Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - mốc son tự hào và bài học quý giá cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam

Thứ sáu - 11/08/2023 02:31 1.346 0
Cách đây 78 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân cả nước đồng loạt vùng lên tổng khởi nghĩa, giành chính quyền. Chỉ trong vòng 15 ngày (từ ngày 14 đến 28-8-1945), cuộc tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi hoàn toàn, chính quyền trong cả nước về tay Nhân dân. Đây là, thắng lợi vĩ đại đầu tiên của nhân dân ta từ khi có Đảng lãnh đạo, mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam.
 
Ngày 19/8/1945, sau cuộc míttinh tại Quảng trường Nhà hát Lớn, quần chúng Nhân dân Thủ đô đã đánh chiếm Bắc Bộ phủ, cơ quan đầu não của chính quyền tay sai Pháp ở Bắc Bộ. (Ảnh: sưu tầm trên internet)
 
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là thắng lợi của trí tuệ, bản lĩnh và tinh thần đấu tranh quật cường của toàn thể dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thắng lợi đó đã giúp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam) có mặt trên bản đồ thế giới. Vị thế của chúng ta trên trường quốc tế không ngừng tăng lên, những thành tựu sau hơn 37 năm đổi mới đã là minh chứng cho sự phát triển bền vững đó; thắng lợi đó đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu mãi mãi soi sáng cho cách mạng Việt Nam trên con đường đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, nổi bật là:

Bài học thứ nhất là, không thể tách rời tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác - Lênin
Bản chất của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh là khoa học và cách mạng, “tuy hai mà một, tuy một mà hai”. Vì thế Đảng ta đã vận dụng phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin trong điều kiện cụ thể ở nước ta một cách đúng đắn, độc lập, tự chủ và sáng tạo. Đảng có phương pháp, chiến lược, chiến thuật cách mạng phù hợp, linh hoạt tạo nên thắng lợi vẻ vang của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Đến nay, dù hơn 70 năm nhưng Đảng ta vẫn tiếp tục vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh vào công cuộc đổi mới đất nước theo định hướng Xã hội chủ nghĩa. Đại hội XII của Đảng đã tổng kết thực tiễn 30 năm đổi mới và rút ra một số bài học kinh nghiệm, trong đó có bài học: “Trong quá trình đổi mới phải chủ động, không ngừng sáng tạo trên cơ sở kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kế thừa và phát huy truyền thống dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, vận dụng kinh nghiệm quốc tế phù hợp với Việt Nam[1]. Như vậy, công cuộc đổi mới hiện nay phải tiếp tục kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Đổi mới không phải xa rời mà là nhận thức đúng, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lấy đó làm nền tảng tư tưởng của Đảng và kim chỉ nam cho hành động cách mạng. Hiện nay, các thế lực phản động, thù địch đã và đang cố tình tách rời, cô lập tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác - Lênin bằng cách “ra vẻ” đề cao hoặc “nâng tầm” tư tưởng Hồ Chí Minh hoặc chủ nghĩa Mác - Lênin là hoàn toàn trái với quan điểm, đường lối của Đảng ta. Vì vậy, trong thời gian tới chúng ta cần kiên quyết đấu tranh chống các quan điểm sai trái để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, các ngành, các cấp, các địa phương, cả hệ thống chính trị phải đoàn kết, thống nhất triển khai quyết liệt nhiều biện pháp đồng bộ, nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII ngày 22/10/2018 về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, nhất là việc nói không với “bắt tay ngầm” để toan tính, vụ lợi, để đồng lõa với những nhận thức sai trái của các thế lực phản động, thù địch trên các lĩnh vực.

Bài học thứ hai là, chớp thời cơ và tận dụng thời cơ để giành thắng lợi.
Trong Cách mạng Tháng Tám, Đảng ta đã nhận thức được thời cơ, chủ động đón thời cơ và kiên quyết chớp thời cơ, tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước được vận dụng có hiệu quả. Bài học thành công từ cách mạng Tháng Tám cũng đã chỉ ra rằng, nếu có thời cơ mà không biết chớp thời cơ để nó trôi qua sẽ không đưa cách mạng đến thành công, mặt khác thời cơ đến nhưng nếu không huy động được nội lực thì cũng không giành được thắng lợi. Chính vì thế, đòi hỏi đặt ra đối với Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay, nhiều cơ hội được mở ra, không bỏ qua, nhưng cũng không chờ đợi bất cứ ai, bất cứ dân tộc nào, quốc gia nào. “Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là công nghệ số phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia, dân tộc[2]…vì vậy chúng ta cần phải chuẩn bị tốt mọi điều kiện, phát huy sức mạnh nội lực của toàn dân tộc, tranh thủ thời cơ hội nhập và phát triển, đẩy lùi những nguy cơ, thử thách, đưa đất nước ngày càng phát triển, vững bước đi lên. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã và đang tạo thêm sức mạnh mới cho dân tộc, tạo rất nhiều điều kiện về các chính sách vĩ mô cũng như điều hành kinh tế nhằm lành mạnh hoá môi trường kinh doanh, kích cầu sản xuất, thu hút vốn đầu tư nước ngoài... Đây là những chủ trương đúng đắn bắt nguồn từ bài học “chớp thời cơ” của cách mạng tháng Tám.

Bài học thứ ba là, tập hợp, đoàn kết, lôi cuốn toàn dân tham gia sự nghiệp cách mạng
Từ khi mới thành lập, Đảng Cộng sản Việt Nam đã sớm nhận thức đúng và đầy đủ về sức mạnh to lớn của đông đảo quần chúng Nhân dân, sớm đề ra đường lối chiến lược giương cao hai ngọn cờ độc lập dân tộc và dân chủ, đáp ứng đúng nguyện vọng của Nhân dân là độc lập, tự do. Chính vì thế, Đảng ta đã tập hợp và phát huy được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân trên nền tảng liên minh công nhân - nông dân - trí thức, khai thác và phát huy triệt để động lực tinh thần, nêu cao ý chí, tinh thần dũng cảm, sáng tạo, sẵn sàng xông lên cứu nước, cứu nhà, tạo thành nguồn động lực to lớn để đưa Cách mạng Tháng Tám đến thắng lợi hoàn toàn.

Theo tinh thần bài học Cách mạng Tháng Tám, trong bối cảnh công nghệ phát triển như vũ bão hiện nay, việc các thế lực thù địch, phản động, các tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí với Việt Nam thường xuyên lợi dụng các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước… để xuyên tạc bịa đặt, vu khống Việt Nam bằng nhiều hình thức. Vì vậy mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân cần nâng cao sự giác ngộ về tinh thần yêu nước; đấu tranh chống lại các quan điểm và hành động sai trái của các thế lực thù địch. Đoàn kết toàn dân tộc phải luôn đi đôi với phòng và chống “diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, chống lại tất cả những hành động làm tổn hại đến sự đoàn kết toàn dân tộc, chống lại sự kích động hằn thù dân tộc, chống lại mọi tiêu cực trong hệ thống chính trị và ngoài xã hội. Từ đó, góp phần quan trọng vào hiện thực hóa mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” mà Đảng ta đã đề ra.
 

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG-ST, H.2016, tr.69
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t.I, tr.107, 106.

Tác giả bài viết: Lê Xuân Quang

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyển đổi số
Hưởng ứng giải  Búa Liềm Vàng
Giải báo chí phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Công khai ngân sách
Mail công vụ
Thống Kê Truy Cập
  • Đang truy cập62
  • Hôm nay12,398
  • Tháng hiện tại235,718
  • Tổng lượt truy cập18,507,626
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây