Chào mừng 30/4
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh

Giải pháp nâng cao hiệu quả thực hành quyền công tố trong giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm

Thứ tư - 06/12/2023 03:47 605 0
Thực hành quyền công tố trong việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm là nội dung hoàn toàn mới được quy định tại Điều 159 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, và cũng lần đầu tiên đã được khái quát hóa bằng văn bản luật, quy định rõ về trách nhiệm, thẩm quyền giải quyết và đề cao tính chủ động của Viện kiểm sát khi thực hiện các hoạt động trong giai đoạn đầu tiên của tố tụng hình sự. 
Có thể định nghĩa, Thực hành quyền công tố trong giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm là hoạt động thực hiện chức năng của Viện kiểm sát nhân dân trong giai đoạn giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, trong đó Viện kiểm sát nhân dân sử dụng những quyền năng luật định để thực hiện quyền buộc tội của Nhà nước đối với mọi hành vi phạm tội, người phạm tội, bảo đảm mọi hành vi phạm tội phải được phát hiện, khởi tố kịp thời, nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội, không để lọt tội phạm và người phạm tội; Không để người phạm tội nào bị khởi tố, bị bắt, tạm giữ, tạm giam, bị hạn chế quyền con người, quyền công dân trái luật.
Có thể đưa ra một số giải pháp nhằm sửa đổi bổ sung quy định pháp luật tố tụng hình sự, đồng thời đưa ra các biện pháp nâng cao nhận thức và hiệu quả áp dụng pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng nói chung và Viện kiểm sát nhân dân nói riêng trong giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm cụ thể như sau:

1. Giải pháp hoàn thiện pháp luật

Thứ nhất, đối với quy định về việc ra quyết định phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, để khắc phục quy định thiếu thống nhất giữa Điều 7 Quy chế 111 và Điều 10 Thông tư liên tịch số 01/2017, theo tôi, Viện kiểm sát nhân dân tối cao cần sửa đổi quy định tại Điều 7 Quy chế 111 cho phù hợp với Điều 10 Thông tư liên tịch số 01/2017 của liên ngành Trung ương.
Thứ hai, cần có hướng dẫn cụ thể những trường hợp có thể vận dụng quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 148 BLTTHS “cung cấp tài liệu, đồ vật quan trọng có ý nghĩa quyết định…” để làm căn cứ tạm đình chỉ giải quyết nguồn tin về tội phạm. Chẳng hạn trường hợp đã triệu tập nhưng chưa xác định được hoặc không biết rõ người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố đang ở đâu mà việc lấy lời khai của họ có ý nghĩa quyết định đối với việc khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự.
Thứ ba Ngành cấp trên cần khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Quy chế riêng hướng dẫn cụ thể về trách nhiệm, quy trình giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố trong ngành Kiểm sát nhân dân nhằm bảo đảm cho Viện kiểm sát các cấp, các Kiểm sát viên thực hiện có chất lượng, hiệu quả nhiệm vụ mới, cơ bản và quan trọng này. Ngoài ra, Viện kiểm sát nhân dân tối cao cần xây dựng nội dung, lên kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng trực tiếp giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố cho đội ngũ Kiểm sát viên.
Thứ tư, cần mở rộng phạm vi thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự, xây dựng cơ chế pháp lý phù hợp để bảo đảm thực chất vai trò quyết định của Viện kiểm sát trong khởi tố, điều tra vụ án hình sự. Bổ sung thẩm quyền khởi tố vụ án của Viện kiểm sát trong trường hợp Viện kiểm sát đã yêu cầu Cơ quan điều tra cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra khởi tố vụ án hình sự nhưng các cơ quan này không thực hiện. Như vậy, khoản 3 Điều 153 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 hoàn thiện theo hướng bổ sung thêm một điểm như sau: “Điều 153. Thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự 1... 3. Viện kiểm sát ra quyết định khởi tố vụ án hình sự trong trường hợp: a)…; b)…;c)… .d) Viện kiểm sát đã yêu cầu Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra khởi tố vụ án hình sự nhưng không thực hiện”. Việc mở rộng thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự là cần thiết, phản ánh đúng vị trí, vai trò của Viện kiểm sát trong Tố tụng hình sự. Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi trong thực tiễn thi hành thì Bộ luật tố tụng hình sự cần phải quy định thêm những cơ chế pháp lý hữu hiệu để Viện kiểm sát thực thi thẩm quyền của mình.

2. Giải pháp trong quản lý, chỉ đạo, điều hành


Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân địa phương phải có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng, đầy đủ theo yêu cầu công tác và phù hợp với năng lực, sở trường của từng cán bộ, Kiểm sát viên. Việc lãnh đạo, chỉ đạo phải sâu sát, trực tiếp (nghe báo cáo, trực tiếp nghiên cứu hồ sơ) để nắm được tình hình, diễn biến cũng những khó khăn, vướng mắc trong công tác để kịp thời chỉ đạo hoặc có biện pháp hỗ trợ. Việc báo cáo, đề xuất của Kiểm sát viên phải làm thành văn bản ghi rõ nội dung, quan điểm đề xuất; trường hợp Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân quyết định khác với ý kiến đề xuất thì Kiểm sát viên phải thực hiện theo chỉ đạo đồng thời bảo lưu ý kiến của mình. Bên cạnh việc xây dựng, triển khai thực hiện và kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị, Kế hoạch chương trình công tác hàng năm, thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin báo cáo và quản lý công tác trong toàn Ngành, Lãnh đạo Viện cần tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ, tăng cường thông báo rút kinh nghiệm trong công tác để phát hiện những tồn tại, thiếu sót, sai phạm trong công tác để kịp thời khắc phục, sửa chữa;
Lãnh đạo Viện kiểm sát địa phương cần duy trì việc tổ chức giao ban định kỳ hoặc đột xuất nhằm phân tích đánh giá những kết quả đạt được, giải quyết những tồn tại, vướng mắc trong công tác và đề ra biện pháp chấn chỉnh những tồn tại, yếu kém làm hạn chế đến chất lượng công tác để từ đó tổng kết rút kinh nghiệm trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành để nâng cao hiệu quả công tác.
Tích cực tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy đảng địa phương trong quan hệ phối hợp giữa các cơ quan tư pháp nói chung và quan hệ giữa Viện kiểm sát nhân dân với Cơ quan điều tra theo đúng tinh thần Chỉ thị 26-CT/TW, ngày 09/11/2018 của Bộ Chính trị “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc” Khi có khó khăn vướng mắc về đường lối xử lý, đề nghị cấp ủy Đảng cùng cấp chủ trì cuộc họp lãnh đạo liên ngành tư pháp để thống nhất giải quyết.

3. Giải pháp nâng cao trình độ năng lực của cán bộ, Kiểm sát viên

- Cập nhật, nghiên cứu các văn bản quy phạm pháp luật về công thực hành quyền công tố trong giải quyết nguồn tin về tội phạm; nắm chắc quy định của pháp luật tố tụng hình sự về quyền hạn, nhiệm vụ của Kiểm sát viên; Nghiên cứu các thông báo rút kinh nghiệm về công tác này. Trong công tác thực hành quyền công tố trong giải quyết nguồn tin về tội phạm, kiểm sát viên cần chủ động, trực tiếp lấy lời khai của các đối tượng, người tố giác, người làm chứng, bị hại,… ngay từ ban đầu; Lên kế hoạch xác minh tạo tiền đề để ban hành yêu cầu điều tra; Kiểm sát chặt chẽ, chủ động trao đổi, phối hợp với cơ quan điều tra trong quá thu thập chứng cứ đủ để xác định có hay không có dấu hiệu tội phạm.
- Kiểm sát viên thực hiện nghiêm túc, đầy đủ quy định của pháp luật cũng như quyết định phân công Kiểm sát viên kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm. Kiểm sát viên phải tác nghiệp một cách khẩn trương, bài bản, khoa học các thao tác nghiệp vụ như: khai thác triệt để ngay tức khắc những thông tin, tài liệu từ người cung cấp tố giác, tin báo về tội phạm, từ Điều tra viên chuyển giao hồ sơ tố giác, tin báo về tội phạm để kiểm sát, xây dựng hồ sơ kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo, đề ra yêu cầu kiểm tra, xác minh…làm tốt những việc này thì thời hạn giải quyết tố giác, tin báo sẽ đảm bảo để Viện kiểm sát quyết định xét phê chuẩn (khởi tố hay không khởi tố phải gắn với trách nhiệm của Viện kiểm sát trong phê chuẩn), hủy bỏ các quyết định tố tụng ở giai đoạn này và như vậy sẽ hạn chế tối đa tin báo, tố giác quá hạn giải quyết, đồng thời chất lượng Thực hành quyền công tố trong giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm sẽ được nâng lên.
Để chống bỏ lọt tội phạm ngay từ giai đoạn tố tụng này thì Viện kiểm sát phải mở rộng việc nắm nguồn tin. Muốn thực hiện được điều này ngoài việc phải nắm đầy đủ nguồn tin báo, tố giác từ Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thì Viện kiểm sát còn phải nắm tin báo tố giác về tội phạm ngay từ địa bàn phường, xã (do Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an nắm giữ) theo qui định tại khoản 3 Điều 146 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và Điều 44 Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015.

4. Giải pháp về đổi mới công tác tổ chức cán bộ, tăng cường cơ sở vật chất, điều kiện làm việc cho đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên

- Tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, ý thức tổ chức kỷ luật; rèn luyện đạo đức và lối sống đúng đắn, trong sạch cho cán bộ, Kiểm sát viên thông qua việc quán triệt và thực hiện tốt các văn kiện của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị; Quán triệt cho cán bộ, Kiểm sát viên thực hiện đúng và đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân trong công tác; nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức người cán bộ Kiểm sát và đặc biệt là những kiến thức pháp luật, các kỹ năng công tác thực hành quyền công tố trong giải quyết nguồn tin về tội phạm trong tình hình hiện nay để đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong giai đoạn hiện nay.
  • Bố trí đủ cán bộ, Kiểm sát viên tinh thần trách nhiệm, trình độ năng lực chuyên môn chuyên trách, ổn định làm công tác giải quyết các vụ án hình sự, đặc biệt là công tác thực hành quyền công tố trong giải quyết nguồn tin về tội phạm.
  • Thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ để nâng cao năng lực, trình độ, kỹ năng công tác, chú trọng nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ và các kiến thức bổ trợ khác như kỹ năng sử dụng các phương tiện, thiết bị hiện đại phục vụ cho hoạt động chuyên môn nghiệp vụ.
  • Lãnh đạo đơn vị cần quan tâm, tạo điều kiện, bố trí đủ số lượng, chất lượng Kiểm sát viên làm công tác thực hành quyền công tố trong giải quyết nguồn tin về tội phạm. Vụ tổ chức cán bộ phối hợp với Vụ nghiệp vụ thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các Viện kiểm sát nhân dân cấp cao rà soát lại chỉ tiêu biên chế, xây dựng cơ cấu cán bộ hợp lý cho từng đơn vị để có sự điều chỉnh phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao. Đồng thời, tham mưu cho Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong việc tuyển dụng, điều động công chức đến công tác tại các Viện kiểm sát nhân dân các cấp, ưu tiên điều động Kiểm sát viên có kinh nghiệm trong công tác thực hành quyền công tố trong giải quyết nguồn tin về tội phạm.
  • Ngoài ra, Viện kiểm sát nhân dân tối cao cần chú trọng tăng cường cơ sở vật chất, chế độ đãi ngộ và điều kiện làm việc của cán bộ, Kiểm sát viên.
5. Giải pháp tăng cường mối quan hệ phối hợp

Viện kiểm sát chủ trì tổ chức ký các Quy chế phối hợp với các ngành hữu quan, như: Quy chế phối hợp giữa Viện kiểm sát và cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; Quy chế phối hợp giữa Viện kiểm sát và Công an các xã, phường, thị trấn trong nắm, tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm; Quy chế phối hợp giữa Viện kiểm sát nhân dân và các cơ quan chức năng có liên quan, ngoài ra tùy từng đặc thù tình hình vi phạm pháp luật của địa phương, Viện kiểm sát chủ trì tổ chức ký Quy chế phối hợp với Cơ quan điều tra để giải quyết các tố giác, tin báo cụ thể như phối hợp tiếp nhận, giải quyết các vụ án cụ thể... những Quy chế phối hợp này sẽ là cơ sở tăng cường phối hợp, giải quyết những khó khăn, vướng mắc giữa các cơ quan tiến hành tố tụng.
Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân chủ động trao đổi với với Cơ quan điều tra về những vướng mắc, bất cập trong Quy chế phối hợp đã ký kết phát sinh trong quá trình phối hợp giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố để bổ sung, sửa đổi hoặc xây dựng mới quy chế cho phù hợp; tạo điều kiện thuận lợi để Điều tra viên, Kiểm sát viên làm tốt chức trách nhiệm vụ của mình.

Luôn quan tâm nâng cao nhận thức cho cán bộ, Kiểm sát viên về vị trí, vai trò của công tác phối hợp với các cơ quan, các ngành nói chung và quan hệ phối hợp giữa Viện  kiểm sát nhân dân và Cơ quan điều tra trong công tác đấu tranh phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm, để cán bộ, Kiểm sát viên có ý thức phối hợp. Trọng tâm công tác giáo dục nâng cao nhận thức về công tác phối hợp là Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 29/12/2017 quy định việc phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố (Sửa đổi, bổ sung năm 2021); Chỉ thị số 06/CT-VKSNDTC ngày 06/12/2013 và Chỉ thị số 05/CT-VKSTC ngày 27/4/2020 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân tối cao về Tăng cường trách nhiệm công tố trong giải quyết các vụ án hình sự, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm; Quy chế công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố ban hành kèm theo Quyết định số 111 /QĐ-VKSTC ngày 17/4/2020 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Tác giả bài viết: Nguyễn Quang Đạt

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyển đổi số
Hưởng ứng giải  Búa Liềm Vàng
Giải báo chí phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Công khai ngân sách
Mail công vụ
Thống Kê Truy Cập
  • Đang truy cập144
  • Hôm nay11,793
  • Tháng hiện tại330,071
  • Tổng lượt truy cập16,858,993
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây