Chào mừng 30/4
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh

Bàn về tình tiết “Người đủ 70 tuổi trở lên”, “Người già yếu” và “Người đã quá già yếu” quy định trong Bộ luật Hình sự

Thứ hai - 31/05/2021 04:19 14.821 0
Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung ngày 20/6/2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018 (sau đây viết tắt là Bộ luật Hình sự hiện hành) có nhiều nội dung mới mang tính đột phá, đã phản ánh được những yêu cầu, đòi hỏi bức xúc của thực tiễn, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Tuy nhiên, vẫn còn có nhiều khái niệm, tình tiết được quy định trong luật chưa đồng nhất, gây khó khăn cho người và cơ quan tiến hành tố tụng khi áp dụng trên thực tiễn.
Một trong những khái niệm thiếu đồng nhất trong Bộ luật Hình sự hiện hành đó là quy định về tình tiết liên quan đến người già. Tại phần chung và phần các tội phạm cụ thể trong Bộ luật Hình sự hiện hành đang tồn tại ba khái niệm là Người đủ 70 tuổi trở lênNgười già yếu“Người đã quá già yếu”. So với Bộ luật Hình sự năm 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 (sau đây viết tắt là Bộ luật Hình sự năm 1999) thì Bộ luật Hình sự hiện hành xuất hiện thêm khái niệm mới Người đủ 70 tuổi trở lên. Khái niệm này không chỉ được sử dụng tại các điều luật trong phần Những quy định chung (phần thứ nhất) quy định về tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mà còn được quy định tại phần Các tội phạm (phần thứ hai), cụ thể là quy định tại điểm c khoản 2 của Điều 301 (Tội bắt cóc con tin).
Hiện nay, trong hệ thống những văn bản quy phạm pháp luật của nước ta không có văn bản nào quy định chi tiết và định nghĩa khái niệm “Người già”, “Người già yếu“Người đã quá già yếu” mà chỉ đề cập đến khái niệm “Người cao tuổi”. Tại Điều 2 Luật Người cao tuổi năm 2009 quy định: “Người cao tuổi được quy định trong Luật này là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên”Bộ luật Lao động số 45/2019/QH14 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021 thay thế Bộ luật Lao động số 10/2012/QH13 có quy định một chế định riêng (Mục 2 của Chương XI) đối với “Người lao động cao tuổi”. Chế định này dẫn chiếu Điều 169 quy định về tuổi nghỉ hưu đã định danh rõ ràng về người lao động cao tuổi là người tiếp tục lao động sau độ tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường (theo lộ trình nam 62 tuổi, nữ 60 tuổi). Riêng về khái niệm “Người già”, “Người già yếu” “Người quá già yếu” chỉ được đề cập đến và quy định trong Bộ luật Hình sự nhưng lại không hề có bất kỳ một giải thích hay định nghĩa những khái niệm này.
Khái niệm “Người già” đã xuất hiện từ khi có Bộ luật Hình sự đầu tiên của nước ta, cụ thể là tại điểm e khoản 1 Điều 38 (tình tiết giảm nhẹ) và điểm đ khoản 1 Điều 39 (tình tiết tăng nặng) của Bộ luật Hình sự năm 1985. Trong phần chung của Bộ luật Hình sự năm 1999 tiếp tục sử dụng khái niệm “Người già” để quy định về các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự (điểm m khoản 1 Điều 46 và điểm h khoản 1 Điều 48). Tuy nhiên, trong Bộ luật Hình sự năm 1999 đã xuất hiện thêm các khái niệm “Người quá già yếu” tại Điều 59 quy định về điều kiện xem xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt trong trường hợp đặc biệt và khái niệm “Người già yếu” quy định tại điểm d khoản 1 Điều 104, điểm a khoản 2 Điều 110. Do không có văn bản pháp luật nào đề cập đến khái niệm “Người già”, “Người già yếu” “Người quá già yếu” nên đã nảy sinh không ít khó khăn, vướng mắc trong áp dụng các quy định của Bộ luật Hình sự khi xử lý những vụ án cụ thể. Để giải quyết vấn đề này, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) đã ban hành hai Nghị quyết hướng dẫn xác định “Người già” “Người quá già yếu”. Cụ thể tại Tiểu mục 2.4 Mục 2 Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng thẩm phán TANDTC thì “Người già” được xác định là người từ 70 tuổi trở lên và tại điểm a Tiểu mục 4.1 Mục 4 Nghị quyết số 01/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC thì “Người quá già yếu” được xác định là người từ 70 tuổi trở lên hoặc người từ 60 tuổi trở lên nhưng thường xuyên đau ốm. Riêng đối với khái niệm “Người già yếu” quy định tại các điều luật trong Bộ luật Hình sự thì đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể nào.
Bộ luật Hình sự hiện hành ra đời đã có nhiều nội dung mới mang tính đột phá, giải quyết được những bức xúc và phần nào đã đáp ứng được những yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn nhưng vẫn chưa giải quyết triệt để các khái niệm này. Cụ thể trong phần chung của Bộ luật Hình sự hiện hành quy định về các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự (điểm o khoản 1 Điều 51 và điểm i khoản 1 Điều 52) không sử dụng khái niệm “Người già” mà được thay thế bằng khái niệm “Người từ 70 tuổi trở lên”. Đây là một quy định rất rõ ràng và minh bạch, đã tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tồn tại bấy lâu nay; đồng thời bảo đảm tính thống nhất trong nhận thức và thực hiện. Tuy nhiên, ngoài quy định mang tính tiến bộ nêu trên, Bộ luật Hình sự hiện hành vẫn giữ nguyên khái niệm “Người quá già yếu” là tình tiết và là điều kiện để xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt trong trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 64. Ngoài ra, khái niệm “Người già yếu” là tình tiết định khung tại rất nhiều điều luật quy định về các tội phạm cụ thể, bao gồm: Điểm c khoản 1 Điều 134, điểm c khoản 2 Điều 137, điểm a khoản 2 Điều 140, điểm e khoản 2 Điều 157, điểm e khoản 2 Điều 168, điểm c khoản 2 Điều 170, điểm g khoản 2 Điều 171, điểm a khoản 2 Điều 185, điểm b khoản 2 Điều 297, điểm b khoản 2 Điều 368, điểm b khoản 2 Điều 370, điểm c khoản 2 Điều 371, điểm d khoản 2 Điều 373, điểm c khoản 2 Điều 374 và điểm d khoản 2 Điều 377. Trong phần các tội phạm cụ thể của Bộ luật Hình sự hiện hành chỉ có duy nhất một điều luật sử dụng khái niệm “Người từ 70 tuổi trở lên” quy định tại điểm c khoản 2 Điều 301 (Tội bắt cóc con tin).
Rõ ràng, ba khái niệm “Người từ 70 tuổi trở lên”, “Người già yếu” và “Người quá già yếu” được sử dụng để mô tả một đối tượng có tính tương đồng quy định trong cùng một Bộ luật Hình sự nhưng giữa các điều luật lại có sự khác nhau như đã nêu trên là hoàn toàn thiếu tính đồng bộ. Mặt khác, khái niệm “Người già yếu” và “Người quá già yếu” được quy định trong Bộ luật Hình sự là một tình tiết và là điều kiện để áp dụng điều luật đó nhưng lại không được định nghĩa là gì và như thế nào và cũng không được dẫn chiếu bởi một quy định pháp luật nào khác là không đảm bảo tính thống nhất nội tại của Bộ luật Hình sự cũng như trong hệ thống pháp luật. Điều này tất yếu sẽ dẫn đến hệ lụy đó là cách đánh giá, nhận thức và thực hiện đối với mỗi cá nhân và đơn vị, địa phương sẽ có sự khác nhau, thiếu tính thống nhất.
Theo quan điểm của cá nhân tác giả cần thiết phải sửa đổ, bổ sung theo hướng thay thế hoàn toàn khái niệm “Người quá già yếu”“Người già yếu” bằng khái niệm “Người từ 70 tuổi trở lên hoặc người từ 60 tuổi trở lên nhưng thường xuyên đau ốm” là tình tiết để xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt trong trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 64 và tình tiết định khung tại các điều luật quy định về các tội phạm cụ thể. Trong giai đoạn hiện nay, để đảm bảo tính thống nhất trong nhận thức và áp dụng Bộ luật Hình sự hiện hành, thiết nghĩ liên ngành Tư pháp Trung ương cần sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể để các đơn vị, địa phương thực hiện. Riêng những cá nhân, đơn vị đang trực tiếp tiến hành tố tụng cần có nhận thức thống nhất và rõ ràng để thu thập đầy đủ chứng cứ chứng minh khi áp dụng những tình tiết liên quan đến khái niệm “Người già yếu” phải là người từ đủ 70 tuổi trở lên hoặc là người đủ 60 tuổi đến dưới 70 tuổi nhưng thường xuyên đau ốm. Nếu rơi vào hai trường hợp này thì đủ căn cứ áp dụng tình tiết có quy định về “Người già yếu” để xác định đủ yếu tố cấu thành tội phạm quy định tại khoản 1 Điều 134 và hành vi đã phạm vào tình tiết tăng nặng định khung quy định tại các Điều 137, 140, 157, 168, 170, 171, 185, 297, 368, 370, 371, 373, 374 và 377 của Bộ luật Hình sự hiện hành./.

Tác giả bài viết: Nguyễn Xuân Kỳ

Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyển đổi số
Hưởng ứng giải  Búa Liềm Vàng
Giải báo chí phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Công khai ngân sách
Mail công vụ
Thống Kê Truy Cập
  • Đang truy cập56
  • Hôm nay19,656
  • Tháng hiện tại322,271
  • Tổng lượt truy cập16,851,193
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây