Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh

Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn người chưa thành niên phạm tội trên địa bàn tỉnh Gia Lai

Thứ hai - 17/05/2021 04:22 5.151 0
Thời gian qua, tình hình tội phạm hình sự do người chưa thành niên thực hiện trên địa bàn tỉnh có chiều hướng gia tăng, tính chất, mức độ, hậu quả phạm tội ngày càng nghiêm trọng, nhiều vụ phạm tội không đơn thuần mang tính bộc phát, giản đơn mà đã có sự cấu kết chặt chẽ, manh động, tinh vi trong thực hiện hành vi phạm tội và che giấu tội phạm.

Từ đầu năm 2020 đến nay trên địa bàn tỉnh xảy ra 74 vụ phạm pháp hình sự do 107 đối tượng là người chưa thành niên thực hiện. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2021 đến nay, phát hiện 33 đối tượng là người chưa thành niên thực hiện 21 vụ phạm tội; trong đó 10 vụ xảy ra trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm 47,62% số vụ; độ tuổi chủ yếu từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi, chiếm 75,57%, từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi chiếm 15,15%, dưới 14 tuổi chiếm 9,28%. Loại tội phạm chủ yếu là trộm cắp tài sản, cướp tài sản, hiếp dâm người dưới 16 tuổi; đáng chú ý, từ ngày 23/3/2021 đến 28/3/2021, liên tiếp xảy ra 02 vụ giết người tại Chư Prông và Ayun Pa làm 01 người chết, 01 người bị thương liên quan đến người chưa thành niên phạm tội.

Điển hình: Khoảng 0h30 ngày 09/6/2020, tại Ngã ba Vạn Kiếp - Phạm Văn Đồng, phường Thống Nhất, TP. Pleiku, nhóm 17 đối tượng do Hồ Thanh G (sinh năm 2002, trú tại phường Ia Kring, tp.Pleiku) cầm đầu dùng hung khí đánh nhau với nhóm 13 đối tượng do Phan Nhật H (sinh năm 2001, trú tại phường Yên Thế, tp.Pleiku) cầm đầu, làm 01 người bị thương. Vụ Rơ Châm C (Sinh năm 2005) dùng dao đâm 03 nhát vào vùng cổ, gáy làm Kpă M (Sinh năm 2005, cùng trú làng Tnao) chết tại chỗ xảy ra ngày 23/3/2021, tại làng Tnao, xã Ia Bòng, huyện Chư Prông, nguyên nhân do mâu thuẫn trong lúc uống rượu.

Tình trạng người chưa thành niên phạm tội trên địa bàn tỉnh gia tăng xuất phát từ nguyên nhân chính đó là:

Thứ nhất, nguyên nhân từ phía gia đình, phần lớn đối tượng chưa thành niên phạm tội cha mẹ ly hôn, bạo lực, rượu chè, thậm chí là đối tượng hình sự, có tiền án tiền sự, một số trường hợp thiếu quan tâm, chăm sóc, để kẻ xấu rủ rê, lôi kéo vào con đường phạm tội.

Thứ hai, nguyên nhân từ phía nhà trường, nhất là công tác phối hợp giữa gia đình, nhà trường, xã hội để quản lý, giáo dục học sinh chưa thường xuyên, lỏng lẻo, đặc biệt là học sinh cá biệt, thường xuyên bỏ học, vi phạm nội quy.

Thứ ba, nguyên nhân từ xã hội, lối sống thực dụng, tác động của phim ảnh bạo lực, đối trụy, sự bùng nổ của mạng xã hội nhưng thiếu sự kiểm duyệt, kiểm soát tác động tiêu cực đến suy nghĩ, hành động của người chưa thành niên.

Thứ tư, nguyên nhân từ người chưa thành niên phát triển chưa hoàn thiện, dễ bị lôi kéo, kích động, thiếu hiểu biết về pháp luật, dễ có những hành vi lệch chuẩn, nhất là người chưa thành niên là người đồng bào dân tộc thiểu số, một số trường hợp thực hiện hành vi phạm tội nhưng không biết đó là hành vi phạm tội. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền pháp luật, văn hóa, đạo đức lối sống cho lứa tuổi chưa thành niên chưa thường xuyên; công tác nắm tình hình, nắm hộ, nắm người một số thời điểm thiếu chặt chẽ, tạo sơ hở để người chưa thành niên thực hiện hành vi phạm tội.

Thiết nghĩ, để phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả, làm giảm tình trạng người chưa thành niên phạm tội trên địa bàn tỉnh, cần có sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, đoàn thể và toàn xã hội, triển khai đồng bộ các giải pháp như:

- Một là, tăng cường công tác phòng ngừa, ngăn chặn của các cơ quan chức năng, đồng thời gia đình cần quan tâm giáo dục đạo đức, nhân cách, trang bị kỹ năng sống, tự hòa giải, kiến thức cơ bản về pháp luật phù hợp lứa tuổi, tâm sinh lý của con em trong gia đình, chú trọng quản lý, giám sát, nhất là thời gian, mức độ sử dụng mạng internet, mạng xã hội, kịp thời uốn nắn những hành vi lệch chuẩn, không để con em vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội.

- Hai là, đối với nhà trường, cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của các thầy, cô giáo trong chăm sóc học sinh; tăng cường giáo dục pháp luật, đạo đức, lối sống, phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình trong quản lý, giáo dục học sinh, nhất là số học sinh thường xuyên bỏ học, thường xuyên vi phạm nội quy, có biểu hiện vi phạm pháp luật.

- Ba là, làm tốt công tác nắm hộ, nắm người; quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật với nội dung, hình thức phù hợp với tâm sinh lý, nhận thức từng lứa tuổi, địa bàn, quan tâm vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả người chưa thành niên phạm tội./.

Tác giả bài viết: Vũ Thị Thanh

Tổng số điểm của bài viết là: 11 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 3.7 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyển đổi số
Hưởng ứng giải  Búa Liềm Vàng
Giải báo chí phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Công khai ngân sách
Mail công vụ
Thống Kê Truy Cập
  • Đang truy cập58
  • Hôm nay8,070
  • Tháng hiện tại795,037
  • Tổng lượt truy cập16,489,803
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây