, tháng, năm hoặc mâu thuẫn về thời gian giữa các tài liệu, thành phần tham gia… Trong trường hợp này, khi thực hiện quyền yêu cầu có thể yêu cầu trực tiếp với CQĐT hoặc thông qua yều cầu điều tra nhưng phải nêu rõ thiếu hoặc chưa thực hiện đầy đủ thủ tục tố tụng nào, ở trang tài liệu nào, phương pháp và cách thức khắc phục ra sao. Yêu cầu đặt ra là lập biên bản mới; nếu sửa chữa thì phải chỉ rõ cụ thể. Nếu có sự mâu thuẫn về không gian, thời gian, địa điểm của các văn bản tố tụng thì nêu đích danh ở biên bản nào, lời khai nào để yêu cầu khắc phục. Đây là thủ tục bắt buộc để có cơ sở truy tố, Hội đồng xét xử đánh giá khi tuyên án có hay không vi phạm hoặc vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hình sự. Các trường hợp cụ thể được coi là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng được liệt kê trong khoản 1 Điều 6 Thông tư liên tích số 02/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC_BCA-BQP.
Thứ hai, quyền yêu cầu khi xét, phê chuẩn các lệnh, quyết định tố tụng:
Đây là bước đi đầu tiên và quan trọng nhất của công tác kiểm sát điều tra. KSV kiểm tra tài liệu xem xét căn cứ khi xét, phê chuẩn các lệnh, quyết định tố tụng đã đảm bảo chưa, có cần bổ sung thêm nội dung gì nữa không để phê chuẩn. Việc làm này phải tiến hành cẩn thận, tỉ mỉ để tránh oan sai, bỏ lọt tội phạm; tránh việc vội vàng và duy ý chí khi tham mưu phê chuẩn. Trường hợp còn băn khoăn về chứng cứ, tội danh thì có thể yêu cầu CQĐT bổ sung, tài liệu, chứng cứ hoặc báo cáo lãnh đạo Viện cho ý kiến chỉ đạo theo đúng quy định tại Thông tư liên tịch số 04/2018. Theo đó, trong giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố, CQĐT phải thực hiện yêu cầu, quyết định của VKS theo quy định tại Điều 162, Điều 167, Điều 236 và Điều 238 BLTTHS cụ thể:
Đối với lệnh, quyết định của Thủ trưởng CQĐT đã gửi đến Viện kiểm sát mà phát hiện có căn cứ cần thay đổi hoặc hủy bỏ thì yêu cầu Thủ trưởng CQĐT ra quyết định thay đổi hoặc có văn bản đề nghị Viện kiểm sát hủy bỏ; trường hợp CQĐT không đồng ý thì Viện kiểm sát xem xét, quyết định việc thay đổi hoặc hủy bỏ theo quy định của BLTTHS.
Đối với lệnh, quyết định của Phó Thủ trưởng CQĐT đã gửi đến VKS mà phát hiện có căn cứ cần thay đổi hoặc hủy bỏ yêu cầu Thủ trưởng CQĐT ra quyết định thay đổi hoặc hủy bỏ; trường hợp CQĐT không đồng ý thì Viện kiểm sát xem xét, quyết định việc thay đổi hoặc hủy bỏ theo quy định của BLTTHS.
Đối với lệnh, quyết định của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng CQĐT đã được VKS phê chuẩn mà VKS phát hiện có căn cứ cần thay đổi hoặc hủy bỏ, thì Viện trưởng VKS trao đổi với Thủ trưởng CQĐT trước khi xem xét, quyết định việc thay đổi hoặc hủy bỏ;
Sau khi hủy bỏ, nếu thấy cần ra lệnh, quyết định khác thì VKS có văn bản yêu cầu CQĐT ra lệnh, quyết định để VKS phê chuẩn. Trường hợp CQĐT không thực hiện thì VKS xem xét, quyết định theo thẩm quyền; trong trường hợp bị can trốn hoặc không biết bị can đang ở đâu mà CQĐT không ra quyết định truy nã thì VKS phải kịp thời yêu cầu CQĐT ra quyết định truy nã bị can theo qui định tại Điều 161 Bộ luật tố tụng hình sự.
Thứ ba, yêu cầu điều tra để làm rõ đối tượng chứng minh trong vụ án hình sự
Trong quá trình tố tụng đối với vụ án hình sự kiểm sát viên phải đề ra bản yêu cầu điều tra, yêu cầu CQĐT chứng minh những vấn đề sau:  Sự kiện phạm tội (thời gian, địa điểm, phương pháp và những tình tiết khác của việc thực hiện tội phạm); lỗi của người thực hiện tội phạm, hình thức lỗi và động cơ phạm tội; những tình tiết về nhân thân bị can; tính chất và mức độ thiệt hại do tội phạm gây ra; những tình tiết loại trừ tội phạm và hình phạt đối với hành vi ví dụ: phòng vệ chính đáng, sự kiện bất ngờ, tình thế cấp thiết, tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự, gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội…, những tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự; những tình tiết có thể dẫn đến việc miễn truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt (Đây là nội dung mới được bổ sung so với Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 nhằm bảo đảm khách quan, chống oan, sai). Ngoài ra cũng phải yêu cầu CQĐT xác định những tình tiết là điều kiện dẫn đến việc thực hiện tội phạm. Việc làm rõ nguyên nhân, điều kiện phạm tội là một nội dung mới thuộc các vấn đề phải chứng minh, là yêu cầu bắt buộc trong giải quyết vụ án hình sự, một nội dung cần được đánh giá trong bản kết luận điều tra, bản cáo trạng và ban hành kiến nghị phòng ngừa tội phạm.
Ngoài những vấn đề yêu cầu CQĐT chứng minh trong một vụ án hình sự như đã nêu trên, đối với những vụ án có chủ thể tội phạm là người chưa thành niên hay trong vụ án mà người thực hiện hành vi bị luật hình sự cấm trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc sau khi thực hiện tội phạm bị rơi vào tình trạng tâm thần thì trong yêu cầu điều tra kiểm sát viên cần phải yêu cầu cơ quan điều tra làm rõ thêm: Tuổi của người chưa thành niên, ngày, tháng, năm sinh của họ;  Điều kiện sống và giáo dục của người chưa thành niên, mức độ phát triển về tâm sinh lý và những đặc điểm khác về nhân thân của họ; Ảnh hưởng của người lớn đối với người chưa thành niên. Nếu tài liệu chứng minh về sự chậm phát triển tâm sinh lý không liên quan đến rối loạn tâm thần thì cần phải trưng cầu giám định xác định xem người chưa thành niên có nhận thức đầy đủ về tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi và điều khiển được hành vi của mình hay không”.
Đây là những vấn đề cần chứng minh có ý nghĩa đánh giá sâu về tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, quyết định khung hình phạt, mức hình phạt và giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự (nếu có).
Thứ  tư, quyền yêu cầu trong bổ sung, làm rõ chứng cứ, tài liệu trong hồ sơ vụ án.
Tùy theo từng giai đoạn mà quyền yêu cầu bổ sung, làm rõ chứng cứ, tài liệu trong hồ sơ vụ án sẽ khác nhau. Nếu hồ sơ đang trong giai đoạn điều tra mà KSV trực tiếp kiểm sát hồ sơ nhận thấy các tài liệu trong hồ sơ thiếu chứng cứ dùng để chứng minh một trong số những vấn đề được quy định tại Điều 85, Điều 441 của BLTTHS mà nếu thiếu những chứng cứ này thì không thể giải quyết vụ án được khách quan, toàn diện, đúng pháp luật. Thì có thể ban hành yêu cầu điều tra, trong quá trình giải quyết vụ  án có thể ban hành nhiều yêu cầu điều tra để làm rõ. Trước khi ban hành yêu cầu điều tra (hoặc yêu cầu điều tra bổ sung) Kiểm sát viên phải nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, đánh giá từng tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ, như:  Kết luận giám định, kết luận định giá tài sản, biên bản khám nghiệm hiện trường, biên bản ghi lời khai bị can và những người tham gia tố tụng khác, các tài liệu về đặc điểm nhân thân của bị can…, đối chiếu với các dấu hiệu cấu thành tội phạm, những vấn đề cần phải chứng minh trong vụ án hình sự, từ đó xác định các vấn đề còn chưa rõ, chưa đầy đủ, có mâu thuẫn, làm cơ sở cho việc lập bản yêu cầu điều tra.
KSV yêu cầu điều tra viên (ĐTV) thực hiện tốt việc chuyển giao tài liệu, chứng cứ mà hoạt động điều tra không có Kiểm sát viên tham gia theo khoản 5 Điều 88 BLTTHS để kiểm sát; đây cũng là phương thức để nắm chắc tiến độ điều tra của ĐTV, để phát hiện những mâu thuẫn trong các lời khai, bản cung, những nội dung (yếu tố cấu thành tội phạm) chưa được làm rõ hoặc còn thiếu chưa được thu thập, để từ đó để trao đổi trực tiếp với ĐTV hoặc bổ sung yêu cầu điều tra để ĐTV thực hiện.
Trường hợp hồ sơ vụ án đang ở giai đoạn truy tố hoặc giai đoạn xét xử mà Viện kiểm sát nhận thấy cần trả hồ sơ để điều tra bổ sung thì ngoài quyết định trả hồ sơ phải kèm theo yêu cầu điều tra. Trong yêu cầu điều tra KSV phải nghiên cứu kỹ các nội dung yêu cầu bổ sung của VKS và Tòa án, tài liệu có trong hồ sơ để tổng hợp đánh giá và đề ra yêu cầu điều tra cụ thể, rõ ràng từng nội dung nào còn thiếu cần xác minh làm rõ, nội dung nào còn mâu thuẫn cần thực hiện, nội dung nào đã được điều tra nhưng không làm rõ được để phối hợp cùng ĐTV khắc phục ngay những thiếu sót trong giai đoạn điều tra tránh trường hợp VKS đã truy tố bị can về một hay nhiều tội nhưng chứng cứ trong hồ sơ lại cho thấy hành vi của bị can, bị cáo đã thực hiện cấu thành một hay nhiều tội khác hoặc ngoài hành vi phạm tội mà VKS đã truy tố, chứng cứ lại cho thấy còn có căn cứ để khởi tố bị can, bị cáo về một hay nhiều tội khác.
Ngoài ra, KSV cần lưu ý thường xuyên theo dõi, nắm chắc tiến độ điều tra, nghiên cứu kỹ tài liệu chứng cứ do ĐTV đã thu thập, chủ động phối hợp với ĐTV làm rõ những vấn đề cần chứng minh ngay trong giai đoạn điều tra vụ án đơn cử như trong những vụ án có người bào chữa (Điều 72 BLTTHS), người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự (Điều 84 BLTTHS) có nhiều đơn thư khiếu nại về chứng cứ chứng minh vụ án hoặc khiếu nại quá trình tiến hành tố tụng của các cơ quan tiến hành tố tụng thì Kiểm sát viên cần nghiên cứu kỹ nội dung các đơn thư, tài liệu mà họ xuất trình, các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án thể hiện việc kêu oan của bị can, phản ánh của bị hại…; các biên bản, tài liệu liên quan đến hoạt động điều tra mà bị can, bị hại  khiếu nại; từ đó xem xét việc kêu oan, khiếu nại của bị can, bị hại là có căn cứ hay không, với các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã đủ cơ sở để kết luận chấp nhận hay không chấp nhận việc kêu oan, khiếu nại của bị can, bị hại chưa; nếu chưa đủ cơ sở để kết luận thì KSV có thể trực tiếp hỏi cung bị can làm rõ, bổ sung hoặc ban hành yêu cầu điều tra yêu cầu cơ quan điều tra làm rõ những nội dung, luận cứ mà bị can, bị hại đưa ra. Đây là một trong những cơ sở đảm bảo hoạt động điều tra khách quan, toàn diện theo quy định của BLTTHS, phục vụ cho Kiểm sát viên tranh luận khi bị can, bị hại tiếp tục nêu lại các vấn đề này tại tòa.
Thứ năm, quyền yêu cầu phải đảm bảo “ Công tố trong giai đoạn điều tra tốt, tranh tụng tại phiên tòa sẽ tốt” thông qua  kiểm sát 7 hoạt động điều tra vụ án hình sự.
Theo quy định của BLTTHS, khi ĐTV tiến hành 7 hoạt động điều tra vụ án hình sự: Khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, khám xét, đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói và thực nghiệm điều tra thì phải thông báo cho Viện kiểm sát biết để cử KSV tham gia kiểm sát. Thực tế cho thấy nếu KSV tham gia đầy đủ các hoạt động trên thì trong quá trình tham gia, kiểm sát KSV sẽ trao đổi ĐTV ngay về những vấn đề cần làm rõ từ đó sẽ hạn chế những vi phạm trong quá trình tiến hành tố tụng, thu thập, đánh giá chứng cứ của CQĐT đồng thời nắm chắc, làm chủ hệ thống chứng cứ, tài liệu phục vụ hoạt động tranh tụng tại phiên tòa. Đơn cử như trong quá trình khám nghiệm hiện trường các vụ tai nạn giao thông KSV sẽ trao đổi (hoặc yêu cầu ĐTV) về việc chọn điểm móc, ghi nhận, thu lượm và bảo quản phù hợp với từng loại dấu vết, đánh giá, giải thích đúng cơ chế, quy luật hình thành dấu vết tại hiện trường phục vụ có hiệu quả hoạt động điều tra.
* Giải pháp phối hợp trong thực hiện quyền yêu cầu.
Trong việc phối hợp giải quyết án hình sự về cơ bản đã được cụ thể hóa trong BLTTHS và Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 19/10/2018 quy định về phối hợp giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong việc thực hiện một số quy định của BLTTHS năm 2015, tuy nhiên, để  các quy định của pháp luật có hiệu lực, hiệu quả vào thực tiễn là một điều không đơn giản. Trong bài viết này tác giả xin đề xuất một số kỹ năng phối hợp để thực hiện tốt quyền yêu cầu của VKS:
- Ngay từ khi phân công, Kiếm sát viên phải xác định rõ quan hệ giữa Kiểm sát viên và ĐTV là quan hệ phối hợp, cùng chung nhiệm vụ, đó là: Làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án. Vì vậy KSV phải thường xuyên phối hợp, trao đổi nội dung vụ án trong suốt quá trình điều tra cùng ĐTV cùng định hướng điều tra, những vấn đề cần làm sáng tỏ, những chứng cứ cần thu thập, những vướng mắc trong quá trình giải quyết vụ án.
- Lãnh đạo VKS theo dõi chặt chẽ các vụ án và có hướng chỉ đạo kịp thời nhất là đối với các vụ án phức tạp, có  nhiều quan điểm khác nhau, ĐTV, KSV. Chủ động họp liên ngành để cùng nhau tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, thống nhất quan điểm xử lý vụ án nhằm đảm bảo vụ án được khởi tố, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, tránh bỏ lọt tội phạm hay oan sai.
-  Công tác phối hợp phải gắn với sự lãnh đạo của chính quyền địa phương, với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Chủ động tham mưu cho cấp uỷ chỉ đạo thực hiện cơ chế phối hợp liên ngành bằng ký kết Quy chế phối hợp với những qui định trách nhiệm cụ thể của mỗi ngành trong giải quyết các vụ án hình sự.Qua đó ,VKS luôn nắm bắt được tình hình giải quyết vụ án, Công tố trong hoạt động điều tra một cách chặt chẽ và toàn diện, góp phần đảm bảo quy định pháp luật được thực hiện nghiêm chỉnh và thống nhất.
*Một số đề xuất, kiến nghị
Để nâng cao chất lượng, hiệu lực và hiệu quả quyền yêu cầu của VKS, tác giả xin đề xuất, kiến nghị một số nội dung sau:
Thứ nhất, cần quán triệt cho Kiểm sát viên có nhận thức đúng về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của quyền yêu cầu trong giai đoạn điều tra;

Thứ hai, Phải nâng cao chất lượng công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành. công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành phải sát sao, thường xuyên, liên tục. Phải có sự phân công, phân việc kịp thời đúng năng khiếu, sở trường của từng KSV và tạo điều kiện thuận lợi nhất để KSV thực hiện nhiệm vụ. Phải thường xuyên kiểm tra KSV trong việc thực hiện quy chế nghiệp vụ để kịp thời chỉ đạo giải quyết những khó khăn vướng mắc của KSV và chấn chỉnh khắc phục sai sót nghiệp vụ để thực hiện tốt hơn quyền yêu cầu trong giai đoạn điều tra.
 Thứ ba, nâng cao chất lượng các quyền yêu cầu, thông qua các biện pháp như:
- Tăng cường trách nhiệm của Kiểm sát viên thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra các vụ án hình sự;
- Tăng cường tập huấn, rút kinh nghiệm trong việc đề ra các yêu cầu điều tra, đặc biệt là kỹ năng khi thực hiện quyền yêu cầu.
- Tăng cường kiểm tra nghiệp vụ, nhất là trình độ và trách nhiệm của Kiểm sát viên trong việc thực hiện các quyền yêu cầu trong giai đoạn điều tra; có quy định cụ thể về trách nhiệm của KSV trong việc để vụ án kéo dài, vụ án phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung, án bị huỷ vì thiếu chứng cứ hoặc có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng... do KSV chưa làm hết trách nhiệm, không kịp thời phát hiện hoặc đề ra những yêu cầu điều tra không đủ, không đúng trọng tâm trong quá trình giải quyết vụ án.

Tác giả bài viết: Lê Xuân Quang


 

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn