Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh

Một số biện pháp nhận thức và vận dụng Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 trong giai đoạn hiện nay

Thứ năm - 08/12/2016 01:45 1.141 0
Bộ luật hình sự năm 1999 (được sửa đổi bổ sung năm 2009) và Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003 đã được áp dụng trong một thời gian bộc lộ một số hạn chế do sự phát triển của tình hình kinh tế - xã hội đất nước nên nhiều chế định không còn phù hợp với thực tiễn.
Vì vậy, Quốc Hội đã ban hành Bộ luật Hình sự và Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Tuy nhiên, do công tác chuẩn bị xây dựng Bộ luật Hình sự chưa tốt nên còn nhiều thiếu sót. Vì vậy, Quốc Hội đã phải lùi ngày có hiệu lực của Bộ Luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng Hình sự để khắc phục những thiếu sót của Bộ luật Hình sự năm 2015. Mặc dù vậy, Nghị quyết của Quốc Hội vẫn cho phép được vận dụng những quy định mới của hai Bộ luật nói trên nếu có lợi cho người thực hiện hành vi phạm tội. Do đó, về nguyên tắc chúng ta vẫn phải nghiên cứu tất cả các quy định của hai Bộ luật này để xác định những vấn đề có lợi cho người phạm tội để áp dụng trong điều kiện hai Bộ luật này vẫn chưa có hiệu lực pháp luật. Từ đó, cần có các giải pháp để nhận thức và vận dụng pháp luật về hình sự và tố tụng hình sự cho phù hợp nhằm tránh oan, sai và bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng của lãnh đạo và công chức ngành kiểm sát nhân dân.
 
Đây là lần đầu tiên xảy ra trường hợp các Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng Hình sự vừa được ban hành lại phải lùi thời gian có hiệu lực không có thời hạn nhất định và vẫn cho phép áp dụng những quy định có lợi của hai Bộ luật đối với người thực hiện hành vi phạm tội. Bên cạnh đó, Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 được xây dựng với rất nhiều các quy định mới, có thể nói là có sự thay đổi cơ bản về các chế định, của từng điều luật, việc nhận thức các quy định của hai Bộ luật này, nhất là các quy định có lợi cho người phạm tội, hiện có nhiều vấn đề chưa thống nhất cao. Vì vậy, việc tổ chức nghiên cứu, nhận thức và vận dụng không thể thực hiện như trước đây.

Ngay từ khi hai Bộ luật nói trên được Quốc Hội thông qua, chúng tôi đã tiến hành ngay công tác nghiên cứu học tập để nhận thức và vận dụng đúng đắn những nội dung mới của hai Bộ luật, thông qua các hình thức sau:

Một là, học tập nghiên cứu những thông tin cụ thể trên các phương tiện thông tin đại chúng, mà đặc biệt là trên báo chí. Các bài báo, bài viết trong Tạp chí Kiểm sát, Tạp chí Tòa án… phân tích về các nội dung mới của hai bộ luật đều được triển khai trong các buổi đọc báo vào các buổi sáng các ngày trong tuần.

Hai là, khi có các tài liệu tập huấn về hai Bộ luật của Viện Kiểm sát tối cao, đơn vị cũng tiến hành công tác phổ biến rộng rãi trong toàn đơn vị theo từng phần nhỏ, từng vấn đề một. Trên cơ sở đó, tiến hành thảo luận tập thể các vấn đề sẽ có vướng mắc hay cách thức vận dụng vào thực tiễn vấn đề đó sẽ như thể nào, có sự so sánh giữa luật mới và luật cũ, từ đó có sự nhận thức sâu hơn và sớm phát hiện các vướng mắc để khi cần thiết đề nghị cấp có thẩm quyền hướng dẫn, giải thích hoặc thỉnh thị ý kiến của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh khi có vụ việc cụ thể.

Ba là, yêu cầu tất cả cán bộ công chức làm nghiệp vụ kiểm sát tham dự và quán triệt đầy đủ các nội dung tập huấn của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh. Quán triệt đầy đủ các Nghị quyết của Quốc Hội về thi hành hai Bộ luật.

Bốn là, nghiên cứu thêm các Nghị quyết của Quốc Hội, của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, các Thông tư liên tịch hướng dẫn áp dụng các lần sửa đổi, bổ sung của hai bộ luật Hình sự và Tố tụng Hình sự trước đây như Nghị quyết 32/1999/NQ-QH 10 ngày 21/12/1999, Nghị quyết 33/2009/NQ-QH 12 ngày 19/6/2009 của Quốc Hội các Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TANDTC, Thông tư liên tịch của liên ngành tư pháp Trung ương hướng dẫn áp dụng các quy định mới của Bộ luật Hình sự, đặc biệt là Thông tư liên tịch số 01/2000/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP-BCA ngày 12/6/2000… trên cơ sở đó để có sự tư duy đúng đắn hơn trong nhận thức và vận dụng các quy định có lợi cho người phạm tội.

Năm là, thông qua Cuộc thi “Chúng tôi là Kiểm sát viên”: Khi có chủ trương tổ chức cuộc thi nay, lãnh đạo đơn vị đã quán triệt đầy đủ ý nghĩa và tầm quan trong cũng như các lợi ích mang lại khi tham gia cuộc thi đó là có động lực và được học tập nâng cao nhận thức của từng người về hai Bộ luật mới. Từ đó yêu cầu tất cả công chức làm nghiệp vụ kiểm sát từ Lãnh đạo đến các chuyên viên đều phải học tập, nghiên cứu để chuẩn bị tham dự thi, khi có yêu cầu đăng ký của Ban Tổ chức mới lựa chọn những người tham gia dự thi. Vì vậy, đã tạo động lực để tất cả cán bộ, công chức đều tham gia học tập, nghiên cứu. Khi lựa chọn cán bộ đi thi, chúng tôi chú trọng chọn các cán bộ, Kiểm sát viên còn trẻ để các đồng chí này, thông qua cuộc thi, có cơ hội học tập nâng cao trình độ pháp luật và kỹ năng công tác kiểm sát, sau này phục vụ hiệu quả cho công tác chuyên môn của đơn vị. Khi có Bộ đề thi, Lãnh đạo đơn vị đã tổ chức nghiên cứu giải quyết, các câu hỏi có vướng mắc đều được đưa ra thảo luận tập thể, trên cơ sở các ý kiến phân tích, đồng chí Viện trưởng quyết định về đáp án.

Sáu là, trong công tác vận dụng những quy định có lợi của hai Bộ luật theo quy định của Nghị quyết của Quốc Hội và của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, một mặt phải nghiên cứu kỹ các Nghị quyết, mặt khác thường xuyên báo cáo xin sự hướng dẫn của các phòng nghiệp vụ và lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh. Để tránh những sai sót có thể xảy ra khi vận dụng, Viện trưởng Viện KSND huyện Chư Pah yêu cầu tất cả các Báo cáo giải quyết án hình sự (Đặc biệt là báo cáo phê chuẩn khởi tố bị can và tạm giam bị can, báo cáo đường lối xét xử các vụ án hình sự) đều bổ sung thêm mục mới đó là phần “So sánh giữa Bộ luật Hình sự 1999 và Bộ luật Hình sự năm 2015, so sánh giữa Bộ luật Tố tụng năm 2003 và Bộ luật Tố tụng năm 2015” trong vụ án cụ thể đó có những vấn đề nào có lợi cho người phạm tội cần được áp dụng không. Yêu cầu như vậy nhằm buộc cán bộ, Kiểm sát viên khi nghiên cứu báo cáo đều phải kiểm tra đối chiếu những quy định có lợi cho người phạm tội, mặt khác lãnh đạo khi duyệt báo cáo cũng phải kiểm tra lại vấn đề này một lần nữa để vận dụng tránh làm oan, sai.

Bảy là, Lãnh đạo đơn vị thường xuyên, liên tục nhắc nhở, đôn đốc và kiểm tra việc nghiên cứu vận dụng những vấn đề có lợi cho người phạm tội. Từ đó tạo thành thói quen trong tư duy nghiên cứu giải quyết các vụ án hình sự của lãnh đạo, cán bộ, Kiểm sát viên.

Qua triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp trọng tâm nêu trên đã tạo được sự nhận thức đầy đủ đúng đắn các quy định mới của Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015; từ đó nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ kiểm sát cho Lãnh đạo, cán bộ, Kiểm sát viên phát huy được năng lực và kích thích sự cố gắng làm việc của cán bộ, kiểm sát viên; tránh để xảy ra oan, sai trong giải quyết các vụ án hình sự, bảo đảm quyền con người trong tố tụng hình sự và cuối cùng là hoàn thành tốt chức năng nhiệm vụ của ngành, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị ở địa phương. 


Tác giả bài viết: Lê Trung Dũng

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyển đổi số
Hưởng ứng giải  Búa Liềm Vàng
Giải báo chí phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Công khai ngân sách
Mail công vụ
Thống Kê Truy Cập
  • Đang truy cập44
  • Hôm nay6,558
  • Tháng hiện tại707,998
  • Tổng lượt truy cập16,402,764
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây