Trong những năm vừa qua, án hành chính do Tòa án hai cấp ở Gia Lai không có vụ nào bị cấp phúc thẩm, giám đốc thẩm hủy án. Viện kiểm sát tỉnh Gia Lai rút ra một số kinh nghiệm và kỹ năng kiểm sát một số loại án hành chính phổ biến trên địa bàn như sau:
1. Xác định thẩm quyền giải quyết
Ngay khi nhận được Thông báo thụ lý của Tòa án, Kiểm sát viên được phân công kiểm sát tố tụng phải kiểm sát việc thụ lý của Tòa án có đúng thẩm quyền theo quy định tại các Điều 31, 32, 33 Luật Tố tụng hành chính (Luật TTHC) hay không. Trường hợp Tòa án thụ lý không đúng thẩm quyền thì thực hiện quyền yêu cầu, kiến nghị để khắc phục ngay, tránh để việc Tòa án thực hiện các trình tự tố tụng khác làm kéo dài thời gian của đương sự.
2. Kiểm sát về trình tự tố tụng
Kiểm sát viên cần nghiên cứu xem quyết định, hành vi bị khởi kiện có đúng là đối tượng khởi kiện của vụ án hành chính theo quy định tại Điều 30 Luật TTHC hay không? Sau đó cần xem xét thời hiệu, điều kiện khởi kiện của các quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khởi kiện để xem xét việc thụ lý vụ án của Tòa án có đúng hay không? Kiểm sát viên được phân công kiểm sát các vụ án hành chính liên quan đến đất đai cần kiểm sát chặt chẽ trong suốt quá trình tiến hành các thủ tục tố tụng của Tòa án, như việc xác định tư cách tham gia tố tụng, nhất là phía người bị kiện, xác định chính xác người bị kiện là Ủy ban nhân dân hay Chủ tịch Ủy ban nhân dân, những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến quyết định, hành vi bị kiện. Thông thường, các quyết định hành chính liên quan đến đất đai do các cơ quan chuyên môn hoặc Ủy ban nhân dân cấp dưới là cơ quan liên quan đến việc tham mưu hoặc ký xác nhận các văn bản pháp lý làm cơ sở để ban hành quyết định hành chính, do đó, các cơ quan này là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hành chính bị kiện.
Kiểm sát việc cấp, tống đạt các văn bản tố tụng, việc tổ chức đối thoại… nhằm đảm bảo thủ tục tố tụng được tiến hành đúng quy định của Luật TTHC, khi tham gia kiểm sát xét xử sơ thẩm, Kiểm sát viên kiểm sát việc tuân theo pháp luật tố tụng tại phiên tòa, đồng thời cần ghi chép đầy đủ diễn biến phiên tòa và quyết định của Hội đồng xét xử để phục vụ cho việc kiểm sát Bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án cùng cấp. Từ đó kịp thời phát hiện những vi phạm về tố tụng, pháp luật nội dung để có đề xuất kiến nghị, kháng nghị.
3. Kiểm sát việc thu thập, đánh giá chứng cứ
Ngay khi nhận được Thông báo thụ lý của Tòa án, Kiểm sát viên được phân công kiểm sát tố tụng và tham gia phiên tòa cần định hướng việc nghiên cứu các quy định của pháp luật liên quan đến trình tự, thủ tục tiến hành việc thu thập cũng như những quy định của pháp luật nội dung có liên quan, để khi trực tiếp nghiên cứu hồ sơ có thể đối chiếu, kiểm tra, đánh giá được tính hợp pháp, kịp thời và đầy đủ, khách quan trong quá trình thu thập, tài liệu, chứng cứ.
Kiểm sát viên cần quan tâm đến việc thu thập hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, các quyết định hành chính khác có liên quan đến quyết định hành chính bị kiện để kịp thời yêu cầu Tòa án bổ sung, nhằm đảm bảo xem xét, vụ án được đầy đủ, toàn diện.
4. Kiểm sát về việc áp dụng pháp luật nội dung
Khi nghiên cứu các quyết định, hành vi hành chính trong quản lý đất đai cần nghiên cứu kỹ nội dung vụ việc mà cơ quan hành chính Nhà nước có thẩm quyền dựa trên nội dung đó để ban hành quyết định hành chính bị khởi kiện. Hoạt động quản lý nhà nước về đất đai được quy định trong Luật đất đai qua các thời kỳ, Luật Xử lý vi phạm hành chính, các Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật đất đai và các Nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai.
- Đối với các quyết định hành chính trong lĩnh vực đất đai nói chung, Kiểm sát viên cần chú ý nghiên cứu các văn bản pháp lý mà cơ quan hành chính Nhà nước áp dụng để ban hành quyết định hành chính bị khởi kiện cũng như việc thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ công vụ được giao theo quy định của pháp luật, đối chiếu với các văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực tại thời điểm quyết định hành chính được ban hành để xem xét thẩm quyền ban hành, nội dung của quyết định có phù hợp với các tình tiết khách quan của sự việc, có đúng với các quy định của pháp luật tại thời điểm đó hay không, hành vi thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ công vụ của cơ quan hành chính Nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính Nhà nước là đúng hay không đúng với quy định của pháp luật từ đó đề xuất quan điểm giải quyết vụ án với Lãnh đạo Viện trước khi tham gia phiên tòa.
- Đối với các quyết định, hành vi hành chính trong việc cấp, thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Kiểm sát viên cần xem xét các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, việc kê khai của đương sự về nguồn gốc đất, các tài liệu chứng minh nguồn gốc đất, xác nhận của những người làm chứng, của chính quyền địa phương và cơ quan có thẩm quyền về tính hợp pháp của việc sử dụng đất; căn cứ thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; lý do thu hồi…
- Đối với các quyết định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, cần lưu ý về giá bồi thường có phù hợp với thời điểm áp dụng hay không, có phù hợp với vị trí đất bị thu hồi hay không; có thuộc trường hợp được tái định cư hay không và địa phương có quỹ đất để bố trí tái định cư hay không; việc hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp…
- Đối với các quyết định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai cần lưu ý nghiên cứu hành vi vi phạm của người bị xử phạt xảy ra từ thời điểm nào, việc lập biên bản về việc vi phạm đó có đúng quy định hay không, nhất là về thẩm quyền của người lập biên bản, người ban hành quyết định xử phạt, thời hạn lập biên bản và thời hạn ra quyết định xử phạt. Đối chiếu hành vi vi phạm được ghi trong biên bản xử phạt có đúng với hành vi được ghi trong quyết định hay không; xem xét mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm để xem việc áp dụng hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả ghi trong quyết định xử phạt có phù hợp, tương xứng với hành vi vi phạm hay không…
Tăng cường thực hiện quyền yêu cầu của Viện kiểm sát trong kiểm sát giải quyết án hành chính, nhất là yêu cầu thu thập bổ sung tài liệu, chứng cứ làm căn cứ cho việc giải quyết vụ án nhằm đảm bảo việc giải quyết vụ án có căn cứ, đúng pháp luật.