Chào mừng 30/4
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh

Học tập phong cách làm việc khoa học qua mẩu chuyện “Thời gian quý báu lắm”

Thứ ba - 06/07/2021 05:26 6.814 0
131 mùa xuân đã đi qua kể từ ngày Bác đi xa, nhưng tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người vẫn còn sống mãi với non sông Việt Nam. Học tập và làm theo Bác đã trở thành việc làm thường xuyên, liên tục của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong đó, học tập phong cách làm việc của Người đã tạo những chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, phục vụ nhân dân nói chung và cán bộ ngành kiểm sát nói riêng. Học tập Bác Hồ không chỉ về các phẩm chất, chuẩn mực đạo đức mà còn cả các hành vi, việc làm, phong cách lãnh đạo và sinh hoạt của Bác, nổi bật là tác phong làm việc tranh thủ thời gian từng giờ, từng phút để giải quyết hiệu quả một khối lượng công việc đồ sộ, phức tạp trên cương vị một người lãnh đạo đất nước và phân bổ thời gian hợp lý, khoa học đã giúp Người tiết kiệm được nhiều thời gian. Người thường nhắc cán bộ, đảng viên phải luôn luôn biết quý trọng thời gian, phải làm việc đúng giờ và không nên lãng phí thời gian, có thể thấy có rất nhiều mẫu chuyện của việc xem trọng thời gian của Người nếu đặt trong xã hội ngày nay chưa bao giờ “lạc hậu”. Ngược lại, đó là những bài học vô cùng đắt giá, đáng để mỗi người chúng ta học hỏi và noi theo và câu chuyện “Thời gian quý báu lắm” là một trong những cách thể hiện phong cách làm việc khoa học đó của Bác:
Người làm việc trong hang đá ở Việt Bắc năm 1951. (nguồn internet)
Năm 1945, mở đầu bài nói chuyện tại Lễ tốt nghiệp khoá V Trường huấn luyện Cán bộ Việt Nam, Người thẳng thắn góp ý: “Trong giấy mời tới đây nói 8 giờ bắt đầu, bây giờ 8 giờ 10 phút rồi mà nhiều người chưa đến. Tôi khuyên anh em phải làm việc cho đúng giờ, vì thời gian quý báu lắm”.
Trong kháng chiến chống Pháp, một đồng chí cấp Tướng đến làm việc với Bác sai hẹn mất 15 phút, tất nhiên là có lý do: mưa to, suối lũ, ngựa không qua được. Bác bảo với người tướng trên rằng: “Chú làm Tướng mà chậm đi mất 15 phút thì bộ đội của chú sẽ hiệp đồng sai đi bao nhiêu?. Hôm nay chú đã chủ quan, không chuẩn bị đầy đủ các phương án, nên chú đã không giành được chủ động.”
Một lần khác, Bác và đồng bào phải đợi một đồng chí cán bộ đến để bắt đầu cuộc họp. Bác hỏi: “Chú đến chậm mấy phút?Thưa Bác, chậm mất 10 phút ạ!
Chú tính thế không đúng, 10 phút của chú phải nhân với 500 người đợi ở đây”.

Bác quý thời gian của mình bao nhiêu thì cũng quý thời gian của người khác bấy nhiêu, vì vậy thường không bao giờ để bất cứ ai phải đợi mình.

Năm 1953, Bác quyết định đến thăm lớp chỉnh huấn của anh chị em trí thức, lúc đó đang bước vào cuộc đấu tranh tư tưởng gay go. Tin vui đến làm náo nức cả lớp học, mọi người hồi hộp chờ đợi. Bỗng chuyển trời đột ngột, mây đen ùn ùn kéo tới, rồi một cơn mưa dồn dập, xối xả, tối đất, tối trời, hai ba tiếng đồng hồ không dứt. Ai cũng xuýt xoa, tiếc rẻ: mưa thế này, Bác đến sao được nữa, trời hại quá.
Giữa lúc trời đang trút nước, lòng người đang thất vọng, thì từ ngoài hiên lớp học có tiếng rì rào, rồi bật lên thành tiếng reo át cả tiếng mưa ngàn, suối lũ: Bác đến rồi, anh em ơi! Bác đến rồi!Trong chiếc áo mưa ướt sũng nước, quần sắn đến quá đầu gối, đầu đội nón, Bác hiện ra giữa niềm ngạc nhiên, hân hoan và sung sướng của tất cả mọi người. Về sau, anh em được biết: giữa lúc Bác chuẩn bị đến thăm lớp thì trời đổ mưa to. Các đồng chí làm việc bên cạnh Bác đề nghị Bác cho báo hoãn đến một buổi khác. Có đồng chí đề nghị tập trung lớp học ở một địa điểm gần nơi ở của Bác...Nhưng Bác không đồng ý: “Đã hẹn thì phải đến, đến cho đúng giờ, đợi trời tạnh thì biết đến khi nào? Thà chỉ một mình Bác và một vài chú nữa chịu ướt còn hơn để cho cả lớp học phải chờ uổng công!”.

Các câu chuyện như một cảnh trong bộ phim tư liệu về một bài học triết lý sâu sắc về sử dụng hiệu quả quỹ thời gian, luôn làm việc đúng giờ. Và càng quý thời gian của mình bao nhiêu, Bác càng quý thời gian của người khác bấy nhiêu.
Hồ Chủ tịch trong phòng làm việc của Người ở căn cứ Việt Bắc. (nguồn internet)
Qua mẫu chuyện kể trên về Bác, mỗi cán bộ công chức nói chung và cán bộ công chức Ngành kiểm sát nói riêng với vai trò và trọng trách mà Đảng và Nhà nước giao phó thì phải luôn ghi nhớ và học tập phong cách làm việc đúng giờ của Bác, phải biết quý trọng thời gian trong công việc, phải luôn chủ động trong công việc, không trì hoãn, chay ì, trễ nãi làm ảnh hưởng đến công việc của bản thân và tập thể, phải phấn đấu cải cách lề lối làm việc ngày càng một khoa học hơn, cố gắng rút ngắn thời gian xử lý công việc để tiết kiệm thời gian, giảm bớt chi phí; trong công tác không nên dùng thời gian vào những công việc riêng của bản thân.
Nói về việc tiết kiệm thời gian, Bác dạy: “Ai mang vàng vứt đi là người điên rồ. Ai mang thời giờ vứt đi là người ngu dại”, “Từ Chủ tịch Chính phủ cho đến người chạy giấy, người quét dọn trong một cơ quan nhỏ, đều là những người ăn lương của dân, làm việc cho dân… làm việc phải đến đúng giờ, chớ đến trễ về sớm… Phải nhớ rằng: Dân đã lấy tiền mồ hôi nước mắt để trả lương cho ta trong những giờ đó. Ai lười biếng tức là lừa gạt dân”.
Thời gian là vô giá, là thứ không thể lấy lại hay mua được. Học tập Bác trong việc sử dụng hợp lý, tiết kiệm thời gian của mỗi cán bộ kiểm sát sẽ giúp công việc trôi chảy, nhanh chóng và góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ. Cải cách hành chính, qua đó xây dựng hình ảnh người cán bộ kiểm sát có năng lực, phẩm chất đạo đức trong tình hình mới để trở thành chỗ dựa tin cậy của nhân dân trong bảo vệ công lý./.

Tác giả bài viết: Lê Xuân Quang

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyển đổi số
Hưởng ứng giải  Búa Liềm Vàng
Giải báo chí phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Công khai ngân sách
Mail công vụ
Thống Kê Truy Cập
  • Đang truy cập240
  • Hôm nay33,976
  • Tháng hiện tại174,086
  • Tổng lượt truy cập16,703,008
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây