Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh

Giải pháp thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ Kiểm sát: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”

Thứ năm - 24/02/2022 04:03 2.060 0
Vừa qua, Chi bộ 1 thuộc Đảng bộ cơ sở Viện KSND tỉnh đã tổ chức sinh hoạt chuyên đề quý I năm 2022 về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Nội dung chuyên đề về: Giải pháp thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ Kiểm sát: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”, trong đó bám sát Chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được Đảng ta xác định tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, là nội dung học tập, quán triệt toàn khóa, nhiệm kỳ 2020 – 2025, đó là: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” Chuyên đề năm 2022 theo Kế hoạch số 59-KH/TU ngày 22/12/2021 của Tỉnh ủy Gia Lai về: Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên gương mẫu, có đạo đức cách mạng trong sáng, đủ năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

I. Hoàn cảnh lịch sử và hiểu như thế nào về nội dung lời dạy của Bác đối với cán bộ Kiểm sát: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”
Về hoàn cảnh lịch sử: Sau khi xây dựng xong Dự thảo Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1960, đồng chí Hoàng Quốc Việt giao cho đồng chí Bùi Lâm và đồng chí Nguyễn Văn Ngọc lên báo cáo với Bác Hồ để xin Bác cho ý kiến. Theo đồng chí Bùi Lâm kể lại khi nghe trình bày về dự thảo Luật tổ chức đầu tiên của ngành Kiểm sát, Bác Hồ đã đồng ý trên nguyên tắc, Bác nói đại ý là: Với chức năng, nhiệm vụ như vậy các chú phải có biện pháp cụ thể để thực hiện cho được chức năng, nhiệm vụ đó; đó cũng là trọng trách mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho Viện kiểm sát nhân dân. Là cơ quan kiểm sát đi kiểm sát việc chấp hành pháp luật của người khác, ngành Kiểm sát hơn ai hết phải là những người gương mẫu chấp hành pháp luật. Chính vì vậy trong khi dặn dò đồng chí Bùi Lâm và đồng chí Nguyễn Văn Ngọc, Bác Hồ kính yêu đã dặn: Cán bộ kiểm sát phải “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”.

(ảnh minh họa)

Sau buổi làm việc với Bác Hồ ra về, đồng chí Bùi Lâm đã báo cáo lại với đồng chí Hoàng Quốc Việt về nội dung làm việc với Bác, mọi người rất phấn khởi. Đồng chí Hoàng Quốc Việt đã chỉ thị là phải đưa việc quán triệt thực hiện lời dạy của Bác Hồ vào nội dung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho Ngành và sau này Trường Kiểm sát (nay là Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội và Trường Đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ Kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh) đã lấy đó làm nội dung giảng dạy về đạo đức cán bộ Kiểm sát cho các thế hệ học viên và học sinh.
Bác Hồ dạy cán bộ Kiểm sát phải “Công minh”, nghĩa là trong công việc người cán bộ kiểm sát phải luôn công bằng và sáng suốt, phải luôn rõ ràng và minh bạch. Cái tâm của người cán bộ kiểm sát có trong sáng thì xem xét và quyết định mọi việc mới công bằng. Là người được giao “cầm cân nẩy mực” giữ gìn cán cân công lý, quyết không thể vì tiền tài, vật chất, vì lợi ích riêng tư mà bẻ cong cán cân công lý.
Bác Hồ dạy cán bộ Kiểm sát phải “Chính trực”, nghĩa là trong khi thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, người cán bộ kiểm sát phải có dũng khí đấu tranh bảo vệ công lý, bảo vệ pháp luật, phải luôn ngay thẳng trong mọi công việc. Người cán bộ Kiểm sát được giao một trọng trách rất lớn khi thực hiện công vụ, có liên quan đến nhiều người và nhiều mặt của đời sống xã hội; do đó thấy đúng phải kiên quyết bảo vệ, thấy sai, thấy vi phạm pháp luật và tội phạm phải kiên quyết đấu tranh, không vì bất cứ lý do nào mà làm sai pháp luật.
Bác Hồ dạy cán bộ Kiểm sát phải “Khách quan”, nghĩa là trong khi thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp phải xuất phát từ thực tế khách quan để xem xét đánh giá sự việc. Đối tượng tác động của hành vi thực hiện chức năng nhiệm vụ của người cán bộ Kiểm sát là những vấn đề rất cơ bản và quan trọng đối với con người, ảnh hưởng trực tiếp đến các quyền cơ bản nhất của con người được Hiến pháp và pháp luật quy định, do vậy người cán bộ Kiểm sát phải luôn khách quan, không được vì ý định chủ quan và không thể vì tiền tài, vật chất, vì lợi ích riêng tư mà thiên lệch trong công việc.
Bác Hồ dạy cán bộ Kiểm sát phải “Thận trọng” nghĩa là trong khi thực hiện chức năng nhiệm vụ, người cán bộ kiểm sát phải đắn đo, suy nghĩ, cẩn thận, không để sai sót trong mọi việc. Bởi vì sai sót trong việc thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp của người cán bộ kiểm sát cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến oan, sai. Tuy tỷ lệ oan sai do cán bộ Kiểm sát gây nên rất nhỏ so với tổng số các vụ việc oan sai nhưng cần phải được coi là nghiêm trọng vì không những đã xâm phạm đến quyền và lợi ích của người bị oan sai mà một số trường hợp còn gây hậu quả xấu, làm giảm niềm tin của nhân dân đối với các cơ quan pháp luật.     
Bác Hồ dạy cán bộ Kiểm sát phải “Khiêm tốn” là trong công việc và trong cuộc sống đời thường, người cán bộ kiểm sát phải tự đánh giá đúng mức bản thân, không tự mãn, tự kiêu, không cho mình là hơn người; có như vậy mới có điều kiện để cùng mọi người làm tròn nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Viện kiểm sát nhân dân là của nhân dân và vì nhân dân; do vậy Kiểm sát viên và cán bộ Kiểm sát phải xuất phát từ lợi ích của nhân dân, gần dân và điều quan trọng là phải đặc biệt quan tâm đến việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; phải luôn khiêm tốn, xứng đáng là công bộc tận tụy của dân.


II. Liên hệ lời dạy của Bác với việc thực hiện Phương châm công tác của ngành Kiểm sát nhân dân hiện nay là “Đoàn kết, đổi mới - Trách nhiệm, kỷ cương - Thực chất, hiệu quả”

Các Chỉ thị công tác của ngành Kiểm sát nhân dân từ năm 2019 đến nay đều xác định: Phương châm công tác của ngành Kiểm sát nhân dân hiện nay là “Đoàn kết, đổi mới – Trách nhiệm, kỷ cương – Thực chất, hiệu quả”. Đây là tư tưởng chỉ đạo hành động thống nhất trong toàn ngành Kiểm sát nhân dân nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân đã tin cậy giao phó cho Ngành, cụ thể là chức năng “Thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp”“nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất” theo quy định tại Điều 107 Hiến pháp năm 2013.
Để thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của Ngành theo Phương châm đã xác định nêu trên, có thể khẳng định yếu tố tiên quyết vừa là tiền đề, vừa là động lực đó là “yếu tố con người”, công tác cán bộ, phải là một “Khối đoàn kết”, thống nhất về ý chí, tư tưởng hành động, đồng thuận, quyết tâm cao, cùng có chung mục tiêu, phương hướng hành động và cùng chung một lợi ích duy nhất đó là “Phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân”, bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Lịch sử hơn 4.000 năm xây dựng và bảo vệ Đất nước đã chứng minh Đoàn kết thì thành công và đại đoàn kết thì sẽ đại thành công”, đó cũng là tư tưởng quý báu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã đúc kết: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Bởi lẽ đó “Đoàn kết” được ngành Kiểm sát nhân dân đặt lên hàng đầu và là tiền đề, là động lực trong xây dựng và phát triển ngành Kiểm sát nhân dân như Lời Bác dạy cán bộ Kiểm sát: “Công minh, Chính trực, Khách quan, Thận trọng, Khiêm tốn”.
Khi có “Con người tốt”, “Cán bộ tốt” nhưng không có sự đổi mới trong tư duy và hành động thì hiệu quả công việc sẽ không đạt yêu cầu thực tiễn hoặc có thể dẫn đến trì trệ, bảo thủ. Do vậy, “Đổi mới” ở đây chính là phương pháp, cách thức triển khai công việc, là sự vận động, phát triển của tự nhiên và xã hội, là sự tiến bộ và xu thế của thời đại. Đối với ngành Kiểm sát nhân dân trong sự nghiệp đổi mới đất nước và Công cuộc cải cách tư pháp hiện nay thì “Đổi mới” càng là yêu cầu cấp thiết. Điều này thể hiện ở đổi mới tư duy và đổi mới trong hành động. Cụ thể là tất cả các khâu nghiệp vụ trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp cần có sự đổi mới, sáng tạo về phương pháp và cách làm, nhạy bén về tư duy, tích cực ứng dụng các giải pháp, tiện ích của công nghệ tốt hơn để mang lại hiệu quả tối đa trong công tác, rút ngắn thời gian, tiết kiệm sức người, sức của, không những bảo đảm việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật mà đồng thời cần làm tốt công tác chống oan, sai và chống bỏ lọt tội phạm, người phạm tội. Bên cạnh đó, cũng cần có sự đổi mới, phương pháp mới, hiệu quả hơn trong công tác đào tạo cán bộ, để xây dựng đội ngũ cán bộ Kiểm sát đủ phẩm chất, năng lực và trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, gắn với Cuộc vận động xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên: “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”.
“Trách nhiệm, kỷ cương” được hiểu là tác phong, thái độ của “Người kiểm sát nhân dân” với công việc, với nhiệm vụ được giao, với lãnh đạo cấp trên, với đồng nghiệp ngang cấp, đồng nghiệp cấp dưới, đối với các cơ quan tư pháp, đối với các cơ quan hữu quan và đối với Nhân dân. Về cơ bản, “Trách nhiệm” của một Kiểm sát viên trước tiên phải theo quy định của pháp luật, cụ thể là quy định tại Khoản 1 Điều 83 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân: Khi thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, Kiểm sát viên tuân theo pháp luật và chịu sự chỉ đạo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân. Kiểm sát viên tuân theo pháp luật và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi, quyết định của mình trong việc thực hành quyền công tố, tranh tụng tại phiên tòa và kiểm sát hoạt động tư pháp”. Tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, chỉ tuân theo pháp luật, tuân thủ kỷ cương, kỷ luật nghiệp vụ, đạo đức công vụ, công chức, quy chế, quy định của Ngành, sẵn sàng đối mặt với hiểm nguy, gian khó và sẵn sàng nhận, chịu trách nhiệm, đối mặt với hậu quả (nếu có) để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của Ngành. Trách nhiệm của Kiểm sát viên là không vì lợi ích cá nhân, hay một nhóm lợi ích riêng lẻ mà là vì lợi ích chung của tập thể, của cơ quan, đơn vị và của Ngành; tựu trung lại là vì mục tiêu, mục đích cuối cùng là hoàn thành cho tốt chức năng, nhiệm vụ của Ngành được Đảng và Nhà nước giao phó và vì lợi ích, hạnh phúc của Nhân dân, lợi ích Quốc gia, Dân tộc Việt Nam.
“Thực chất, hiệu quả” được hiểu là cái cốt yếu, cái căn bản và là nội dung thực có và phải đi vào thực tiễn, có sản phẩm thiết thực, cụ thể, đo, đếm được và nhìn thấy được qua việc thực hiện chức năng “Thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp”. Điều này cho thấy sự chuyển biến mạnh mẽ của Ngành trong công tác những năm qua đã đạt được rất nhiều thành tựu quan trọng, được Đảng và Nhà nước ghi nhận, Nhân dân đồng tình, ủng hộ, nhất là trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, cuộc chiến chống tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng. Vai trò, trách nhiệm, uy tín của Ngành trước Đảng, với Nhân dân ngày càng được củng cố và không ngừng tăng cường chính bởi những kết quả mà ngành Kiểm sát nhân dân đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành trong suốt quá trình xây dựng và phát triển hơn 60 năm qua.
 Để góp phần “tô thắm” thêm trang sử vẻ vang của ngành Kiểm sát nhân dân, mỗi Kiểm sát viên, cán bộ, công chức, viên chức càng cần phải thấm nhuần, hiểu sâu sắc, cụ thể hóa “Phương châm” của Ngành thành hành động, việc làm thiết thực, với tinh thần trách nhiệm cao nhất, phấn đấu hoàn thành đạt và vượt 12 chỉ tiêu, nhiệm vụ theo yêu cầu của Quốc hội đã được xác định trong Nghị quyết số 96/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án. Tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm và người phạm tội. Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra; nâng cao chất lượng kiểm sát hoạt động tư pháp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

III. Giải pháp cụ thể gắn với công tác của công chức, người lao động các đơn vị Văn phòng tổng hợp và Phòng Tổ chức cán bộ Viện KSND tỉnh Gia Lai

- Đối với Phòng 15, cần tập trung tham mưu Lãnh đạo Viện KSND tỉnh chỉ đạo các giải pháp về xây dựng Ngành: Đáng chú ý là tại Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 27/12/2021 của Viện trưởng Viện KSND tối cao về công tác của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2022 tiếp tục khẳng định trong giai đoạn hiện nay, ngành Kiểm sát nhân dân phải kiên định mục tiêu, lý tưởng và xây dựng Ngành toàn diện theo lời dạy của Bác. Cụ thể là: Tập trung xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức, Kiểm sát viên, Điều tra viên với đầy đủ các phẩm chất: công minh, chính trực để bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, bảo vệ lẽ phải, nghiêm minh nhưng rất nhân văn; khách quan, thận trọng để không làm oan người vô tội, không để lọt tội phạm; khiêm tốn để có sức thuyết phục và được xã hội, nhân dân ủng hộ, giúp đỡ. Trong thực thi nhiệm vụ phải luôn có tinh thần thượng tôn pháp luật, có ý thức giữ gìn uy tín, hình ảnh của Ngành; dám bảo vệ cái đúng, đấu tranh với cái sai, có tinh thần vượt khó để hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và cấp trên giao.
Quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ phải gắn trách nhiệm của công chức, Kiểm sát viên, Điều tra viên với trách nhiệm của đảng viên và thực hiện nghiêm Quy định số 37-QĐ-TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm”.
         
- Đối với Văn phòng tổng hợp cần tập trung tham mưu Lãnh đạo Viện KSND tỉnh chỉ đạo các giải pháp về quản lý, chỉ đạo điều hành:
Cần xác định rõ công tác kiểm sát thực chất là nhiệm vụ chính trị; qua đó thực hiện tốt vai trò tham mưu, tranh thủ sự lãnh đạo của Đảng và chính quyền, nhất là công tác tổ chức, phân công nhiệm vụ, tăng cường phối hợp, có cơ chế chỉ đạo, giám sát, kiểm tra và báo cáo kết quả thực hiện. Kịp thời nắm bắt, đánh giá đúng thực trạng và nguyên nhân ưu điểm, khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp để đề ra các giải pháp khắc phục, gắn với công tác xây dựng Đảng, xây dựng Ngành, tránh tình trạng buông lỏng sự lãnh đạo của Đảng hoặc xa rời thực tiễn khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngành.

- Từng cán bộ, đảng viên, công chức, người lao động thực hiện tốt Bản kế hoạch cá nhân năm 2022 về đăng ký phấn đấu làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với việc thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW và các quy định của Trung ương, Tỉnh ủy về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Trọng tâm là Chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được Đảng ta xác định tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, là nội dung học tập, quán triệt toàn khóa, nhiệm kỳ 2020 – 2025, đó là: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”./.

Tác giả bài viết: Nguyễn Thành Duy

Tổng số điểm của bài viết là: 7 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 2.3 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyển đổi số
Hưởng ứng giải  Búa Liềm Vàng
Giải báo chí phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Công khai ngân sách
Mail công vụ
Thống Kê Truy Cập
  • Đang truy cập64
  • Hôm nay6,864
  • Tháng hiện tại140,794
  • Tổng lượt truy cập18,412,702
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây