Khám nghiệm hiện trường cháy
Khác với hiện trường của các vụ việc hình sự khác, là có thể tổ chức tiến hành khám nghiệm ngay sau khi nhận được tin báo, thì đối với hiện trường cháy, các cơ quan tố tụng có thể phải mất một khoảng thời gian dài do phải chờ lực lượng chữa cháy dập tắt lửa. Vì vậy, ngay khi có mặt tại hiện trường, Kiểm sát viên (KSV) phối hợp với Điều tra viên (ĐTV) cùng lực lượng khám nghiệm có phương án hỗ trợ chữa cháy, thực hiện các công việc cấp bách như cứu chữa người bị nạn, khoanh vùng bảo vệ hiện trường, phân luồng điều tiết, hạn chế hậu quả có thể tiếp tục xảy ra, nắm bắt tình hình, dự kiến kế hoạch khám nghiệm để có thể tiến hành ngay khi ổn định hiện trường, an toàn hiện trường mà có thể khám nghiệm. Lưu ý KSV, ĐTV và lực lượng khám nghiệm chỉ tham gia quan sát và đi vào hiện trường khi hiện trường đã thật sự an toàn vì nhiều vụ cháy có thể dẫn đến cháy tiếp, nổ, sập, đổ, gãy các kết cấu vật chất tại hiện trường.
Trường hợp có người chết, phải đánh dấu vị trí, chụp ảnh trước khi di chuyển tử thi đến nơi khác. Nếu chưa xác định được nguyên nhân chết, phải trưng cầu giám định pháp y; lưu ý lực lượng khám nghiệm ghi nhận đầy đủ, xem xét kỹ lưỡng các dấu vết trên tử thi, kết hợp với hiện trường để làm rõ chết do vụ cháy gây ra hay là vụ án khác tạo hiện trưởng giả. Nếu chưa xác định được tung tích của tử thi thì thông báo công khai, lấy dấu vân tay, chụp ảnh, tạm giữ các đồ vật, giấy tờ liên quan phục vụ cho việc nhận dạng, xác định tung tích, lai lịch của tử thi.
Đề nghị ĐTV, lực lượng bảo vệ hiện trường cung cấp thông tin vụ việc, về tình hình hiện trường như thời điểm phát hiện cháy; người phát hiện việc cháy; các biện pháp đã can thiệp vào hiện trường là những biện pháp gì, có người dân xung quanh, hoặc các camera xung quanh có ghi lại thời điểm cháy hay không? Nắm bắt thông tin khác về hiện trường từ những người tham gia chữa cháy khi lực lượng cứu hỏa chưa tới để biết những việc họ đã làm, đã tác động vào hiện trường... nhằm xác định, làm rõ những nội dung ban đầu về hiện trường như: thời điểm phát hiện cháy, tốc độ bốc cháy, tốc độ lây lan, mức độ cháy? Ngọn lửa bắt nguồn từ chỗ nào? Bắt đầu như thế nào? Để phát hiện điểm bốc cháy, hướng lan cháy và tốc độ lan cháy... qua đó bước đầu nhận định nguyên nhân, diễn biến, tính chất của vụ cháy là do không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ các quy định về phòng cháy, chữa cháy hay do tình cờ hay cố ý?
Quá trình khám nghiệm, KSV phải phối hợp tốt với ĐTV, cùng nhau trao đổi, thảo luận phương pháp, cách thức tổ chức và tiến hành khám nghiệm sao cho đạt kết quả tốt nhất, trong đó lưu ý chỗ nào cháy nhiều nhất, chỗ nào dễ bắt cháy nhất. Có thể chứng minh được nguồn gốc cháy thông qua độ dày của lớp than ở các vật cháy, mức độ phá hủy, mảnh vụn kim loại hoặc thủy tinh bị cong hoặc chảy do tiếp xúc với lửa lâu hơn so với khu vực khác và lửa cháy hoặc sức nóng làm mờ sơn. Phải chú ý đến nhiều nguồn hoặc toàn bộ kết cấu.
KSV phải kiểm sát chặt chẽ việc ghi nhận, thu lượm, bảo quản dấu vết của lực lượng khám nghiệm, bảo đảm các dấu vết phải được ghi nhận, thu giữ, bảo quản đầy đủ, kịp thời, đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định, tránh bị mất mát, lẫn lộn, hư hỏng. Chú ý đa số hiện trường cháy đều bị ướt hoàn toàn nên khi phát hiện được phải ghi nhận, thu giữ mẫu vật rất nhanh để không mất dấu vết.
Biên bản khám nghiệm hiện trường phải được lập tại nơi khám nghiệm, thể hiện đầy đủ các loại dấu vết, đồ vật đã thu giữ, có đầy đủ chữ ký của người tiến hành, người tham gia việc khám nghiệm. Điều này rất quan trọng thực tế có những trường hợp ĐTV lập ngoài nơi khám nghiệm vì vậy tính khách quan của hoạt động khám nghiệm hiện trường do biên bản khám nghiệm, sơ đồ hiện trường không đảm bảo và vi phạm hoạt động tố tụng dẫn đến sai lệnh sự đúng đắn của việc giải quyết vụ án.
Đối với các tài liệu, vật chứng cần niêm phong thì phải yêu cầu niêm phong ngay tại hiện trường, có đầy đủ chữ ký, điểm chỉ của những người tham gia, đóng dấu của cơ quan chức năng tại biên bản niêm phong và giấy niêm phong nhằm bảo đảm tính nguyên vẹn của vật chứng.
Trong quá trình kiểm sát, nếu phát hiện hoạt động khám nghiệm chưa đầy đủ, có vi phạm, thiếu sót, KSV có quyền đề ra yêu cầu đối với lực lượng khám nghiệm, yêu cầu cụ thể, nêu rõ lý do phải thực hiện. Nếu có vi phạm thì phải chỉ rõ vi phạm gì, chỗ nào và phải khắc phục, sửa chữa ra sao, tránh nêu một cách chung chung.
Trưng cầu giám định
Khi giải quyết vụ án vi phạm quy định về vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy, việc trưng cầu giám định thường được tiến hành khi cần xác định nguyên nhân chết người, nghi ngờ đây là vụ giết người tạo hiện trường giả; hoặc phát hiện dấu vết bất thường, trái quy luật như tạo hiện trường cháy để che giấu một tội phạm khác, đòi bồi thường bảo hiểm và trốn tránh trách nhiệm dân sự… khi đó sẽ tiến hành trưng cầu giám định nguyên nhân chết của tử thi trong đám cháy, chết do hít phải khói hay chết trước khi cháy; giám định tỉ lệ thương tích, mức độ tổn hại cho sức khỏe của người bị hại; định giá tài sản bị thiệt hại; nguyên nhân cháy…
Kiểm sát chặt chẽ về hình thức và nội dung của quyết định trưng cầu giám định, xem xét kỹ các câu hỏi Cơ quan điều tra (CQĐT) đưa ra, bảo đảm rõ ràng, cụ thể, khả thi. Trong quyết định trưng cầu giám định cần ghi rõ thời hạn giám định theo đúng quy định tại Điều 208 BLTTHS năm 2015, như giám định nguyên nhân chết người, thì thời hạn giám định không quá 01 tháng.
Qua kiểm sát, nếu phát hiện quyết định trưng cầu giám định chưa đầy đủ hoặc không chính xác, KSV báo cáo lãnh đạo Viện để kiến nghị CQĐT sửa đổi, thay thế quyết định đã ban hành hoặc quyết định trưng cầu giám định bổ sung, bảo đảm việc giám định được đầy đủ, chính xác làm căn cứ cho việc giải quyết vụ án.
Thực nghiệm điều tra
Sau khi vụ cháy xảy ra, do phải kịp thời cứu chữa người bị thương nên hiện trường thường hay bị xáo trộn, tồn tại nhiều dấu vết khác nhau, do đó, KSV phối hợp với ĐTV xem xét, đánh giá hệ thống dấu vết, lấy lời khai người biết việc để tổ chức dựng lại hiện trường, thực nghiệm điều tra nhằm làm rõ nguyên nhân cháy, thời gian, địa điểm xảy ra vụ cháy...
Trường hợp xét thấy cần thiết mà CQĐT chưa tổ chức thực nghiệm điều tra, KSV kịp thời báo cáo, đề xuất lãnh đạo Viện dể ban hành văn bản yêu cầu CQĐT tiến hành thực nghiệm điều tra.
Trước khi trực tiếp kiểm sát việc thực nghiệm điều tra, KSV nghiên cứu hồ sơ vụ án, nội dung và kế hoạch thực nghiệm điều tra, xây dựng kế hoạch kiểm sát thực nghiệm điều tra, trao đổi trước với ĐTV về thành phần tiến hành, tham gia thực nghiệm điều tra; việc mời nhà chuyên môn tham gia, các tình tiết, sự việc, hiện tượng cần tiến hành thực nghiệm, các hoạt động thực nghiệm cụ thể phải tiến hành, phương pháp tiến hành và nhiệm vụ cụ thể của những người tham gia thực nghiệm; các đồ vật tài liệu, phương tiện cần sử dụng trong quá trình thực nghiệm điều tra...
KSV phải có mặt từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc việc thực nghiệm điều tra bảo đảm đúng quy định tại Điều 204 BLTTHS năm 2015. Trong thực tế, đã xảy ra một số trường hợp CQĐT vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong thực nghiệm điều tra, thành phần tham gia thực nghiệm không đúng, cách thức tiến hành thực nghiệm không khách quan, không giống với điều kiện thực tế diễn biến của sự việc. Quá trình kiểm sát việc thực nghiệm điều tra, nếu phát hiện có vấn đề chưa chính xác, chưa đầy đủ hoặc có vi phạm, KSV có thể đề ra yêu cầu đối với ĐTV và những người tham gia việc thực nghiệm. Khi đề ra các yêu cầu đối với ĐTV, KSV cần nêu rõ yêu cầu thực hiện vấn đề gì, vì sao phải thực hiện, không thực hiện thì ảnh hưởng thế nào đến kết quả thực nghiệm điều tra.
Trường hợp không trực tiếp kiểm sát việc thực nghiệm điều tra, thì ngay sau khi nhận được biên bản thực nghiệm điều tra do ĐTV chuyển đến, KSV kiểm sát chặt chẽ về hình thức và nội dung biên bản. Nghiên cứu để xác định các tình tiết, sự việc, hiện tượng nào đã được kiểm tra, xác minh và kết quả thế nào...
Trường hợp xét thấy việc thực nghiệm điều tra của ĐTV chưa đầy đủ, có vi phạm, KSV trao đổi để ĐTV khắc phục vi phạm, tiếp tục thực nghiệm điều tra hoặc báo cáo lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện để tự mình tiến hành thực nghiệm điều tra hoặc kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm.
Kế hoạch thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra
Để công tác thực hành quyền công tố (THQCT), kiểm sát giải quyết vụ án được đầy đủ, toàn diện, ngay sau khi được lãnh đạo Viện phân công, KSV cần kịp thời nghiên cứu hồ sơ, xây dựng kế hoạch THQCT, kiểm sát việc điều tra vụ án vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy; trong đó nêu rõ các vấn đề cụ thể cần phải điều tra và kiểm sát điều tra như: có hay không hành vi của người phạm tội không thực hiện đúng các quy định của Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy gây thiệt hại cho người khác (hành vi vi phạm này được xác định dựa vào quy định của Luật Phòng cháy và chữa cháy và văn bản hướng dẫn liên quan); có hay không hành vi không tổ chức các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy như: chuẩn bị các phương tiện phòng cháy chữa cháy như bình cứu hỏa… (như không chuẩn bị bình chữa cháy ở những nơi như trạm xăng dầu...); hậu quả xảy ra như thế nào?....Trong kế hoạch còn phải dự kiến về thành phần tham gia, cách thức, thời gian thực hiện và các vấn đề khác có liên quan. KSV chủ động thực hiện kế hoạch, báo cáo, đề xuất lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện để bổ sung, điều chỉnh kế hoạch khi cần thiết, bảo đảm việc thực hiện kế hoạch đúng hướng, sát thực tế, hiệu quả, đúng thời hạn.
Ban hành văn bản yêu cầu điều tra
KSV nghiên cứu các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án, đối chiếu với quy định tại Điều 85, 260, 441 BLTTHS năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành, từ đó xác định các vấn đề cần phải yêu cầu CQĐT tiến hành điều tra. KSV phân loại các vấn đề cần yêu cầu điều tra theo từng nhóm, như vấn đề chưa được làm rõ (nguyên nhân cháy, thời gian, vùng cháy đầu tiên, thiệt hại về tài sản, người phạm tội thực hiện hành vi lỗi vô ý vì cẩu thả hoặc vô ý vì quá tự tin hay là cố ý…), các tình tiết còn mâu thuẫn, những vi phạm về tố tụng (biên bản khám nghiệm hiện trường, biên bản niêm phong dấu vết, tài liệu chưa có đầy đủ chữ ký của những người tham gia…). Sau khi đã nghiên cứu hồ sơ và tổng hợp các vấn đề cần phải yêu cầu điều tra, KSV xây dựng văn bản yêu cầu điều tra. Văn bản yêu cầu điều tra phải đúng mẫu số 83/HS ban hành kèm theo Quyết định số 15/QĐ-VKSTC ngày 9/1/2018 của VKSND tối cao về mẫu văn bản tố tụng, văn bản nghiệp vụ thực hiện trong công tác THQCT, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố.
Về nội dung, yêu cầu điều tra cần nêu cụ thể các tình tiết chưa được làm rõ và các hoạt động phải thực hiện; các tình tiết mâu thuẫn và mâu thuẫn đó ở các tài liệu, chứng cứ nào; thủ tục tố tụng nào chưa thực hiện hoặc đã thực hiện nhưng chưa đầy đủ, có vi phạm, đồng thời vi phạm đó là gì, ở tài liệu, chứng cứ nào, cách khắc phục ra sao. Đặc biệt phải yêu cầu CQĐT làm rõ được nguyên nhân và điều kiện dẫn đến việc vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý triệt để, loại trừ những yếu tố nguy hiểm và những điều kiện không an toàn, giảm thiểu nguy cơ cháy và thiệt hại về người và tài sản...
KSV phải phối hợp chặt chẽ với ĐTV, thường xuyên trao đổi với nhau về tiến độ, chất lượng thực hiện bản yêu cầu điều tra, các khó khăn vướng mắc trong khi thực hiện, rồi cùng thống nhất biện pháp giải quyết. Nếu không giải quyết được thì KSV báo cáo lãnh đạo Viện để có ý kiến chỉ đạo kịp thời.
Hỏi cung, lấy lời khai người tham gia tố tụng
Hỏi cung bị can phải hỏi kỹ để làm rõ bị can vi phạm những quy định cụ thể nào của Luật Phòng cháy và chữa cháy và các văn bản có liên quan, hành vi của bị can, hậu quả, nguyên nhân của vụ cháy, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, đặc điểm nhân thân của bị can...
KSV kiểm sát nội dung câu hỏi mà ĐTV đưa ra khi hỏi cung, bảo đảm câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, đầy đủ. Việc đặt câu hỏi theo diễn biến của vụ án, chẳng hạn: trước khi xảy ra vụ cháy, bị can đang làm gì, ở đâu, khi làm việc bị can có bản vẽ thiết kế thi công, phương án thi công, phương án phòng cháy chữa cháy không? có chứng chỉ, am hiểu về công việc hiện tại hay không, tình trạng sức khỏe, tâm lý lúc làm việc như thế nào; có sử dụng rượu, bia, ma túy, chất kịch thích khác không; bị can đã xử lý thế nào khi nhìn thấy cháy, điểm cháy đầu tiên ở đâu, đã làm gì để khắc phục hậu quả...
Quá trình lấy lời khai thường xảy ra tình huống bị can khai báo đã chấp hành đúng quy định của Luật Phòng cháy và chữa cháy, hành vi của bị can không phạm tội mà thuộc sự kiện bất ngờ (như chập điện, nổ bình ga)... Thực tế có nhiều vụ cháy xảy ra chỉ để che dấu một tội phạm khác như giết người, trộm cắp tài sản…Vì vậy, trường hợp này, KSV phối hợp cùng ĐTV đánh giá, sử dụng các tài liệu, chứng cứ như kết quả khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, kết luận giám định, lời khai của người làm chứng để xác định sự thật khách quan của vụ án.
Lấy lời khai bị hại, đại diện của bị hại làm rõ trước khi xảy ra vụ cháy, họ có kiểm tra năng lực thi công và giấy phép hành nghề của các bị can hay không? Có tổ chức các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy như: chuẩn bị các phương tiện phòng cháy chữa cháy như bình cứu hỏa hay không? ai là người báo cháy, thời điểm phát hiện cháy, tốc độ bốc, tốc độ lan, mức độ cháy? ngọn lửa bắt nguồn từ chỗ nào? bắt đầu như thế nào? nguyên nhân cháy là gì? chỗ nào cháy nhiều nhất? bị thiệt hại về những gì? có hóa đơn chứng từ cũng như nguồn gốc xuất xứ của tài sản bị thiệt hại hay không? yêu cầu của bị hại về việc bồi thường và xử lý người phạm tội....
Xác định, lấy lời khai của người làm chứng về những tình tiết mà họ biết liên quan đến vụ việc như điều kiện thời tiết, vị trí hỏa hoạn từ nhiều điểm hay một điểm, hướng lan cháy và tốc độ lan cháy, vị trí của người làm chứng đến vị trí xảy ra vụ cháy,…
Các hoạt động điều tra khác
Quá trình giải quyết vụ án, KSV có thể đề nghị ĐTV áp dụng các biện pháp điều tra nhằm củng cố chứng cứ như ghi âm, ghi hình có âm thanh khi hỏi cung bị can, cho bị can viết bản tự khai, thực nghiệm điều tra, khám nghiệm hiện trường, nhận dạng, đối chất... để giải quyết các mâu thuẫn, xác định sự thật khách quan của vụ việc.
Trường hợp bị can kêu oan, khiếu nại hoạt động điều tra, lúc nhận tội, lúc chối tội, lời khai của bị hại, người làm chứng trước sau không thống nhất, việc điều tra có vi phạm pháp luật... KSV phải báo cáo lãnh đạo Viện, đề xuất trực tiếp tiến hành hỏi cung bị can, lấy lời khai, tiến hành đối chất giữa những người tham gia tố tụng khác để làm rõ bản chất vụ án./.