Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh

Hiệu quả công tác cải cách tư pháp nhìn từ góc độ “Số hóa hồ sơ vụ án hình sự, công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa” của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai

Thứ tư - 09/12/2020 04:42 1.156 0
Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020 đã xác định: “Đổi mới việc tổ chức phiên tòa xét xử, xác định rõ hơn vị trí, quyền hạn, trách nhiệm của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng theo hướng đảm bảo tính công khai, dân chủ, nghiêm minh; nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa xét xử, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp”.

Để nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa xét xử vụ án hình sự, những năm qua, Viện KSND tỉnh Gia Lai đã phối hợp với Tòa án tổ chức hơn 600 phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp, nhiều phiên tòa theo cụm từ 03 đến 05 đơn vị cấp huyện để cùng học tập, rút kinh nghiệm chung. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội và cách mạng công nghiệp 4.0, để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới và yêu cầu cải cách tư pháp, đòi hỏi Viện KSND phải nâng cao hơn nữa chất lượng tranh tụng, tăng cường trách nhiệm công tố, làm tốt nhiệm vụ chống oan, sai và chống bỏ lọt tội phạm, người phạm tội. Trên tinh thần đó, thực hiện Chỉ thị của Viện trưởng Viện KSND tối cao về công tác của ngành KSND năm 2020, Viện KSND tỉnh Gia Lai đã xác định “Nâng cao kỹ năng, chất lượng các hoạt động xét hỏi, tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa hình sự” là công tác đột phá của ngành Kiểm sát Gia Lai năm 2020, trọng tâm của hoạt động này tập trung vào việc “Số hóa hồ sơ vụ án hình sự, tiến hành công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa”, gắn với việc thực hiện có hiệu quả 11 chỉ tiêu, nhiệm vụ theo yêu cầu của Quốc hội đã được xác định trong Nghị quyết số 96/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án.


Một phiên tòa áp dụng số hóa hồ sơ tại huyện Đăk Pơ

Đây là một bước tiến quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới của Viện KSND hai cấp tỉnh Gia Lai trong tiến trình cải cách tư pháp và đã được Ban Cán sự Đảng, tập thể Lãnh đạo Viện KSND tỉnh Gia Lai đưa vào Nghị quyết về công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ công tác năm 2020, cụ thể hóa bằng Kế hoạch số 01-KH/BCSĐ ngày 13/01/2020 của Ban Cán sự Đảng Viện KSND tỉnh để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện, với những giải pháp quyết liệt như:

Thứ nhất, xác định đây là công tác đột phá của Viện KSND hai cấp tỉnh Gia Lai trong năm 2020; chỉ đạo xây dựng kế hoạch, đề ra chỉ tiêu cụ thể, phân công nhiệm vụ, tổ chức thực hiện. Viện KSND các huyện, thị xã, thành phố và các Phòng thuộc Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã xây dựng 20 Kế hoạch, đề ra giải pháp, phân công nhiệm vụ cụ thể trong Kế hoạch, Chương trình công tác của đơn vị mình để triển khai thực hiện có hiệu quả công tác đột phá năm 2020. Trọng tâm là các hoạt động “Số hóa hồ sơ vụ án hình sự, thực hiện việc công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa” và nâng cao chất lượng tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm; thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp đào tạo, kiểm tra, sát hạch nâng chất đội ngũ công chức. Lãnh đạo Viện KSND tỉnh đã đề ra thêm chỉ tiêu 100% Viện KSND hai cấp thực hiện “Số hóa hồ sơ vụ án hình sự”, phấn đấu 01 Kiểm sát viên được phân công làm án hình sự trong năm 2020 thực hiện xét xử ít nhất 01 phiên tòa rút kinh nghiệm có áp dụng “số hóa hồ sơ, công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa”.

Thứ hai, qua việc tổ chức phiên tòa đầu tiên của Viện KSND huyện Kông Chro (ngày 18/01/2020), đơn vị tiến hành đánh giá, rút kinh nghiệm và ban hành thông báo, giới thiệu phương pháp, cách làm hay, nhân rộng điển hình để các đơn vị khác cùng học tập, tham khảo, vận dụng (Thông báo số 105/VKS-VP ngày 14/02/2020 của Viện KSND tỉnh). 
         
Thứ ba,
Viện KSND tỉnh ban hành văn bản đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai phối hợp với Viện kiểm sát trong việc tổ chức các phiên tòa xét xử vụ án hình sự, dân sự, hành chính áp dụng “Số hóa hồ sơ, công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa” (Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo Tòa án hai cấp thực hiện phối hợp theo đề nghị của Viện kiểm sát).

Thứ tư, chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ cấp tỉnh thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, yêu cầu báo cáo kết quả đạt được, thuận lợi, khó khăn, vướng mắc và đề xuất kiến nghị thông qua họp giao ban trực tuyến định kỳ và qua sơ kết 6 tháng đầu năm 2020. Đồng thời, Lãnh đạo Viện KSND tỉnh và các đơn vị nghiệp vụ có liên quan của Viện KSND tỉnh trực tiếp tham dự phiên tòa rút kinh nghiệm có áp dụng “Số hóa hồ sơ, công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa” của cấp huyện để tổng kết, rút kinh nghiệm chung. Qua đó, Viện KSND tỉnh tổng hợp chung, xây dựng tài liệu; tổ chức 01 Hội nghị tập huấn, trao đổi kinh nghiệm, tiến hành thảo luận về những kết quả đạt được, những phương pháp, cách làm hay, quy trình cơ bản cần nhân rộng và bàn giải pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc, có những đề xuất, kiến nghị với cấp trên để chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời.
         
Đến nay, Viện KSND hai cấp tỉnh Gia Lai đã thực hiện “Số hóa hồ sơ” hơn 150 vụ án hình sự; tiến hành công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa 52 vụ án hình sự. 17/17 Viện KSND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị nghiệp vụ thuộc Viện KSND tỉnh đã thực hiện “Số hóa hồ sơ vụ án hình sự”. Có thể nói, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động nghiệp vụ, nhất là hoạt động tranh tụng tại phiên tòa của Kiểm sát viên Viện KSND hai cấp tỉnh Gia Lai đang là một xu hướng tất yếu, một giải pháp hữu hiệu để nâng cao chất lượng công tác, chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm, đồng thời là một giải pháp mới trong việc tự học tập, đào tạo, bồi dưỡng để nâng chất đội ngũ công chức đáp ứng yêu cầu thực thi pháp luật trong tình hình mới, góp phần xây dựng hình ảnh đẹp và bản lĩnh người cán bộ Kiểm sát trong công cuộc cải cách tư pháp và trong sự nghiệp đổi mới đất nước. Một số đơn vị cấp huyện đã phối hợp với Tòa án tổ chức từ 03 phiên tòa “Số hóa hồ sơ, công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa” như: Viện KSND huyện Kông Chro: 13 vụ; Ia Pa: 09 vụ; Đak Pơ: 06 vụ; thành phố Pleiku: 04 vụ; Đak Đoa, Chư Sê, thị xã An Khê mỗi nơi 03 vụ.


Một phiên tòa áp dụng số hóa hồ sơ tại huyện Chư Sê
         
Kết quả cho thấy, việc “Số hóa hồ sơ vụ án hình sự và hoạt động công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa”, đã mang lại hiệu quả rõ nét, thể hiện trên các phương diện như:
         
Một là, hiệu quả trước tiên của hoạt động này là để bảo đảm sự thuyết phục trong quá trình xét hỏi và tranh tụng tại phiên tòa. Viện KSND hai cấp tỉnh Gia Lai đã truy tố 628 vụ án và 1.203 bị can đúng thời hạn, đúng tội danh; không có trường hợp Viện kiểm sát phải rút một phần hoặc toàn bộ quyết định truy tố; không có trường hợp Viện kiểm sát truy tố, Tòa án tuyên bị cáo không phạm tội và không có vụ án bị cấp trên hủy, sửa có trách nhiệm của Viện kiểm sát. Chất lượng xây dựng hồ sơ vụ án hình sự được nâng lên, tỷ lệ án phải trả hồ sơ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng do có thiếu sót chủ quan được khống chế ở mức thấp, chỉ chiếm 0,53%. Đây cũng là giải pháp hiệu quả để tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm và người phạm tội.
         
Điển hình như vụ án T và 06 đồng phạm khác bị Viện KSND huyện Kông Chro truy tố về tội “Hủy hoại tài sản và cố ý làm hư hỏng tài sản”. Vụ án này có sự tham gia bào chữa của Luật sư. Quá trình điều tra, các bị cáo đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội và vai trò đồng phạm của từng bị cáo. Tuy nhiên, tại phiên tòa xét xử bị cáo T không thừa nhận vai trò đồng phạm của mình là người khởi xướng và về mặt tội danh, Luật sư bào chữa của các bị cáo cho rằng hành vi của các bị cáo đã được thu hút chỉ phạm vào 01 tội là “Hủy hoại tài sản” mà không phạm tội “Cố ý làm hư hỏng tài sản” như Viện kiểm sát đã truy tố. Tình huống này đã được Kiểm sát viên dự kiến từ trước là có thể phát sinh tại phiên tòa xét xử và để giải quyết vụ án khách quan, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, tránh oan, sai và bỏ lọt tội phạm, Kiểm sát viên đã thực hiện “số hóa hồ sơ vụ án”, chuẩn bị đầy đủ kế hoạch xét hỏi, chọn lọc các tài liệu, chứng cứ để thực hiện “công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa” khi tiến hành tranh tụng tại phiên tòa xét xử vụ án. Theo đó, tại phần thủ tục tranh tụng tại phiên tòa, trên cơ sở kết quả xét hỏi các bị cáo khác, Kiểm sát viên đề nghị Hội đồng xét xử cho công bố bằng hình ảnh các tài liệu, chứng cứ là lời khai của những người làm chứng (xin vắng mặt tại phiên tòa) ở giai đoạn tố tụng trước, lời khai của bị cáo T ở giai đoạn điều tra, truy tố để chứng minh hành vi phạm tội, tội danh của bị cáo T và các bị cáo khác; đồng thời các chứng cứ khác như bản ảnh, biên bản khám nghiệm hiện trường, kết luận định giá cũng được Kiểm sát viên công bố bằng hình ảnh tại phiên tòa để lập luận, đối đáp đến cùng ý kiến tranh luận của Luật sư về tội danh. Với kỹ năng, lập luận tranh tụng sắc bén, cùng với sự bổ trợ rất hiệu quả từ hoạt động “Số hóa hồ sơ, công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa” trong vụ án này, Kiểm sát viên đã chứng minh, làm rõ hành vi phạm tội, tội danh, vai trò của bị cáo T và các bị cáo khác trong vụ án. Hội đồng xét xử đã ra bản án tuyên bố bị cáo T và 06 bị cáo khác phạm tội “Hủy hoại tài sản và cố ý làm hư hỏng tài sản” như Viện kiểm sát đã truy tố và xác định rõ vai trò khởi xướng của bị cáo T cũng như vai trò của các bị cáo khác như quan điểm truy tố, luận tội, đề nghị của Viện kiểm sát để tuyên phạt mức án phù hợp, tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi phạm tội của từng bị cáo.
         
Hai là, qua thực tiễn các phiên tòa, 100% các đơn vị đều khẳng định việc “Số hóa hồ sơ, công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa” đã tạo điều kiện thuận lợi cho người tiến hành tố tụng (Kiểm sát viên, Kiểm tra viên) có thể nghiên cứu, khai thác, cập nhật tài liệu bất cứ lúc nào mà không phụ thuộc vào hồ sơ giấy; gọn nhẹ và phục vụ tối đa cho hoạt động tranh tụng tại Tòa án, bảo đảm khách quan, chính xác và thuyết phục cao. Thuận lợi cho việc sắp xếp các tài liệu chứng cứ buộc tội và gỡ tội đối với từng bị can, bị cáo (có thể tạo ra từng thư mục riêng về chứng cứ buộc tội và gỡ tội với từng bị can, bị cáo để thuận tiện việc truy xuất, nghiên cứu, báo cáo và theo dõi, tranh tụng, Cáo trạng, Luận tội). Nhiều vụ án có tính chất phức tạp, quy mô lớn, nhiều bị cáo, giữa các bị cáo cũng như giữa bị cáo với những người tham gia tố tụng khác có sự mâu thuẫn về lời khai, nếu sử dụng phương pháp nghiên cứu, trích dẫn các tài liệu thông thường sẽ mất rất nhiều thời gian, công sức; còn đối với việc số hóa, hồ sơ vụ án hiển thị trong một thư mục duy nhất trên máy tính, việc tìm kiếm và tra cứu tài liệu trong hồ sơ được thực hiện nhanh chóng. Ngoài ra, còn thuận lợi cho việc lưu trữ, tiết kiệm diện tích lưu trữ và chi phí lưu trữ và dễ dàng tiếp cận hồ sơ, phục vụ tốt cho công tác chỉ đạo điều hành, kiểm tra của lãnh đạo đơn vị.
         
Ba là, đồng thời đây cũng là giải pháp tự đào tạo vừa sát với thực tiễn, vừa tiết kiệm chi phí, lại đạt hiệu quả nhanh chóng để nâng cao kỹ năng trình độ của Kiểm sát viên trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự; nâng cao kỹ năng, chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên, đáp ứng yêu cầu công tác theo tinh thần Chỉ thị số 07/CT-VKSTC ngày 23/9/2020 của Viện trưởng Viện KSND tối cao về tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức của Viện kiểm sát nhân dân giai đoạn 2020 – 2025 và những năm tiếp theo. Bởi lẽ, qua việc phối hợp xét xử các vụ án áp dụng “Số hóa hồ sơ, công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa”, Viện KSND hai cấp tỉnh Gia Lai đã thực hiện tự đào tạo trực tiếp cho hơn 50 lượt Kiểm sát viên được phân công giải quyết vụ án và đào tạo gián tiếp cho hơn 300 lượt Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, cán bộ khi tham dự, theo dõi tại phiên tòa và các cuộc họp rút kinh nghiệm sau phiên tòa. Theo đó, đơn vị làm tốt, có nhiều kinh nghiệm hơn sẽ trao đổi, truyền đạt phương pháp, cách làm cho các đơn vị khác để cùng học tập, điển hình như Viện KSND huyện Kông Chro (đơn vị đã thực hiện số hóa hồ sơ, công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa 13 vụ án hình sự) đã trực tiếp hướng dẫn, trao đổi kinh nghiệm và hỗ trợ các đơn vị VKSND huyện Krông Pa, Kbang và thị xã Ayun Pa… trong việc ứng dụng phần mềm, kỹ năng thực hiện “Số hóa hồ sơ”, kỹ năng và thao tác nghiệp vụ công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa. Tại nhiều đơn vị, có 100% (từ 02 đến 03) Kiểm sát viên được phân công làm án hình sự đã trực tiếp thực hiện công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa xét xử vụ án hình sự như: Viện KSND huyện Kông Chro, Đak Pơ, Đak Đoa, Chư Sê, Ia Pa, thành phố Pleiku và thị xã An Khê...; các Kiểm sát viên đã làm và có nhiều kinh nghiệm sẽ truyền đạt, trao đổi, hướng dẫn những Kiểm sát viên chưa làm hoặc có ít kinh nghiệm trên tinh thần cầu thị, cùng tiến bộ. Viện KSND tỉnh đã tổng hợp kết quả thực tiễn qua gần 01 năm thực hiện “Số hóa hồ sơ” của 17 Viện KSND cấp huyện và tổ chức 01 Hội nghị tập huấn, trao đổi kinh nghiệm giữa các đơn vị Viện KSND hai cấp cho hơn 150 cán bộ, Kiểm sát viên về quy trình, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện “Số hóa hồ sơ vụ án, công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa”.
         
Bốn là, từ kinh nghiệm thực tiễn rất hiệu quả của Viện KSND huyện Kông Chro, là đơn vị đầu tiên của Viện KSND hai cấp tỉnh Gia Lai thực hiện “công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa”, đã có nhiều sáng kiến, giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng: “Phần mềm quản lý hồ sơ số hóa”; “Quy trình thực hiện số hóa hồ sơ và công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tài phiên tòa”; “Phần mềm trích cứu hồ sơ”. Đặc biệt, là sáng kiến trong việc mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin vào việc “Thực hiện báo cáo án điện tử” và sáng kiến về việc “Tổ chức Cuộc họp 03 Ngành không giấy” để kịp thời phục vụ các hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các đơn vị trong công tác chỉ đạo giải quyết các vụ án, vụ việc phức tạp và nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa 03 ngành Công an – Viện kiểm sát – Tòa án trong công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm…
         
Năm là, hoạt động “Số hóa hồ sơ, công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa” của Viện KSND hai cấp tỉnh Gia Lai bước đầu đã tạo hiệu ứng lan tỏa tới các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Gia Lai và được sự ủng hộ, hỗ trợ nhiều mặt từ các ngành hữu quan cũng như cấp ủy và chính quyền địa phương với phương châm chung là phục vụ có hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm tại địa phương. Điển hình như: Ngành Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai đã có văn bản chỉ đạo Tòa án nhân dân hai cấp thực hiện phối hợp, hỗ trợ Viện kiểm sát trong công tác “Số hóa hồ sơ, công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa (Công văn số 235/TA-VP ngày 28/8/2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai về việc phối hợp tổ chức phiên tòa Số hóa hồ sơ vụ án). Cấp ủy và chính quyền địa phương cũng đã quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất cho các cơ quan tư pháp, trong đó có Viện KSND hai cấp trong việc trang bị thêm một số trang thiết bị phục vụ công tác này như: Máy tính, màn hình Tivi, máy chiếu…
 
 

  Đ/c Trần Công Hùng, Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh chỉ đạo họp rút kinh nghiệm tổ chức 01 phiên tòa “số hóa hồ sơ, công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa”

Qua đây, chúng tôi rút ra một số bài học kinh nghiệm để tiếp tục tổ chức thực hiện tốt hoạt động “Số hóa hồ sơ, công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa” nhằm nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên, cụ thể như sau:

Thứ nhất, phải quán triệt đầy đủ và nhận thức đúng quan điểm, chủ trương, đường lối và các Nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp, trọng tâm là “Nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa xét xử” theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020.

Thứ hai, nắm vững các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), nhất là các nguyên tắc cơ bản “Xác định sự thật của vụ án” (quy định tại Điều 15), “Tranh tụng trong xét xử được bảo đảm” (quy định tại Điều 26), “Tranh luận tại phiên tòa” (quy định tại Điều 322) và một số điều luật quan trọng khác có liên quan như Điều 20, Điều 108, Điều 308, Điều 309, Điều 312, Điều 313, Điều 315 và các điều luật khác của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát, Kiểm sát viên trong thực hành quyền công tố, kiểm sát giải quyết vụ án hình sự. Đồng thời gắn với việc quán triệt, thực hiện có hiệu quả 11 chỉ tiêu, nhiệm vụ của Ngành theo Nghị quyết số 96/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội.

Thứ ba, quán triệt và chỉ đạo thực có hiệu quả Chỉ thị của Viện trưởng Viện KSND tối cao về công tác của Ngành hằng năm và các Chỉ thị chuyên đề về nghiệp vụ, các văn bản hướng dẫn của Viện KSND tối cao về việc thực hiện “Số hóa hồ sơ vụ án”, gắn với việc xây dựng kế hoạch, đề ra chỉ tiêu cụ thể để phấn đấu thực hiện.

Thứ tư, tranh thủ sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự phối hợp của các cơ quan tư pháp, nhất là sự phối hợp của Tòa án nhân dân để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Ngành.

Thứ năm, quá trình thực hiện phải có thử nghiệm, đánh giá bước thử nghiệm, sơ kết rút kinh nghiệm, thông báo giới thiệu phương pháp, cách làm hay, nhân rộng mô hình, điển hình làm tốt để các đơn vị khác cùng học tập, tham khảo, vận dụng. Thực hiện việc vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, chọn lọc phương pháp, cách làm tốt, đồng thời tiến hành đào tạo từ thực tiễn ngay tại chỗ, trong từng vụ án cụ thể, tiến tới tổng kết những kết quả đạt được, thuận lợi, khó khăn, vướng mắc để rút ra được phương pháp, quy trình, cách làm phù hợp, hiệu quả nhất./.    
  

Tác giả bài viết: Nguyễn Thành Duy

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyển đổi số
Hưởng ứng giải  Búa Liềm Vàng
Giải báo chí phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Công khai ngân sách
Mail công vụ
Thống Kê Truy Cập
  • Đang truy cập37
  • Hôm nay10,772
  • Tháng hiện tại797,739
  • Tổng lượt truy cập16,492,505
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây