Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh

Nhớ về Bác trong ngày tết Độc Lập

Thứ sáu - 27/08/2021 05:24 26.360 0
Ngày Quốc khánh Việt Nam là ngày lễ chính thức của Việt Nam, diễn ra vào ngày 2 tháng 9 hằng năm, kỷ niệm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Hôm nay sáng mồng Hai tháng Chín
Thủ đô hoa vàng nắng Ba Đình
Muôn triệu tim chờ, chim cũng nín
Bỗng vang lên tiếng hát ân tình
Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh!!!
Người đứng trên đài lặng phút giây
Trông đàn con đó vẫy hai tay
Cao cao vầng trán ngời đôi mắt
Độc lập bây giờ mới thấy đây.
Trích: “ Sáng mồng Hai tháng Chín” – Tố Hữu

Ngày Quốc khánh Việt Nam là ngày lễ chính thức của Việt Nam, diễn ra vào ngày 2 tháng 9 hằng năm, kỷ niệm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Mỗi năm đến ngày này, trong trái tim mỗi người Việt Nam lại bùng lên những cảm xúc thiêng liêng và xúc động, cả nước ta lại chung lòng tưởng nhớ tới Bác Hồ - vị cha già kính yêu của dân tộc Việt Nam.
Sau khi Hà Nội và miền Bắc khởi nghĩa thắng lợi, ngày 25 tháng 8, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ chiến khu trở về ngoại thành Hà Nội. Chiều hôm sau, Đoàn Trung ương đón Người về ở căn gác 2, nhà số 48, phố Hàng Ngang, Hà Nội để trực tiếp chỉ đạo phong trào. Người đã chủ tọa phiên họp của Thường vụ Trung ương Đảng bàn về công tác đối nội, đối ngoại, và đưa ra quyết định về việc khẩn trương tổ chức lễ ra mắt chính phủ lâm thời.
Từ sáng sớm lễ Quốc khánh ngày mùng 2/9, hàng chục vạn người hàng ngũ chỉnh tề, cờ hoa khoe sắc, áo quần tươi màu đỏ thắm đã dồn về quảng trường Ba Đình, Hà Nội. Những biểu ngữ nền đỏ chữ vàng bằng các thứ tiếng Việt, Anh, Pháp, Hoa, Nga chăng ngang đường phố.
Hào hứng ý chí của nhân dân được biểu lộ trên các dòng chữ: “Nước Việt Nam là của người Việt Nam”, “Độc lập hay là chết”, “ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Lễ đài bằng gỗ đơn sơ được dựng lên giữa quảng trường Ba Đình uy nghiêm, đội tự vệ vũ trang cùng đơn vị Quân Giải phóng đầu đội mũ ca lô, quân phục nghiêm trang, chỉnh tề, hàng ngũ thẳng tắp đứng trước lễ đài. Những chiến sĩ cách mạng đã từng anh dũng chiến đấu ở Bắc Sơn, Võ Nhai, lập nên các chiến công Nà Ngần, Phai Khắt, giờ đây vẫn nắm chắc tay súng, một lòng hướng tâm bảo vệ nền Độc lập mới ra đời. Hơn 50 vạn người đại diện cho mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội trong nhân dân, ai ai cũng nét mặt hân hoan phấn khởi chờ đón giờ khai sinh của chế độ mới- chế độ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
 
Hình ảnh ngày 2/9/1945 (Ảnh tư liệu)

Đúng vào lúc 14 giờ ngày 2/9/1945, Hồ Chủ tịch và các vị trong Chính phủ lâm thời ra lễ đài. Bản nhạc Tiến quân ca hùng tráng vang lên, mọi ánh mắt đều hướng về lá cờ đỏ sao vàng đang từ từ kéo lên. Hàng chục vạn bàn tay nắm chặt giơ lên ngang tai, biểu thị lòng quyết tâm và ý chí sắt đá, kính chào lá cờ vinh quang của Tổ quốc. Người đến bên micrô cất lên tiếng nói phấn khởi và nhận được những tràng vỗ tay không ngớt. Thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam mới, Người đọc bản Tuyên ngôn độc lập lịch sử trịnh trọng tuyên bố với toàn thể nhân dân Việt Nam, với thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà độc lập, tự do ra đời! Giọng Người vang rõ, chắc chắn và luôn nhận được những tràng vỗ tay hoan nghênh. Giữa những tiếng vỗ tay, tiếng hoan hô nhiệt liệt, Chủ tịch nói: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”. Câu hỏi giản đơn này làm tiêu tan tất cả những cái gì còn xa cách giữa Chủ tịch nước và nhân dân, làm thành một mối tình thắm thiết kết chặt lãnh tụ và quần chúng. Trả lời câu hỏi của Người, hàng triệu tiếng đáp đồng thanh, hô lớn “Có”, vang dội như một tiếng sấm...
Ngày 2/9/1945 đã mở ra một kỷ nguyên mới, lần đầu tiên người dân Việt Nam có quyền ngẩng cao đầu, tự hào mình đã trở thành công dân của một nước tự do và độc lập. Cũng với ngày 2/9, nhiều dân tộc bị áp bức trên thế giới đã nhìn thấy con đường mà  dân tộc mình có thể lựa chọn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Và cũng bắt đầu từ ngày 2/9, người dân Việt Nam bắt đầu một cuộc sống mới. Phấn khởi và tự hào, tất cả mọi công dân Việt Nam bắt tay vào sự nghiệp đấu tranh đầy gian khổ hy sinh, không tiếc của cải và cả xương máu của mình, vừa kháng chiến vừa kiến quốc. Đối với nhân dân Việt Nam, ngày 2/9 là một ngày vừa long trọng, vừa vẻ vang, vừa sung sướng.
Lịch sử nước ta đã chứng kiến một sự trùng hợp thật diệu kỳ. Sáng ngày mồng 2/9/1696, bầu trời u ám, buồn bã như thấu lòng người. Các đồng chí trong Bộ Chính trị đều tới thăm Bác đông đủ. Trong ngôi nhà 67, Bác nằm trên chiếc giường nhỏ đơn sơ, thiếp đi. Đồng hồ chỉ 9 giờ 47 phút,
trái tim nhân ái bao la, vĩ đại của Bác ngừng đập. Vĩnh biệt chúng ta, Bác đã đi vào cõi vĩnh hằng đã để lại cho Đảng ta, nhân dân ta một bản Di chúc lịch sử. Đó là những lời căn dặn cuối cùng, là tình cảm và niềm tin của Người đối với các thế hệ hôm nay và mai sau.


Những giây phút cuối bên Bác  ( Ảnh tư liệu)
Trung ương Đảng và Chính phủ quyết định để tang Chủ tịch Hồ Chí Minh 7 ngày trong cả nước (từ ngày 4 - 10/9/1969) và tổ chức lễ tang theo nghi thức cao nhất của Nhà nước. Lễ viếng Người được cử hành trọng thể từ 6/9/1969 tại Hội trường Ba Đình. Trong những ngày ấy, từng đoàn người từ khắp muôn nơi xếp hàng với nét mặt đau thương vô hạn vào  kính viếng Hồ Chủ tịch. Trong 7 ngày đã có hơn 20 vạn người đến viếng thăm, phúng điếu và chịu tang Người.
Hình ảnh trong lễ tang của Bác (Ảnh tư liệu)
Tại Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 09-9-1969, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lê Duẩn đọc Điếu văn của Đảng Lao động Việt Nam và công bố Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “…Tôi để lại muôn vàn tình thương yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng. Tôi cũng gửi lời chào thân ái đến các đồng chí, các bầu bạn và các cháu thanh thiếu niên, nhi đồng quốc tế. Điều mong muốn cuối cùng của tôi là:Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.
Từ sự trùng hợp lịch sử đó, hằng năm, nhân dân ta cứ đến ngày 2/9 lại vừa tổ chức kỷ niệm ngày Quốc khánh (ngày Tết Độc lập) và ngày giỗ Bác Hồ. Bởi đồng bào nói: “Bác như cha mẹ mình, bây giờ Bác mất, là con cháu phải lo thờ cúng cho tròn đạo nghĩa”. Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2013, chương 1, điều 13, mục 4 khẳng định: “Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là ngày Tuyên ngôn độc lập 2 tháng 9 năm 1945”. Ngày Quốc khánh Việt Nam là ngày lễ lớn của Việt Nam, diễn ra vào ngày 2 tháng 9 hằng năm, kỷ niệm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Ngày Quốc khánh mùng 2/9 là dịp để bất cứ người dân Việt Nam nào, đồng bào cả nước cũng như bào kiều ở nước ngoài cùng hướng về tổ quốc. Cùng nhau tưởng nhớ những người anh hùng đã hy sinh bất khuất, cùng tưởng nhớ và biết ơn vĩ nhân Hồ Chí Minh- người anh hùng dân tộc. Là dịp để các thế hệ sau cùng nhau nhìn lại chặng đường gian khổ và hào hùng của dân tộc, trau dồi lòng yêu nước, cống hiến cho dân tộc.
Những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 đã trở thành sức mạnh to lớn của toàn dân tộc Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thực hiện lời thề thiêng liêng trong ngày Lễ độc lập: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Với tinh thần đó mà cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong suốt hơn 70 năm qua.
Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân ta đã và đang tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới toàn diện trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực sẽ còn nhiều diễn biến rất phức tạp, tác động trực tiếp đến nước ta, tạo ra cả thời cơ và thách thức. Để tận dụng, phát huy tốt nhất thời cơ, thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức, chúng ta cần đoàn kết một lòng với quyết tâm cao, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, nâng cao đời sống của nhân dân. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Kỷ niệm 76 năm Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2021) và Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2021), toàn Đảng, toàn dân, toàn quân càng tiếp tục thấm nhuần và phát huy khối đại đoàn kết dân tộc với tinh thần: "Dễ trăm lần không dân cũng chịu; Khó vạn lần dân liệu cũng xong". Giá trị này vẫn giữ nguyên tính thời sự trong thời kỳ cả nước đang đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, nhất là khi cả nước tập trung phòng, chống dịch bệnh Covid 19.

Tác giả bài viết: Mạc Thị Thu Thủy

Tổng số điểm của bài viết là: 23 trong 7 đánh giá

Xếp hạng: 3.3 - 7 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyển đổi số
Hưởng ứng giải  Búa Liềm Vàng
Giải báo chí phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Công khai ngân sách
Mail công vụ
Thống Kê Truy Cập
  • Đang truy cập53
  • Hôm nay12,426
  • Tháng hiện tại803,085
  • Tổng lượt truy cập16,497,851
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây