Chào mừng 30/4
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh

Những khó khăn, vướng mắc trong công tác điều tra, truy tố và xét xử các tội phạm về Lâm luật trong Bộ luật Hình sự hiện nay

Thứ ba - 16/03/2021 20:40 7.145 0
Thời gian qua, công tác đấu tranh phòng chống các loại tội phạm trong lĩnh vực Lâm luật đã được các cơ quan chức năng tiến hành một cách quyết liệt. Tuy nhiên, những cánh rừng già trên địa bàn tỉnh Gia Lai vẫn ngày đêm đang bị tàn phá nghiêm trọng và cuộc chiến với “Lâm tặc” của các cơ quan chức năng đang ngày một gian nan khi gặp không ít khó khăn, vướng mắc với các quy định của pháp luật hiện hành.

Những khó khăn trong công tác đấu tranh phòng chống các hoạt động vi phạm Lâm luật không chỉ riêng của các chủ rừng, lực lượng giữ rừng, của Kiểm lâm mà còn là của những người trực tiếp thực hiện các hoạt động tố tụng để xử lý đối với các hành vi phạm tội liên quan. Một trong những khó khăn lớn nhất và là căn cứ để quyết định việc khởi tố hoặc không khởi tố vụ án đó là công tác giám định để xác định tên, loại và nhóm gỗ. Trên địa bàn tỉnh Gia Lai hiện nay có rất nhiều Giám định viên về lĩnh vực Lâm luật đã được bổ nhiệm và đang thực hiện các hoạt động giám định cơ bản đáp ứng yêu cầu tại địa phương. Tuy nhiên, có một thực tế và cũng đang là khó khăn đó là khi bắt giữ một số lượng gỗ lớn đang được vận chuyển nhưng cả lực lượng Kiểm lâm và Cơ quan điều tra đều không thể xác định được là gỗ gì và thuộc nhóm gỗ nào? Có thuộc Danh mục thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IA, IIA hay không? Không chỉ lực lượng Giám định viên tại Gia Lai mà hầu như tại tất cả các địa phương đều không có đủ phương tiện kỹ thuật và khả năng chuyên môn để thực hiện công tác giám định nhằm xác định chính xác tên và nhóm gỗ, nhất là khi số gỗ này đã được khai thác từ lâu. Hiện nay, tất cả những trường hợp này đều phải gửi mẫu gỗ đến cơ quan giám định tại Hà Nội để giám định tên, loại và nhóm gỗ với chi phí giám định rất lớn. Bên cạnh đó, để có thể giám định được thì cơ quan trưng cầu giám định phải lấy mẫu của từng hộp gỗ, lóng gỗ để giám định. Trên thực tế nếu địa phương nào bắt giữ một xe ô tô đang vận chuyển khoảng 50 hộp gỗ với tổng khối lượng đo đếm được khoảng 20m3 thì sẽ rất khó khăn và tốn kém cho công tác giám định để có đầy đủ căn cứ khởi tố, xử lý đối với đối tượng vận chuyển. Chưa kể đến việc để có được Kết luận giám định thì các đơn vị trưng cầu giám định phải chờ đợi trong một thời gian rất lâu, trong khi Cấp ủy địa phương luôn đôn đốc các cơ quan tiến hành tố tụng đẩy nhanh tiến độ khởi tố, điều tra và xét xử nhằm xử lý nghiêm đối tượng; răn đe, giáo dục người dân và phục vụ tình hình chính trị địa phương. Khi có một vụ việc xảy ra trên địa bàn, Cơ quan điều tra hoặc Kiểm lâm địa phương sẽ là những đơn vị có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; đồng thời sẽ là cơ quan có trách nhiệm trưng cầu giám định. Với chi phí giám định rất nhiều nhưng kinh phí điều tra của các Cơ quan điều tra tại đơn vị cấp huyện là rất hạn hẹp và kinh phí điều tra của Kiểm lâm cấp huyện hầu như không có nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả điều tra và xử lý đối với loại tội phạm này.
         
Khó khăn thứ hai đó là việc xem xét xử lý đối với các chủ rừng khi để xảy ra việc phá rừng, hủy hoại rừng hoặc khai thác gỗ trái phép trong một thời gian dài. Có một thực tế hiện nay đó là rừng được giao cho các Lâm trường, Ban quản lý và cho Ủy ban nhân dân các xã quản lý, bảo vệ. Tuy nhiên, diện tích rừng này đã được giao bằng một quyết định từ rất lâu và hầu như các số liệu về diện tích, thực trạng rừng chỉ là những số liệu nằm trên giấy. Trong khi đó, Lãnh đạo của các Lâm trường, Ban quản lý và Ủy ban nhân dân các xã được thay đổi, luân chuyển liên tục và khi bàn giao lại cho người tiền nhiệm thì cũng chỉ diễn ra trên hồ sơ, thủ tục giấy tờ mà thôi. Điều này đã dẫn đến hệ lụy là khi có một vụ việc liên quan đến hành vi phá rừng, hủy hoại rừng hoặc khai thác gỗ trái phép trong một thời gian dài mới bị phát hiện, điều tra và xử lý thì các cơ quan tiến hành tố tụng không đủ căn cứ để truy trách nhiệm cho người lãnh đạo nào vì không thể giám định được cụ thể từng gốc cây, khoảnh rừng bị khai thác, hủy hoại vào thời điểm nào. Từ đó, tuy có hành vi phạm tội xảy ra liên quan đến Lâm luật nhưng không thể xem xét xử lý được các chủ rừng về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự mặc dù hậu quả gây ra là rất lớn.
           
Khó khăn thứ ba đó là việc xác định hành vi vi phạm về Lâm luật đã bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính nhưng trốn tránh, trì hoãn thi hành quyết định xử phạt, sau đó lại tiếp tục vi phạm. Việc có đủ căn cứ để xem xét xử lý hình sự hay không vẫn còn có một số vướng mắc do chưa có văn bản nào hướng dẫn về việc xác định hành vi “cố tình trốn tránh, trì hoãn”. Đây là tình trạng phổ biến diễn ra hiện nay vì các đối tượng thường chỉ thực hiện hành vi khai thác, vận chuyển hoặc mua bán Lâm sản mang tính nhỏ lẻ nhưng liên tục. Các đối tượng này hoàn toàn nhận thức được việc chỉ thực hiện hành vi nhỏ lẻ thì chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình phạt tiền; sau một thời gian dù không nộp phạt cũng sẽ hết hiệu lực thi hành quyết định và lại tiếp tục vi phạm.
         
Tại Điều 74 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2020 quy định:
         
“1. Thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm, kể từ ngày ra quyết định, quá thời hạn này thì không thi hành quyết định đó nữa, trừ trường hợp quyết định xử phạt có áp dụng hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, biện pháp khắc phục hậu quả thì vẫn phải tịch thu tang vật, phương tiện, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.
         
2. Trong trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt cố tình trốn tránh, trì hoãn thì thời hiệu nói trên được tính kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, trì hoãn”
.
         
Điều luật quy định rõ sau một năm kể từ ngày ra quyết định thì không thi hành, trừ trường hợp “cố tình trốn tránh, trì hoãn” và đây chính là mấu chốt để xác định đối tượng còn tiền sự hay không. Quy định là vậy, nhưng hiểu như thế nào là “cố tình trốn tránh, trì hoãn” và các cơ quan tiến hành tố tụng cần chứng minh bằng cách nào để đảm bảo căn cứ xử lý hình sự là một vấn đề cần xem xét, thống nhất. Hành vi cố tình trốn tránh, trì hoãn thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là cá nhân, tổ chức bị xử phạt vì nhiều lý do khác nhau đã không chấp hành các điều khoản ghi trong quyết định xử phạt mặc dù đã được nhận quyết định và có đủ điều kiện thi hành. Nhưng bên cạnh đó cũng cần xem xét đến việc người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt nhưng sau đó không có các biện pháp nào buộc người bị xử phạt phải chấp hành quyết định thì lỗi thuộc về ai và xử lý ra sao? Hiện đang có 2 quan điểm về nhận định đối với vấn đề trên, cụ thể gồm:
         
Quan điểm thứ nhất cho rằng, người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã gửi quyết định xử phạt đúng theo quy định, người bị xử phạt phải có trách nhiệm phải chấp hành quyết định này trong thời hạn 10 ngày, hoặc thời hạn ghi trong quyết định kể từ khi nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, các đối tượng vẫn chưa nộp tiền phạt hoặc họ đã được xác minh là không có tài sản để thi hành nhưng không có đơn xin miễn, giảm thi hành quyết định xử phạt hành chính thì có thể đánh giá là họ đã “cố tình trốn tránh, trì hoãn” việc thi hành quyết định. Lỗi này thuộc về đối tượng nên vẫn xem xét các đối tượng này có tiền sự và nếu họ tiếp tục vi phạm thì đủ căn cứ để xử lý hình sự.
         
Quan điểm thứ hai cho rằng, người có thẩm quyền đã ra quyết định xử phạt phải có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra việc chấp hành quyết định xử phạt của cá nhân, tổ chức bị xử phạt và thông báo kết quả thi hành xong cho cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính của Bộ tư pháp, cơ quan tư pháp địa phương theo quy định. Đồng thời, để đảm bảo quyết định hành chính được thi hành nghiêm túc thì cơ quan có thẩm quyền phải ra quyết định cưỡng chế nếu người bị xử phạt vi phạm hành chính có điều kiện nhưng không tự nguyện thi hành theo Điều 86 Luật xử lý vi phạm hành chính. Do đó, khi hết thời hạn quy định mà người bị xử phạt không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và người hoặc cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính không có bất kỳ biện pháp nào buộc người bị xử phạt phải chấp hành quyết định đó thì không thể nói người bị xử phạt cố ý trốn tránh, trì hoãn. Lỗi này thuộc về cơ quan, người có thẩm quyền nên không thể đánh giá đối tượng vi phạm “cố tình trốn tránh, trì hoãn” thi hành quyết định. Đồng nghĩa với việc không có căn cứ để áp dụng khoản 2 Điều 74 Luật xử lý vi phạm hành chính đối với họ để tính thời hiệu thi hành quyết định kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, trì hoãn (Hết thời hiệu nên không xem là tiền sự).
         
Hiện nay, chưa có văn bản nào hướng dẫn về việc “cố tình trốn tránh, trì hoãn” thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính để làm căn cứ giải quyết một cách đồng bộ, thống nhất. Từ đó dẫn đến việc xác định một hành vi đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng tiếp tục vi phạm thì sẽ bị xử lý hình sự hay xử lý hành chính còn có nhiều quan điểm khác nhau. Tuy nhiên, theo ý kiến của tác giả thì để đánh giá việc có “cố tình trốn tránh, trì hoãn” hay không cần xem xét, đánh giá dựa vào ý thức chủ quan của đối tượng vi phạm. Chỉ trừ trường hợp đối tượng bị xử phạt không có tài sản để thi hành và có đơn xin miễn, giảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì mới xem xét đến thời hiệu. Những trường hợp còn lại, nếu sau khi nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính, mặc dù có điều kiện nhưng người vi phạm không thi hành thì có đủ căn cứ xác định là “cố tình trốn tránh, trì hoãn” thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và coi đây là tiền sự của đối tượng.
         
Để giải quyết, khắc phục những khó khăn nêu trên nhằm đảm bảo công tác đấu tranh, xử lý những hành vi phạm tội liên quan đến Lâm luật một cách nhất quán và thuận lợi, chúng ta rất cần những quy định, hướng dẫn mang tính tiền đề, những giải pháp mang tính đồng bộ, vĩ mô. Đối với khó khăn thứ nhất và thứ hai nêu trên có liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp nên tác giả xin phép không đề cập đến giải pháp. Riêng đối với khó khăn thứ ba, tác giả mạn phép đưa ra một số giải pháp để các đơn vị địa phương có thể tham khảo và vận dụng như sau:
         
Thứ nhất: Hàng năm, Viện kiểm sát nhân dân các huyện chủ động phối hợp với các ngành liên quan, đặc biệt là Kiểm lâm, chủ rừng ký kết các quy chế, giao ước trong việc lập, quản lý hồ sơ, quyết định xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến Lâm luật trên địa bàn. Trong đó, giao trách nhiệm cho cá nhân và cơ quan có thẩm quyền đã ra quyết định xử phạt phải thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở đối tượng vi phạm thực hiện các quyết định xử phạt đúng thời hạn. Trường hợp cần thiết phải ra quyết định cưỡng chế nếu người bị xử phạt vi phạm hành chính có điều kiện nhưng không tự nguyện thi hành theo Điều 86 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2020 để răn đe, giáo dục.
         
Thứ hai: Các Viện kiểm sát địa phương cần quán triệt đến toàn thể Kiểm sát viên trong quá trình tiến hành các hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát tin báo tội phạm liên quan đến Lâm luật, nếu phát hiện có trường hợp đối tượng đã bị xử phạt vi phạm hành chính thì chủ động yêu cầu Cơ quan điều tra hoặc Hạt Kiểm lâm sớm tiến hành xác minh điều kiện thi hành quyết định xử phạt hành chính của đối tượng. Nếu đối tượng chưa thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì cần xác minh rõ lý do đối tượng không thi hành quyết định hoặc có đơn xin miễn, giảm thi hành quyết định xử phạt hành chính hay không. Trên cơ sở đó, chúng ta có thể đánh giá được hành vi, thái độ và điều kiện hoàn cảnh của đối tượng là không có điều kiện thi hành hay cố tình trốn tránh, trì hoãn thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính để làm căn cứ xử lý đúng quy định.
           
Thứ ba: Khi xem xét xử lý hình sự đối với đối tượng có hành vi vi phạm liên quan đến Lâm luật nhưng có tình tiết nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính các đơn vị cần chú ý thu thập đầy đủ hồ sơ và quyết định xử phạt vị phạm hành chính trước đây của đối tượng. Vì khác với các hành vi phạm tội “Trộm cắp tài sản” hoặc “Đánh bạc” ... thì các quyết định xử phạt vi phạm hành chính thường là về hành vi cùng loại (chiếm đoạt tài sản, đánh bạc...). Tuy nhiên, trong lĩnh vực liên quan đến Lâm nghiệp thì những hành vi vi phạm bị xử phạt hành chính được quy định tại Nghị định số 35/2019/NĐ-CP ngày 25/4/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Lâm nghiệp. Theo đó, những hành vi vi phạm bị xử phạt vi phạm hành chính là rất nhiều, trong khi theo quy định của Bộ luật Hình sự đối với các tội danh cụ thể thường quy định tình tiết “...nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này...”. Nghĩa là, chỉ những hành vi được quy định tại điều luật đó, đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn vi phạm thì mới được coi là tội phạm. Do đó, nếu không chú ý đến hành vi đã bị xử phạt vi phạm hành chính trước đây của đối tượng, sẽ rất dễ dẫn đến việc khởi tố oan, sai do hành vi không đủ yếu tố cấu thành tội phạm./.

Tác giả bài viết: Nguyễn Xuân Kỳ

Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyển đổi số
Hưởng ứng giải  Búa Liềm Vàng
Giải báo chí phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Công khai ngân sách
Mail công vụ
Thống Kê Truy Cập
  • Đang truy cập235
  • Hôm nay33,968
  • Tháng hiện tại174,078
  • Tổng lượt truy cập16,703,000
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây