Chào mừng 30/4
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh

Nâng cao hiệu quả các bản kiến nghị phòng ngừa của VKS về xâm hại tình dục trẻ em nhìn từ địa bàn tỉnh Gia Lai

Thứ tư - 07/04/2021 22:31 1.223 0
Tội phạm xâm hại tình dục trẻ em xảy ra chủ yếu ở khu vực nông thôn, vùng có đời sống kinh tế khó khăn, trình độ dân trí thấp, tập trung tại một số xã của các huyện miền núi.

Gia Lai là một tỉnh vùng cao nằm ở phía bắc Tây Nguyên, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn chiếm hơn 40%. Với tính chất địa bàn phức tạp, điều kiện kinh tế – xã hội – giáo dục còn những hạn chế nhất định; trong thời gian qua, có thể thấy tình hình tội phạm tình dục đối với trẻ em có xu hướng ngày càng gia tăng, gây tác động xấu cho xã hội. Cụ thể, theo thống kê của Công an tỉnh, trong năm 2019 và 2020, cơ quan Công an đã điều tra làm rõ 114 vụ xâm hại trẻ em, trong đó có 99 vụ xâm hại tình dục (chiếm 86,8%). Cơ quan Công an đã đề nghị truy tố 94 vụ/107 bị can, xử lý hành chính 10 vụ/26 đối tượng, tiếp tục điều tra xử lý 10 vụ/10 đối tượng liên quan đến tội phạm xâm hại trẻ em.

Vụ việc xâm hại tình dục trẻ em gia tăng có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ chính gia đình, nhà trường do chưa nhận thức đầy đủ tính nghiêm trọng của vấn đề, cũng như chưa đủ kiến thức, kỹ năng để bảo vệ an toàn cho trẻ em khỏi hình thức xâm hại, bạo lực, Thượng tá Trần Trọng Sơn-Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự (Công an tỉnh) cho biết: Có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do trẻ em thiếu sự chăm sóc, giám sát của gia đình. Thậm chí, bản thân cha mẹ các cháu chưa nhận thức đầy đủ về tác hại nghiêm trọng khi con mình bị xâm hại, đặc biệt là xâm hại tình dục. Một số trường hợp do cha mẹ đi làm ăn xa gửi con cho người thân trông giữ dẫn đến buông lỏng chăm sóc, quản lý. Một số thanh-thiếu niên hư hỏng, bỏ học thường xuyên xem các phim, ảnh khiêu dâm, đồi trụy trên các trang mạng xã hội, uống rượu, bia… dẫn đến lệch lạc về nhận thức, suy đồi đạo đức không làm chủ được bản thân dẫn đến phạm tội.[1]

Để nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước, góp phần giảm thiểu những nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh vi phạm, tội phạm, tạo sự chuyển biến tích cực và nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung, tội phạm về xâm hại tình dục trẻ em nói riêng trên địa bàn tỉnh, tác giả xin nêu ra một số giải pháp nâng cao hiệu quả, hiệu lực khi các bản kiến nghị phòng ngừa của Viện kiểm sát (VKS) về lĩnh vực này:

1. Khi soạn thảo ban hành kiến nghị phòng ngừa:
Trước khi soạn thảo kiến nghị phòng ngừa Cán bộ, kiểm sát viên được phân công cần chủ động bám sát yêu cầu nhiệm vụ chính trị, đặc điểm, tình hình kinh tế xã hội và dự báo tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật ở địa phương, thông qua đó tham mưu lãnh đạo viện những vụ án nổi cộm, bức xúc đang diễn ra …. Để làm căn cứ tổng hợp, phân tích làm rõ nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, làm cơ sở cho việc ban hành kiến nghị.
Khi ban hành kiến nghị phải đảm bảo đúng mẫu theo quy định của Viện kiểm sát nhân dân tối cao; cần nêu cụ thể những thiếu sót, sơ hở trong công tác quản lý và các căn cứ để xác định. Trên cơ sở đó, kiến nghị với cơ quan, tổ chức hữu quan các biện pháp thiết thực nhằm chấn chỉnh, khắc phục có hiệu quả những thiếu sót, sơ hở, góp phần tích cực vào việc ngăn chặn, phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật về loại tội phạm này.
Chú ý trong quá trình soạn thảo Cán bộ, kiểm sát viên nên viết ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu; sử dụng từ ngữ văn bản một cách nhẹ nhàng mang tính chất tham mưu đối với các cơ quan hữu quan mà mình kiến nghị phòng ngừa. Ví dụ trong văn bản bản chúng ta không nên dùng từ “vi phạm” mà chỉ nên sử dụng những từ ngữ như “thiếu sót”, “sơ hở”…thì nội dung trong các bản kiến nghị của Viện kiểm sát sẽ được các cơ quan hữu quan chấp nhận, từ đó góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các bản kiến nghị trên thực tế.

2.Một số lưu ý khi ban hành kiến nghị phòng ngừa
Để việc ban hành kiến nghị phòng ngừa tội phạm thực sự hiệu quả được tiếp thu, vi phạm pháp luật được sửa chữa kịp thời, thì điều quan trọng đó là phải thường xuyên tranh thủ sự lãnh đạo của Viện kiểm sát cấp trên, cấp ủy địa phương; đặc biệt cần có sự phối hợp nhịp nhàng, có hiệu quả với các cơ quan hữu quan
Đơn cử như trước khi ban hành kiến nghị chính thức Lãnh đạo viện nên có sự trao đổi, thống nhất nhận thức với lãnh đạo các Cơ quan hữu quan (nơi kiến nghị phòng ngừa của Viện kiểm sát tác động đến),  trong quá trình trao đổi nên nêu căn cứ pháp lý, hậu quả tác hại của vi phạm đồng thời thể hiện đây là sự tham mưu nhằm chấn chỉnh, khắc phục có hiệu quả vi phạm, thiếu sót, sơ hở, góp phần tích cực vào việc ngăn chặn, phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật.

3. Một số giải pháp tham mưu nâng cao hiệu quả, hiệu lực các bản kiến nghị phòng ngừa của VKS về xâm hại tình dục trẻ em nhìn từ địa bàn tỉnh Gia Lai
Để góp phần giảm thiểu những nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh vi phạm, tội phạm, nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung, tội phạm về xâm hại tình dục trẻ em nói riêng trên địa bàn tỉnh, cần đẩy mạnh thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện thực hiện nghiêm túc Luật trẻ em (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/2017); Nghị quyết số 121/2020/QH14 ngày 19/6/2020 "về việc tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em"; Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 16/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ “về việc tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em".
Các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cần tăng cường công tác quản lý hộ tịch, hộ khẩu; quản lý chặt chẽ việc kết hôn, đăng ký kết hôn nhằm kịp thời phát hiện các trường hợp Tảo hôn để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật.

Hai là, cần quan tâm đến việc phổ cập và nâng cao trình độ văn hóa cho người dân, nhất là những địa bàn vùng sâu, vùng xa. Cụ thể như: cấp ủy, chính quyền cần tạo điều kiện, bố trí việc làm và thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội; tăng cường giáo dục văn hóa trong cộng đồng dân cư bởi thực tiễn cho thấy đối tượng xâm hại tình dục trẻ em chủ yếu là người có trình độ văn hóa thấp, nhận thức pháp luật và các chuẩn mực xã hội hạn chế. Vì vậy, cần phải tăng cường công tác giáo dục, đào tạo nâng cao trình độ văn hóa để làm cơ sở nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng pháp luật trong cộng đồng dân cư. Tất cả các trường phải tổ chức tuyên truyền phòng ngừa, tăng cường giáo dục kiến thức giới tính và kỹ năng phòng tránh xâm hại tình dục cho học sinh; phối hợp với gia đình, cộng đồng trong chăm sóc, bảo vệ trẻ em; phấn đấu đạt các tiêu chuẩn về trường học bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống xâm hại tình dục trẻ em; chủ động phát hiện các trường hợp học sinh có dấu hiệu bị xâm hại tình dục để kịp thời thông báo, cung cấp thông tin và phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền trong việc điều tra, xử lý các vụ việc xâm hại tình dục xảy ra đồng thời gần gũi, động viên tinh thần đối với các em. Tăng cường theo dõi, giáo dục, uốn nắn học sinh có biểu hiện chán học, bỏ học thường xuyên, ham chơi, đua đòi, thực dụng; tạo môi trường lành mạnh để các em học tập, vui chơi.

Ba là, các cơ quan tư pháp tích cực, chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể làm tốt công tác tuyên truyền, phòng ngừa; cung cấp, thông báo phương thức, thủ đoạn của tội phạm xâm hại tình dục trẻ em để cán bộ, nhân dân, thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên nâng cao ý thức tự cảnh giác, tự phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn các hành vi xâm hại tình dục trẻ; tăng cường tuyên truyền rộng rãi hệ thống bảo vệ trẻ em và Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 trên các kênh truyền thông đại chúng, mạng xã hội và các sản phẩm, dịch vụ của các doanh nghiệp. Việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật này phải có kế hoạch, chương trình cụ thể, trong đó chú trọng đến việc lồng ghép nội dung truyền thông vào trong sinh hoạt tại các thôn, làng; trong sinh hoạt ngoại khóa của các cấp học và sinh hoạt chuyên đề của các tổ chức, đoàn thể các cấp… Đặc biệt là việc quan tâm quản lý, chăm sóc, giáo dục trẻ em, nhất là những em có hoàn cảnh đặc biệt, có nhiều khả năng bị xâm hại.

Bốn là, Công an nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ nắm tình hình, xác định địa bàn trọng điểm, hệ loại đối tượng, nguyên nhân, điều kiện, khó khăn, vướng mắc và dự báo tình hình hoạt động của tội phạm xâm hại tình dục trẻ em; tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ số đối tượng có tiền án, tiền sự về hành vi xâm hại tình dục trẻ em, đối tượng có lối sống không lành mạnh, lệch chuẩn... kịp thời có biện pháp phòng ngừa không để tội phạm lợi dụng hoạt động

Năm là, đối với các cơ quan tiến hành tố tụng cần nâng cao hiệu quả công tác điều tra, xử lý tội phạm xâm hại tình dục trẻ em kết hợp với công tác đấu tranh, phòng ngừa vi phạm pháp luật trong thanh thiếu niên, học sinh và vận động nhân dân tố giác kịp thời các hành vi xâm hại tình dục trẻ em. Đối với người phạm tội cần xử lý nghiêm minh, kịp thời đúng pháp luật, kiên quyết đấu tranh không để lọt tội phạm. /.
 

[1] Trích từ bài viết “Báo động tình trạng xâm hại trẻ em ở Gia Lai” nguồn https://gialai.toaan.gov.vn/webcenter/portal/gialai/chitiettin?dDocName=TAND157868

Tác giả bài viết: Lê Xuân Quang

 Tags: nông thôn

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyển đổi số
Hưởng ứng giải  Búa Liềm Vàng
Giải báo chí phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Công khai ngân sách
Mail công vụ
Thống Kê Truy Cập
  • Đang truy cập75
  • Hôm nay19,656
  • Tháng hiện tại319,691
  • Tổng lượt truy cập16,848,613
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây